Các tiêu chí để tham gia vào hệ thống chỉ mục ACI (cập nhật 2023)

Hệ thống chỉ mục ACI (ASEAN Citation Index), được thành lập năm 2011, là cơ sở dữ liệu các bài báo khoa học được xuất bản bởi các tạp chí khoa học khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu của ACI là cung cấp một cơ sở dữ liệu toàn diện các bài báo khoa học của các nước khu vực Đông Nam Á, giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng tìm kiếm, truy cập và đánh giá chất lượng của các bài báo này. Bên cạnh đó, ACI cũng đặt mục tiêu cung cấp thông tin thống kê về các bài báo khoa học để đánh giá chất lượng các bài báo, nâng cao chất lượng, uy tín, vị thế của các tạp chí tham gia chỉ mục nhằm kết nối với các nhà nghiên cứu trên thế giới, đồng thời, làm cầu nối để các tạp chí tham gia vào các cơ sở dữ liệu quốc tế khác như ISI, Scopus....
Hiện tại, ACI có hơn 600 tạp chí tham gia chỉ mục. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá lại tạp chí công bố 25/7/2023, chỉ có 405 tạp chí đạt tiêu chuẩn. Các tạp chí không đạt tiêu chuẩn sẽ bị tạm dừng lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu ACI cho đến khi hoàn thiện tạp chí theo các tiêu chuẩn mới của ACI.

Tiêu chí lựa chọn tạp chí mới cho ACI (2024 trở đi)

Ngày 26/7/2023, ACI đã đưa ra bộ tiêu chí mới để xét duyệt các tạp chí tham gia chỉ mục. Cụ thể, bộ tiêu chí cho tạp chí đăng ký tham gia hệ thống chỉ mục ACI từ năm 2024 sẽ bao gồm 6 tiêu chí chính và 9 tiêu chí phụ như sau:

Tiêu chí chính 

Đây là các tiêu chí không có thang tính điểm số, nhưng tất cả các tạp chí phải đạt tiêu chí này trước khi đánh giá. Nói cách khác, đây là các tiêu chí bắt buộc và tất cả các tạp chí phải đáp ứng được 100% các tiêu chí này.
1. Xuất bản định kỳ, không hoãn lùi hoặc chậm lịch xuất bản.
2. ISSN được đăng ký tại www.issn.org , với tên tạp chí bằng tiếng Anh.
3. Trang web của tạp chí có thông tin đầy đủ và cập nhật (có đầy đủ các thông tin liên quan đến tạp chí, quy cách, hướng dẫn gửi và xuất bản bài báo, quy trình phản biện, xuất bản bài báo, số báo, Tôn chỉ, mục đích và phạm vi nội dung tạp chí, Thành viên ban biên tập, đơn vị công tác... và các thông báo thay đổi.... được cập nhật công khai và liên tục)
4. Định dạng bài viết tốt/phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế (Bài báo có đầy đủ tiêu đề, tóm tắt, từ khóa, thông tin tác giả bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có liệt kê, trích dẫn tài liệu tham khảo theo tiêu chuẩn quốc tế, nội dung bài báo được trình bày khoa học, rõ ràng).
5. Trang web của Tạp chí phải công khai chi tiết Đạo đức xuất bản (ví dụ: Quy định về đạo văn,bản quyền, quyền và trách nhiệm của tác giả, gửi bản thảo tới nhiều tạp chí và chia nhỏ nội dung, trích dẫn có chủ ý, trách nhiệm của phản biện và biên tập viên....)
6. Phí xuất bản bài báo cần được công khai minh bạch trên trang web của tạp chí.

Tiêu chí phụ

Đây là các tiêu chí được chấm điểm. Tổng điểm của các tiêu chí này là 20 điểm.
1. Mức độ tạp chí được trích dẫn trong các cơ sở dữ liệu chỉ mục TCI, ACI hoặc/và các cơ sở dữ liệu quốc tế khác.
2. Thành viên ban biên tập đa dạng về đơn vị công tác (thành viên ban biên tập đến từ các đơn vị ngoài đơn vị chủ quản của tạp chí > 50%)
3. Tác giả của tạp chí có sự đa dạng về đơn vị công tác (số bài báo của tác giả đến từ các đơn vị ngoài đơn vị chủ quản của tạp chí > 50%)
4. Tài liệu tham khảo được liệt kê và trích dẫn trong nội dung bài báo được thống nhất ở định dạng quốc tế (tham khảo các kiểu trích dẫn APA, MLA, IEEE....)
5. Quy trình và nội dung phản biện phải được công bố rõ ràng trên trang web của tạp chí.
6. Sử dụng hệ thống tiếp nhận, xử lý, xuất bản tạp chí điện tử (tạp chí đã và đang sử dụng hệ thống xuất bản tạp chí điện tử để tiếp nhận, phản biện, biên tập và xuất bản các bài báo trực tuyến một cách công khai, minh bạch)
7. Siêu dữ liệu của các bài báo thống nhất trên trang web của tạp chí và trong bản in (Các dữ liệu như Tiêu đề, tóm tắt, từ khóa, thông tin tác giả phải giống nhau khi đăng tải lên trang web của tạp chí và trong bản in/tệp PDF)
8. Có lịch sử thông tin bài báo (bài báo nên thể hiện các thông tin về ngày nhận/sửa đổi/duyệt đăng/xuất bản....)
9. Nội dung và hình thức trình bày của bài báo có chất lượng tốt (chất lượng của bài báo nên được xem xét bởi các chuyên gia bên ngoài, phản biện kín 2 chiều).

Kết quả đánh giá

Sau khi tính toán các tiêu chí trên, Tạp chí sẽ được đánh chỉ mục trong cơ sở dữ liệu ACI nếu thỏa mãn một trong hai điều kiện sau:

  • Đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chí chính và đạt tổng điểm >= 16 đối với các tiêu chí phụ.
  • Các tạp chí được lập chỉ mục trong Scopus hoặc WoS sẽ được chấp nhận lập chỉ mục trong ACI mà không cần đánh giá thêm.

Trong trường hợp Tạp chí không vượt qua được các yêu cầu của ACI (không thiếu bất kỳ tiêu chí nào trong các tiêu chí chính, tổng số điểm tiêu chí phụ dưới 16) thì tạp chí không được nộp lại đơn đăng ký trong vòng 2 năm để cải thiện chất lượng của tạp chí.

Quy trình đánh giá Tạp chí của ACI

Hàng năm, ACI sẽ mở hệ thống đăng ký cho tạp chí tham gia chỉ mục vào tháng 1 - 2 và công bố kết quả đánh gia vào tháng 6. Quy trình đánh giá tạp chí sẽ được thực hiện như hình dưới đây:

Trên đây là các thông báo mới nhất của ACI về bộ tiêu chí và quy trính xét duyệt vào hệ thống chỉ mục này. Các tạp chí nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để hoàn thiện và nâng cao chất lượng tạp chí để có thể tham gia vào hệ thống cơ sở dữ liệu của ACI cũng như là bước đệm cho các tạp chí để hướng tới chuẩn mực của các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín như ISI, Scopus