Khoa Xã hội học: 25 năm đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Tóm tắt
Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có quyết định thành lập ngày 16/9/1991. Trải qua ¼ thế kỷ, Khoa Xã hội học đã đạt nhiều thành tích trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Khoa Xã hội học luôn giữ vị trí hàng đầu về cơ sở đào tạo 2 ngành Xã hội học (XHH) và Công tác xã hội (CTXH), nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, đồng thời đào tạo được nhiều nhà XHH Việt Nam trong tương lai và các cán bộ, chuyên viên CTXH xuất sắc. 1. Cơ cấu tổ chức của Khoa Trải qua nhiều tiến trình tách-nhập và thay đổi nhân sự, tính tới thời điểm hiện tại (Tháng 9/2016, tổng số cán bộ viên chức trong Khoa có 32 cán bộ, trong đó có 1 GS, 7 PGS.TS và 6 TS, 15 ThS (Trong đó có 11 NCS) và 3 CN (3NCS). Hiện nay có 5 cán bộ đang học tập và nghiên cứu ở nước ngoài (Mỹ, Pháp và Úc). Khoa Xã hội học có 6 Bộ môn: Lý thuyết và Phương pháp nghiên cứu XHH, XHH Văn hóa và Giáo dục, XHH Nông thôn và Đô thị, XHH Dân số và Môi trường, XHH Giới và Gia đình và Công tác xã hội, tăng thêm một tổ bộ môn thành 6 tổ và một tổ văn phòng. Số lượng cán bộ và số tổ bộ môn của giai đoạn này tuy không thay đổi nhiều so với các giai đoạn trước đó, nhưng có sự vượt trội về chất lượng. Dưới sự quy hoạch, đầu tư đào tạo nhân lực của Khoa, đến nay, 100% cán bộ giảng dạy đang theo học chương trình Nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Số lượng cán bộ được Nhà nước phong học hàm Giáo sư, Phó giáo sư cũng tăng mạnh so với các giai đoạn trước đó. 2. Công tác đào tạo Từ năm 1991 đến nay, Khoa Xã hội học tham gia đào tạo 2 ngành XHH và CTXH với các hệ chính quy, vừa học vừa làm, văn bằng II, cao học và nghiên cứu sinh. Nhiều sinh viên, học viên vừa học vừa làm, sau đại học, sau khi tốt nghiệp đang giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước ở cấp Trung ương và các cấp địa phương. Cán bộ của Khoa tham gia tích cực các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do nhà trường phối hợp thực hiện với các đối tác Pháp và Mỹ. Ngành CTXH đang được Nhà nước coi trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 về phê duyệt “Đề án phát triển ngành Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”; và Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2016 công nhận ngày 25 tháng 3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”. Hiện nay, Khoa Xã hội học là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo Tiến sĩ CTXH. Để nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm 1991 đến nay, Khoa thường xuyên xây dựng, điều chỉnh khung chương trình đào tạo theo tín chỉ, theo chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu của xã hội, xuất bản 40 cuốn bài giảng, giáo trình và nhiều sách tham khảo phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. 3. Công tác nghiên cứu khoa học Là một đơn vị nghiên cứu khoa học có uy tín, chất lượng, đội ngũ giảng viên và sinh viên Khoa Xã hội học luôn đề cao và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Giảng viên của Khoa còn kiêm nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc các trung tâm như: Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển CTXH, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và các vấn đề xã hội, Trung tâm phát triển Kỹ năng và Tri thức công tác xã hội (CSWD). Bên cạnh việc hoàn thành vượt mức nhiệm vụ trọng tâm là giảng dạy, 100% giảng viên của Khoa đã và đang chủ trì hoặc tham gia những đề tài nghiên cứu khoa học lớn từ cấp trường, cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia, cấp Nhà nước, các dự án của các tổ chức trong nước và quốc tế. Cho tới nay, cán bộ của Khoa đã chủ trì 12 đề tài cấp nhà nước, 5 đề tài Nafosted, 19 đề tài cấp ĐHQG, 80 đề tài của các Bộ, Ban ngành và các tổ chức Quốc tế khác (Tổng cục DS, Jiff, Toyota, Ngân hàng thế giới, UNDP….), như PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, PGS.TS. Trịnh Văn Tùng, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan, GS.TS Hoàng Bá Thịnh, PGS.TS. Hoàng Thu Hương, PGS.TS. Phạm Văn Quyết... Bên cạnh đó, nhiều cán bộ trẻ trong Khoa đã tham gia khảo sát viết báo cáo chuyên đề cho các đề tài. Nhìn chung, công tác nghiên cứu khoa học của Khoa đã ít nhiều khẳng định rằng với một cơ sở đào tạo, mối liên kết giảng dạy-nghiên cứu khoa học-thị trường nhân lực là một hướng đi quan trọng. Mặt khác, thông qua các đề tài, trình độ chuyên môn nghề nghiệp của cán bộ được nâng lên, nội dung giảng dạy ngày càng gắn liền với đời sống xã hội. 4. Tổ chức các hội thảo khoa học Hàng năm, Khoa đều tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị khoa học các cấp, tạo diễn đàn khoa học cho việc chia sẻ các kết quả và kinh nghiệm nghiên cứu cập nhật trong cả hai lĩnh vực, Xã hội học và Công tác Xã hội. Khoa Xã hội học đã tổ chức hơn 30 hội thảo cấp bộ môn và cấp khoa, tạo diễn đàn nâng cao năng lực và chia sẻ thông tin cho các giảng viên, các nhà nghiên cứu và sinh viên trong trường. Một số cuộc hội thảo lớn gần đây như sau: Hội thảo “Chính sách xã hội và công tác xã hội” tháng 6/2012 với hơn 100 đại biểu trong nước và 40 đại biểu quốc tế. Hội thảo “ Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác xã hội và an sinh xã hội ” trong khuôn khổ kỷ niệm ngày công tác xã hội thế giới tại Việt Nam năm 2012 với sự tham gia của giảng viên, các nhà khoa học đến từ các trường đại học trong cả nước và nhiều chuyên gia nước ngoài; Hội thảo “ Vai trò của Xã hội học và Công tác xã hội trong sự nghiệp phát triển xã hội hiện nay” với sự tham gia của các Trường đào tạo xã hội học và công tác xã hội trong cả nước tháng 11/2013. Ngoài các cuộc Hội thảo lớn kể trên, Khoa cũng đã tổ chức hơn 20 hội thảo cấp bộ môn, cấp khoa, hội thảo đề tài cấp nhà nước thu hút nhiều cán bộ giảng viên trong Khoa tham gia viết bài, nhiều học viên và sinh viên đến tham dự hội thảo. Khoa Xã hội học luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các cán bộ tham dự các hội nghị, hội thảo trong nước và ngoài nước. Việc tổ chức các hội thảo khoa học không chỉ để tạo ra những diễn đàn để cán bộ có cơ hội thông báo những kết quả nghiên cứu, mà quan trọng hơn là phía sau diễn đàn đã có những mối liên hệ khoa học mở ra. Đồng thời, Hội thảo là một giảng đường đại học hết sức bổ ích cho những cán bộ đang cần học hỏi hơn nữa. 5. Hợp tác quốc tế Hai mươi lăm năm qua Khoa Xã hội học đã hợp tác với hơn 20 trường Đại học và các tổ chức Quốc tế. Năm 2005, Khoa XHH được kết nạp vào Hội XHH Thế giới. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, Khoa đã phối hợp với các Trường ĐH Toulouse II (Pháp), Trường Đại học San Jose (Mỹ), Trường Đại học Shukutoku (Nhật Bản), Trường Đại học Lund (Thuỵ Điển), Trường Đại học Degu (Hàn Quốc), Trường Đại học Memorial (Canada),… để phối hợp nghiên cứu và tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học về đào tạo xã hội học và công tác xã hội. Trong từng lĩnh vực, cụ thể như sau: Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo Khoa Xã hội học phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng giảng dạy tại Khoa. Cán bộ của Khoa tham gia tích cực vào công tác tổ chức và đào tạo 10 khóa (2006-2016) của chương trình đào tạo thạc sĩ quốc tế xã hội học ứng dụng trong “quản lý tổ chức” (MADO) nay là “quản lý chính sách công và doanh nghiệp” (MAPE), thạc sỹ Quản lý tổ chức của Đại học Toulouse 2 le Mirail nay là Đại học Toulouse 2-Jean Jaures. Được sự tài trợ của UNICEF, Khoa Xã hội học đã phối hợp với nhà trường đào tạo 4 khóa “Bồi dưỡng chứng chỉ sau đại học ngành công tác xã hội” với 120 học viên là cán bộ giảng dạy, cán bộ đang làm việc ở các cơ quan, các tổ chức liên quan đến Công tác xã hội trong cả nước. Nhờ vậy, chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Công tác xã hội đã được cập nhật và mang tính hội nhập quốc tế cao. Giảng viên là các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo CTXH đến từ Mỹ, Anh, Australia, Canada… trực tiếp giảng dạy. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu Trong 25 năm qua, Khoa Xã hội học đã hợp tác với nhiều đối tác quốc tế có uy tín cao trong đào tạo và nghiên cứu 2 ngành XHH và CTXH. Những sản phẩm hợp tác quốc tế như: Kỷ yếu hội thảo quốc tế, sách, bài báo khoa học hay các dịch vụ phát triển cộng đồng là những minh chứng quan trọng. Dựa trên tiêu chí kết quả hợp tác, chúng ta có thể kể tên 1 số đối tác quan trọng như sau: Đại học Toulouse 2 le Mirail nay là Đại học Toulouse 2-Jean Jaures, cộng hòa Pháp đã và đang cùng với cán bộ của khoa đào tạo 10 khóa thạc sĩ xã hội học ứng dụng, nghiên cứu phát triển cộng đồng tại Mộc Châu-Sơn La, cùng đào tạo tiến sĩ. Đại học San Jose States, California đã đào tạo cán bộ giảng viên tại Viện Quản lý lãnh đạo giảng viên cao cấp về CTXH; tổ chức nhiều cuộc tọa đàm và hội thảo về thăng tiến nghề CTXH ở Việt Nam Đại học Lund (Thụy Điển) là một đối tác quan trọng của khoa trong thời gian qua trong dự án nghiên cứu so sánh về hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Hiện nay, một cuốn sách quốc tế đang được tiến hành làm thủ tục xuất bản tại Thụy Điển. Đại học Fukushima & Shukutoku Nhật Bản cũng đã phối hợp với cán bộ của Khoa trong nghiên cứu về chủ đề “Phật giáo với Công tác xã hội”. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo quốc tế đã được tổ chức và những ấn phẩm từ hoạt động hợp tác nghiên cứu đã được đón nhận. Dựa trên những thành tựu hợp tác quốc tế của các thế hệ thầy, cô đi trước, Khoa đã duy trì và phát huy lợi thế và nguồn lực để hợp tác với nhiều đối tác khác như: Đại học Tổng hợp LODZ Ba Lan, Viện Xã hội học Cộng hòa dân chủ Đức, Trường Đại học Tổng hợp Humbolt, Trung tâm dân số sinh thái Khoa Xã hội học-Trường Đại học Tổng hợp Bang Washington (Hoa Kỳ), Trường Louvain (Bỉ), Đại học Paris 7 (Pháp), Đại học Belfield (Đức), Trung tâm Quốc tế và phát triển Nhật Bản, Đại học Michigan (Mỹ), Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcova (Nga),… Khoa Xã hội học đã tận dụng tốt tính chất vừa hàn lâm, vừa ứng dụng của các ngành Xã hội học và Công tác xã hội nên đã đấu thầu nhiều đề án quốc tế thành công do các tổ chức lớn tài trợ như UNICEF, Ngân hàng thế giới, Ford, Tổ chức Radda Barnen, British Council, UNFPA, SIDA, Quỹ Toyota… 6. Kế hoạch phát triển Khoa Xã hội học (2016-2021) Định hướng phát triển của Khoa Xã hội học trong thời gian tới có thể tóm tắt trên những nét chính sau đây: - Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy đạt chuẩn cao, có tính chuyên nghiệp đáp ứng nhiệm vụ chiến lược của Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. Giữ vững và khẳng định vị trí hàng đầu trong cả nước của Khoa XHH về đào tạo 2 ngành XHH và CTXH. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. - Tiếp tục chuẩn hoá, hiện đại hoá hoạt động đào tạo trong Khoa, điều chỉnh, bổ sung ngành nghề đào tạo một cách hợp lý, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện tốt đổi mới phương pháp giảng dạy và chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra. Năm 2017 đào tạo chất lượng cao cử nhân ngành Xã hội học. - Xây dựng đề án thành lập Viện Xã hội học và CTXH theo sự chỉ đạo của nhà trường để có thêm chỉ tiêu nghiên cứu viên, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Khoa. - Đẩy mạnh các hoạt động của “Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển CTXH”, thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình cung cấp dịch vụ CTXH mới và chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương. - Xây dựng “Phòng thực hành Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng” năm 2017 do Đại học Quốc gia hỗ trợ kinh phí - Tăng cường tổ chức các buổi toạ đàm khoa học, Hội thảo khao học, động viên cán bộ Khoa biên tập, hoàn thiện các bài giảng, giáo trình, các báo cáo tổng kết đề tài để in ấn, xuất bản; mở rộng, liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học trong và ngoài trường trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. - Chỉ đạo xây dựng phát triển và đào tạo liên thông 2 ngành XHH và CTXH. Năm 2017 sẽ đào tạo theo chuyên ngành CTXH. Thiết lập mạng lưới các cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên chuyên ngành CTXH. Đề xuất những chính sách, chế độ, chế tài, kinh phí cụ thể để sinh viên có thể có những cơ sở thực tập tốt. - Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh chuyên ngành XHH. Nghiên cứu định vị ngành XHH và CTXH. 7. Kết luận Trong chặng đường ¼ thế kỷ phát triển Khoa Xã hội học, Ban chủ nhiệm Khoa trong các nhiệm kỳ luôn có ý thức chăm lo, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Khoa, tạo điều kiện thuận lợi để các cán bộ có cơ hội được đào tạo và phát triển, từ đó góp phần duy trì vai trò cơ sở đào tạo đứng đầu trong cả nước về hai ngành Xã hội học và Công tác xã hội. Đến nay, nhiều cán bộ trong Khoa đã trở thành những chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy giỏi, có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp tốt, phẩm chất chính trị vững vàng, đủ năng lực kế thừa, tiếp nối các thế hệ đi trước, phát triển ngành mạnh mẽ hơn. Khoa là một tập thể sư phạm đoàn kết, sinh hoạt dân chủ, cán bộ quan hệ hợp tác với các đối tác trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngày càng mở rộng, nhờ đó đã thực hiện liên kết và tham gia nhiều đề tài, dự án cấp trường, cấp Bộ, cấp Nhà nước. Trên cơ sở đó Khoa đã tổ chức, xây dựng các nhóm nghiên cứu cho cán bộ và học viên cao học của Khoa tham gia, đặc biệt giúp cho cán bộ trẻ trong Khoa có nhiều cơ hội được đào tạo và phát triển nhanh ngành nghề của mình. Sự nghiệp xây dựng và phát triển Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, toàn thể cán bộ, học viên, sinh viên Khoa Xã hội học phải nỗ lực hơn nữa để Khoa luôn luôn hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình.