Tạp chí Y Dược học Quân sự

 

 

 

Cơ quản chủ quản:  N/A

Lĩnh vực:

Các bài báo tiêu biểu

SỬ DỤNG MẢNH GHÉP DACRON Ở MỘT TRƯỜNG HỢP GHÉP THẬN BỊ BÓC TÁCH ĐỘNG MẠCH CHẬU NGOÀI
Tập 49 Số si1 - Trang 26-32 - 2024
Nguyễn Hoàng Quân, Trương Hồ Trọng Tấn, Nguyễn Duy Điền, Thái Minh Sâm
Biến chứng mạch máu trong phẫu thuật ghép thận tuy hiếm gặp nhưng có thể dẫn đến tỷ lệ mất thận ghép cao. Trong trường hợp mạch máu vùng chậu xơ vữa, phẫu thuật viên phải rất thận trọng khi khâu nối mạch máu. Việc sử dụng mạch máu nhân tạo trong ghép thận vẫn còn nhiều tranh cãi. Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm sử dụng mạch máu nhân tạo nhân một trường hợp ghép thận có sử dụng mạch máu nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân (BN) nam 30 tuổi, tiền căn bệnh thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, được ghép thận từ người hiến sống là mẹ ruột. Sau khi tái tưới máu, thận ghép hồng mềm, phát hiện nội mạc động mạch chậu ngoài bị bóc tách đoạn dài tới động mạch chậu chung tạo huyết khối. Chúng tôi đã sử dụng mảnh ghép Dacron thay thế đoạn động mạch chậu chung phải, động mạch chậu ngoài bị bóc tách nội mạc và khâu nối động mạch thận ghép vào đó. Sau phẫu thuật, chức năng thận diễn tiến thuận lợi, eGFR khi xuất viện là 63 mL/phút/1,73m2 và không có biến chứng. Sau 4 năm, thận ghép hoạt động tốt, eGFR là 94 mL/phút/1,73m2. Việc sử dụng mạch máu nhân tạo khi không có sẵn mạch máu từ người hiến là một phương pháp khả thi.
#Ghép thận #Biến chứng mạch máu #Xơ vữa mạch máu vùng chậu #Mảnh ghép Dacron
BÁO CÁO CA LÂM SÀNG: HẸP ĐỘNG MẠCH THẬN GHÉP
Tập 49 Số si1 - Trang 177-185 - 2024
Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thế Cường
Hẹp động mạch thận ghép (Transplant renal artery stenosis - TRAS) là một biến chứng mạch máu được thường gặp sau ghép thận, thường xảy ra trong vòng 3 tháng đến 2 năm sau ghép, thường xuyên nhất là trong 6 tháng đầu sau ghép và là một trong những nguyên nhân chính gây mất thận ghép và tử vong sớm ở người được ghép thận. Chúng tôi báo cáo một trường hợp nam 32 tuổi tăng huyết áp (THA) kháng trị và rối loạn chức năng thận ghép, được chẩn đoán xác định là TRAS sau ghép thận 7 tháng, đã được can thiệp nội mạch nong bóng và đặt stent động mạch thận. Kết quả can thiệp tốt, cải thiện đáng kể chức năng thận ghép và kiểm soát được tình trạng THA.
#Hẹp động mạch thận #Ghép thận #Tăng huyết áp kháng trị #Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
KHẢO SÁT THỰC TRẠNG KIỂM SOÁT GLUCOSE MÁU, HUYẾT ÁP VÀ LIPID MÁU Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG KHỞI PHÁT SAU GHÉP THẬN
Tập 49 Số si1 - Trang 135-144 - 2024
Vũ Thị Loan, Lê Việt Thắng
Mục tiêu: Khảo sát thực trạng kiểm soát glucose máu, lipid máu và huyết áp ở bệnh nhân (BN) đái tháo đường khởi phát sau ghép thận (new-onset diabetes mellitus after transplantation - NODAT). Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 118 BN được chẩn đoán NODAT; tuổi trung bình của BN là 46,59 ± 10,26, tỷ lệ nam:nữ là 2:1. Tất cả BN được định lượng glucose máu lúc đói, lipid máu và đo huyết áp. Kết quả: Có 86,44% BN kiểm soát glucose máu đạt mục tiêu, 70,34% đạt mục tiêu HbA1c. Tỷ lệ BN kiểm soát Cholesterol TP đạt mục tiêu là 57,6%, TG là 52,5%, LDL-C là 78,8%, HDL-C là 29,67%. Kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu là 36,93%. Kiểm soát được cả 3 yếu tố HbA1c, LDL-C và huyết áp đạt mục tiêu điều trị là 8,5%. Kết luận: Kết quả kiểm soát glucose máu, lipid máu và huyết áp tốt.
#Đái tháo đường khởi phát sau ghép thận #Glucose máu #Huyết áp #Lipid máu
KẾT QUẢ GHÉP THẬN TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC TỪ NĂM 2006 - 2023
Tập 49 Số si1 - Trang 123-134 - 2024
Nguyễn Thế Cường, Man Thị Thu Hương, Hà Phan Hải An, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Quang Nghĩa, Dương Đức Hùng
Mục tiêu: Báo cáo tổng kết kết quả ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ năm 2006 - 2023. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu, mô tả loạt ca bệnh trên 1.850 người bệnh (NB) ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ năm 2006 - 2023. Kết quả: Từ năm 2006 - 2023, chúng tôi thực hiện ghép cho 1.850 trường hợp (TH), chủ yếu là từ người hiến sống (90%), từ người hiến chết não là 185 TH (10%). Tỷ lệ sống sau ghép 5 năm đạt trên 98,9%, sau 10 năm là 95,7%. Tỷ lệ NB có kháng thể kháng HLA trong huyết thanh là 15,3%, trong đó có 20,3% người nhận có kháng thể kháng trực tiếp người hiến (DSA). Có 24,8% NB mắc viêm gan trước ghép thận. Về điều trị dẫn nhập, 51,8% NB sử dụng Baxiliximab. Về phác đồ thuốc ức chế miễn dịch duy trì, 94,5% NB sử dụng phác đồ có tacrolimus + Mycophelonate acid (MPA)/Mycophelanate mofeti (MMF). Tỷ lệ các biến chứng nhiễm trùng sau ghép: Nhiễm BK máu 12,3%, nhiễm CMV máu 6,2%, nhiễm trùng hô hấp 12,1%, nhiễm khuẩn tiết niệu 12,4%... Kết luận: Phương pháp điều trị hiệu quả, tuy nhiên tỷ lệ biến chứng nhiễm trùng và đái tháo đường sau ghép vẫn là một thách thức lớn.
#Ghép thận #Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức #Người hiến chết não
QUẢN LÝ NGƯỜI CHẾT NÃO TIỀM NĂNG HIẾN MÔ TẠNG TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Tập 49 Số si1 - Trang 215-224 - 2024
Đồng Văn Hệ, Phạm Thị Đào, Lê Ngọc Trọng, Lương Thu Thảo, Đỗ Hoàng Phương Nam, Đỗ Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Đồng Thị Hồng Hạnh
Mục tiêu: Đánh giá kết quả quản lý người chết não tiềm năng hiến mô tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu trên 362 người bệnh (NB) chết não tiềm năng hiến mô tạng, xây dựng mô hình quản lý người chết não tiềm năng hiến mô tạng và áp dụng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ tháng 01 - 6/2024. Chúng tôi phát hiện, ghi nhận, quản lý người chết não tiềm năng hiến. Đánh giá kết quả quản lý dựa vào tỷ lệ phát hiện, ghi nhận, thông báo, tiếp cận người chết não tiềm năng và tỷ lệ đồng ý hiến mô tạng. Phân tích các yếu tố liên quan. Kết quả: 362 NB chết não tiềm năng hiến đã được phát hiện và báo cáo (362/577 = 62,7%). Cao nhất là ở Phòng khám cấp cứu (100%) và Hồi tỉnh 3 (91,8%). Tỷ lệ tại các khoa khác < 30% (p < 0,05). 12/362 gia đình người chết não tiềm năng đồng ý hiến mô tạng (3,3%). Tỷ lệ đồng ý hiến mô tạng tại phòng cấp cứu là 8/240 (3,3%), hồi tỉnh 3 là 4/79 (5,1%), cao hơn các khoa khác (p < 0,05). Tỷ lệ đồng ý hiến mô tạng cao hơn tại các khoa phát hiện, ghi nhận và thông báo chết não tiềm năng. Kết luận: Quản lý tốt người chết não tiềm năng hiến sẽ giúp tăng tỷ lệ người chết não hiến mô tạng.
#Chết não #Tiềm năng hiến #Quản lý
CƯỜNG CẬN GIÁP SAU GHÉP THẬN: GIẢI PHÁP VÀ CHIẾN LƯỢC HIỆN NAY
Tập 49 Số si1 - Trang 145-153 - 2024
Lê Thị Tiến, Đặng Anh Đào, Nguyễn Ngọc Quý, Phạm Thị Hạnh Đoan, Phạm Ngọc Sơn, Hồ Tô Duy Đức
Trong các phương pháp điều trị thay thế thận ở bệnh nhân (BN) mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối (End Stage Renal Disease - ESRD) thì ghép thận (Kidney Transplantation - KT) là lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại sau KT, BN luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ như thải ghép, nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh lý khoáng xương sau KT (Chronic Kidney Disease-Bone and Mineral Disorder - CKD-BMD). Trong đó, những BN KT thành công sau 1 năm ghi nhận tỷ lệ 30 - 60% có cường cận giáp thứ phát (Secondary Hyperparathyroidism - SHPT) và tình trạng này có thể dẫn đến rối loạn chức năng thận ghép. Ngoài điều trị nội khoa cường cận giáp thứ phát sau ghép, thời điểm phẫu thuật cắt tuyến cận giáp phụ thuộc vào thời điểm, tình trạng BN, mức độ cường cận giáp, cũng như tùy từng phác đồ của các trung tâm ghép tạng, do những tác động của phẫu thuật tuyến cận giáp lên kết cục thận ghép vẫn còn nhiều tranh cãi.
#Cường cận giáp #Cường cận giáp thứ phát #Cường cận giáp sau ghép thận #Phẫu thuật tuyến cận giáp
TÌNH TRẠNG RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG Ở NGƯỜI BỆNH SAU GHÉP THẬN 6 THÁNG TẠI BỆNH VIỆN QUÂN Y 103
Tập 49 Số si1 - Trang 93-101 - 2024
Phan Bá Nghĩa, Lê Việt Thắng, Phạm Quốc Toản, Đinh Trọng Hà
Mục tiêu: Khảo sát biến đổi tình trạng rối loạn cương dương (RLCD) trước và sau ghép thận bằng thang điểm IIEF-5 và phân tích mối liên quan với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân (BN) nam sau ghép thận 6 tháng từ người hiến sống. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả, theo dõi dọc, không đối chứng trên 45 BN nam được ghép thận từ tháng 3/2023 - 5/2024 tại Bệnh viện Quân y 103. Kết quả: Điểm IIEF-5 sau ghép thận 6 tháng là 22 (18 - 23), cải thiện hơn so với trước ghép (p < 0,001); tỷ lệ RLCD là 44,44%, trong đó, mức độ nhẹ, vừa, nặng lần lượt là 26,67%; 17,78%; 0%. Điểm IIEF-5 tương quan thuận mức độ vừa với mức lọc cầu thận (MLCT), r = 0,356, p < 0,05. Phân tích hồi quy logistic, MLCT là yếu tố độc lập liên quan tới RLCD ở nam giới sau ghép thận với OR = 0,918 (95%CI: 0,847 - 0,996), p = 0,039. Kết luận: Tỷ lệ RLCD ở nam giới sau ghép thận còn cao, liên quan với tuổi, nồng độ testosterone và MLCT sau ghép.
#Ghép thận #Rối loạn cương dương #Thang điểm IIEF-5
KẾT QUẢ GHÉP GAN CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ BIỂU MÔ TẾ BÀO GAN TRÊN NỀN VIÊM GAN B MẠN TÍNH TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Tập 49 Số si1 - Trang 195-204 - 2024
Ninh Việt Khải, Đỗ Hải Đăng, Ninh Bảo Ngọc, Nguyễn Quang Nghĩa, Dương Đức Hùng
Mục tiêu: Đánh giá kết quả gần và thời gian sống thêm sau ghép gan ở bệnh nhân (BN) ung thư biểu mô tế bào gan (hepatocellular carcinoma - HCC) do viêm gan B tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu, mô tả trên 48 BN được ghép gan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ tháng 5/2012 - 5/2022, thời gian theo dõi trung bình 51,5 ± 37,1 tháng. Kết quả: 48 BN HCC có nhiễm viêm gan B được ghép gan được đưa vào nghiên cứu. Tuổi trung bình 54,7 ± 8,4; điều trị trước ghép: Nút động mạch hoá chất (Transarterial chemoembolization - TACE) và đốt sóng cao tần (Radiofrequency ablation - RFA) 81,3%, 21,8% có alpha fetoprotein (AFP) trước ghép > 200 ng/mL. Child A chiếm 75,0%, trong tiêu chuẩn Milan chiếm 39,6%. Ghép gan người hiến sống chiếm 18,8%, người hiến chết não chiếm 81,2%, thời gian thiếu máu lạnh là 167,6 ± 83,5 phút. Tắc động mạch (ĐM) gan và tĩnh mạch (TM) cửa chiếm 4,2%, chảy máu sau ghép chiếm 4,2%, tử vong trong 90 ngày sau ghép là 6,3%. Thời gian sống thêm sau 1 năm, 3 năm và 5 năm lần lượt là 85,4%, 83,2 % và 83,2%. Thời gian sống không bệnh sau 1 năm, 3 năm và 5 năm lần lượt là 86,5%, 81,1% và 81,1%. Kết luận: Ghép gan là phương pháp điều trị HCC có nhiễm viêm gan B hiệu quả với tỷ lệ sống thêm cao.
#Ghép gan #Ung thư biểu mô tế bào gan #Viêm gan B
NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NHIỄM BK VIRUS Ở BỆNH NHÂN SAU GHÉP THẬN
Tập 49 Số si1 - Trang 154-164 - 2024
Trương Quý Kiên, Ngô Quân Vũ, Tống Thị Thu Hằng, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Hồng Xinh, Phạm Quốc Toản, Lê Việt Thắng
Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm nhiễm BK virus (BKV) và tìm mối liên quan với đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân (BN) sau ghép thận. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang kết hợp hồi cứu, tiến cứu trên 360 BN sau ghép thận được đo tải lượng BKV trong máu, nước tiểu bằng kỹ thuật Realtime-PCR và thực hiện sinh thiết thận ghép theo chỉ định từ tháng 10/2020 - 3/2024. Kết quả: Tỷ lệ BN có BKV dương tính (+) là 56,7%; 3,1% BN có bệnh thận do BKV (The BK virus nephropathy - BKVN). Tải lượng BKV trong máu liên quan có ý nghĩa với tải lượng BKV trong nước tiểu, với r = 0,524, p < 0,001. Ở nhóm BN nhiễm BKV có mức lọc cầu thận (MLCT) ước tính trung bình và lượng hemoglobin thấp hơn nhóm không nhiễm. BKVN gặp nhiều hơn ở nhóm sử dụng Tacrolimus, có MLCT trung bình, lượng hemoglobin thấp hơn, thời gian sau ghép thận dài hơn. Tải lượng BKV trong máu và nước tiểu tương quan chưa có ý nghĩa với MLCT lần lượt là r = -0,263 và r = -0,147, p < 0,05. Kết luận: Tỷ lệ nhiễm BKV ở BN sau ghép thận là tương đối cao. BKVN có xu hướng gặp nhiều hơn ở BN có thời gian sau ghép dài hơn và sử dụng Tacrolimus.
#Realtime- PCR #BK Virus #Ghép thận
BÁO CÁO LOẠT CA BỆNH: QUẢN LÝ HUYẾT ĐỘNG THEO ĐÍCH TRONG PHẪU THUẬT GHÉP THẬN
Tập 49 Số si1 - Trang 33-43 - 2024
Lê Văn Dũng, Thạch Minh Hoàng
Mục tiêu: Đánh giá sự biến đổi huyết động ở 8 ca có nguy cơ tim mạch cao trong phẫu thuật ghép thận bằng phương pháp PiCCO và Flotrac. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp lâm sàng trên 8 bệnh nhân (BN) có nguy cơ tim mạch cao được tiến hành gây mê để phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ tháng 5/2023 - 6/2024. Các chỉ số trước, trong, sau mổ và quá trình theo dõi định kỳ được ghi nhận và báo cáo. Kết quả: 8 BN đều được phẫu thuật thành công. BN được truyền dịch theo mục tiêu, các thông số huyết động được duy trì ổn định khi áp dụng điều trị theo mục tiêu dựa vào phương pháp PiCCO và Flotrac. Không có trường hợp nào có biến chứng trong và sau phẫu thuật. BN được xuất viện vào ngày thứ 6 sau mổ. Sau ghép 6 tháng, thận ghép hoạt động bình thường. Kết luận: Liệu pháp điều trị theo mục tiêu khi sử dụng PiCCO hay Flotrac có thể cá nhân hoá điều trị ở BN ghép thận có nguy cơ tim mạch cao.
#Ghép thận #Huyết động #Điều trị hướng tới mục tiêu