THỰC TRẠNG SÂU CHÂN RĂNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI TẠI BỆNH VIỆN RĂNG HÀM MẶT TRUNG ƯƠNG HÀ NỘI NĂM 2020 - 2021

Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 503 Số 1 - 2021

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả thực trạng sâu chân răng ở người cao tuổi tại bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội năm 2020 - 2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang 192 bệnh nhân người cao tuổi đến khám tại Khoa Điều trị răng miệng người cao tuổi. Tiêu chuẩn lựa chọn là những bệnh nhân trên 60 tuổi đến khám tại khoa và đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Tiêu chuẩn loại trừ là những bệnh nhân mắc bệnh toàn thân và tại chỗ cấp tính, mất răng toàn bộ và không đủ khả năng trả lời phỏng vấn. Kết quả: có 192 bệnh nhân người cao tuổi (87 nam, 105 nữ) đã được khám và đánh giá tình trạng sâu chân răng. Số bệnh nhân có ít nhất một tổn thương sâu chân răng là 51 (26,6%), trong đó có số bệnh nhân nam là 21(41,2%), số bệnh nhân nữ là 30 ( 58,8%), sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p= 0,155 > 0,05). Tỉ lệ răng tụt lợi là 75%. Chỉ số RCI là 1,3 trong đó nhìn chung chỉ số RCI của các răng thuộc cung răng hàm dưới cao hơn các răng thuộc cung răng hàm trên. Tổn thương sâu chân răng hay gặp nhất ở nhóm răng cửa và răng hàm lớn hàm dưới. Về sự phân bố tổn thương sâu chân theo các mặt cho thấy hay gặp nhất ở mặt bên và ít gặp nhất ở mặt trong chân răng. Kết luận: Tỉ lệ sâu chân răng trên bệnh nhân người cao tuổi ở mức trung bình, trong đó tỉ lệ sâu chân răng ở bệnh nhân nữ cao hơn ở bệnh nhân nam. Thực trạng mất răng, sâu chân răng, tụt lợi của các vị trí răng tương đối cân xứng qua đường giữa. Nhóm răng cửa và răng hàm lớn hàm dưới là những răng hay gặp tổn thương sâu chân răng nhất. Nhóm răng hàm nhỏ và răng hàm lớn thứ 3 là những răng hiếm gặp tình trạng sâu chân răng. Mặt bên chân răng là bề mặt xuất hiện tổn thương sâu chân răng nhiều nhất.

Từ khóa

#sâu chân răng #người cao tuổi #RCI #tụt lợi

Tài liệu tham khảo