Tạp chí Y học Dự phòng

  0868-2836

 

 

Cơ quản chủ quản:  N/A

Lĩnh vực:

Các bài báo tiêu biểu

Tình trạng sâu răng sữa ở trẻ em Việt Nam năm 2019
Tập 30 Số 1 - Trang 123-129 - 2020
Nguyễn Thị Hồng Minh, Trịnh Đình Hải
Sâu răng sữa ở trẻ em được ghi nhận bởi chỉ số răng sâu – mất – trám (DMFT) và chỉ số mặt răng sâu – mất – trám (DMFS) theo tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới kết hợp với chỉ số sâu răng sớm của ICIDAS. Nghiên cứu mô tả cắt ngang nhằm xác định tình trạng sâu răng sữa ở trẻ em Việt Nam năm 2019, từ đó hoạch định các biện pháp dự phòng sâu răng cho trẻ em trước tuổi đi học trong thời gian tới. Với cỡ mẫu 4028 trẻ em chia làm 2 lứa tuổi (6 – 8 tuổi và 9 – 11 tuổi) được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên, phân tầng nhiều giai đoạn từ 14 tỉnh thành đại diện cho cả nước theo các vùng địa lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sâu răng sữa ở nhóm tuổi 6 - 8 tuổi là rất cao (86,4%), trung bình mỗi trẻ có 6,21 răng bị sâu, tỷlệ răng được điều trị thấp. Kết quả này cho thấy cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em lứa tuổi mầm non.
#Sâu răng sữa #trẻ em #Việt Nam
Thực trạng cận thị của học sinh tại một số tỉnh ở Việt Nam năm 2019
- 2020
Nguyễn Thị Huyền, Doãn Ngọc Hải, Dương Chí Nam, Nguyễn Đức Sơn, Lỗ Văn Tùng, Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyễn Trường Giang, Bùi Hữu Toàn
Mục tiêu của nghiên cứu là mô tả thực trạng cận thị ở học sinh tại 4 tỉnh miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam (Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh và Cần Thơ) của Việt Nam. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 7217 học sinh đại diện cho khu vực thành phố và nông thôn, và đại diện cho bậc học. Tật cận thị ở học sinh được khám, chẩn đoán theo phương pháp chủ quan bằng bảng thị lực nhìn xa 5 mét. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ giảm thị lực của học sinh chiếm 34,8% và tăng dần theo bậc học (tiểu học là 23,2%, trung học cơ sở là 36,7%, và trung học phổ thông là 43,8%, p<0,001). Tỷ lệ học sinh bị cận thị chiếm 32,8%, viễn thị là 0,1%, loạn thị là 0,7%, tăng dần theo bậc học (tiểu học: 21,6 %, trung học cơ sở: 34,5%, trung học phổ thông: 41,9%, p<0,001), ở thành phố cao hơn so với nông thôn (42,4% so với 22,9%; p<0,001).
#Giảm thị lực #tật khúc xạ #cận thị #học sinh
Rối loạn giấc ngủ, sức khỏe thể chất và một số yếu tố liên quan ở người bệnh đái tháo đường týp 2 đang điều trị ngoại trú tại tỉnh Yên Bái, Việt Nam
Tập 31 Số 9 - Trang 117-125 - 2021
Nguyễn Thị Hoa Huyền, Bùi Thị Hiền, Đặng Thu Thủy
Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 275 người bệnh đái tháo đường týp 2 đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện Nội tiết tỉnh Yên Bái nhằm mô tả tình trạng sức khỏe thể chất, rối loạn giấc ngủ, và một số yếu tố liên quan đến sức khỏe thể chất. Kết quả cho thấy người bệnh có rối loạn giấc ngủ, chiếm 52%. Điểm trung bình sức khỏe thể chất của người bệnh là 61,5 ± 19,1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất bao gồm: tuổi (Beta = -0,8, p < 0,001), giới tính nữ (Beta = -4,2, p < 0,05), số lượng biến chứng (Beta = -7,0, p < 0,001), số lượng bệnh kèm theo (Beta = -4,6, p < 0,001), chỉ số HbA1c (Beta = -3,5, p < 0,001); nhóm người bệnh: là cán bộ viên chức (Beta = 7,7, p < 0,05), hưu trí (Beta = 9,3, p < 0,001), và có thời gian bệnh ≥ 10 năm (Beta = -4,6, p < 0,05). Vì vậy, để nâng cao sức khỏe thể chất cho người bệnh, nhân viên y tế cần chú ý tới nhóm người cao tuổi, nữ giới, chỉ số HbA1c cao, người bệnh có các biến chứng và bệnh lý kèm cũng như nhóm người bệnh làm ruộng và có thời gian mắc bệnh ≥ 10 năm.
#Rối loạn giấc ngủ #; sức khỏe thể chất #đái tháo đường týp 2
Phân tích chi phí bảo hiểm y tế tại bệnh viện tỉnh Kiên Giang trong ba năm, 2018 đến 2020
Tập 32 Số 2 - Trang 67-74 - 2022
Phạm Thị Hiền, Nguyễn Tấn Thành, Trần Quang Huy, Đỗ Quang Tuyển, Trương Việt Dũng
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mô tả mức chi bảo hiểm y tế trung bình một trường hợp và trungbình một ngày điều trị theo các nhóm bảo hiểm y tế (BHYT), phân tích cơ cấu và biến động cơ cấu các khoản chi qua 3 năm: 2018, 2019, 2020. Nghiên cứu hồi cứu số liệu sẵn có với tổng 156.944 lượt bệnhnhân điều trị nội trú đa tuyến tại Bệnh viện tỉnh Kiên Giang. Kết quả cho thấy, người bệnh phải thanh toáncho một đợt điều trị rất thấp, dao động từ 735 ngàn đến 1175 ngàn đồng. Mức chi trung bình cho một ngày điều trị sau khi đã hiệu chỉnh theo nhóm tuổi, giới và nhóm khoa qua các năm dao động từ 641,4 ngàn đến 1,533 ngàn đồng/ngày. Các nhóm BHYT đều có xu hướng tăng chi qua các năm (ngoại trừ năm 2020 nhóm 2 do tổ chức bảo biểm xã hội đóng mức chi tăng khá nhiều). Nhóm chi chiếm tỷ trọng thấp nhất là các khoản tiền khám bệnh, tiền vận chuyển và tiền chẩn đoán hình ảnh. Khoản chi nhiều nhất là tiền thuốc chiếm tỷ lệ từ 25% đến 28,0% so với tổng chi. Khoản chi nhiều thứ 2 là tiền giường chiếm tỷ lệ từ 17,9% đến 18,4% so với tổng chi. Nghiên cứu cho thấy mức chi BHYT đang tăng dần qua các năm, trong đó chi cho thuốc, vật tư y tế và tiền giường chiếm tỷ trọng cao nhất.
#Chi phí bảo hiểm y tế #phân tích hiệp biến (ANCOVA) #Kiên Giang
Kiến thức, thực hành về sử dụng kháng sinh của bệnh nhân tại trạm y tế xã của một số vùng miền Việt Nam năm 2018 - 2019
Tập 30 Số 10 - Trang 84-94 - 2021
Trần Thị Mai Hưng, Trần Huy Hoàng, Dương Thị Hồng, Nguyễn Trần Hiển, Lương Minh Tân, Nguyễn Thị Lan Phương, Nguyễn Thị Minh, Hồ Hoàng Dung, Nguyễn Thị Lan Anh, Đặng Đức Anh
Nghiên cứu nhằm mô tả thực trạng kiến thức và thực hành về việc sử dụng kháng sinh của người dân một số vùng miền của Việt Nam năm 2018 – 2019. Nghiên cứu được thực hiện trên 1200 đối tượng bằng phương pháp mô tả cắt ngang tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Kết quả cho thấy thực trạng sử dụng kháng sinh trong cộng đồng khá phổ biến: 34,3% bệnh nhân trả lời có sử dụng kháng sinh và 49,9% các thành viên trong gia đình có sử dụng kháng sinh. Tỷ lệ này cao nhất ở miền Bắc là 40,5% và 68,9%. 39% người tham gia nghiên cứu có kiến thức tốt về sử dụng kháng sinh và 16,7% số người tham gia nghiên cứu đạt thực hành tốt về sử dụng kháng sinh. 55,8% gia đình của người tham gia nghiên cứu sử dụng kháng sinh không kê đơn và có 66,2% gia đình sử dụng kháng sinh cho vật nuôi không theo hướng dẫn của thú y. Kiến thức về sử dụng kháng sinh ở miền Trung và miền Nam tốt hơn nhưng tỷ lệ thực hành đạt lại thấp hơn so với miền Bắc. Cộng đồng chưa có đủ kiến thức liên quan đến việc sử dụng kháng sinh và tầm quan trọng của kháng kháng sinh. Cần tăng cường các can thiệp cung cấp kiến thức về sử dụng kháng sinh hợp lý cho cả cộng đồng.
#Kháng sinh #kháng kháng sinh #vi khuẩn kháng kháng sinh #kiến thức #thực hành
Thực trạng sử dụng công trình vệ sinh phúc lợi tại nơi làm việc ở một số làng nghề miền Bắc Việt Nam năm 2018
Tập 30 Số 4 Phụ bản - Trang 163-169 - 2020
Lê Thị Thanh Xuân, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Thảo, Phạm Thị Quân, Nguyễn Quốc Doanh, Phan Thị Mai Hương, Tạ Thị Kim Nhung, Khương Văn Duy, Trần Như Nguyên, Lương Mai Anh, Phạm Xuân Thành, Nguyễn Thị Thu Huyền
Việt Nam là quốc gia phát triển mạnh mẽ nhiều các làng nghề truyền thống nổi tiếng. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm mục tiêu mô tả thực trạng sử dụng công trình vệ sinh phúc lợi (CTVSPL) tại nơi làm việc ở một số làng nghề miền Bắc Việt Nam năm 2018. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang, tiến hành trên 1007 người lao động (NLĐ) trực tiếp làm trong các cơ sở sản xuất của các làng nghề. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ các cơ sở sản xuất có các CTVSPL khá cao; hố tiểu 92%, hố tiêu 95,2%, buồng tắm 84%, vòi nước rửa tay 92,9%, nước uống 98,8%. Hố tiêu tự hoại, buồng tắm cá nhân, vòi nước máy không có bồn rửa chiếm tỷ lệ 93,4%, 78,3% và 64%. Tỷ lệ NLĐ sử dụng thường xuyên các CTVSPL có tại nơi làm việc như hố tiêu, hố tiểu, buồng tắm, vòi nước rửa tay và nước uống cao từ 62,5% đến 91,7%.
#Công trình vệ sinh phúc lợi #làng nghề #miền Bắc
Giám sát liệt mềm cấp/bại liệt ở Việt Nam, giai đoạn 2015 - 2019
Tập 30 Số 10 - Trang 95-105 - 2021
Nguyễn Thị Thu Hương, Phạm Quang Thái, Trần Thị Nguyễn Hòa, Đào Thị Hải Anh, Hoàng Thị Hải Hằng, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Ngô Thị Tú Thủy, Vũ Hồng Sơn, Nguyễn Văn Dũng, Trần Như Dương
Nghiên cứu nhằm mô tả hoạt động và kết quả của hệ thống giám sát liệt mềm cấp/bại liệt (LMC/BL) tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2019. Đối tượng là trẻ dưới 15 tuổi trên toàn quốc bị LMC được ghi nhận trên phần mềm giám sát của Ban giám sát BL Quốc gia. Kết quả cho thấy tỷ lệ phát hiện LMC/100.000 dân và tỷ lệ LMC lấy đủ 2 mẫu phân đúng quy định vượt yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cả giai đoạn 2015 - 2019. LMC chủ yếu được phát hiện ở trẻ < 5 tuổi (81,2%). Tỷ lệ LMC ở nam (58,9%) cao hơn ở nữ (41,1%). Hơn 90% các trường hợp LMC uống ít nhất 3 liều vắc xin bại liệt dạng uống (OPV). Không phân lập được trường hợp vi rút bại liệt hoang dại trong mẫu phân của các trường hợp LMC, 12% dương tính với các vi rút đường ruột khác. Việt Nam vẫn duy trì hệ thống giám sát LMC/BL đạt chất lượng cao trong giai đoạn 2015 - 2019. Hệ thống này cần tiếp tục đảm bảo chất lượng giám sát, tìm kiếm tích cực các trường hợp LMC, không bỏ sót trường hợp bệnh, đồng thời tăng cường công tác tiêm chủng để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh BL trong các giai đoạn tiếp theo.
#Bại liệt #liệt mềm cấp #giám sát liệt mềm cấp #OPV #Việt Nam
Kiến thức của Điều dưỡng về bệnh sỏi tiết niệu tại một số bệnh viện Đa khoa tại Hải Phòng năm 2021
Tập 32 Số 1 - Trang 326-333 - 2022
Nguyễn Thị Thu Hương, Phạm Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phạm Thanh Hải, Nguyễn Hải Ninh, Nguyễn Thế Anh
Nghiên cứu này nhằm mô tả kiến ​​thức của Điều dưỡng về bệnh sỏi tiết niệu tại một số bệnh viện đa khoa tại Hải Phòng từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên tổng số 122 mẫu được thu thập. Bộ công cụ gồm 22 câu chia 3 mục đánh giá về kiến thức. Kết quả cho thấy, trên 90% Điều dưỡng là nữ và khoảng 42,6% người được hỏi thuộc nhóm tuổi 31 - 35 tuổi. Khoảng một nửa số Điều dưỡng có trình độ trung cấp và phần lớn (48,5%) số Điều dưỡng có thời gian công tác từ 1 - 5 năm. Hơn chín phần mười (95,8%) số người được hỏi cho rằng sỏi tiết niệu là một trong các bệnh lý tiết niệu và 75,5% số người được hỏi cho rằng canxi oxalat là nguyên tố hình thành sỏi thận. Khoảng 63,1% trong số Điều dưỡng đề cập đến đau hoặc nóng rát khi đi tiểu như các triệu chứng của sỏi thận. 66,7% số người được hỏi đề cập rằng bệnh nhân sỏi thận nên được tư vấn về các biện pháp can thiệp chế độ ăn uống điều trị sỏi. Kết quả cho thấy hầu hết những người tham gia nghiên cứu đều có kiến ​​thức tốt về sỏi tiết niệu.
#Kiến thức #sỏi tiết niệu #điều dưỡng
Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả điều trị nhiễm độc da do thuốc tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng từ năm 2015 đến năm 2020
Tập 32 Số 5 - Trang 119-125 - 2022
Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Thanh Thanh Huyền, Phạm Thị Thu Trang, Cao Việt Phương
Mục tiêu của nghiên cứu là mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh nhân nhânnhiễm độc da do thuốc tại khoa Da liễu Bệnh viện Việt Tiệp, từ 2015 đến 2020. Nghiên cứu mô tả cắt ngang được tiến hành trên 246 bệnh nhân nhiễm độc da do thuốc điều trị nội trú tại Khoa Da liễu Bệnh viện Việt Tiệp từ 1/2015 đến 12/2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi vào viện 95,5% bệnh nhân có ngứa, 71,5% bệnh nhân có dát đỏ là triệu chứng khởi đầu. 31,1% các trường hợp được chẩn đoán là các thể nặng. 25,7% bệnh nhân vào viện có dấu hiệu sốt, trong đó 13,8% sốt cao ≥ 38,5oC. Có 32,5% có tăng bạch cầu đa nhân trung tính mức độ nhẹ. Chỉ số enzym AST, ALT bình thường ở 85,1% số bệnh nhân. Thời gian điều trị trung bình của tất cả các thể là 7,9 ngày. Thể đỏ da toàn thân có thời gian điều trị dài nhất là 14,5 ngày. 100% bệnh nhân nhiễm độc da do thuốc thể thông thường ổn định và ra viện. 23,1% bệnh nhân hội chứng Lyell có tiến triển nặng phải chuyển viện. Kết luận: Ngứa và dát đỏ là triệu chứng khởi phát thường gặp của nhiễm độc da do thuốc. Các thể nặng chiếm tỷ lệ thấp hơn thể thông thường, nhưng thời gian điều trị dài hơn.
#Nhiễm độc da do thuốc (CADRs) #Hội chứng Lyell #Hội chứng Steven – Jhonson
Đặc điểm dịch tễ học bệnh sốt xuất huyết dengue tại khu vực phía Nam giai đoạn 2001 - 2020
Tập 32 Số 2 Phụ bản - Trang 25-35 - 2022
Ngô Văn Dinh, Lương Chấn Quang, Diệp Thanh Hải, Đỗ Kiến Quốc, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Võ Tố Quyên, Nguyễn Vũ Thượng, Vũ Hải Hà, Phan Trọng Lân
Sốt xuất huyết dengue (SXHD) là bệnh lưu hành chủ yếu tại khu vực phía Nam. Diễn tiến và đặc điểm dịch tễ của bệnh đã có những thay đổi theo thời gian, từ đây nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm dịch tễ học về bệnh SXHD trong giai đoạn 2001 - 2020 tại khu vực phía Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy đã có một số thay đổi đặc điểm dịch tễ bệnh SXHD trong giai đoạn 2001 - 2020. SXHD vẫn là bệnh lưu hành ở mức cao tại khu vực phía Nam, với nhiều týp vi rút Dengue lưu hành cùng lúc, có sự chuyển đổi týp vi rút lưu hành ưu thế qua các năm. Tỉ lệ ca SXHD nặng và ca SXHD tử vong giảm liên tục. Ghi nhận sự thay đổi về độ tuổi mắc bệnh, tỉ lệ tử vong chuyển dần từ trẻ em sang người lớn và sự gia tăng mắc, chết do SXHD tại các tỉnh Đông Nam Bộ nơi có tốc độ công nghiệp hóa nhanh.
#Dịch tễ học #sốt xuất huyết dengue #khu vực phía Nam #Việt Nam