Tạp chí Tai Mũi Họng Việt Nam

  1859-3704

 

  Việt Nam

Cơ quản chủ quản:  N/A

Lĩnh vực:

Các bài báo tiêu biểu

KHẢO SÁT VI KHUẨN VÀ KHÁNG SINH ĐỒ Ở CÁC BỆNH LÝ NHIỄM TRÙNG TẠI KHOA TAI MŨI HỌNG BỆNH VIỆN CHỢ RẪY TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2022
- 2023
Phan Võ Thy Ngân, Trần Minh Trường, Trương Thiên Phú
Đặt vấn đề: Bệnh lý nhiễm trùng vùng tai mũi họng là những bệnh rất thường gặp. Do đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích định hướng đúng về chủng vi khuẩn hiện tại thường gặp của từng vùng trong các bệnh lý nhiễm trùng vùng tai mũi họng để sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm một cách hiệu quả nhất trước khi có kết quả định danh và kháng sinh đồ vi khuẩn. Mục tiêu: Phân bố và đề kháng kháng sinh của các loài vi khuẩn trên bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng vùng tai mũi họng. Đối tượng - phương pháp nghiên cứu: Một nghiên cứu cắt ngang trên 72 bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng tai mũi họng có kết quả nuôi cấy vi khuẩn dương tính tại khoa Tai mũi họng bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả: Nghiên cứu của chúng tôi phân lập được 78 vi khuẩn ở các bệnh nhân tham gia nghiên cứu. Vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất là Staphylococcus aureus (26,9%), Pseudomonas aeruginosa (24,4%), và Klebsiella pneumoniae (16,7%). Staphylococcus aureus có độ nhạy cao nhất với vancomycin (100,0%), teicoplanin (100,0%), linezolid (94,1%). Pseudomonas aeruginosa có độ nhạy cao nhất với tobramycin (100,0%), imipenem (94,4%), meropenem (94,7%), amikacin (94,4%). Klebsiella pneumoniae có độ nhạy cao nhất với ertapenem (76,9%), meropenem (76,9%), imipenem (75,0%). Kết luận: Dựa vào tần suất và kháng sinh đồ của các chủng vi khuẩn hay gặp trong nhiễm trùng tai mũi họng để cân nhắc việc chỉ định kháng sinh theo kháng sinh đồ.
#Nhiễm trùng vùng tai mũi họng #vi khuẩn #kháng sinh đồ #đề kháng kháng sinh
KẾT QUẢ PHẪU THUẬT VÁ NHĨ UNDERLAY ĐƯỜNG ỐNG TAI
- 2023
Đinh Thanh Hằng, Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Hoàng Huy, Nguyễn Thị Huệ
Mở đầu:Phẫu thuật vá nhĩ là phẫu thuật sửa chữa lỗ thủng màng nhĩ, nhằm mục đích phục hồi giải phẫu màng nhĩ, phòng bội nhiễm, duy trì và cải thiện khả năng nghe. Mục tiêu: Đánh giá kết quả phẫu thuật vá nhĩ underlay đường ống tai. Đối tượng - Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp không đối chứng, đối tượng nghiên cứu là 43 bệnh nhân được phẫu thuật vá nhĩ underlay đường ống tai từ tháng 1/2021- tháng 12/2022 tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương. Kết quả: Độ tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 36.4 tuổi. Bệnh nhân có ống tai thẳng, rộng chiếm 60.5%.Tỷ lệ liền kín màng nhĩ sau mổ 6 tháng là 97.7%. Có 1 bệnh nhân xẹp nhĩ độ I sau mổ 6 tháng. ABG sau mổ là 13±3.4dB so với ABG trước mổ ABG là 21.2±7.4dB. Kết luận: Phẫu thuật vá nhĩ đường ống tai, kỹ thuật underlay, sử dụng kính hiển vi mang lại nhiều ưu điểm như đường rạch da nhỏ và thẩm mỹ, bóc tách mô mềm tối thiểu, rút ngắn thời gian phẫu thuật. Phẫu thuật viên được rèn luyện có thể sử dụng đường vào này cho các lỗ thủng có vị trí và kích thước khác nhau với tỷ lệ thành công cao.
#vá nhĩ underlay đường ống tai #chỉnh hình tai giữa
Polyp killian qua lỗ thông xoang sàng sau vào hốc mũi: Báo cáo ca lâm sàng
Số 3 - Trang 11-17 - 2023
Cao Minh Thành, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Văn Hùng, Lê Duy Chung, Cao Minh Hưng, Nguyễn Bá Thuần
Polyp Killan hay còn gọi là polyp mũi sau là dạng polyp lành tính được hình thành do tổn thương biểu mô chế nhày trong xoang hàm, ngày càng phát triển to lên và đi vào hốc mũi qua lỗ thông xoang hàm, hướng về lỗ mũi sau, kích thước ngày càng lớn tới mức che kín hoàn toàn lỗ mũi sau1,2,3. Polyp Killian là loại polyp đơn độc, biểu hiện bệnh một bên, ở người lớn polyp Killian chiếm tỷ lệ 3-5% viêm mũi xoang có polyp2,3, nhưng chiếm tới 33% bệnh viêm mũi xoang có polyp ở trẻ em4,5,6,7. Trong báo cáo này chúng tôi mô tả một trường hợp polyp lỗ mũi sau mà đi vào hốc mũi qua khe mũi trên, chưa tìm thấy trường hợp nào tương tự trong y văn.
#Polyp Killan #Polyp cửa mũi sau
Ứng dụng hệ thống EJS trong chẩn đoán và điều trị cholesteatoma tai giữa mắc phải
Số 4 - Trang 77-85 - 2023
Dương Anh Vũ, Dương Thanh Hồng, Nguyễn Thanh Vinh
Mục tiêu: Ứng dụng hệ thống EJS (EAONO/JOS system) trong chẩn đoán và điều trị cholesteatoma tai giữa mắc phải. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang, thực hiện trên 71 bệnh nhân tại bệnh viện Tai Mũi Họng từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 10 năm 2022. Kết quả: Có 64 trường hợp (90,14%) được chẩn đoán giống giai đoạn và 7 trường hợp (9,86%) được chẩn đoán khác giai đoạn trong lúc phẫu thuật so với trước phẫu thuật. EJS là một hệ thống có giá trị tốt trong việc phân giai đoạn cholesteatoma tai giữa với chỉ số Kappa là 0,766. Có sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tỉ lệ tiệt căn xương chũm với từng giai đoạn của cholesteatoma tai giữa (Fisher’s exact test, p = 0,006). Không có sự liên quan giữa tỉ lệ tái phát, thời gian phẫu thuật với từng giai đoạn của cholesteatoma tai giữa (Fisher’s exact test, p > 0,05). Không có sự liên quan giữa tỉ lệ tái phát với các vị trí giải phẫu khó tiếp cận của cholesteatoma tai giữa (Fisher’s exact test, p > 0,05). Kết luận: Nhờ vào hệ thống EJS, các phẫu thuật viên có thể phân loại, phân giai đoạn bệnh trước phẫu thuật và tiên lượng được những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, cũng như là chủ động trong việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật (phẫu thuật xương chũm tường cao hay tường thấp) và phương tiện để phẫu thuật (kính hiển vi, nội soi hay kết hợp). Từ đó sẽ giúp cho việc phẫu thuật điều trị cholesteatoma đạt được hiệu quả tối ưu.
#Hệ thống EJS #cholesteatoma
Đặc điểm thính lực trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương từ 2022-2023
Số 4 - Trang 51-59 - 2023
Lâm Huyền Trân, Châu Ngọc Hân, Lê Nguyễn Uyên Chi
Đặt vấn đề: Mối liên quan giữa Đái tháo đường (ĐTĐ) và giảm thính lực đã được biết đến qua nhiều nghiên cứu, tình trạng tăng đường huyết ảnh hưởng đến nghe kém và cơ chế được nhắc đến chủ yếu do bệnh lý mạch máu nhỏ. Mục tiêu: So sánh sự khác biệt về thính lực giữa 2 hai nhóm không mắc và mắc Đái tháo đường type 2 và các yếu tố có ảnh hưởng đến thính lực của bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2. Đối tượng - Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả có nhóm chứng. 141 người tham gia từ 36-60 tuổi tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Tp. Hồ Chí Minh. Kết quả: Tỷ lệ nghe kém tiếp nhận ở nhóm bệnh là 77,1%, trong đó chủ yếu 48,94% nghe kém tiếp nhận mức độ rất nhẹ. Ngưỡng nghe của nhóm mắc ĐTĐ type 2 cao hơn đáng kể đặc biệt ở các tần số cao so với nhóm chứng khi so sánh ở các nhóm tuổi. Tình trạng kiểm soát đường huyết kém, có biến chứng, thời gian mắc bệnh lâu dài cho thấy đều có sự khác biệt về ngưỡng nghe ở các tần số cao khi so sánh giữa 2 nhóm. Kết luận: Có mối liên quan giữa Đái tháo đường type 2 và ngưỡng nghe, đặc biệt ở các tần số cao. Kiểm soát đường huyết không tốt, thời gian mắc bệnh kéo dài, có biến chứng của bệnh có ý nghĩa trong việc dự báo sớm có sự hiện diện nghe kém trên bệnh nhân.
#Đái tháo đường type 2 #thính lực đơn âm #nghe kém tiếp nhận
KHẢO SÁT MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ, LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ GÃY XƯƠNG CHÍNH MŨI TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÀI GÒN
Tập 69 Số 64 - Trang 27-34 - 2024
Vũ Đức Nhân
Đặt vấn đề: GXCM ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng điều trị muộn sẽ can lệch hoặc bị bỏ xót gây di chứng sụp lõm, vẹo lệch tháp mũi ảnh hưởng chức năng mũi và thẩm mỹ khuôn mặt, gây ảnh hưởng tâm lý của người bệnh. Mục tiêu: Nghiên cứu này nhằm khảo sát một số đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị GXCM. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca tiến cứu 13 người bệnh được chẩn đoán GXCM tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn từ 01/01/2020 đến 30/09/2020. Kết quả: Chấn thương GXCM xảy ra chủ yếu ở nam giới (76.9%), tỷ lệ nam:nữ là 3.3:1, độ tuổi trẻ (16-30 tuổi) thường gặp nhất (61.5%). Nguyên nhân GXCM đứng hàng đầu là tai nạn giao thông (61.5%). Hơn 90% là GXCM kín; phân loại theo Ogawa (2002) thường gặp nhất là gãy không di lệch (38.4%), gãy nén và gãy hỗn hợp bằng nhau (23.1%), gãy di lệch sang bên (xương hay vách ngăn) và gãy không phân loại được do phù nề ít gặp nhất và có tỷ lệ bằng nhau (7.7%); gần 30% GXCM phối hợp với các tổn thương khác, trong đó tổn thương mắt và chấn thương chỉnh hình thường gặp nhất với tỷ lệ bằng nhau là 23.1%, ngoài ra còn gặp tổn thương răng hàm mặt và thần kinh sọ não là 15.4%. Tất cả 13 trường hợp đều được chụp X-quang mũi nghiêng, nhưng chỉ 76.9% thấy đường gãy trên phim, 15.4% nghi ngờ có đường gãy và 7.7% không thấy đường gãy mặc dù lâm sàng khám có GXCM và được kiểm chứng lại bằng chụp CT scan sọ não. Có 7/13 người bệnh được chụp CT scan sọ não, phân loại theo Kun Hwang (2006) ghi nhận nhóm I (gãy đơn giản không di lệch) chiếm tỷ lệ cao nhất (42.8%), nhóm III (gãy vụn cài vào nhau hoặc sụp lún) chiếm tỷ lệ cao thứ 2 (28.6%). Thời gian điều trị nội trú trung bình 4.8 ngày, dưới 3 ngày chiếm 28.6%, từ 4 đến 7 ngày chiếm 71.4%, không có trường hợp trên 7 ngày. Tất cả BN đều có kết quả điều trị đạt sau xuất viện. Kết luận: Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, cả hai giới, chủ yếu nam giới và dưới 30 tuổi. Nguyên nhân GXCM đứng hàng đầu là tai nạn giao thông, phân loại theo Ogawa là gãy kín không di lệch, theo Kun Hwang là nhóm I (gãy đơn giản không di lệnh). Chụp CT-scan có độ đặc hiệu cao hơn chụp Xquang xương chính mũi nghiêng đơn thuần. Từ khóa: gãy xương chính mũi, chấn thương.
#gãy xương chính mũi #chấn thương
Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi mở ngách trán sử dụng hệ thống định vị từ trên bệnh nhân có bệnh lý xoang trán
Tập 68 Số 62 - Trang 60-68 - 2023
Đặng Anh Dũng
Nghiên cứu mô tả cắt ngang nhằm đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi mở ngách trán sử dụng hệ thống định vị từ trên bệnh nhân có bệnh lý xoang trán tại BV Đại học Y Hà Nội và bệnh viện Thanh Nhàn từ 4/2017 tới 2/2023. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đa phần là nam giới (69,8%); tuổi trung bình 45,97 ± 12,6 tuổi; không có tiền sử dị ứng (84,7%); không có tiền sử phẫu thuật mũi xoang (79,2%). Tổng cộng có 117 ngách trán, xoang trán được phẫu thuật có 54 bệnh nhân phẫu thuật cả 2 bên và 9 bệnh nhân chỉ phẫu thuật một bên trong đó có 57 bên phải và 60 bên trái. Sau 8 tuần phẫu thuật các triệu chứng cơ năng hầu như không còn: không có bệnh nhân ngạt mũi, có 5 bệnh nhân còn triệu chứng đau nhức vùng xoang, còn 2 bệnh nhân có chảy mũi và 7 bệnh nhân có rối loạn mất ngửi, 1 bệnh nhân phù nề niêm mạc. Điểm đánh giá tổn thương xoang trán theo thang điểm Lund – Mackay là 0,153, với mũi phải có 17,5% bệnh nhân có mờ đục xoang trán sau mổ, tỷ lệ này ở bên trái là 12,7%.
#nội soi #phẫu thuật #hệ thống định vị #xoang trán
Kết quả bước đầu phẫu thuật nội soi mở thông túi lệ-mũi điều trị tắc lệ đạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp
Tập 68 Số 61 - Trang 18-27 - 2023
Nguyễn Quang Hùng, Nguyễn Ngọc Hà, Đỗ Thị Chiêm
Nghiên cứu được thực hiện trên 31 bệnh nhân với 39 mắt bị tắc ống lệ mũi (TOLM) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 11 năm 2022. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi mở thông túi lệ-mũi (MTTLM) và đặt ống nong bằng silicone, đánh giá sau mổ 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng. Kết quả: Tuổi trung bình là 59,16 ± 13 (23-80); thời gian mắc bệnh trung bình 48,6 ± 51,7 tháng; triệu chứng thường gặp nhất là chảy nước mắt và nhầy mủ (100%); thời gian mắc bệnh trung bình 48,6 ± 51,7 tháng; tỉ lệ thành công chung là 87,2% (34/39) và 94,9% (37/39) sau phẫu thuật 3 và 6 tháng. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy phẫu thuật nội soi MTTLM tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đạt kết quả tốt, an toàn, ít biến chứng. Việc triển khai áp dụng kỹ thuật này đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ và mang lại sự thuận tiện cho người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện.
#nội soi mở thông túi lệ-mũi #tắc lệ đạo #tắc ống lệ mũi #viêm túi lệ #đặt ống nong bằng silicone #Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp
Cập nhật chẩn đoán và điều trị u cận hạch vùng đầu cổ
Số 3 - Trang 41-57 - 2023
Trần Văn Bửu, Lê Thanh Thái, Nguyễn Duy Miên
Đặt vấn đề: Những phát hiện mới về di truyền và sinh bệnh học của u cận hạch đã làm thay đổi đáng kể chiến lược xử trí bệnh lý này. Mục tiêu: Chúng tôi tóm tắt những hiểu biết gần đây về mặt di truyền học phân tử và những khuyến cáo cập nhật về chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân u cận hạch vùng đầu cổ. Phương pháp: Tìm kiếm các bài báo liên quan chủ đề nghiên cứu bằng công cụ PubMed. Thuật ngữ được sử dụng gồm: "paraganglioma", "glomus tumor", "head and neck", "genetics", "endocrinology", "investigation" and "treatment". Kết quả: u cận hạch vùng đầu cổ chủ yếu liên quan đến đột biến dòng mầm trong họ gen succinate dehydrogenase (SDHx), trong đó đột biến SDHD và SDHB làm tăng nguy cơ của bệnh lý đa khối u và ác tính. Xét nghiệm di truyền được khuyến cáo thực hiện cho tất cả bệnh nhân. Gallium 68 tetraazacyclododecane tetraacetic acid-octreotate có độ nhạy rất cao và được khuyến cáo là phương tiện chẩn đoán hình ảnh đầu tay ở những bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh lý đa khối u và di căn, hoặc có chỉ định liệu pháp thụ thể peptid nhắm đích. Điều trị bảo tồn được ưu tiên nếu khối u nhỏ, không tiết catecholamine, và không gây triệu chứng, ngược lại, phẫu thuật lấy bỏ khối u được đặt ra. Xạ trị được chỉ định cho những khối u tái phát sau mổ và những khối u không tiết catecholamine nằm ở vị trí mà việc cắt bỏ có nguy cơ gây tổn thương nặng nề các cấu trúc mạch máu và thần kinh quan trọng. Liệu pháp phóng xạ trúng đích (theranostics) đang được chứng minh là một lựa chọn đầy hứa hẹn và khả thi cho những trường hợp di căn hoặc không thể phẫu thuật lấy bỏ khối u được. Bệnh nhân được xác định có đột biến gen succinate dehydrogenase cần được theo dõi lâu dài bằng các xét nghiệm sinh hoá và hình ảnh toàn thân. Kết luận: U cận hạch vùng đầu cổ là những khối u thần kinh nội tiết hiếm gặp, tiến triển chậm và thường liên quan đến đột biến dòng mầm trong họ gen succinate dehydrogenase. Những phát hiện gần đây về sinh bệnh học và tiến triển của u cận hạch đã làm thay đổi đáng kể chiến lược xử trí bệnh lý này. Bám sát các khuyến cáo cập nhật sẽ giúp ích cho các bác sĩ tai mũi họng trong chăm sóc và điều trị bệnh lý u cận hạch đạt được hiệu quả cao.
#paraganglioma #glomus jugulare #glomus tympanicum #carotid body tumor #succinate dehydrogenase
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHẪU THUẬT NỘI SOI SÀO BÀO THƯỢNG NHĨ KẾT HỢP CHỈNH HÌNH TAI GIỮA ĐƯỜNG XUYÊN ỐNG TAI TẠI THÁI NGUYÊN
- 2023
Trần Duy Ninh, Nguyễn Tấn Phong, Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Công Hoàng, Saing Pisy
Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm kéo dài trên ba tháng của tai giữa. Thuật ngữ viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm dùng để gọi những trường hợp viêm tai giữa mạn tính có tổn thương ăn mòn xương và tổ chức xung quanh, có thể gây biến chứng nguy hiểm, không tự khỏi, không đáp ứng với điều trị nội khoa và chỉ định phẫu thuật gần như là phương pháp tuyệt đối. Trong đó, viêm tai giữa cholesteatoma là một trong những bệnh lý nguy hiểm của tai giữa có thể gây biến chứng nguy hiểm như liệt mặt, rò ống bán khuyên ngoài, điếc tiếp nhận.Phẫu thuật nội soi mở sào bào - thượng nhĩ kết hợp chỉnh hình tai giữa đạt hiệu quả cao để giải quyết bệnh tích này và dẫn lưu tốt sau phẫu thuật. Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng viêm tai giữa mạn tính có tổn thương xương con, và đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi mở sào bào - thượng nhĩ kết hợp chỉnh hình tai giữa đường xuyên ống tai. Đối tượng nghiên cứu: 42 bệnh nhân phẫu thuật nội soi mở sào bào - thượng nhĩ kết hợp chỉnh hình tai giữa đường xuyên ống tai. Phương pháp nghiên cứu: Mổ tả từng trường hợp có can thiệp hồi cứu kết hợp với tiến cứu. Kết quả: Tuổi trung bình là 46,8 ± 14,9 tuổi, nữ gặp nhiều nam, ba triệu chứng hay gặp nhất là nghe kém, ù tai và chảy tai, viêm tai giữa cholesteatoma 47,6%, còn xẹp nhĩ 40,5%, ngưỡng nghe trung bình đường khí trước mổ 56,9 ± 11,5 dB và ABG trước mổ 39,5 ± 8,5 dB, hình ảnh cắt lớp vi tính có tổn thương toàn bộ thượng nhĩ 85,8%, tổn thương xương đe 77,8%, chỉnh hình tai giữa loại II là 83,3%, thu hẹp TB đường khí sau mổ là 20,1 ± 1,4 dB, ABG sau mổ là 13,5 ± 1,2 dB, khô tai sau phẫu thuật 3 tháng là 95,2%.Kết luận: Phẫu thuật nội soi mở sào bào - thượng nhĩ kết hợp chỉnh hình tai giữa đường xuyên ống tai là phẫu thuật hiệu quả tạo điều kiện cho hốc mổ chũm khô nhanh, bảo tồn sức nghe cho bệnh nhân trong điều trị viêm tai xương chũm mạn tính khu trú.
#Viêm tai giữa mạn tính cholesteatoma #tổn thương xương con #phẫu thuật nội soi mở sào bào - thượng nhĩ