IMRaD là gì? Bài báo có cấu trúc đúng chuẩn IMRaD là như thế nào?

IMRaD là viết tắt của cụm từ “Introduction, Methods, Results, and Discussion” trong tiếng Anh. Đây là một cấu trúc tổ chức phổ biến trong viết bài báo khoa học. Nó được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm khoa học, y học, kỹ thuật và kinh doanh.

Mô hình cấu trúc bài báo IMRaD

Mô hình IMRaD được chia thành bốn phần chính và mỗi phần có một mục đích riêng và đóng góp riêng cho bài báo khoa học cụ thể:

  • Giới thiệu (Introduction): cung cấp bối cảnh cho nghiên cứu và giải thích lý do tại sao nghiên cứu được thực hiện,
  • Phương pháp (Methods): mô tả chi tiết các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu,
  • Kết quả (Results): trình bày các kết quả của nghiên cứu,
  • Thảo luận (Discussion): giải thích ý nghĩa của các kết quả và thảo luận về những đóng góp của nghiên cứu.


Tuy nhiên, trong cấu trúc của một bài báo khoa học thì vẫn còn thiếu các thành phần của một bài báo là: Tiêu đề, Tên tác giả/ nhóm tác giả, Từ khóa, Tóm tắt, Kết luận và Tài liệu tham khảo. Thêm vào đó, một số bài còn có mục Lời cảm ơn và Phụ lục. Đôi khi, mục Giới thiệu bị bỏ đi, mục Công cụ nghiên cứu và Phương pháp nghiên cứu có thể thay thế bằng mục về Lý thuyết, trong một số trường hợp, mục Kết quả và Bàn luận có thể trở thành một mục... Do đó, mô hình cấu trúc IMRAD được khái quát như sau:


Tiêu đề của bài báo

Để tiêu đề bài báo thu hút được sự quan tâm của người đọc thì tác giả cần lưu ý rằng tiêu đề của bài báo nên ngắn gọn và súc tích, phản ánh chính xác nội dung của bài báo, truyền đạt rõ ràng thông điệp chính từ nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu; và hạn chế sử dụng những chữ viết tắt hoặc từ viết tắt.

Tóm tắt

Phần tóm tắt thường là nội dung tóm tắt tất cả các điểm chính của nội dung bài báo. Các nhà nghiên cứu thường đọc phần tóm tắt của một bài báo trước khi quyết định có đọc toàn bộ bài báo hay không. Để có một tóm tắt tốt, cần đảm bảo:
- Tóm tắt phải chứa thông tin chính từ mỗi phần của bài báo theo định dạng IMRaD;
- Tóm tắt không bao gồm trích dẫn và tài liệu tham khảo.
Tác giả các bài báo cần tìm hiểu kỹ hướng dẫn của tạp chí dành cho tác giả để đảm bảo về độ dài (ví dụ tối đa 200 từ, 300 từ…) và cấu trúc của phần tóm tắt. Kiểm tra, rà soát lại phần tóm tắt sau khi hoàn thiện nội dung của bài báo để chắc chắn rằng nội dung tóm tắt phù hợp với nội dung trình bày trong phần nội dung của bài báo.

Giới thiệu - Đặt vấn đề cho nghiên cứu

Đây là phần đầu tiên trong nội dung của bài báo (“I” trong mô hình IMRaD: Introduction), trình bày tầm quan trọng, và trả lời các câu hỏi về nghiên cứu (giả thuyết nghiên cứu) và mục tiêu của bài báo. Nên trình bày phần Giới thiệu thường bao gồm các nội dung sau:

  • Tổng quan về lĩnh vực nghiên cứu: cung cấp thông tin về các nghiên cứu trước đây, đã được thực hiện trong và ngoài nước về lĩnh vực nghiên cứu.
  • Bối cảnh của nghiên cứu: cung cấp bối cảnh cụ thể cho nghiên cứu, bao gồm các vấn đề mà nghiên cứu nhằm giải quyết và lý do tại sao nghiên cứu này là cấp thiết.
  • Câu hỏi nghiên cứu/Giả thuyết nghiên cứu: đưa ra các giả thuyết nghiên cứu, các câu hỏi mà bài báo cần giải đáp.
  • Mục tiêu của nghiên cứu: đưa ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đảm bảo các yếu tổ SMART (Specific - Cụ thể và rõ ràng, Measurable - Có thể đo lường được, Achievable - Khả thi, Reasonable - Hợp lý, Timely - Có thời gian quy định cụ thể).

Phần giới thiệu - đặt vấn đề nên được ưu tiên viết đầu tiên để xác định trọng tâm nội dung của bài báo và cần được chỉnh sửa và cập nhật tài liệu tham khảo đến thời điểm tác giả gửi bài vì có thể trong thời gian tác giả viết bài (thường từ 1-3 tháng) thì trong thời gian đó có thêm các bài báo mới tương tự và cần được trích dẫn ở đặt vấn đề.

Phương pháp nghiên cứu

Là phần thứ hai trong nội dung bài báo (“M”- IMRaD: Methods), trả lời chi tiết cho câu hỏi: Làm như thế nào để tìm câu trả lời cho nghiên cứu?, hay nói cách khác, là trình bày phương pháp đã thực hiện để có kết quả nghiên cứu của bài báo này. Phần phương pháp nên mô tả chi tiết, rõ ràng và chính xác các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu, bao gồm việc mô tả đối tượng nghiên cứu, các biến được đo lường, giải thích cách dữ liệu được phân tích và các thủ tục được sử dụng để thu thập dữ liệu. Nội dung chi tiết của phần này có thể bao gồm:

  • Thiết kế nghiên cứu: mô tả về mô hình nghiên cứu một cách ngắn gọn nhưng nói lên giá trị khoa học của công trình.
  • Đối tượng nghiên cứu,
  • Địa điểm và thời gian nghiên cứu,
  • Cỡ, quy mô mẫu và chọn mẫu,
  • Công cụ nghiên cứu và kỹ thuật thu thập thông tin: nêu bộ công cụ, các biến số, việc thử nghiệm. Quy trình nghiên cứu và thu thập số liệu gồm các bước nghiên cứu, thu thập số liệu, can thiệp, thử nghiệm can thiệp…
  • Phân tích dữ liệu: giải thích các dữ liệu được phân tích cụ thể lưu ý các biến số (độc lập, phụ thuộc), test thống kê, phần mềm sử dụng.

Kết quả

Là phần thứ 3, xuất hiện sau phần phương pháp (“R” – IMRaD: Results) và trình bày các phát hiện, kết quả chính của nghiên cứu, hay có thể nói là trả lời các câu hỏi Nghiên cứu đã phát hiện ra điều gì? Đáp ứng được mục tiêu bài báo như thế nào? Phần kết quả gồm: bảng số liệu, hình, biểu đồ mô tả kết quả chính của nghiên cứu. Phần này chỉ trình bày các kết quả nghiên cứu, không giải thích bàn luận (trừ một số tạp chí cho phép viết kết quả và bàn luận chung vào 1 mục). Phần kết quả nên trình bày các kết quả của nghiên cứu. Điều này bao gồm việc trình bày các số liệu thống kê và mô tả bằng lời nói về những gì dữ liệu cho thấy.

Thảo luận

Đây là phần cuối cùng trong phần nội dung của bài báo nghiên cứu (“D”- IMRaD: Discussion) giải thích kết quả nghiên cứu, cụ thể:
- Giải thích ý nghĩa các kết quả thu được
- Trả lời các câu hỏi hoặc giả thuyết nghiên cứu đã nêu ở phần Giới thiệu
- Trình bày các hạn chế trong nghiên cứu và ảnh hưởng của chúng đến kết quả;
- Làm rõ các kết quả nghiên cứu có liên quan như thế nào đến các kết quả nghiên cứu tương tự đã thực hiện trước đây.
- Đề xuất ý nghĩa của nghiên cứu đối với các nhà nghiên cứu, nhà thực hành chuyên môn hoặc các nhà hoạch định chính sách;
- Đề xuất các chủ đề cho nghiên cứu trong tương lai dựa trên kết quả bạn đạt được.
Trong phần thảo luận của bài báo không chỉ cần trình bày những hạn chế mà còn nên thực hiện đánh giá về những điểm không chắc chắn trong nghiên cứu và giải thích liệu những hạn chế đó có thể ảnh hưởng đến kết luận ở mực độ nào và liệu kết luận có được hỗ trợ trong trường hợp những điểm không chắc chắn xuất hiện.

Kết luận

Phần này tác giả tóm lược và khẳng định lại những kết quả nghiên cứu và những phát hiện chính để nhằm trả lời các câu hỏi đã đặt ra trong phần Đặt vấn đề. Những gì đã đặt ra trong mục tiêu cần có câu trả lời cụ thể trong kết luận, dựa trên những bằng chứng khoa học đã thể hiện trong phần kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, kết luận cần ngắn gọn, tránh đưa hết các chi tiết trong phần kết quả vào phần này. Tác giả cũng cần tránh việc bàn luận, đưa thêm những suy diễn vào phần kết luận. Cuối mục này bạn có thể đưa ra khuyến nghị và các khuyến nghị cần bám sát các kết luận vừa trình bày. Nội dung khuyến nghị cũng cần chỉ rõ là khuyến nghị dành cho ai, với những biện pháp cụ thể nào. Tránh việc đưa ra các khuyến nghị tổng quát, chung chung hay đưa ra các khuyến nghị không dựa trên kết luận cụ thể của nghiên cứu.

Lời cảm ơn

Ở cuối bài báo nghiên cứu có thể bao gồm “Lời cảm ơn” những người đã tham gia tổ chức thực hiện nghiên cứu, các đối tượng tham gia vào nghiên cứu và đơn vị tài trợ nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

Chỉ sử dụng tài liệu cập nhật, liên quan đến chủ đề nghiên cứu và sử dụng lối trích dẫn nhất quán theo yêu cầu của mỗi tạp chí. Bên cạnh đó, trích dẫn tài liệu tham khảo khi viết giúp tránh đạo văn, giảm nguy cơ nhầm lẫn các quan sát, phát hiện của cá nhân với những điều đã đọc được từ các nguồn tài liệu đã xuất bản.

Quy trình viết bài báo khoa học có cấu trúc chuẩn mô hình IMRaD

Vui lòng tham khảo Quy trình viết bài báo khoa học ứng dụng mô hình IMRaD như hình dưới đây:

Lời kết

Trên đây là giới thiệu về quy trình viết bài báo khoa học theo chuẩn mô hình IMRaD. Áp dụng mô hình IMRaD giúp bài báo khoa học có được trình bày rõ ràng, súc tích và chứa đựng đủ các khía cạnh cần có trong một công trình khoa học. Mô hình IMRaD cũng giúp các nhà nghiên cứu so sánh các nghiên cứu khác nhau và xác định các xu hướng trong lĩnh vực nghiên cứu của họ. Các nhà Khoa học có thể “lợi dụng” điều này để đọc hay lướt nhanh theo “cụm thông tin đích” thay vì phải đọc từ đầu với trình tự đi từ trên xuống dưới. Nhờ vậy, giúp tiết kiệm thời gian khi khảo sát một lượng lớn các bài báo để tìm ra cái khiến nhà khoa học thích thú và/hoặc phù hợp với nhu cầu sử dụng.