Tổng quan về các danh mục, chỉ mục, cơ sở dữ liệu khoa học

Sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ cũng như sự bùng nổ của thời đại truyền thông điện tử dẫn đến sự phát triển của nhiều cơ sở dữ liệu khoa học, hệ thống xếp hạng tạp chí trong và ngoài nước đang được các tạp chí khoa học quan tâm và mong muốn tham gia như Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư nhà nước (trong nước), hệ thống chỉ mục ACI (trong khu vực), và cơ sở dữ liệu PubMed, Scopus, Web of Science, và Google Scholar.... (trên toàn cầu).

Cơ sở dữ liệu Tạp chí khoa học Việt Nam - Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư nhà nước

Cơ sở dữ liệu Tạp chí khoa học Việt Nam là cơ sở dữ liệu lớn nhất Việt Nam về các tạp chí khoa học trong cả nước. Các tạp chí tham gia chỉ mục tại Cơ sở dữ liệu Tạp chí khoa học Việt Nam đều sẽ được lấy làm căn cứ phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm phục vụ công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo dư hàng năm do Hội đồng giáo sư nhà nước đề nghị. Các tạp chí tham gia Cơ sở dữ liệu sẽ được rà soát, đánh giá định kỳ 2 lần/năm theo các lĩnh vực đã đăng ký tại 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Việc được phê duyệt vào Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư nhà nước không chỉ thu hút được đông đảo đội ngũ các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học tham gia cộng tác viết và gửi những công trình nghiên cứu có chất lượng nội dung, hàm lượng khoa học mà còn khẳng định vị trí, uy tin, và là minh chứng cho nỗ lực cải tiến, đổi mới và sáng tạo, từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. (Tham khảo hướng dẫn tham gia Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư nhà nước).

Hệ thống chỉ mục ACI (ASEAN citation index)

Trong khu vực Đông Nam Á, hệ thống chỉ mục ACI (ASEAN citation index) được xem là cầu nối cho các tạp chí thuộc các danh mục, cơ sở dữ liệu tại 10 nước khu vực Đông Nam Á tham gia vào những hệ thống xếp hạng, cơ sở dữ liệu nổi tiếng trên thế giới như Pubmed, Scopus của Elsevier, Web of Science (WoS) của Clarivate.

Được thành lập năm 2011, ACI hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở dữ liệu toàn diện các bài báo khoa học của các nước khu vực Đông Nam Á, giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng tìm kiếm, truy cập và đánh giá chất lượng của các bài báo này. Bên cạnh đó, ACI cũng đặt mục tiêu cung cấp thông tin thống kê về các bài báo khoa học để đánh giá chất lượng các bài báo, nâng cao chất lượng, uy tín, vị thế của các tạp chí tham gia chỉ mục nhằm kết nối với các nhà nghiên cứu trên thế giới.
Hiện tại, ACI có hơn 600 tạp chí tham gia chỉ mục. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá lại tạp chí công bố 25/7/2023, chỉ có 405 tạp chí đạt tiêu chuẩn. Các tạp chí không đạt tiêu chuẩn sẽ bị tạm dừng lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu ACI cho đến khi hoàn thiện tạp chí theo các tiêu chuẩn mới của ACI. (Tham khảo các tiêu chí để tham gia vào hệ thống chỉ mục ACI bản cập nhật năm 2023).

Cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier (https://www.scopus.com/)


Scopus, thành lập từ năm 2004, là cơ sở dữ liệu đa ngành với các trích dẫn và tóm tắt các ấn phẩm khoa học được đánh giá ngang hàng và được tuyển chọn, quản lý bởi Elsevier (Hà Lan). Cơ sở dữ liệu Scopus được chia thành 17 lĩnh vực với đa dạng các nguồn bao gồm các loại ấn phẩm xuất bản nhiều kỳ có ISSN như tạp chí, seri sách, seri kỷ yếu và các ấn phẩm xuất bản 1 lần có chỉ số ISBN như sách, hội nghị tổ chức 1 lần, ngoài ra còn có các nguồn khác như bằng sáng kiến sáng chế từ 5 văn phòng cấp bằng sáng kiến sáng chế (gồm Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế Châu Âu (EPO), Văn phòng Bằng sáng chế Hoa Kỳ (USPTO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Vương quốc Anh (IPO.GOV.UK))

Tính đến 3/2023, Scopus có 27.950 đầu ấn phẩm, trong đó 26.591 tạp chí có phản biện (đã bao gồm 6.128 tạp chí Gold Open Access), hơn 1.100 chuỗi sách, 11,7 triệu báo cáo từ trên 148.500 hội nghị khoa học trên toàn cầu...; hơn 90,4 triệu bản ghi; hơn 49,2 triệu sáng kiến sáng chế....

Scopus cung cấp các công cụ giúp các nhà nghiên cứu xác định chỉ số tác động, hệ số trích dẫn ở mức độ Tạp chí (các chỉ số CiteScore metrics, SCImago Journal Rank (SJR) và Source Normalized Impact per Paper (SNIP)), bài báo (PlumX, Scopus citation count, Field-Weighted Citation Impact), tác giả và đơn vị nghiên cứu (h-index, h-graph, theo dõi dữ liệu trích dẫn tổng quan và phân tích sản phẩm của tác giả). (Tham khảo thêm về cách đăng ký tạp chí vào cơ sở dữ liệu Scopus)

Cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) của Clarivate (https://mjl.clarivate.com/)

Web of Science (WoS) của Clarivate, thường được biết đến với tên là ISI, là cơ sở dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate Analytics (Mỹ). Năm 1956, cơ sở dữ liệu này được sáng lập bởi Viện Thông tin Khoa học (Institute of Scientific Information), do đó, cơ sở dữ liệu này được biết đến nhiều nhất với tên gọi là ISI. Năm 1992, Thomson Science (sau này là Thomson Reuters) mua lại ISI (nên còn có tên là Thomson ISI). Đến năm 2016, Clarivate Analytics mua lại cơ sở dữ liệu này và đổi tên thành Web of Science (WoS) .
WoS gồm 2,2 tỷ tài liệu được trích dẫn, trên 34 nghìn tạp chí có phản biện, trên 300 nghìn hội nghị khoa học trên toàn cầu, hơn 134 nghìn cuốn sách, trên 109 triệu tài liệu sáng chế, hơn 56 triệu phát minh...
Với 254 lĩnh vực nghiên cứu được các tạp chí được chỉ mục vào 4 danh mục cốt lõi:
- Science Citation Index Expanded (SCIE) với hơn 9.500 tạp chí của 182 lĩnh vực nghiên cứu thuộc ngành khoa học và khoa học mở rộng như Nông nghiệp, Thiên văn học, Sinh vật học, Công nghệ sinh học, Hóa học, Khoa học máy tính, Toán học, Khoa học thần kinh...
- Social Sciences Citation Index (SSCI) với hơn 3.500 tạp chí của 47 lĩnh vực nghiên cứu thuộc ngành khoa học xã hội như Lịch sử, Pháp luật, Ngôn ngữ học, Khoa học chính trị, Tâm lý, Công tác xã hội....
- Arts & Humanities Citation Index (AHCI hay A&HCI) với hơn 1.800 tạp chí của 25 lĩnh vực thuộc ngành văn học nghệ thuật và nhân văn như: Khảo cổ học, Kiến trúc, Nghệ thuật, Văn học, Âm nhạc, Ngôn ngữ, Tôn giáo, Phát thanh truyền hình và phim...
- Emerging Sources Citation Index (ESCI) với hơn 8000 tạp chí của tất cả 254 lĩnh vực nghiên cứu của WoS cung cấp 1 cái nhìn toàn cảnh về các nghiên cứu của quốc gia trên thế giới. Các tạp chí được đưa vào danh mục ESCI là các ấn phẩm quốc tế và mở rộng phạm vi cho đến những ấn phẩm nghiên cứu chuyên sâu hơn tại khu vực hoặc theo chuyên ngành.

Cơ sở dữ liệu PubMed (https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/)

PubMed gồm hơn 35 triệu trích dẫn và tóm tắt cho các tài liệu thuộc lĩnh vực y sinh, y tế và các ngành khoa học liên quan như khoa học đời sống, hành vi, hóa học, kỹ thuật sinh học từ cơ sở dữ liệu MEDLINE, tạp chí khoa học đời sống và sách trực tuyến. PubMed được xuất bản từ năm 1996 do Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia tại Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NLM) tại Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ phát triển và duy trì.
3 nguồn cơ sở dữ liệu tài nguyên của PubMed là:
MEDLINE - thành phần lớn nhất của PubMed - cơ sở dữ liệu hàng đầu của Thư viện Y khoa Quốc gia (NLM) Mỹ chứa hơn 29 triệu tài liệu tham khảo cho các tạp chí khoa học đời sống tập trung vào lĩnh vực Y sinh học, các bản ghi của MEDLINE được lập chỉ mục với MeSH (Medical Subject Headings).
PubMed Central (PMC) - thành phần lớn thứ 2 của PubMed - kho lưu trữ toàn văn miễn phí về y sinh học và tạp chí khoa học đời sống Thư viện Y khoa Quốc gia của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH/NLM). Kho lưu trữ PMC chứa hơn 8 triệu hồ sơ bài báo toàn văn trải qua nhiều thế kỷ nghiên cứu khoa học đời sống và y sinh (cuối những năm 1700 đến nay)
Bookshelf - thành phần cuối cùng của PubMed là các trích dẫn cho sách và một số chương riêng lẻ có sẵn. Bookshelf là kho lưu trữ toàn văn sách, báo cáo, cơ sở dữ liệu và các tài liệu khác liên quan đến y sinh, sức khỏe và khoa học đời sống.

Cơ sở dữ liệu Google Scholar

Google Scholar là một cơ sở dữ liệu miễn phí cung cấp truy cập đến các bài báo nghiên cứu, sách, luận văn và các ấn phẩm học thuật khác. Google Scholar được thành lập vào năm 2004 và hiện là cơ sở dữ liệu học thuật lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,5 tỷ tài liệu. Bao gồm tất cả các lĩnh vực và cho phép truy xuất ngay cả những thông tin tối nghĩa nhất, nguồn dữ liệu của Google Scholar là các tài liệu được xuất bản trực tuyến hoặc được lưu trữ trong các kho lưu trữ mở.Google Scholar cung cấp liên kết trực tiếp đến các bài báo và tài liệu nghiên cứu, cho phép người dùng truy cập trực tiếp đến các nguồn tài liệu và tài liệu đầy đủ được xuất bản trên nhiều trang web khác nhau. Tuy nhiên, Google Scholar cung cấp kết quả tìm kiếm rất nhiều, nhưng không phải tất cả đều đáng tin cậy. Có những bài báo chưa được đánh giá chất lượng, các trang web không có nội dung khoa học, và cũng có thể có những bài báo bị trùng lặp...

Ngoài các cơ sở dữ liệu đã kể trên, còn có những hệ thống xếp hạng tạp chí khác, như SciMago Journal Ranking (Scimagojr). Mỗi ngành khoa học cũng có thể có hệ thống xếp hạng riêng. Ví dụ, ngành Khoa học máy tính có hệ thống CORE (do Hiệp hội nghiên cứu và giáo dục máy tính Úc thực hiện), hoặc CSRankings (do trường đại học Massachusetts Amherst duy trì)....

Những danh mục trên mặc dù vẫn còn tồn tại những nhược điểm như có thể chưa cập nhật hết dữ liệu, không thể có một bộ tiêu chí đủ thang đo phù hợp với mọi tạp chí ở nhiều ngành, vì giữa các ngành và thậm chí giữa các phân ngành khoa học có sự khác nhau rất lớn trong đo lường giá trị. Tuy nhiên, Đây là những hệ thống xếp hạng tiện dụng để đánh giá sơ lược về chất lượng các tạp chí, bài báo.