Chỉ số H-index là gì? Cách tính và cách tra cứu chỉ số H-index của tạp chí

H-index (chỉ số H) là một chỉ số được sử dụng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của một nhà khoa học dựa trên số lượng ấn phẩm và số lượng trích dẫn của ấn phẩm đó. Chỉ số này được đề xuất vào năm 2005 bởi Jorge E. Hirsch, một nhà vật lý tại UC San Diego, như một công cụ để xác định chỉ số của các nhà vật lý lý thuyết và đôi khi được goi là Hirsch index (chỉ số Hirsch) hay Hirsch number (số Hirsch).

Cách tính H-index

H-index chứa đựng được cả hai thông tin: số lượng (số các bài báo được công bố) và chất lượng, tầm ảnh hưởng (số lần được các nhà khoa học khác trích dẫn) của hoạt động khoa học. Chỉ số H của một nhà khoa học là số nguyên dương h sao cho trong số n công trình của nhà khoa học có h công trình khoa học (h < n) có số lần trích dẫn của mỗi bài đạt được từ h trở lên.
Công thức tính chỉ số H được định nghĩa như sau: Sắp xếp các bài báo của một tác giả theo thứ tự giảm dần của số lần trích dẫn. Chỉ số H là số lớn nhất sao cho tác giả có ít nhất h bài báo có ít nhất h lượt trích dẫn.
Ví dụ, như bảng dưới đây, một nhà khoa học có 7 bài báo được xếp hạng theo thứ tự số lượt trích dẫn giảm dần. Trong đó, có 5 bài được trích dẫn lớn hơn 5 lần, nên H-index của nhà khoa học là 5. Nếu muốn H-index = 6 thì số lượt trích dẫn của bài báo thứ 6 phải tối thiểu là 6.

 

Ý nghĩa của H-index

H-index càng cao, nhà khoa học càng có ảnh hưởng lớn. H-index có ảnh hưởng đến việc ghi nhận thành quả hoạt động khoa học, cũng như khả năng hội nhập với khoa học thế giới của các nhà khoa học. Theo Jorge Hirsch, trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, các nhà khoa học Mỹ thành công (successful) sẽ có chỉ số H = 20 sau 20 năm; một nhà khoa học nổi tiếng (outstanding) sẽ có chỉ số H = 40 sau 20 năm; thiên tài khoa học (truly unique individual) sẽ có chỉ số H = 60 sau 20 năm. Jorge Hirsch cũng đã đề nghị rằng ở Mỹ một nhà khoa học có thể bổ nhiệm phó giáo sư (associate professor) nếu có chỉ số H khoảng 12 và giáo sư (full professor) nếu H vào khoảng 18.
Được xem như 1 biến thể ccuarH-index, H5-index cũng được các nhà khoa học như một thước đo để đánh giá mức độ ảnh hưởng của một nhà khoa học trong một khoảng thời gian cụ thể. H5-index được tính bằng cách đếm số bài báo của nhà khoa học có ít nhất H lần trích dẫn trong khoảng thời gian đó. Ví dụ, nếu một nhà khoa học có 10 bài báo, trong đó có 5 bài được trích dẫn ít nhất 5 lần trong vòng 5 năm qua, thì H5-index của nhà khoa học là 5. H5-index càng cao, nhà khoa học càng có ảnh hưởng lớn trong khoảng thời gian đó. Chỉ số này được Google Scholar Metrics sử dụng để xếp hạng các tạp chí và các xuất bản khác. Chỉ số này cũng có thể phản ánh được sự cập nhật và hiện đại của các hoạt động nghiên cứu.

Cách tra cứu H-index

Chỉ số H và các chỉ số liên quan có thể được tra cứu thông qua các cơ sở dữ liệu trích dẫn như Web of Science, Scopus hay Google Scholar. Tuy nhiên, do các cơ sở dữ liệu này có phạm vi bao quát và tiêu chí chọn lọc khác nhau, nên kết quả tra cứu có thể không giống nhau. Do đó, khi so sánh chỉ số H của các nhà khoa học, cần chú ý đến nguồn dữ liệu được sử dụng.

Web of Science

Đăng nhập vào tài khoản Web of Science. Chọn “Author Search” và điền thông tin tác giả, đơn vị công tác, lĩnh vực cần tìm.

Tại trang kết quả chọn “Create Citation Report”.

Báo cáo kết quả trích dẫn (Citation Report) của Web of Science sẽ bao gồm  h-index và một số các chỉ số khác bao gồm tổng số lượt trích dẫn, trung bình số lượt trích dẫn của mỗi ấn phẩm. Để xóa các ấn phẩm không phải của bạn khỏi báo cáo kết quả trích, tick vào các ấn phẩm không phải của bạn sau đó click chọn “Go”.

 Scopus


Đăng nhập vào tài khoản scopus, chọn “Author Search”. Điền thông tin tác giả, đơn vị công tác, lĩnh vực cần tìm

Chọn tác giả mong muốn bằng cách tick vào ô trước tên tác giả, sau đó chọn “View citation overview”.

Giao diện tổng quan trích dẫn cung cấp các thông tin về h-index, số lượng trích dẫn mỗi năm của các ấn phẩm...

 

Google Scholar

Đăng nhập vào tài khoản Google (gmail), tạo profile trong Google Scholar Citations. Sau khi tạo được profile, danh sách các bài báo, thông tin các bài trích dẫn bài báo của bạn, chỉ số h-index sẽ được thể hiện tại giao diện của profile.

 
H-index không phải là duy nhất để đánh giá hoạt động khoa học, có nhiều chỉ số khác nhau được sử dụng để đánh giá tác phẩm khoa học như:

  • Chỉ số i10-index: Chỉ số này đo lường số lượng bài báo của một tác giả có ít nhất 10 lượt trích dẫn .
  • Chỉ số g-index: Chỉ số này đo lường số lượng bài báo của một tác giả có ít nhất g lượt trích dẫn trung bình.
  • Chỉ số e-index: Chỉ số này đo lường sự hiệu quả của các bài báo được trích dẫn bằng cách xem xét tỷ lệ giữa số lượng bài báo được trích dẫn và số lượng bài báo đã xuất bản .
  • Chỉ số SJR (SCImago Journal Rank): Chỉ số này đo lường tầm quan trọng của một tạp chí khoa học trong ngành của nó. Nó tính toán dựa trên tỷ lệ trích dẫn trung bình của các bài báo trong tạp chí đó, với sự khác biệt là các trích dẫn từ các tạp chí có chỉ số SJR cao hơn được tính toán là quan trọng hơn so với các trích dẫn từ các tạp chí có chỉ số SJR thấp hơn .