Bệnh viện E
Công bố khoa học tiêu biểu
Sắp xếp:
KHẢO SÁT TÌNH TRẠNG THIẾU VITAMIN D3 (25-OH) HUYẾT THANH Ở BỆNH NHÂN ĐAU CỘT SỐNG THẮT LƯNG MẠN TÍNH
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 505 Số 1 - 2021
Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát tình trạng thiếu Vitamin D3 (25-OH) huyết thanh ở bệnh nhân đau cột sống thắt lưng mạn tính. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có so sánh nội nhóm trên 82 bệnh nhân đau cột sống thắt lưng mạn tính. Kết quả: Tỷ lệ nữ/nam là 2,9/1; tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân là 67,6 ± 12,7 tuổi. Nồng độ Vitamin D3 (25-OH) huyết thanh trung bình là 19,8 ± 7,7 ng/ml; trong đó tỷ lệ bệnh nhân thiếu nặng chiếm 53,7% và thiếu vừa là 39,0%. Mức độ thiếu Vitamin D3 (25-OH) huyết thanh liên quan có ý nghĩa thống kê với p<0,05 bao gồm: giới tính, tình trạng hút thuốc lá, tình trạng uống rượu (ở nam giới), triệu chứng yếu cơ trên lâm sàng, mức độ hạn chế sinh hoạt (chỉ số Oswestry), giảm mật độ xương cột sống ở nữ giới. Kết luận: Nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu Vitamin D3 (25-OH) huyết thanh ở bệnh nhân đau cột sống thắt lưng mạn tính rất phổ biến và có liên quan với một số triệu chứng cơ năng của bệnh.
#vitamin D #đau cột sống thắt lưng
Hiệu quả điều trị omalizumab trên một trường hợp mắc hội chứng suy giảm miễn dịch tăng IgE
TẠP CHÍ Y DƯỢC LÂM SÀNG 108 - - 2021
Hội chứng suy giảm miễn dịch tăng IgE (Hyper IgE syndromes - HIES; Hội chứng Job) là một hội chứng suy giảm miễn dịch di truyền đặc biệt hiếm gặp, đặc trưng bởi tăng IgE huyết thanh, lâm sàng gặp viêm da cơ địa, hen phế quản, nhiễm trùng da và phổi tái diễn. HIES gồm hai thể bệnh với cơ chế bệnh sinh, diễn biến lâm sàng, tiên lượng khác biệt nhau: 1) Thể di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường - gặp nhiều hơn, chủ yếu gây ra bởi đột biến trên gen STAT3; và 2) Thể di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường (DOCK8, ZNF34, IL6R, IL6ST, IL4R và một số genes gây bệnh hiếm gặp khác). Nhận biết và chẩn đoán hội HIES gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng không điển hình và các triệu chứng khởi phát không đồng thời. Chính vì vậy, cần dựa vào xét nghiệm di truyền để khẳng định chẩn đoán. Trong bài này, chúng tôi xin trình bày một ca bệnh mắc hội chứng HIES thể di truyền lặn và bước đầu đánh giá hiệu quả điều trị bằng omalizumab.
#Hội chứng tăng IgE bẩm sinh #hội chứng Job #đột biến gene IL4R
Tái nhiễm và tái phát vi khuẩn H. pylori ở bệnh nhân loét tá tràng sau điều trị tiệt trừ thành công tại Bệnh viện E Trung ương
TẠP CHÍ Y DƯỢC LÂM SÀNG 108 - - 2019
Mục tiêu: Phân biệt tái phát (recrudescence) hay tái nhiễm (reinfection) H. pylori sau điều trị tiệt trừ ở bệnh nhân loét tá tràng. Đối tượng và phương pháp: 303 bệnh nhân tham gia nghiên cứu có 110 bệnh nhân được điều trị tiệt trừ H. pylori thành công bằng phác đồ EAC. Sau 6 tháng theo dõi, có 52 bệnh nhân đã tiệt trừ thành công H. pylori đến tái khám trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 31 tháng. Bệnh nhân theo dõi được nội soi dạ dày tá tràng, làm xét nghiệm tìm H. pylori gồm test urease nhanh, mô bệnh học. Ở các bệnh nhân đã tiệt trừ thành công H. pylori nhiễm lại H. pylori, các chủng vi khuẩn nhiễm ban đầu (trước điều trị) và các chủng nhiễm lại sau điều trị sẽ được so sánh phân biệt bằng phương pháp phân tích PCR-RFLP gene UreC của vi khuẩn H. pylori. Kết quả: 52 bệnh nhân sau tiệt trừ thành công H. pylori (H. pylori âm tính sau điều trị) được theo dõi từ 6 tháng đến 31 tháng thấy tỷ lệ nhiễm H. pylori ở lần soi thứ 3 là 38,5%. Tỷ lệ tái phát H. pylori là 27,8% và tái nhiễm là 72,2%. Kết luận: Tỷ lệ bệnh nhân nhiễm lại H. pylori sau tiệt trừ thành công cao hơn các nghiên cứu đã công bố. Tỷ lệ bệnh nhân bị tái nhiễm cao hơn tái phát. Từ kết quả này cho thấy để giảm tỷ lệ nhiễm lại H. pylori, bên cạnh lựa chọn phác đồ điều trị hiệu quả thì việc kiểm soát nguồn lây vi khuẩn này cũng rất quan trọng.
#H. pylori #tái phát #tái nhiễm #loét hành tá tràng
ĐỐI CHIẾU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VỚI HÌNH ẢNH NỘI SOI VIÊM TAI GIỮA CẤP Ở TRẺ EM TẠI BỆNH VIỆN E TRONG GIAI ĐOẠN NĂM 2019 – 2020
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 509 Số 1 - 2022
Đặt vấn đề: Viêm tai giữa cấp (VTGC) là tình trạng nhiễm trùng, ứ đọng dịch trong tai giữa. Bệnh thường khởi phát đột ngột trong thời gian ngắn, với các triệu chứng lâm sàng và hình ảnh nội soi liên quan với nhau. Mục tiêu: Đối chiếu đặc điểm lâm sàng với hình ảnh nội soi viêm tai giữa cấp ở trẻ em tại Bệnh viện E trong giai đoạn 2019 - 2020. Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang gồm 40 bệnh nhân dưới 16 tuổi, được chẩn đoán VTGC, được điều trị tại khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện E từ tháng 9/2019 đến 4/2020. Kết quả và bàn luận: Sốt nhẹ: 37,5%, sốt vừa: 20%, sốt cao: 22,5%; Đau tai nhẹ chiếm 40%, đau tai nhiều 25%; Không chảy tai 77,5%, chảy tai chiếm 22,5%; Màng nhĩ sung huyết chiếm 35%, màng nhĩ phồng ứ mủ 42,5%, màng nhĩ thủng 22,5%. Kết luận: Kết hợp giữa triệu chứng lâm sàng với hình ảnh nội soi giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán giai đoạn của viêm tai giữa cấp từ đó đưa ra hướng dẫn điều trị cụ thể và phù hợp.
#Viêm tai giữa cấp
PHẪU THUẬT NỘI SOI NGOÀI PHÚC MẠC CẮT TOÀN BỘ TUYẾN TIỀN LIỆT ĐỐI VỚI UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT KHU TRÚ: KINH NGHIỆM BAN ĐẦU TẠI BỆNH VIỆN E
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 525 Số 1A - 2023
Mục đích: Đánh giá kết quả sớm phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc cắt toàn bộ tuyến tiền liệt do ung thư tuyến tiền liệt khu trú tại bệnh viện E từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2022. Đối tượng và phương pháp: - Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả loạt ca bệnh. - Đối tượng nghiên cứu: 10 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn khu trú được phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc cắt toàn bộ tuyến tiền liệt. - Chỉ tiêu nghiên cứu gồm: tuổi, trọng lượng tuyến tiền liệt, nồng độ PSA toàn phần trước và sau mổ, thời gian mổ, lượng mất máu trong mổ, thời gian nằm viện sau mổ, các biến chứng trong và sau mổ. Chức năng tiểu tiện sau mổ 3 tháng. Kết quả: Tuổi trung bình 63,4±3,9 tuổi (57-67 tuổi); Trọng lượng tuyến tiền liệt trung bình 43±9 g (28-60g) theo siêu âm, 38±8 g (25-52g) theo MRI; nồng độ PSA toàn phần trung bình trước mổ 55,21 ng/mL (14,14-217,6 ng/mL); nồng độ PSA toàn phần trung bình sau mổ 1-3 ngày 22,71 ng/mL (1,04 – 144,5 ng/mL); thời gian mổ trung bình 317±65 phút (210-420 phút); mất máu trung bình 126 ml; thời gian nằm viện sau mổ 18 ngày (7-42 ngày); không có biến chứng trong mổ; 01 ca thủng phúc mạc được chuyển phương pháp qua đường qua phúc mạc, có 03/10 ca có tình trạng rò miệng nối sau mổ, đều được xử lý nội soi tối thiểu đạt kết quả tốt; có 01 ca có di căn hạch được điều trị hoá chất bổ trợ tiếp; 100% các case bệnh có chức năng tiểu tiện tốt sau mổ 3 tháng. Kết luận: Phương pháp phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc cắt toàn bộ tuyến tiền liệt do ung thư tuyến tiền liệt khu trú là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả. Rò miệng nối bàng quang - niệu đạo sau mổ cắt toàn bộ tuyến tiền liệt là biến chứng có thể gặp phải, tuy nhiên có thể xử lý bằng nội soi - đặt catheter niệu quản.
#ung thư tuyến tiền liệt #nội soi ổ bụng; cắt tuyến tiền liệt triệt căn
KẾT QUẢ HÓA TRỊ UNG THƯ BIỂU MÔ BUỒNG TRỨNG TÁI PHÁT DI CĂN BẰNG PHÁC ĐỒ GEMCITABINE-CARBOPLATIN-BEVACIZUMAB
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 522 Số 1 - 2023
Mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị hóa chất phác đồ Gemcitabine-Carboplatin-Bevacizumab trên bệnh nhân ung thư biểu mô buồng trứng tái phát di căn nhạy platin tại Bệnh viện K. Bệnh nhân và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, hồi cứu kết hợp tiến cứu. Từ 1/2017 đến tháng 8/2022 có 43 bệnh nhân ung thư biểu mô buồng trứng tái phát di căn được điều trị hóa chất phác đồ Gemcitabine-Carboplatin-Bevacizumab tại Bệnh viện K; bệnh nhân được đánh giá mức độ đáp ứng theo “Tiêu chuẩn Đánh giá Đáp ứng cho U đặc“ (RECIST)và thời gian sống thêm bệnh không tiến triển. Kết quả: Một số đặc điểm chung của nhóm bệnh nhân: Tuổi trung bình mắc bệnh là 57,8 tuổi. Nhóm tuổi từ 50-59 là nhóm hay gặp nhất chiếm tỉ lệ 41.9%. Ung thư biểu mô tuyến thanh dịch là thể mô học phổ biến nhất với 81,4%.Có 55.8% số bệnh nhân tái phát trong vòng 6-12 tháng sau điều trị triệt căn và 44.2% tái phát sau trên 01 năm. Nồng độ CA12.5 tăng ở 81,4% số bệnh nhân. 39,5% số bệnh nhân được phẫu thuật giảm tổng khối u khi tái phát. Kết quả điều trị: Tỷ lệ đáp ứng là 72,1%, 03 bệnh nhân đạt đáp ứng hoàn toàn chiếm 7,0%, đáp ứng một phần 65,1%. Tỉ lệ đáp ứng có liên quan với chỉ số toàn trạng trước điều trị (ECOG) và thời gian tái phát sau khi kết thúc điều trị ban đầu. Thời gian sống thêm bệnh không tiến triển trung bình tính theo Kaplan-Meier là 10,8 tháng, tại thời điểm đóng nghiên cứu còn 07 bệnh nhân sống không tiến triển. Kết luận: Phác đồ có Gemcitabine-Carboplatin- Bevacizumab là phác đồ có hiệu quả và giúp kéo dài thời gian sống thêm bệnh không tiến triển cho bệnh nhân ung thư biểu mô buồng trứng tái phát di căn nhạy platin
#ung thư biểu mô buồng trứng tái phát di căn #điều trị hóa chất #Gemcitabine- Carboplatin- Bevacizumab
THỰC TRẠNG SÂU CHÂN RĂNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI TẠI BỆNH VIỆN RĂNG HÀM MẶT TRUNG ƯƠNG HÀ NỘI NĂM 2020 - 2021
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 503 Số 1 - 2021
Mục tiêu: Mô tả thực trạng sâu chân răng ở người cao tuổi tại bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội năm 2020 - 2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang 192 bệnh nhân người cao tuổi đến khám tại Khoa Điều trị răng miệng người cao tuổi. Tiêu chuẩn lựa chọn là những bệnh nhân trên 60 tuổi đến khám tại khoa và đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Tiêu chuẩn loại trừ là những bệnh nhân mắc bệnh toàn thân và tại chỗ cấp tính, mất răng toàn bộ và không đủ khả năng trả lời phỏng vấn. Kết quả: có 192 bệnh nhân người cao tuổi (87 nam, 105 nữ) đã được khám và đánh giá tình trạng sâu chân răng. Số bệnh nhân có ít nhất một tổn thương sâu chân răng là 51 (26,6%), trong đó có số bệnh nhân nam là 21(41,2%), số bệnh nhân nữ là 30 ( 58,8%), sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p= 0,155 > 0,05). Tỉ lệ răng tụt lợi là 75%. Chỉ số RCI là 1,3 trong đó nhìn chung chỉ số RCI của các răng thuộc cung răng hàm dưới cao hơn các răng thuộc cung răng hàm trên. Tổn thương sâu chân răng hay gặp nhất ở nhóm răng cửa và răng hàm lớn hàm dưới. Về sự phân bố tổn thương sâu chân theo các mặt cho thấy hay gặp nhất ở mặt bên và ít gặp nhất ở mặt trong chân răng. Kết luận: Tỉ lệ sâu chân răng trên bệnh nhân người cao tuổi ở mức trung bình, trong đó tỉ lệ sâu chân răng ở bệnh nhân nữ cao hơn ở bệnh nhân nam. Thực trạng mất răng, sâu chân răng, tụt lợi của các vị trí răng tương đối cân xứng qua đường giữa. Nhóm răng cửa và răng hàm lớn hàm dưới là những răng hay gặp tổn thương sâu chân răng nhất. Nhóm răng hàm nhỏ và răng hàm lớn thứ 3 là những răng hiếm gặp tình trạng sâu chân răng. Mặt bên chân răng là bề mặt xuất hiện tổn thương sâu chân răng nhiều nhất.
#sâu chân răng #người cao tuổi #RCI #tụt lợi
DỰ ĐOÁN NGUY CƠ MẮC BỆNH TIM MẠCH TRONG 10 NĂM THEO THANG ĐIỂM FRAMINGHAM Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 505 Số 1 - 2021
Đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2 là một trong những căn bệnh có xu hướng ngày càng tăng với nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có nguy cơ gia tăng các tổn thương hệ tim mạch. Ước tính khoảng 75% bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 tử vong do hậu quả của các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm theo thang điểm Framingham (Framingham Risk Score - FRS) ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2. Để dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm và các yếu tố liên quan đến tình trạng này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu theo phương pháp mô tả, cắt ngang trên 139 bệnh nhân (62 nam và 77 nữ) ĐTĐ tuýp 2, có độ tuổi trung bình 66,31 ± 8,88, cho thấy chủ yếu các bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ rất cao (41,7%), nguy cơ cao (17,3%), nguy cơ trung bình (20,9%) và nguy cơ thấp (20,1%). Nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn ở bệnh nhân nam, trên 60 tuổi, chỉ số khối cơ thể cao, có tình trạng rối loạn lipid máu. Với bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 kèm theo tăng huyết áp có khả năng làm tăng nguy cơ ở mức rấtcao lên 10,784 lần.
#Đái tháo đường tuýp 2 #bệnh tim mạch #thang điểm Framingham
KẾT QUẢ LIỀN THƯƠNG SỬ DỤNG PLASMA ÁP SUẤT KHÍ QUYỂN LẠNH TRÊN TỔN THƯƠNG DA CẤP TÍNH Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: BÁO CÁO MỘT TRƯỜNG HỢP
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 505 Số 1 - 2021
Nhiều nghiên cứu cho thấy điều trị plasma lạnh áp suất khí quyển cho nhiều kết quả tích cực trong việc điều trị liền vết thương. Trong một trường hợp bệnh nhân mắc Đái tháo đường có vết thương diện rộng vùng hàm mặt và cánh tay, chúng tôi đã điều trị plasma cho bệnh nhân bằng thiết bị PlasmaMed với thời gian 30 giây/cm2 diện tích vết thương/ngày. Bệnh nhân được chăm sóc vết loét theo quy trình chuẩn, kích thước vết thương, tình trạng nhiễm trùng và cảm giác tại vùng chiếu của bệnh nhân được ghi nhận trong thời gian điều trị. Sau 5 tuần, các vết thương đã biểu mô hóa hoàn toàn, không ghi nhận tình trạng viêm và cảm giác bất thường tại vùng chiếu tia.
#Tổn thương da #plasma lạnh áp suất khí quyển
KHẢO SÁT KIẾN THỨC, THỰC HÀNH CỦA NGƯỜI BỆNH, NGƯỜI NHÀ NGƯỜI BỆNH VỀ PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID-19 TẠI BỆNH VIỆN E NĂM 2020
Mục tiêu: Khảo sát kiến thức của người bệnh, người nhà người bệnh về phòng, chống COVID-19.
Đối tượng và phương pháp: Người bệnh, người nhà người bệnh đang điều trị tại bệnh việnđược khảo sát trong thời gian từ 1/3/2020 đến 31/3/2020. Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
Kết quả và kết luận: 61,3% ĐTNC nhận biết đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm. 96,3% ĐTNC trả lời được các phương thức lây truyền của COVID-19.Trả lời đầy đủ và chính xác 3 phương thức có 55% ĐTNC. 92,2% ĐTNC chỉ ra ho, 65% ĐTNC chỉ ra khó thở, tức ngực và chỉ có 31,1% ĐTNC cho rằng sốt là triệu chứng thường gặp của COVID-19.Có 94,6% ĐTNC hiểu việc đeo khẩu trang đúng cách và 93,7% hiểu việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng góp phần phòng ngừa lây nhiễm COVID-19.
#Đại dịch COVID-19 #Kiến thức #thực hành
Tổng số: 66
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7