TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
2588-1264
Việt Nam
Cơ quản chủ quản: N/A
Lĩnh vực:
Các bài báo tiêu biểu
SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP FUZZYAHP ĐÁNH GIÁ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỘNG LỰC THAM GIA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA GIẢNG VIÊN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Số 01 (13) T1 - Trang 147 - 2022
Bằng việc tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến động lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, bài viết xây dựng mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến động lực tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (TUCST). Kết quả của bài viết đã đề xuất được mô hình nghiên cứu gồm có nhóm 4 yếu tố ảnh hưởng tới động lực tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên gồm: (1) Môi trường nghiên cứu; (2) Nhận thức của giảng viên với nghiên cứu khoa học; (3) Năng lực của giảng viên; (4) Sự hỗ trợ của nhà trường cho nghiên cứu khoa học.
#Nghiên cứu khoa học #Fuzzy AHP (FAHP) #động lực #giảng viên TUCST…
QUAN NIỆM VỀ MAY - RỦI CỦA NGƯỜI VIỆT QUA PHONG TỤC LỄ TẾT
Số 04 (16) T01 - Trang 7 - 2023
Theo quan niệm của người Việt, sự việc trên đời không chỉ là kết quả tất yếu của logic biện chứng, nhân - quả mà còn chịu sự tác động của yếu tố thiên mệnh nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, gọi là may rủi. May rủi có thể được nhìn nhận như một yếu tố nhỏ góp phần tác động đến sự việc, song cũng có lúc được đánh giá là nguyên nhân chủ chốt. Lễ tết là thời khắc thiêng liêng khi vạn vật biến chuyển, con người chuyển từ trạng thái tâm thế này sang trạng thái tâm thế khác. Ý niệm về may rủi trong dịp này được biểu hiện rõ rét. Trên cơ sở nghiên cứu tâm lý cộng đồng và các phong tục tập quán của người Việt vào dịp lễ tết, bài viết khái quát những quan niệm liên quan đến sự may rủi mang tính phổ biến trong cộng đồng.
#May mắn #Rủi ro #Lễ tết #Tín ngưỡng #Quan niệm
DẠY HỌC THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC MÔN ÂM NHẠC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Số 01 (19) T1 - Trang 109 - 2024
Dạy học theo hướng phát triển năng lực người học là một xu thế của thời đại và trên thế giới đã áp dụng phương pháp dạy học này để giảng dạy. Trong bài viết, tác giả đề cập đến hai phương pháp đã được sử dụng nhiều trong dạy học: dạy học Giải quyết vấn đề và dạy học Tự phát hiện. Tuy nhiên, đây là phương pháp còn khá mới lạ với giáo viên dạy âm nhạc ở phổ thông. Để hiểu rõ hơn về hai phương pháp dạy học này, tác giả tập trung vào cách sử dụng và chỉ ra những mặt tích cực của hai phương pháp trong dạy học âm nhạc. Bài viết có thể sử dụng làm nguồn học liệu sinh viên ngành Sư phạm âm nhạc, tài liệu tham khảo cho các giáo viên đang dạy âm nhạc ở các trường phổ thông và cho các nhà nghiên cứu quan tâm đến phương pháp dạy học này.
#Dạy học giải quyết vấn đề #Dạy học tự phát hiện #Dạy học phát triển theo năng lực người học
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY TIẾNG NÓI, CHỮ VIẾT CỦA DÂN TỘC THÁI Ở THANH HÓA
Số 01 (19) T1 - Trang 69 - 2024
Ở Thanh Hóa, dân tộc Thái chiếm vị trí thứ hai về số lượng dân tộc trong số các dân tộc thiểu số sinh sống trong khu vực. Đồng thời, người Thái cũng là một cộng đồng có nguồn lực văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú, trong đó có tiếng nói và chữ viết.
Mặc dù, tiếng nói và chữ viết chỉ là một phần trong bức tranh văn hóa của dân tộc Thái. Tuy nhiên, tiếng nói và chữ viết đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân, nó là nền tảng để thúc đẩy việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá của người Thái. Trong bài viết này, tác giả đi vào tìm hiểu các vấn đề hiện tại trong việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái từ đó đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá này.Top of Form
#Thanh Hóa #Dân tộc Thái #Tiếng nói và chữ viết #Văn hóa dân tộc
NHỮNG THAY ĐỔI CỦA NGÀNH DỊCH VỤ DU LỊCH TRONG NỀN KINH TẾ SỐ HÓA
Số 03 (18) T11 - Trang 69 - 2023
Trong những thập kỷ vừa qua, sự phát triển của Internet và chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số có tác động sâu sắc, thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có du lịch. Bên cạnh cách thức hoạt động truyền thống, ngành du lịch đã có những bước chuyển mình nhằm bắt kịp xu hướng thời đại, chẳng hạn như sử dụng công nghệ để quảng bá hình ảnh, tìm kiếm khách hàng và cung cấp các dịch vụ tiện ích. Xuất phát từ thực tiễn đã nêu, trong bài báo này, nhóm tác giả sẽ trình bày những thay đổi trong lĩnh vực du lịch trong nền kinh tế số hóa, những khó khăn mà các công ty trong lĩnh vực này đang phải đối mặt và từ đó đề xuất một số kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao chất lượng du lịch hiện nay.
#Du lịch #Kinh tế số #Công nghệ số
HIỆU QUẢ BÙ DỊCH SAU VẬN ĐỘNG BẰNG ĐƯỜNG UỐNG
Số 03 (18) T11 - Trang 61 - 2023
Tập luyện trong điều kiện môi trường nắng nóng với cường độ lớn và thời gian tập kéo dài cơ thể của chúng ta sẽ tăng bài tiết mồ hôi, dẫn đến tình trạng cơ thể mất nước và điện giải. Mất nước và điện giải trong quá trình vận động sẽ gây rối loạn hoạt động sinh lý các hệ cơ quan của cơ thể. Do vậy, để giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục cân bằng dịch, cần bổ sung một lượng nước và điện giải có chứa Na+, K+, glucose và chất đạm bằng 150% khối lượng cơ thể mất đi trong một giờ sau khi vận động bằng đường uống.
#Bù dịch #Mất nước trong thể thao #Chất điện giải #Hồi phục sau vận động
CẢM NHẬN VỀ ÂM NHẠC THẾ KỶ XX QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM GUITAR CỔ ĐIỂN THEO KHUYNH HƯỚNG ÂM NHẠC DÂN GIAN
Số 02 (17) T5 - Trang 5 - 2023
Từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, nền nghệ thuật guitar cổ điển thế giới phát triển rất mạnh mẽ cả trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn, phản ảnh hiện thực cuộc sống, xã hội, con người thời đại. Các tác phẩm guitar thế kỷ XX đã đạt đến một trình độ cao trong sự thể hiện những tác phẩm Concerto cùng dàn nhạc giao hưởng và là các tác phẩm bắt buộc trong các cuộc thi guitar quốc tế. Bài viết là những cảm nhận về âm nhạc thế kỷ XX qua tác phẩm guitar của nhà soạn nhạc Joaquin Rodrigo Vidre (1901 - 1999) và Heitor Villa - Lobos (1887 - 1959) để qua đó thấy rằng, âm nhạc thế kỷ XX vẫn lưu giữ rất nhiều những truyền thống âm nhạc dân gian được thể hiện rõ nét cả trong giai điệu, tiết tấu cũng như thể loại âm nhạc...
#Âm nhạc dân gian #thế kỷ XX #Guitar cổ điển
PHƯƠNG PHÁP PHỤC DỰNG, TÁI HIỆN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ VÀ MỘT SỐ GỢI Ý CHO CÔNG TÁC PHỤC DỰNG LỄ TẾ NAM GIAO Ở TÂY ĐÔ HIỆN NAY
- 2023
Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 27/6/2011. Khu vực đề cử của di sản gồm có 3 bộ phận chính: Hoàng thành, La Thành và Đàn tế Nam Giao. Trong đó, đàn tế Nam Giao là một bộ phận quan trọng, độc đáo về mặt kiến trúc cũng như giá trị đối với kinh đô Việt Nam dưới thời Vương triều Hồ. Theo các tài liệu lịch sử có ghi chép lại thì tại không gian đàn tế Nam Giao, năm 1402 đã diễn ra lễ tế Giao đầu tiên của triều Hồ. Đây được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam. Đối với di sản Thành Nhà Hồ việc quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng những giá trị di sản “phi vật thể” đã được các nhà khoa học đánh giá là việc làm hết sức cần thiết. Trên cơ sở cứ liệu lịch sử, các kết quả khai quật khảo cổ học và một số bài học phục dựng các nghi lễ cung đình, chúng tôi bàn luận một số vấn đề có liên quan đến lễ tế Nam Giao Tây Đô nhằm phục dựng có hiệu quả của một trong những nghi lễ cung đình độc đáo đã từng hiện diện trên đất xứ Thanh.
#Phục dựng #Di sản văn hóa #Lễ tế #Nam Giao #Tây Đô
THỰC TRẠNG THU HÚT KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ ĐẾN THANH HÓA (GIAI ĐOẠN 2016 - 2020)
Số 01 (13) T1 - Trang 71 - 2022
Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh trong phát triển du lịch với nhiều loại hình đa dạng đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Với thế mạnh sẵn có, trong những năm qua, du lịch Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên, khách đến với Thanh Hóa chủ yếu là khách nội địa, lượng khách du lịch quốc tế còn rất khiêm tốn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi vào phân tích thực trạng thu hút khách quốc tế đến với Thanh Hoá giai đoạn 2016 - 2020 để có cái nhìn tổng thể hơn trong chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa trong những năm tới.
#Thực trạng; khách du lịch quốc tế; Thanh Hóa.
PHỤC DỰNG TRUYỀN THỐNG TRONG NGHI LỄ TANG MA - NGHIÊN CỨU TẠI XÃ NINH HIỆP, HUYỆN GIA LÂM, HÀ NỘI
Số 01 (22) T01 - Trang 25 - 2025
Bài viết đề cập đến sự phục dựng truyền thống trong nghi lễ tang ma ở một làng buôn bán nổi tiếng của ngoại thành Hà Nội hiện nay, cái bộc lộ qua nhiều hiện tượng mà trong đó nổi bật lên vai trò của láng giềng gần gũi và thân hữu. Cụ thể, đó là sự trở lại của tục hàng khu lo mộ phần cho người mới mất và bạn bè thân thích đến thăm hỏi gia đình người đó trong 49 ngày liên tục sau tang. Kết quả nghiên cứu góp phần chỉ ra, văn hóa truyền thống không phải sẽ luôn mất đi hoặc mai một trong bối cảnh hiện đại hóa như nhận định của nhiều lý thuyết hiện đại, mà vẫn có thể tồn tại và thậm chí phát triển mạnh mẽ hơn. Nó cũng phản ánh tính đa chiều trong các thực hành văn hóa của con người, khi ở địa bàn nghiên cứu, ta có thể quan sát thấy các khía cạnh như chuẩn mực làng xã, thể diện, tình cảm, sự tính toán, mong muốn kiến tạo bản sắc… đã đan xen vào nhau một cách tinh tế trong những gì chi phối các hành vi liên quan đến vấn đề này.
#Phục dựng truyền thống #Nghi lễ tang ma