Y Dược học cổ truyền Quân sự

  1859-3755

 

  Việt Nam

Cơ quản chủ quản:  N/A

Lĩnh vực:

Phân tích ảnh hưởng

Thông tin về tạp chí

 

Tạp chí Y Dược học cổ truyền Quân sự  thuộc Viện Y học cổ truyền Quân đội, hoạt động với tôn chỉ:

- Phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học và trao đổi kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân trong lĩnh vực y dược học cổ truyền;

- Cập nhật thông tin của y học thế giới, những thành tựu nổi bật thuộc các chuyên ngành và những kỹ thuật tiên tiến đang triển khai trong nước và thế giới.

Tạp chí được xuất bản với kỳ hạn 3 tháng/1 số, phát hành trên toàn quốc, theo Giấy phép số 1583/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền Thông (Số ISSN: 1859-3755).

Viện Y học cổ truyền Quân đội kính mong các cơ sở khoa học, nhà khoa học và bạn đọc quan tâm ủng hộ, giúp đỡ, gửi bài báo khoa học và đóng góp ý kiến để Tạp chí ngày một hoàn thiện, phục vụ bạn đọc được tốt hơn, góp phần quảng bá và phát triển nền y học cổ truyền.


Các bài báo tiêu biểu

Đánh giá tác dụng của cao Hy thiêm kết hợp điện châm trong điều trị viêm quanh khớp vai đơn thuần
Tập 13 Số 1 - Trang 40 - 46 - 2023
Nguyễn Phương Huy, Nguyễn Văn Dũng
Mục tiêu: Đánh giá tác dụng điều trị viêm quanh khớp vai đơn thuần bằng Cao hy thiêm kết hợp với điện châm và theo dõi tác dụng không mong muốn của phương pháp. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Can thiệp lâm sàng có đối chứng so sánh trước sau điều trị trên 70 bệnh nhân viêm quanh khớp vai đơn thuần. Đánh giá chỉ tiêu lâm sàng và cận lâm sàng qua thang điểm VAS, tầm vận động khớp vai, thang điểm Constant & Murley, công thức máu, sinh hóa máu. Thời gian nghiên cứu 6 tháng, tại Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng từ tháng 06/2022 - 12/2022.  Kết quả: Sau can thiệp, triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng đều được cải thiện, số liệu có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
#Cao hy thiêm #điện châm #viêm quanh khớp vai.
Đánh giá tác dụng chống viêm cấp của thuốc Hoàn Khớp trên mô hình thực nghiệm
Tập 11 Số 2 - Trang 32 - 40 - 2021
Hoàng Thị Kim Mười, Phạm Xuân Phong, Đặng Hồng Hoa
Mục tiêu: Đánh giá tác dụng chống viêm của thuốc Hoàn khớp trên các mô hình viêm cấp. Phương pháp: Đánh giá tác dụng chống viêm cấp của Hoàn khớp trên 3 mô hình: gây phù chân chuột bằng carrageenin, gây viêm màng bụng bằng carrageenin + formaldehyde, mô hình tăng tính thấm thành mạch do acid acetic. Kết quả: Hoàn khớp có tác dụng giảm thể tích phù chân chuột liều 2,8g/kg (24,21%), liều 5,6g/kg (39,05%). Hoàn khớp làm giảm sự thâm nhiễm của bạch cầu, liều 2,8g/kg giảm 54,54%, liều 5,6g/kg giảm 58,92% (p<0,05). Thể tích dịch rỉ viêm và hàm lượng protein trong dịch rỉ viêm cũng giảm so với nhóm chứng (p<0,05). Hoàn khớp liều 2,8g/kg chưa thể hiện tác dụng ức chế tính thấm thành mạch trên mô hình gây viêm do acid acetic. Kết luận: Hoàn khớp có tác dụng chống viêm cấp, thể hiện qua tác dụng làm giảm phù viêm, giảm số lượng dịch rỉ viêm, giảm số lượng bạch cầu và hàm lượng protein trong dịch rỉ viêm so với lô uống nước cất.
#Từ khóa: Hoàn khớp #chống viêm cấp
Khảo sát thực trạng cung cấp dịch vụ Y học cổ truyền tại trạm y tế xã Phù Linh Sóc Sơn Hà Nội 9 tháng đầu năm 2019
Tập 11 Số 2 - Trang 1-9 - 2021
Đào Thị Minh Châu
Nghiên cứu nhằm mô tả cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, dược liệu, các chế phẩm, nguồn nhân lực phục vụ khám chữa bệnh, mối liên quan giữa mô hình bệnh tật và cung cấp dịch vụ Y học cổ truyền (YHCT) tại trạm y tế xã (TYTX) Phù Linh. Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Thu thập số liệu bằng phỏng vấn các cán bộ Y học cổ truyền tại tại trạm y tế xã bằng phiếu khảo sát, thu thập và thống kê sổ sách 9 tháng đầu năm 2019 của tại trạm y tế xã. Kết quả cho thấy trang thiết bị y tế phục vụ cho KCB bằng phương pháp không dùng thuốc của Y học cổ truyền đầy đủ, chất lượng đồng đều, được tại trạm y tế xã Phù Linh mua bổ sung thêm đáp ứng theo quy định của Bộ Y Tế. Phương pháp KCB bằng YHCT đơn thuần có ưu điểm lớn trên nhóm bệnh cơ xương khớp và mô liên kết, nhóm bệnh lý mạn tính.
#Y học cổ truyền; Trạm y tế xã Phù Linh.
Đánh giá kết quả điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phương pháp Y học cổ truyền kết hợp vật lý trị liệu – phục hồi chức năng tại Bệnh viện quân y 87
Tập 11 Số 1 - Trang 17 - 24 - 2021
Cao Thị Len, Nguyễn Thanh Lâm
Mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phương pháp Y học cổ truyền kết hợp Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng. Đối tượng và Phương pháp: gồm 130 bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, điều trị nội trú tại khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện quân y 87, từ tháng 6 năm 2017 đến tháng 03 năm 2019. Tiến cứu, so sánh trước và sau điều trị. Kết quả: Nhóm tuổi hay gặp nhất là 40 đến 60: (63,07%) cải thiện mức độ giảm đau tốt: (35,38%); cải thiện độ giãn cột sống thắt lưng: (61,33%); cải thiện khoảng cách tay đất: (10,76%); cải thiện mức độ chèn ép rễ thần kinh hông to: (56,15%). Kết luận: Sau 20 ngày điều trị sự cải thiện tốt về các triệu chứng lâm sàng: giảm đau, độ giãn cột sống thắt lưng, khoảng cách tay đất và mức độ chèn ép rễ thần kinh hông to, có ý nghĩa thống kê với p<0,01. Đây là phương pháp điều trị an toàn.
#Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng #Vật lý trị liệu #Phục hồi chức năng #Y học cổ truyền
Trí tuệ nhân tạo - Công cụ giúp tường minh hóa Y học cổ truyền trong thế kỷ 21
Tập 13 Số 1 - Trang 4 - 10 - 2023
Phạm Xuân Phong, Đinh Thanh Hà
Đến nay, qua quá trình hoạt động thực tiễn, loài người đã tạo ra hai nền y học. Tuy mỗi nền y học có những đặc trưng riêng, nhưng đều thuộc lĩnh vực khoa học sự sống, nghiên cứu về sức khỏe và bệnh tật, cách phòng và chữa bệnh. Nền y học phương Tây (Tây y hay y học hiện đại) là nền y học thực nghiệm, dựa trên hệ thống tri thức khoa học, gồm cơ sở lý thuyết của nhiều bộ môn khoa học như: sinh lý, hóa sinh, giải phẫu….; có đối tượng nghiên cứu là những khái niệm cụ thể, định lượng; sự liên hệ giữa các khái niệm là hữu hình, biểu diễn được bằng các biểu thức toán học. Bên cạnh đó, nền y học phương Đông (Đông y hay y học cổ truyền) là nền y học dựa trên hệ thống tri thức kinh nghiệm, với cơ sở lý luận là các học thuyết âmdương, Ngũ hành; Kinh lạc, tạng phủ…; có đối tượng nghiên cứu là những khái niệm trừu tượng, định tính; sự liên hệ giữa các khái niệm là vô hình, khó biểu diễn bằng các biểu thức toán học, mà dùng các suy luận logic. Thời gian gần đây, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) đang nhanh chóng phát triển và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có khoa học sự sống. Vậy, đối với lĩnh vực Y học cổ truyền (YHCT), AI sẽ có những đóng góp gì? Bài viết này sẽ giúp gợi ý phần nào câu trả lời cho vấnđề trên.
#trí tuệ nhân tạo
Đánh giá tác dụng trấn tĩnh gây ngủ của viên nang Bilasen trên động vật thực nghiệm
Tập 13 Số 1 - Trang 78 - 90 - 2023
Nguyễn Văn Lĩnh, Nguyễn Hữu Dương, Đinh Thị Hằng, Nguyễn Trung Tường
Mục tiêu: Đánh giá tác dụng trấn tĩnh gây ngủ của viên nang Bilasen trên chuột nhắt trắng. Phương pháp tiến hành: Đánh giá tác dụng trấn tĩnh gây ngủ của viên nang Bilasen trên bài tập môi trường mở, mô hình dấu cộng trên cao, bài tập bơi lội cưỡng bức và kết quả điện não đồ. Kết quả viên nang Bilasen có tác dụng giảm vận động, giảm khám phá của chuột trên bài tập môi trường mở, liều 500mg/kg, 1500mg/kg; tác dụng giảm vận động, tăng thời gian đứng im của chuột liều 500mg/kg, tác dụng an thần, giảm lo lắng liều 1500mg/ kg trên mô hình dấu cộng trên cao; tác dụng an thần, giảm vận động, giảm lo lắng ở chuột trên bài tập bơi lội cưỡng bức, liều 500mg/kg, liều 1500mg/kg; tác dụng thư giãn, giảm hoạt hóa vỏ não, an thần gây ngủ trên điện não đồ.
#viên nang Bilasen #trấn tĩnh gây ngủ.
Đặc điểm lâm sàng bệnh nhân đau bụng kinh nguyên phát tại khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, năm 2020
Tập 11 Số 2 - Trang 10-24 - 2021
Bùi Thị Bích Hậu, Lê Thị Minh Phương, Lê Thành Xuân
Đau bụng kinh nguyên phát là bệnh lý phụ khoa thường gặp nhất. Mục tiêu: khảo sát một số đặc điểm bệnh lý và thể bệnh y học cổ truyền của bệnh nhân đau bụng kinh nguyên phát đến khám tại Khoa Y học cổ truyền-Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, năm 2020. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang trên 101 bệnh nhân được chẩn đoán đau bụng kinh nguyên phát đủ các tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu. Kết quả: 82,2% bệnh nhân từ 18-24 tuổi, tuổi trung bình: 23,5±1,9 tuổi. Các yếu tố nguy cơ gồm tiền sử gia đình (22,8%), stress căng thẳng tâm lý (100%), chế độ ăn kiêng không đủ chất (15,8%), tiền sử chưa sinh con (100%). Mức độ đau bụng kinh vừa và nặng theo thang VAS lần lượt là 52,5% và 47,5%. Các đặc điểm về vòng kinh, số ngày hành kinh, màu sắc, số lượng đều tương đồng với đặc điểm sinh lý kinh nguyệt. 100% bệnh nhân có ít nhất một lần phải sử dụng các phương pháp giảm đau (NSAID 84,1%, thuốc Y học cổ truyền 10,9%, kết hợp cả 2 phương pháp 5,0%). Các bệnh nhân ở 3 thể lâm sàng y học cổ truyền là thể khí trệ huyết ứ (73,3%), thể khí huyết hư (17,8%) và thể cảm nhiễm phong hàn (8,9%).
#Đau bụng kinh nguyên phát #thể bệnh y học cổ truyền
Tủ sách Đông Y: Giới thiệu tác phẩm “Ôn Dịch Luận” và một số ghi chép về “Dịch” trong Y văn
Tập 11 Số 1 - Trang 93 - 99 - 2021
Nguyễn Đình Tú, Phạm Xuân Phong
“Ôn dịch luận” được danh y Ngô Hựu Khả biên soạn vào năm Nhâm ngọ (năm 1642) cuối đời nhà Minh, được coi là một trước tác vượt thời đại trong lịch sử phát triển của Ôn bệnh học, là sự thể hiện kiệt xuất của sáng tạo lý luận Đông y với phương pháp mới trong thực hành lâm sàng, sách có 2 cuốn Thượng và Hạ. Tác giả Ngô Hữu Tính, tự Hựu Khả, người Ngô huyện (nay thuộc Tô Châu, Giang Tô), sinh sống vào cuối đời nhà Minh. Khi đó, Ngô huyện liên tiếp nhiều năm lưu hành dịch bệnh, một phố hơn trăm nhà không nhà nào không nhiễm, có gia tộc mấy chục người không người nào sống sót, dịch bệnh ảnh hưởng hết sức nặng nề. Ngô Hựu Khả viết trong lời mở đầu của “Ôn dịch luận” rằng: “Sùng Trinh năm tân tỵ, dịch khí lưu hành, người nhiễm rất nhiều, đặc biệt nặng vào khoảng tháng 5, tháng 6. Bệnh khi mới bắt đầu các thầy thuốc đều lầm tưởng là thương hàn và điều trị theo thương hàn, đều bị thất bại, thầy thuốc hoang mang, người bệnh thì ngày càng trở nặng. Bệnh ngày càng nặng thầy thuốc điều trị càng rối, nhiều khi không chết vì bệnh mà chết vì điều trị sai. Trong hoàn cảnh đó, Ngô Hựu Khả cảm nhận được đây là sự thiếu sót của y học, vì thế trong thực tiễn lâm sàng đã nghiên cứu sâu về nguyên lý gây bệnh, tìm hiểu rõ cái khí cảm nhiễm, con đường cảm nhiễm, nơi nào trong cơ thể bị ảnh hưởng, và phát tán truyền nhiễm theo con đường nào, sau đó viết thành cuốn “Ôn dịch luận”, luận giải từ  nguyên nhân, bệnh cơ cho đến điều trị phải phân biệt rõ giữa ôn bệnh và thương hàn.
#ôn dịch luận
Đánh giá độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của viên nang Bilasen trên động vật thực nghiệm
Tập 11 Số 1 - Trang 33 - 41 - 2021
Nguyễn Văn Lĩnh, Nguyễn Trung Tường, Nguyễn Văn Cường, Đinh Thanh Hà, Đinh Thị Hằng
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá độc tính cấp trên chuột nhắt trắng và độc tính bán trường diễn trên chuột cống trắng của viên nang Bilasen. Phương pháp tiến hành: theo dõi tình trạng chung; đánh giá chức năng gan, thận thông qua theo dõi các chỉ số sinh hóa, huyết học; mô bệnh học gan, thận. Kết quả: không xác định được LD50 trên chuột nhắt trắng mặc dù chuột đã uống liều tối đa 10g/kg/ngày; không ảnh hưởng đến chỉ số sinh hóa, huyết học, mô bệnh học của chuột cống trắng thực nghiệm với liều 1,26g/kg/ngày trong suốt 08 tuần liên tục. Kết luận: Viên nang Bilasen không gây độc tính cấp, độc tính bán trường diễn trên động vật thực nghiệm.
#Viên nang Bilasen #độc tính cấp #độc tính bán trường diễn