Tạp chí Y học Thảm hoạ và Bỏng
1859-3461
Việt Nam
Cơ quản chủ quản: N/A
Lĩnh vực:
Các bài báo tiêu biểu
Khảo sát mức độ lo âu của người bệnh trước phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông năm 2023
Số 3 - Trang 54-65 - 2023
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ lo âu của người bệnh trước phẫu thuật và phân tích một số yếu tố liên quan. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 190 người bệnh (NB) trước phẫu thuật tại Khoa Ngoại Tiêu hóa và Khoa Thần kinh Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Hà Đông được đánh giá mức độ lo âu dựa trên thang điểm DASS-21. Nghiên cứu từ tháng 1/2023 đến tháng 5/2023. Kết quả: Tỷ lệ người bệnh lo âu trước phẫu thuật chiếm 68%. Trong đó, tỷ lệ người bệnh lo âu ở khoa ngoại tiêu hóa là 68,4%, ở khoa TKLN là 67,4%, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Người bệnh chủ yếu là sợ đau sau phẫu thuật (85,3%), sợ tai biến sau phẫu thuật (53,2%). Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người bệnh lo âu trước phẫu thuật liên quan tới giới tính, trình độ học vấn, hoạt động tư vấn giáo dục sức khỏe, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Kết luận: Nghiên cứu cho thấy 68% người bệnh lo âu trước phẫu thuật, mức độ lo âu liên quan mật thiết với một số yếu tố như giới tính, trình độ học vấn và hoạt động tư vấn giáo dục sức khỏe.
#Lo âu #người bệnh trước phẫu thuật
Đặc điểm bỏng hàng loạt và kết quả điều trị: Số liệu 5 năm tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia (2016 - 2020)
- 2021
Mục tiêu: Đánh giá đặc điểm các vụ bỏng hàng loạt, đặc điểm và kết quả điều trị bệnh nhân bỏng hàng loạt tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia.Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu 65 vụ bỏng hàng loạt với 231 bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia từ tháng 1/2016 - 12/2020.Kết quả: Bỏng hàng loạt do tai nạn sinh hoạt là chủ yếu (76,9%), trong đó tác nhân bỏng thường gặp nhất là nhiệt khô (84,6%). Số bệnh nhân trung bình là 3,56 người/vụ. Bệnh nhân người lớn và nam giới chiếm đa số (80,52% và 71,68%).Diện tích bỏng trung bình là 29,4% diện tích cơ thể (DTCT) và diện bỏng sâu trung bình là 11% DTCT, có 16% số bệnh nhân bỏng hô hấp. Ngày điều trị trung bình là 20,79 ngày. Tỷ lệ tử vong chung là 17,3%, bỏng hô hấp có tỷ lệ tử vong 89,2%. Diện tích bỏng chung và bỏng hô hấp là yếu tố độc lập ảnh hưởng đến kết quả điều trị.Kết luận: Bỏng hàng loạt chủ yếu do nhiệt khô như cháy, nổ trong sinh hoạt. Diện tích bỏng rộng, diện tích bỏng sâu lớn, tỷ lệ bị bỏng hô hấp cao khiến quá trình điều trị khó khăn, kéo dài, chi phí lớn, tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, cần có biện pháp dự phòng bỏng hàng loạt.
#Bỏng hàng loạt #bỏng hô hấp #bỏng sâu #tử vong
Đánh giá hiệu quả điều trị phù bạch mạch chi thể bằng phương pháp nối bạch mạch - tĩnh mạch.
- 2021
Đặt vấn đề: Phù bạch mạch là tình trạng rối loạn chức năng của hệ bạch huyết, ứ đọng dịch kẽ có chứa các protein trọng lượng phân tử cao gây ra các triệu chứng trên lâm sàng. Điều trị phù bạch mạch phải đảm bảo dẫn lưu được dịch bạch huyết bị ứ đọng về tuần hoàn chung. Phẫu thuật nhằm dẫn lưu dịch bạch huyết từ bạch mạch sang tĩnh mạch (nối bạch mạch - tĩnh mạch) là phương pháp cơ bản nhất điều trị loại bệnh lý này.Đối tượng và phương pháp: 20 bệnh nhân được chẩn đoán phù bạch mạch chi thể qua khám lâm sàng và khảo sát hình ảnh chụp cộng hưởng từ hạt nhân, giai đoạn phù bạch mạch được xác định phân loại theo Hiệp hội Bạch huyết học quốc tế năm 2010, kích thước chi thể bị phù được xác định qua 3 vị trí đo khác nhau.Tiến hành phẫu thuật nối bạch mạch và tĩnh mạch bằng kỹ thuật siêu vi phẫu, các đặc điểm về số lượng bạch mạch, đường kính bạch mạch, số lượng mối nối bạch - tĩnh mạch, kiểu cầu nối được thống kê. Đánh giá kết quả điều trị theo thời gian căn cứ vào sự thay đổi kích thước chi thể bị phù (chỉ số Warren), sự thay đổi của các dấu hiệu lâm sàng, sự hồi phục về chức năng của chi thể.Kết quả: Độ tuổi trung bình mắc bệnh của nữ là 58,18 ± 1,06 tuổi, của nam là 32,5 tuổi, hầu hết các bệnh nhân đều ở giai đoạn II, III của bệnh. Kích thước chi phù lớn hơn trung bình 5 - 7cm so với chi lành khi tiến hành đo ở các vị trí khác nhau. Đường kính bạch mạch trung bình chi trên là 0,67 ± 0,13mm, với chi dưới là 0,56 ± 0,21mm, trung bình là 0,65 ± 0,11mm.Tiến hành từ 2 - 4 mối nối bạch mạch - tĩnh mạch trên mỗi bệnh nhân, kiểu nối tận - tận và tận - bên thường được áp dụng trong khâu nối bạch mạch và tĩnh mạch. Sau phẫu thuật, kết quả tốt > 90% ở cả ba vị trí quan sát theo thời gian (1 tháng, 3 tháng, 6 tháng), kích thước chi phù giảm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật.Kết luận: Nối bạch mạch - tĩnh mạch là kỹ thuật hiệu quả trong điều trị phù bạch mạch chi thể.
#Phù bạch mạch chi thể #nối bạch mạch - tĩnh mạch #siêu vi phẫu
Nghiên cứu tính kích ứng da của gel nano Berberin trên da lành của động vật thực nghiệm
- 2022
Berberin được phân lập từ cây Coscinium fenestratum và một số cây trong họ Ranunculaceae có tác dụng chữa vết thương, vết bỏng. Nghiên cứu xác tính kích ứng da lành thỏ của gel nano Berberine do Bệnh viện Bỏng quốc Lê Hữu Trác gia sản xuất. Phương pháp nghiên cứu được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, OECD. Tiến hành trên 3 thỏ, đắp gạc tẩm gel nano Berberin 0,5g lên vùng da lành 2,5 x 2,5cm; sau 4 giờ bóc bỏ gạc, làm sạch. Đánh giá chỉ số kích ứng sau 24, 48 và 72 giờ sau bóc bỏ gạc.Kết quả: Chỉ số kích ứng bằng 0 (không xuất hiện ban đỏ và tạo vảy, không phù nề ở da lành thỏ). Không có thỏ chết, thỏ vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường.Kết luận: Gel nano Berberin an toàn, không gây kích ứng trên da lành thỏ.
#Nano Berberin #thỏ #kích ứng da
Đánh giá kết quả thực hiện bảng kiểm an toàn phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp
- 2021
Mục tiêu: Đánh giá kết quả thực hiện bảng kiểm an toàn phẫu thuật tại Khoa Gây mê hồi sức / Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp năm 2018.Đối tượng và phương pháp: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 350 người bệnh mổ phiên và cấp cứu từ tháng 03/2018 đến tháng 10/2018.Kết quả: Trước khi rạch da: Có 9,7% thành viên trong kíp phẫu thuật giới thiệu tên; 95,1% người bệnh được xác nhận lại tên, phương pháp mổ và vị trí rạch da; 97,7% người bệnh được điều dưỡng xác nhận tình trạng vô khuẩn dụng cụ và máy hút, dao mổ điện; 95,4% điều dưỡng kiểm tra gạc và dụng cụ trước khi rạch da; 16% phẫu thuật viên dự kiến những bất thường có thể xảy ra trong cuộc phẫu thuật; 22% phẫu thuật viên tiên lượng thời gian phẫu thuật. Trước khi đóng vết mổ: Có 94,3% điều dưỡng hoàn thành kiểm tra kim, gạc, dụng cụ; 40,9% nhãn bệnh phẩm được đọc to và ghi tên người bệnh.Kết luận: Áp dụng bảng kiểm an toàn phẫu thuật góp phần tích cực phát hiện những khâu chưa thực hiện đúng để khắc phục sai sót trước, trong và sau phẫu thuật.
#An toàn phẫu thuật #bảng kiểm
Nghiên cứu tác dụng điều trị vết thương thực nghiệm của gel nano Berberin trên lâm sàng.
- 2022
Berberin được phân lập từ cây Coscinium fenestratum và một số cây trong họ Ranunculaceae có tác dụng chữa vết thương (VT), vết bỏng. Nghiên cứu xác định tác dụng điều trị vết thương mất da ở thỏ của gel nano Berberine do Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác sản xuất. Tiến hành trên 45 con thỏ, tạo vết thương mất da đường kính 3,5cm ở 2 bên da lưng thỏ (2 vết thương/thỏ), thỏ được chia thành 3 nhóm (15 thỏ, 30 vết thương/nhóm). + Nhóm nghiên cứu (A): Điều trị tại chỗ bằng gel nano Berberin. + Nhóm chứng (B): Điều trị bằng SSD. + Nhóm chuẩn (C): Điều trị bằng nước muối sinh lý 0,9%. Theo dõi các triệu chứng lâm sàng toàn thân và tại chỗ. Kết quả: Không gặp biểu hiện dị ứng hoặc kích ứng tại chỗ và toàn thân; dịch xuất tiết và viêm nề vết thương nhóm A giảm hơn nhóm B và C; số vết thương khỏi của nhóm A sau 2 tuần và 3 tuần đều cao hơn với nhóm chứng và so sánh; tỷ lệ tái biểu mô và tốc độ biểu mô hoá sau 2 tuần ở nhóm nghiên cứu cũng cao hơn. Kết luận: Gel nano Berberin điều trị vết thương mất da thực nghiệm cho thấy an toàn, có tác dụng chống viêm, ức chế vi khuẩn, kích thích liền vết thương.
#Gel nano Berberin #thỏ #vết thương mất da
Khảo sát thực trạng kiến thức, thực hành của điều dưỡng về an toàn người bệnh trong chăm sóc sau phẫu thuật vùng đầu mặt cổ tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia
Số 3 - Trang 94-103 - 2023
An toàn người bệnh là vấn đề được quan tâm trong tất cả các quy trình chăm sóc sau phẫu thuật. Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Tái tạo (PTTHTM & TT), Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã tiến hành nghiên cứu để xác định bức tranh khái quát về kiến thức, thực hành của điều dưỡng (ĐD) về an toàn người bệnh (ATNB) trong chăm sóc sau phẫu thuật. Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện từ trên toàn bộ tất cả điều dưỡng tại Trung tâm từ tháng 05/2022 đến 05/2023 đã cho kết quả: 77,3% điều dưỡng có kiến thức ATNB trong chăm sóc sau phẫu thuật đạt yêu cầu. Trong đó, tỷ lệ ĐD có điểm kiến thức đạt cao nhất là về kiểm soát nhiễm khuẩn chiếm 83,5% với điểm trung bình là 20,2 ± 4,04. 89,2% điều dưỡng có thái độ đúng về ATNB trong chăm sóc sau phẫu thuật. Điều dưỡng có thái độ đúng về đảm bảo ATNB trong chăm sóc và sử dụng trang thiết bị vật tư y tế cao nhất đạt 75%. Tỷ lệ ĐD có thái độ đạt về xác định chính xác người bệnh và cải thiện thông tin trong chăm sóc sau phẫu thuật thấp nhất (52,3%).
#An toàn người bệnh #chăm sóc hậu phẫu #vi phẫu cằm cổ
Nghiên cứu hiệu quả điều trị giữa phác đồ đơn trị liệu Colistin với phác đồ phối hợp Colistin - Carbapenem trên bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn gram âm kháng Carbapenem
- 2021
Mục tiêu nghiên cứu: Trong nghiên cứu này, phác đồ phối hợp Colistin - Carbapenem được chỉ định để điều trị vi khuẩn Gram âm kháng Carbapenem. Mục đích của chúng tôi là kiểm tra xem liệu liệu pháp phối hợp này có cải thiện hiệu quả điều trị lâm sàng trên người trưởng thành bị nhiễm Gram âm kháng Carbapenem hoặc Gram âm sinh Carbapenemase hay không.Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên so sánh, thực hiện tại 6 bệnh viện ở Israel, Hy Lạp và Italy.Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân (người lớn) bị nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi thở máy, viêm phổi bệnh viện hoặc nhiễm khuẩn huyết khởi phát từ nhiễm khuẩn tiết niệu do vi khuẩn Gram âm đề kháng Carbapenem. Thử nghiệm nhãn mở, đánh giá kết quả mù. Bệnh nhân được chia ngẫu nhiên trên máy tính làm hai nhóm (1:1): Colistin tiêm tĩnh mạch liều nạp 9 triệu UI sau đó duy trì liều 4,5 triệu UI hai lần trong ngày hoặc kết hợp Colistin và Carbapenem (2g truyền tĩnh mạch 3 lần mỗi ngày). Đánh giá kết quả là thành công khi khỏi bệnh, huyết động ổn định, điểm SOFA không thay đổi hoặc cải thiện, tỷ số PaO2/FiO2 ở bệnh nhân viêm phổi ổn định hoặc cải thiện, cấy máu không mọc ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết. Thất bại trên lâm sàng khi không đạt tất cả các tiêu chí thành công dựa trên phân tích mục tiêu điều trị, đánh giá sau 14 ngày điều trị kể từ khi được chọn ngẫu nhiên.Kết quả: Từ 1/10/2013 đến 31/12/2016, chúng tôi đã lựa chọn ngẫu nhiên 406 bệnh nhân vào 2 nhóm điều trị. Hầu hết bệnh nhân bị viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn huyết (355/406, 87%), đa số các nhiễm khuẩn do A.baumannii (312/406, 87%). Không có khác biệt đáng ghi nhận giữa phác đồ đơn trị liệu Colistin (156/198, 79%) với phác đồ phối hợp (152/208, 73%) gây thất bại lâm sàng trong 14 ngày điều trị sau khi phân nhóm ngẫu nhiên (khác biệt rủi ro -5,7%, 95% CI, -13,9-2,4; tỷ lệ rủi ro [RR] 0,93, 95% CI 0,83-1,03). Kết quả tương tự trong nhóm bệnh nhân nhiễm khuẩn A.baumannii (RR 0,97, 95% CI 0,87-1,09). Điều trị kết hợp làm tăng tỷ lệ tiêu chảy (56 (27%) so với 32 (16%) bệnh nhân) và giảm tỷ lệ suy thận nhẹ (37 (30%) trên 124 so với 25 (20%) trên 125 bệnh nhân có nguy cơ tổn thương thận).Kết luận: Phác đồ phối hợp không vượt trội hơn so với phác đồ đơn trị liệu. Việc kết hợp thêm Meropenem với Colistin không cải thiện tình trạng thất bại lâm sàng ở những bệnh nhân nhiễm khuẩn A.baumannii.
Tình hình thu dung và điều trị bệnh nhân bỏng nội trú tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác năm 2019
- 2020
Mục tiêu nghiên cứu: Nhận xét một số đặc điểm dịch tễ và đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân bỏng điều trị nội trú tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác trong năm 2019.Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu, thống kê mô tả dựa trên 3007 hồ sơ bệnh án bệnh nhân bỏng điều trị nội trú tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, thời gian vào viện từ ngày 01/01/2019 đến 31/12/2019.Kết quả: Số người bệnh được đưa vào bệnh viện sau bỏng chủ yếu sau 72 giờ và 2 - 6 giờ chiếm 32,36% và 31,89%. Nguyên nhân gây bỏng chủ yếu nước sôi, lửa (20,68%, 9,38%). 3,59% bệnh nhân bị bỏng do 2, 3 tác nhân phối hợp, bỏng do kết hợp giữa điện và tia lửa điện là nhiều nhất với 56 trường hợp (1,86%). Tỷ lệ Nam/Nữ = 2,20/1 (68,74%/31,26%). Bệnh nhân đến từ nông thôn nhiều hơn thành thị (64,32% và 35,68%), bệnh nhân có BHYT là chủ yếu (85,93%). Bệnh nhân đến từ Hà Nội chiếm số lượng lớn so với các địa phương khác (29,89%). Trong tháng 7, số bệnh nhân vào viện cao nhất (10,70%), thấp nhất vào tháng 3 với 222 bệnh nhân. Bệnh nhân có diện tích bỏng bỏng chung và bỏng sâu < 10% DTCT là chủ yếu, lần lượt là 54,60% và 36,22%. Chi trên, chi dưới là vị trí bỏng hay gặp với 21,26% và 21,31%. Có 13,17% bệnh nhân bỏng có bệnh lý, tổn thương kết hợp, bệnh nhân bị bỏng hô hấp chiếm tỉ lệ cao nhất với 68 trường hợp (2,26%).Số lượng lớn bệnh nhân nhập viện điều trị không phải can thiệp phẫu thuật (58,13%). 71 trường hợp phải cắt cụt chi thể, chiếm 2,36%. Nguyên nhân bỏng chủ yếu phải cắt cụt chi thể là do điện cao thế (78,87%). Bệnh nhân khỏi ra viện là 96,34%, số bệnh nhân tử vong là 67 trường hợp (2,23%). Bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện > 15 ngày chiếm 50,78%, ngày nằm điều trị trung bình là 12.56 ± 18.85. Số bệnh nhân chuyển viện là 06 bệnh nhân.Kết luận: Trẻ em < 6 tuổi và người trong độ tuổi lao động là nhóm đối tượng có nguy cơ, tỉ lệ bị bỏng cao. Cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân biết các biện pháp phòng tránh tai nạn bỏng và sơ cứu ban đầu sau khi bị bỏng.
#Đặc điểm dịch tễ #bỏng #sơ cứu bỏng
Hoạt động giáo dục sức khỏe của điều dưỡng tại Bệnh viện phụ sản Thiện An năm 2022
- 2023
Đặt vấn đề: Hoạt động giáo dục sức khỏe là hoạt động quan trọng của điều dưỡng. Hoạt động này góp phần nâng cao sức khỏe cho người bệnh. Mục tiêu: Mô tả phản hồi của người bệnh về hoạt động giáo dục sức khỏe của điều dưỡng tại Bệnh viện Phụ Sản Thiện An năm 2022. Phương pháp: cắt ngang trên toàn bộ 390 người bệnh điều trị nội trú trong thời gian từ tháng 4/2022 -10/2022 đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Bộ công cụ phát vấn gồm 16 câu nhằm đánh giá mức độ hoạt động tư vấn giáo dục sức khỏe của điều dưỡng. Kết quả: Tỷ lệ người bệnh phản hồi mức độ chất lượng công tác giáo dục sức khỏe của điều dưỡng ở mức tốt là 93,6%; mức khá là 6,5%. Tỷ lệ người bệnh được tư vấn khi làm thủ tục nhập viện là 89,0%; khi nằm viện là 92,6%; trước khi ra viện là 85,1% và cả ba thời điểm là 81,5%. Tỷ lệ người bệnh có cảm nhận tốt về năng lực giáo dục sức khỏe của điều dưỡng ở mức tốt là 19,5%; mức rất tốt là 80,5%. Phản hồi của người bệnh về điều dưỡng tư vấn cho người bệnh ở mức dễ hiểu là 99,7%; khó hiểu là 0,3%. Có mối liên quan giữa trình độ người bệnh và mức độ đánh giá hoạt động giáo dục sức khỏe của điều dưỡng, hộ sinh. Kết luận: Mức độ phản hồi giáo dục sức khỏe của người bệnh tại địa điểm nghiên cứu đa phần ở mức tốt, tỷ lệ được tư vấn cả 3 thời điểm nhập viện, nằm viện, ra viện cao và có mối liên quan đến trình độ của người bệnh.
#Tư vấn giáo dục sức khỏe #điều dưỡng #hộ sinh