Mã định danh nhà nghiên cứu là gì và có những loại nào?

Mã định danh nhà nghiên cứu (hay còn gọi là mã nhận diện tác giả) là một số hiệu duy nhất nhất tự động kết nối nhà nghiên cứu với các công trình của họ và phân biệt các tác giả có cùng tên, cùng đơn vị và theo suốt nhà nghiên cứu đó kể cả khi tác giả thay đổi đơn vị công tác.
Mã định danh nhà nghiên cứu có thể bao gồm các thông tin sau:

  • Họ tên trên các ấn phẩm,
  • Hồ sơ liệt kê các ấn phẩm và các hoạt động nghiên cứu khác,
  • Cơ quan công tác và các tổ chức liên kết,
  • Các hoạt động cộng tác,
  • Theo dõi trích dẫn công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu,
  • Hoạt động biên tập và phản biện của nhà nghiên cứu...

Vì sao các nhà nghiên cứu nên tạo Mã định danh nhà nghiên cứu:

  • Tránh trường hợp ghi sai ấn phẩm, ghi sai tác giả
  • Ghi nhận đúng công lao của nhà nghiên cứu với những đóng góp học thuật của họ
  • Tăng khả năng nhận diện nghiên cứu và ấn phẩm của nhà nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội.
  • Dễ dàng quản lý các số liệu trích dẫn của các công trình nghiên cứu
  • Cung cấp công cụ để phân tích tác động của công trình nghiên cứu

Bên những lợi ích nhất định cho các nhà nghiên cứu, Mã định danh nhà nghiên cứu cũng mang lại lợi ích cho các tổ chức nghiên cứu và các cơ quan tài trợ như nâng cao hiệu quả quản lý nghiên cứu khoa học:

  • Cơ quan tài trợ biết được các công trình trước đây của nhà nghiên cứu và theo dõi sản phẩm công bố của nhà nghiên cứu sau khi được cấp tài trợ
  • Các tổ chức nghiên cứu và trường đại học để theo dõi sự đóng góp của các nhà nghiên cứu
  • Các nhà xuất bản duy trì hồ sơ tác giả và sắp xếp các bản thảo đã nộp

Mã định danh nhà nghiên cứu là một công cụ quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý nghiên cứu khoa học và ghi nhận công lao của các nhà nghiên cứu. Hiện này, có nhiều hệ thống quản lý mã định danh nhà nghiên cứu như: ORCID, Scopus Author ID, ResearchcherID, Google Scholar ID và ResearchGate.

ORCID (https://orcid.org/)


ORCID (Open Researcher and Contributor ID) là một tổ chức phi lợi nhuận được hỗ trợ bởi cộng đồng các đơn vị nghiên cứu, tổ chức học thuật, hiệp hội nghề nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ và các bên liên quan khác trong hệ sinh thái nghiên cứu. ORCID cung cấp một chuỗi số duy nhất gồm 16 số để tạo mã định danh duy nhất, liên tục cho các nhà nghiên cứu và học giả. Hiện nay, nhiều tạp chí sử dụng hệ thống xuất bản điện tử đã tích hợp sẵn hệ thống ORCID để liên kết tự động giữa các bài báo xuất bản trên tạp chí với dữ liệu của tác giả, đảm bảo ghi nhận đúng cho công trình nghiên cứu của tác giả giúp tiết kiệm thời gian và nguy cơ mắc lỗi.

Scopus Author ID (https://www.scopus.com/)


Mã số tác giả trong cơ sở dữ liệu Sopcus (Scopus Author ID) là mã định danh nhà nghiên cứu độc quyền được tự động gán cho bất kỳ tác giả nào xuất bản trên tạp chí được lập chỉ mục bởi cơ sở dữ liệu Scopus mà không cần phải đăng ký hồ sơ tác giả trước đó. Mã số tác giả Scopus có thể được sử dụng để xem các lĩnh vực chủ đề, danh sách các ấn phẩm/công trình nghiên cứu, cơ quan công tác và đồng tác giả, phân tích kết quả nghiên cứu và xem các chỉ số trích dẫn như số lượng trích dẫn, chỉ số h (h-index), đồ thị h (h-graph). Scopus Author ID có thể liên kết với ORCID để đồng bộ các ấn phẩm vào ORCID.

ResearcherID (http://www.researcherid.com/)

ResearcherID là mã định danh kết nối nhà nghiên cứu với các ấn phẩm của họ trên hệ sinh thái Web of Science (WoS). Các nhà nghiên cứu được cung cấp một mã định danh Web of Science ResearcherID sẽ được đảm bảo về vấn đề nhận dạng tác giả, ghi nhận chính xác các công trình nghiên cứu đã xuất bản trong cơ sở dữ liệu Web of Science, theo dõi số lần được trích dẫn và chỉ số h, xác định những người cộng tác tiềm năng và tránh xác định sai tác giả. Các ấn phẩm khác có thể được thêm vào hồ sơ ResearcherID thông qua nền tảng Publons của Web of Science. Thông tin trong ResearcherID có thể được liên kết với ORCID.

Google Scholar (https://scholar.google.com/citations)


Google Scholar Citations Profile là một dịch vụ do Google cung cấp cho phép các nhà nghiên cứu tạo hồ sơ nhà nghiên cứu trên nền tảng Google Scholar. Hồ sơ trích dẫn của Google Scholar sẽ nhóm tất cả các trích dẫn về ấn phẩm của nhà nghiên cuus vào 1 nhóm, cho phép các tác giả theo dõi và quản lý các công trình nghiên cứu và trích dẫn. Hồ sơ trích dẫn của Google Scholar bao gồm thông tin nhà nghiên cusu, từ khóa quan tâm về lĩnh vực nghiên cuus đã chọn, các chỉ số nghiên cứu bao gồm chỉ số h, chỉ số i10 và tổng số trích dẫn cho các ấn phẩm. Nếu chọn đặt hồ sơ ở chế độ công khai, các nhà nghiên cứu, tổ chức và cơ quan tài trợ khác sẽ có thể xem các ấn phẩm, số liệu của nhà nghiên cứu đó và đăng ký nhận các bản cập nhật khi các bài báo mới được Google Scholar lập chỉ mục.

ResearchGate (https://www.researchgate.net/)

ResearchGate là một mạng lưới chuyên nghiệp dành cho các nhà khoa học và nhà nghiên cứu cho phép kết nối các nhà nghiên cứu và học giả từ khắp nơi trên thế giới để chia sẻ các công trình nghiên cứu, hợp tác và học hỏi lẫn nhau. ResearchGate cung cấp một số tính năng cho các nhà nghiên cứu, như Tạo hồ sơ để chia sẻ thông tin về tiểu sử, công trình nghiên cứu, dự án và các thành tích khác của họ; Kết nối với các nhà nghiên cứu khác; Chia sẻ các công trình nghiên cứu; Theo dõi các trích dẫn; Tìm kiếm tài liệu: Các nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm tài liệu nghiên cứu trên ResearchGate, bao gồm bài báo, sách, bản thảo và các tài liệu khác.
Trên đây là một số mã định danh nhà nghiên cứu thường dùng, ngoài ra còn rất nhiều hệ thống, lĩnh vực khác cũng có mã định danh cho nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đăng ký vào bất kỳ hệ thống nào, các nhà nghiên cứu cần chú ý kiểm tra cẩn thận dữ liệu của mình để tránh các vấn đề với việc trích dẫn tài liệu tham khảo, lập chỉ mục hay lỗi trong việc quản lý danh mục công trình nghiên cứu....