Tạp chí Y học Thảm hoạ và Bỏng

  3030-4008

 

 

Cơ quản chủ quản:  N/A

Lĩnh vực:

Các bài báo tiêu biểu

Đánh giá kết quả bước đầu của kỹ thuật đốt sóng cao tần ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An
Số 1 - Trang 64-71 - 2024
Phạm Vĩnh Hùng, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Phước Bảo Quân
Mục tiêu: Đánh giá kết quả bước đầu của kỹ thuật đốt sóng cao tần (radiofrequency ablation: RFA) và một số yếu tố liên quan đến thời gian sống ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp tiến cứu, theo dõi dọc trên 63 bệnh nhân UTP KTBN tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, không có chỉ định mổ, thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn bệnh và không thuộc nhóm tiêu chí loại trừ đã được điều trị đốt sóng cao tần có hóa chất tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An từ 1/2014 - 8/2022.Kết quả: Có sự khác biệt về thời gian và tỉ lệ sống thêm giữa nhóm đáp ứng với điều trị và nhóm không đáp ứng. phân tích đa biến hồi quy Cox cho thấy kích thước khối u, giai đoạn bệnh và mức độ đáp ứng điều trị sau RFA là các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian sống thêm toàn bộ của bệnh nhân.Kết luận: Kích thước khối u, giai đoạn bệnh và mức độ đáp ứng điều trị sau RFA là các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian sống thêm toàn bộ của bệnh nhân.
#RFA #yếu tố #thời gian sống
Nghiên cứu một số đặc điểm của bệnh nhân loét tỳ đè tái phát tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác
Số 4 - Trang 53-61 - 2024
Nguyễn Tiến Dũng, Bùi Thị Dung, Phạm Thị Hải Yến, Phạm Ngọc Toàn, Nguyễn Thị Thái Linh
Mục tiêu: Xác định một số đặc điểm của bệnh nhân loét tỳ đè tái phát. Đối tượng phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu bệnh án, kết hợp với phỏng vấn qua điện thoại đã được thực hiện trên 108 bệnh nhân, đều trên 18 tuổi, bị loét tỳ đè tái phát vào điều trị tại Trung tâm Liền vết thương, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 12 năm 2021.Kết quả: Bệnh nhân loét tỳ đè tái phát gặp chủ yếu ở nam giới với tỷ lệ nam/nữ là 5,75. Độ tuổi trung bình là 48,1 ± 15,37 tuổi. Trong đó gặp nhiều nhất ở độ tuổi từ 41 - 60 tuổi (42,6%). 81,48% số bệnh nhân bị liệt, 14,81% số bệnh nhân bại yếu. 100% bệnh nhân có bệnh lý kết hợp trong đó gặp với tỷ lệ cao nhất là bệnh nhân có chấn thương cột sống/ tủy sống (63,89%). Bệnh nhân hầu hết tiểu tiện và đại tiện không tự chủ (chiếm 88,89% và 87,03). Vết loét tái phát gặp nhiều ở ụ ngồi (45,07%) và cùng cụt (41%). 66,67% số bệnh nhân không được áp dụng các biện pháp trị liệu phối hợp (hút áp lực âm, ô xy cao áp) trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác trước đó. 31,48% số bệnh nhân không được tập phục hồi chức năng và 43,53% bệnh nhân được người nhà không có chuyên môn hỗ trợ tập phục hồi chức năng ở nhà. 87,97% số bệnh nhân được thay đổi tư thế không đúng cách. Kết luận: Bệnh nhân loét tỳ đè tái phát có đặc điểm phong phú. Bệnh nhân Nam giới, bị liệt do chấn thương cột sống, tuỷ sống, đại tiểu tiện không tự chủ, loét vùng ụ ngồi, không được áp dụng các trị liệu phối hợp điều trị vết thương, bệnh nhân không được tập phục hồi chức năng và thay đổi tư thế đúng cách có tỷ lệ loét tỳ đè tái phát cao.
#Đặc điểm #loét tỳ đè tái phát
Ảnh hưởng của bệnh kết hợp và vai trò của chỉ số CCI đối với kết quả điều trị bệnh nhân bỏng người già
- 2021
Ngô Minh Đức, Nguyễn Như Lâm, Ngô Tuấn Hưng
Nghiên cứu này xác định đặc điểm, ảnh hưởng của bệnh kết hợp và vai trò tiên lượng của chỉ số thang điểm CCI trên bệnh nhân bỏng người già điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia giai đoạn năm 2015 - 2019.Kết quả cho thấy, tỷ lệ bệnh kết hợp chiếm 26,79%, trong đó hay gặp nhất là bệnh cao huyết áp (35,27%), bệnh lý hệ thần kinh (32,30%) và tiểu đường (22,33%) với điểm CCI trung bình 0,29 (0 - 9). Bệnh nhân có bệnh kết hợp cao tuổi hơn, tỷ lệ bị bỏng sâu và diện tích bỏng sâu lớn hơn, đáng kể (p < 0,01) so với bệnh nhân không bị bệnh kết hợp.Thời gian điều trị, số lần phẫu thuật, tỷ lệ tử vong (OR = 1,77) cao hơn đáng kể ở nhóm có bệnh kết hợp (p < 0,05). Phân tích hồi quy đa biến cho thấy điểm CCI là yếu tố độc lập ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bỏng người già (OR = 1,54) cùng với tuổi, diện bỏng và bỏng hô hấp.
#Bỏng #người già #bệnh kết hợp #điểm CCI
Nghiên cứu mối liên quan giữa đặc điểm nhóm máu hệ ABO với kết quả điều trị ở bệnh nhân bỏng người lớn
Số 4 - Trang 36-44 - 2024
Hoàng Văn Tú, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Thị Vân Anh, Lưu Thị Tình, Đỗ Quang Hiếu
Mục tiêu: Nghiên cứu mối liên hệ giữa đặc điểm nhóm máu hệ ABO đối với kết quả điều trị bệnh nhân bỏng người lớn.Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu trên 664 bệnh nhân bỏng người lớn có diện tích bỏng từ 20% diện tích cơ thể trở lên, vào Bệnh viện Bỏng Bỏng Quốc gia lê Hữu Trác điều trị từ tháng 01/2021 - 6/2023.Kết quả: Tuổi trung bình bệnh nhân nghiên cứu là 42,2 tuổi. Tác nhân bỏng chủ yếu là nhiệt khô chiếm 67,2%. Diện tích bỏng chung trung bình là 42,5%, diện tích bỏng sâu trung bình là 15,9%. Ngày nằm viện khỏi trung bình là 34,07 ngày. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong ở từng nhóm máu khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Nhóm máu B là yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân (BN) bỏng người lớn (OR= 1,598; p = 0,04, 95%CI từ 1,022 đến 2,500).Kết luận: Người lớn nhóm máu B có nguy cơ tử vong cao hơn khi bị bỏng nặng so với các nhóm máu khác.
#Nhóm máu ABO #bỏng nặng #khoa hồi sức cấp cứu
Điều trị thành công vết bỏng với mô hạt lâu lành
Số 5 - Trang 109-113 - 2024
Nguyễn Thị Hương, Hồ Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Minh
Bỏng là mối lo ngại lớn về sức khỏe trên toàn cầu, chiếm tỷ lệ đáng kể trong các thương tích ở trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 180.000 trường hợp tử vong do bỏng, tập trung chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình [3]. Bỏng nặng không chỉ gây ra những ảnh hưởng lớn về mặt sức khỏe thể chất mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt trên trẻ em, đối tượng đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển. Điều trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp cho vết thương liền thuận lợi, tránh hình thành "sẹo bệnh lý" như sẹo phì đại, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh [5]. Phẫu thuật căt hoại tử ghép da che phủ sớm sẽ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, tăng khả năng cứu sống, giảm nguy cơ hình thành vết thương mạn tính. Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị điều trị bỏng áp dụng kỹ thuật này chưa hiệu quả. Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã thu dung, điều trị nhiều bệnh nhân với mô hạt mạn tính kèm theo những rối loạn tâm lý kéo dài. Chúng tôi giới thiệu bệnh nhân nữ, 6 tuổi với chẩn đoán 22% mô hạt mặt, cổ, ngực, bụng, lưng, hai tay, hai chân do bỏng lửa ngày thứ 100 đã được phẫu thuật cắt hoại tử ghép da nhiều lần tại tuyến trước nhưng thất bại.
#Bỏng #mô hạt đậu lành #bỏng trẻ em #Biofilm
Ứng dụng thành công tấm lưới phẫu thuật trong điều trị tổn thương bỏng sâu thành bụng trước ở người lớn do dòng điện cao thế
Số 5 - Trang 114-120 - 2023
Đỗ Lương Tuấn, Mai Xuân Thảo, Tạ Huy Hoàng
Sửa chữa tái tạo các khuyết hổng toàn bộ thành bụng sau khi cắt lọc hoại tử do bỏng điện vẫn là một thách thức về mặt lâm sàng. Phẫu thuật sửa chữa thành bụng lý tưởng có nghĩa là phục hồi tính toàn vẹn của thành bụng và duy trì sức căng của thành bụng để ngăn ngừa sự xuất hiện của thoát vị thành bụng. Sử dụng các vạt da là một lựa chọn tốt khi điều trị các khuyết hổng thành bụng nhưng khó ứng dụng trong đa số trường hợp.Lưới phẫu thuật (surgical mesh) là một tấm lưới dệt được sử dụng làm giá đỡ vĩnh viễn hoặc tạm thời cho các cơ quan và các mô khác trong quá trình phẫu thuật được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Một trong những ứng dụng phổ biến nhất hiện nay của lưới phẫu thuật là điều trị các trường hợp thoát vị thành bụng đảm bảo duy trì sức căng thành bụng ổn định, lâu dài và Polypropylene (PP) là loại lưới được sử dụng thường xuyên nhất. Tuy nhiên, hiện vật liệu này chưa được sử dụng rộng rãi trong điều trị bỏng sâu gây tổn khuyết lớn, sâu vùng bụng.Chúng tôi xin giới thiệu 01 ca tổn khuyết thành bụng do bỏng điện cao thế được điều trị thành công khi sử dụng tấm lưới phẫu thuật kết hợp trong điều trị.
#Bỏng sâu vùng bụng #người lớn #lưới phẫu thuật
Đánh giá sự hài lòng của người bệnh ra viện đối với chăm sóc của điều dưỡng và một số yếu tố liên quan tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác năm 2022
Số 4 - Trang 106-119 - 2024
Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Thu Hà, Phạm Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Liên
Mục tiêu: Đánh giá sự hài lòng người bệnh ra viện đối với chăm sóc của điều dưỡng và xác định một số yếu tố liên quan tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác năm 2022. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Tiến hành trên 373 người bệnh/ thân nhân làm thủ tục ra viện từ tháng 08/2022 đến tháng 01/2023 tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Nghiên cứu cắt ngang, mô tả có phân tích, phỏng vấn trực tiếp đối tượng nghiên cứu bằng bộ câu hỏi thiết kế sẵn. Kết quả: Điểm hài lòng trung bình 4,3/5 điểm, cao nhất là tiêu chí thông báo, hướng dẫn của điều dưỡng với 4,32/5 điểm trong đó tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng chiếm 86,5%, tỷ lệ rất không hài lòng và không hài lòng chỉ chiếm 4,8%, bình thường chiếm 8,6%, tiếp theo là quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của điều dưỡng với người bệnh (4,31/5 điểm) trong đó tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng chiếm 86,3%, bình thường chiếm 8%, không hài lòng và rất không hài lòng chỉ chiếm 5,6% và thấp nhất là giao tiếp thân thiện của điều dưỡng với 4,29/5 điểm trong đó tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng chiếm 86,4%, tỷ lệ rất không hài lòng và không hài lòng chỉ chiếm 5,9%. Có 72,6% người bệnh chắc chắn sẽ quay lại hoặc giới thiệu cho người khác.Chưa tìm thấy mối liên quan giữa các yếu tố với mức độ hài lòng toàn diện về điều dưỡng, trong mối liên quan giữa các yếu tố với mức độ hài lòng chung về bệnh viện chỉ có yếu tố nghề nghiệp có mối liên quan chặt chẽ với mức độ hài lòng chung về diều dưỡng với p = 0,034, còn các yếu tố còn lại chưa tìm thấy mối liên quan.Kết luận: Người bệnh và thân nhân người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác tín nhiệm cao với chăm sóc của điều dưỡng tại Bệnh viện. Tuy nhiên, cần tiếp tục đổi mới thái độ và phong cách phục vụ, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp ứng xử cho toàn thể cán bộ, nhân viên, kể cả nhân viên vệ sinh, căng tin.
#Hài lòng
Đánh giá kết quả sử dụng vạt tự do đùi trước ngoài có nối thông mạch máu điều trị tổn thương bỏng điện cao thể vùng cổ tay
Số 3 - Trang - 2024
Tống Thanh Hải, Đỗ Trung Quyết, Vũ Quang Vinh, Trần Quang Nghĩa
Đặt vấn đề: Bỏng điện cao thế hay gặp ở vùng cổ tay thường gây nên phá hủy và hoại tử gân, thần kinh, mạch máu, xương vùng cổ tay, nguy cơ cắt cụt chi là rất hiện hữu. Khi tổn thương mạch máu đi kèm tổn thương da và mô mềm vùng cổ tay, phương pháp tối ưu là vừa che phủ tổn thương, vừa phục hồi lại tuần hoàn vùng cổ tay. Vạt đùi trước ngoài tự do là một vạt da cân kinh điển sử dụng trong tạo hình phủ tổn thương. Tuy vậy, có rất ít báo cáo về sử dụng vạt đùi trước ngoài có nối thông mạch máu để che phủ và khôi phục lại tuần hoàn vùng cổ tay sau bỏng điện cao thế.Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu 6 bệnh nhân bỏng điện cao thế và di chứng sau bỏng điện cao thế vùng cổ tay gây tổn thương vùng cổ tay, có tổn thương mạch máu vùng cổ tay vào bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác từ tháng 8 năm 2023 đến tháng 5 năm 2024. Các bệnh nhân bị bỏng điện cao thế sau khi cắt lọc làm sạch tổn thương vùng cổ tay, sử dụng vạt đùi trước ngoài có nối thông mạch máu che phủ và phục hồi tuần hoàn. Kết quả: Nghiên cứu được tiến hành trên 06 bệnh nhân nam, tuổi từ 22 tới 45, bị tổn thương bỏng điện cao thế vùng cổ tay. Tổn thương vùng cổ tay do bỏng điện: 4 trường hợp bên phải và 2 trường hợp bên trái. Có 04 bệnh nhân bị tổn thương gây tắc và hoại tử động mạch quay, 02 trường hợp tổn thương tắc bó mạch trụ, không có bệnh nhân nào bị tắc cả bó mạch quay và bó mạch trụ, có 02 trường hợp xuất hiện chảy máu mỏm cụt trước phẫu thuật.Kích thước tổn thương sau cắt lọc từ (10 x 9)cm tới (26 x 16)cm. Các vạt có kích thước từ (13 x 12)cm tới (29 x 17)cm, chiều dài đoạn mạch máu cần bắc cầu từ 14cm tới 22cm. Vạt sau mổ đảm bảo che phủ tốt tổn thương, mềm mại, không bị dày mỡ, dòng máu bàn tay được đảm bảo tốt. Vùng đùi cho vạt để lại sẹo phì đại, không ảnh hưởng đến sức cơ của đùi và chức năng khớp gối.Kết luận: Điều trị tổn thương do bỏng điện cao thế vùng cổ tay vẫn còn là thách thức. sử dụng vạt đùi trước ngoài có nối thông mạch máu vừa đạt mục đích che phủ tổn thương, vừa khôi phục dòng máu vùng cổ tay là lựa chọn thích hợp cho điều trị loại tổn thương này.
#Bỏng điện cao thế #phẫu thuật vùng cổ tay #vạt đùi trước ngoài tự do có nối mạch máu
Nghiên cứu hình thái siêu cấu trúc của vết loét mạn tính trên động vật thực nghiệm được điều trị bằng bài thuốc GTK108
Số 5 - Trang 73-81 - 2023
Nguyễn Thu Trang, Phạm Xuân Thắng, Lương Thị Kỳ Thuỷ, Nguyễn Thị Mai Phương, Phùng Thu Hương, Đào Thị Thanh Bình
Loét da mạn tính (chronic skin ulcer - CSU) được định nghĩa là những vết thương không có xu hướng liền sau 4 tuần dù đã được chăm sóc y tế phù hợp. Mục tiêu: Nghiên cứu về mặt hình thái siêu cấu trúc của các vết loét da mạn tính trên động vật thực nghiệm được điều trị bằng bài thuốc GTK108 bôi ngoài. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu thực nghiệm đối chứng tự thân trên 30 thỏ. Hiệu quả của bài thuốc GTK108 được đánh giá dựa trên hình ảnh siêu cấu trúc về tổn thương mô, xâm nhập tế bào viêm, di trú của nguyên bào sợi và hoạt tính sinh tổng hợp collagen của chúng, tăng sinh mạch, cấu trúc collagen chất nền ngoại bào và biểu mô hoá. Kết quả: Bài thuốc GTK108 giúp đẩy nhanh quá trình liền vết loét mạn tính trên động vật thực nghiệm: thúc đẩy quá trình tăng sinh, sửa chữa chất nền ngoại bào. Kết luận: Đánh giá siêu cấu trúc cho thấy bài thuốc GTK108 có hiệu quả trong điều trị loét da mạn tính thực nghiệm.
#Loét da mạn tính #động vật thực nghiệm #GTK108 #siêu cấu trúc
Báo cáo một trường hợp u tế bào hạt type người lớn ở buồng trứng
Số 2 - Trang 102-108 - 2024
Phan Thị Dung, Trịnh Hồng Sơn, Phạm Phúc Khánh, Nguyễn Sỹ Lánh, Hồ Đức Thưởng, Nguyễn Quốc Đạt, Nguyễn Thị Hiếu
Báo cáo một trường hợp u tế bào hạt type người lớn ở buồng trứng được chẩn đoán, điều trị tại bệnh viện và tìm hiểu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, phương pháp điều trị, các yếu tố tiên lượng. Trường hợp lâm sàng: Bệnh nhân nữ 60 tuổi, được chẩn đoán u tế bào hạt người lớn ở buồng trứng trái giai đoạn sớm, được điều trị phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung, hai phần phụ. Bệnh nhân không điều trị bổ trợ. Sau mổ 2 năm, không ghi nhận tái phát hay di căn xa. Kết luận: U tế bào hạt type người lớn ở buồng trứng cần chẩn đoán và điều trị sớm, phẫu thuật triệt căn là phương pháp hiệu quả. Bệnh có tiên lượng tốt, tuỳ giai đoạn bệnh mà quyết định phương pháp điều trị bổ trợ và cần theo dõi sau mổ lâu hơn các bệnh lý ung thư khác.
#U buồng trứng #u tế bào hạt #u tế bào hạt người lớn