Tạp chí Y Dược học Quân sự

Công bố khoa học tiêu biểu

Sắp xếp:  
QUẢN LÝ NGƯỜI CHẾT NÃO TIỀM NĂNG HIẾN MÔ TẠNG TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Tạp chí Y Dược học Quân sự - Tập 49 Số si1 - Trang 215-224 - 2024
Đồng Văn Hệ, Phạm Thị Đào, Lê Ngọc Trọng, Lương Thu Thảo, Đỗ Hoàng Phương Nam, Đỗ Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Đồng Thị Hồng Hạnh
Mục tiêu: Đánh giá kết quả quản lý người chết não tiềm năng hiến mô tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu trên 362 người bệnh (NB) chết não tiềm năng hiến mô tạng, xây dựng mô hình quản lý người chết não tiềm năng hiến mô tạng và áp dụng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ tháng 01 - 6/2024. Chúng tôi phát hiện, ghi nhận, quản lý người chết não tiềm năng hiến. Đánh giá kết quả quản lý dựa vào tỷ lệ phát hiện, ghi nhận, thông báo, tiếp cận người chết não tiềm năng và tỷ lệ đồng ý hiến mô tạng. Phân tích các yếu tố liên quan. Kết quả: 362 NB chết não tiềm năng hiến đã được phát hiện và báo cáo (362/577 = 62,7%). Cao nhất là ở Phòng khám cấp cứu (100%) và Hồi tỉnh 3 (91,8%). Tỷ lệ tại các khoa khác < 30% (p < 0,05). 12/362 gia đình người chết não tiềm năng đồng ý hiến mô tạng (3,3%). Tỷ lệ đồng ý hiến mô tạng tại phòng cấp cứu là 8/240 (3,3%), hồi tỉnh 3 là 4/79 (5,1%), cao hơn các khoa khác (p < 0,05). Tỷ lệ đồng ý hiến mô tạng cao hơn tại các khoa phát hiện, ghi nhận và thông báo chết não tiềm năng. Kết luận: Quản lý tốt người chết não tiềm năng hiến sẽ giúp tăng tỷ lệ người chết não hiến mô tạng.
#Chết não #Tiềm năng hiến #Quản lý
SỰ BIẾN ĐỔI ĐỘ LỌC CẦU THẬN SAU MỘT NĂM Ở NGƯỜI SỐNG HIẾN THẬN
Tạp chí Y Dược học Quân sự - Tập 49 Số si1 - Trang 17-25 - 2024
Diệp Thắng, Trần Thái Thanh Tâm, Hoàng Khắc Chuẩn, Thái Minh Sâm
Mục tiêu: Khảo sát sự biến đổi độ lọc cầu thận ước đoán (eGFR) và một số yếu tố liên quan đến biến đổi eGFR trong năm đầu ở người sống sau hiến thận. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu, mô tả trên 189 người hiến thận từ tháng 01/2014 - 12/2020 tại Phòng khám Ghép thận, Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả: 189 người hiến thận (106 nữ và 83 nam) có tuổi trung bình lúc hiến là 49,68 ± 9,00, eGFR trước hiến là 88,74 ± 13,27 mL/phút/1,73m2. Sau hiến 1 tháng, eGFR là 65,19 ± 10,56 mL/phút/1,73m2, giảm 26,5%; sau 1 năm, eGFR tăng lên 70,68 ± 11,94 mL/phút/1,73m2 so với sau hiến 1 tháng tăng 5,49 ± 9,85 mL/phút/1,73m2 (p < 0,001). Biến đổi eGFR sau 1 năm tương quan nghịch với cystatin C huyết thanh (ScysC) và phương pháp xạ hình thận với 99mTc-DTPA (mGFR) trước hiến (r lần lượt là -0,17 và -0,16; p < 0,05). Kết luận: Độ lọc cầu thận ước đoán cải thiện dần theo thời gian sau hiến thận. ScysC và mGFR trước hiến tương quan nghịch với biến đổi eGFR sau hiến một năm, tuy nhiên mức độ yếu. Theo dõi định kỳ và quản lý dấu hiệu sớm các vấn đề sau hiến thận giữ vai trò rất quan trọng.
#Độ lọc cầu thận ước đoán #Hiến thận từ người sống #Yếu tố nguy cơ
BÁO CÁO CA LÂM SÀNG: HẸP ĐỘNG MẠCH THẬN GHÉP
Tạp chí Y Dược học Quân sự - Tập 49 Số si1 - Trang 177-185 - 2024
Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thế Cường
Hẹp động mạch thận ghép (Transplant renal artery stenosis - TRAS) là một biến chứng mạch máu được thường gặp sau ghép thận, thường xảy ra trong vòng 3 tháng đến 2 năm sau ghép, thường xuyên nhất là trong 6 tháng đầu sau ghép và là một trong những nguyên nhân chính gây mất thận ghép và tử vong sớm ở người được ghép thận. Chúng tôi báo cáo một trường hợp nam 32 tuổi tăng huyết áp (THA) kháng trị và rối loạn chức năng thận ghép, được chẩn đoán xác định là TRAS sau ghép thận 7 tháng, đã được can thiệp nội mạch nong bóng và đặt stent động mạch thận. Kết quả can thiệp tốt, cải thiện đáng kể chức năng thận ghép và kiểm soát được tình trạng THA.
#Hẹp động mạch thận #Ghép thận #Tăng huyết áp kháng trị #Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
KHẢO SÁT GIÁ TRỊ CỦA CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH ĐA DÃY ĐẦU THU TRONG ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM MẠCH MÁU THẬN TRÊN NGƯỜI HIẾN THẬN SỐNG TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ
Tạp chí Y Dược học Quân sự - Tập 49 Số si1 - Trang 7-16 - 2024
Ngô Minh Trí, Trương Thị Tố Trinh, Hoàng Minh Lợi, Phạm Ngọc Hùng
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm mạch máu thận và giá trị của cắt lớp vi tính (CLVT) đa dãy đầu thu trong đánh giá mạch thận ở bệnh nhân hiến thận sống tại Bệnh viện Trung ương Huế. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu kết hợp tiến cứu, mô tả cắt ngang trên 122 người hiến thận sống được chụp CLVT đa dãy đầu thu và phẫu thuật (PT) lấy thận ghép tại Bệnh viện Trung ương Huế từ tháng 02/2023 - 6/2024. Đối chiếu hình ảnh CLVT với PT. Kết quả: Tỷ lệ 1 động mạch (ĐM), 2 ĐM, 3 ĐM lần lượt là 77,87%, 19,67%, 2,46%. Tỷ lệ 1 tĩnh mạch (TM), 2 TM, 3 TM lần lượt là 87,30%, 11,86%, 0,82%. ĐM thận phụ và ĐM thận phân nhánh sớm sẽ có tỷ lệ lần lượt là 22,13% và 32,79%. Biến thể giải phẫu bên phải gặp nhiều hơn bên trái. Biến thể giải phẫu phổ biến nhất bên phải là nhiều TM. Độ nhạy, độ đặc hiệu trong phát hiện ĐM lần lượt là 93 - 100% và 96 - 100%; TM lần lượt là 83 - 100% và 92 - 100%. Kết luận: CLVT đa dãy đầu thu vẫn là phương pháp ưu việt trong đánh giá số lượng mạch máu với độ nhạy từ 83 - 100%, độ đặc hiệu từ 92 - 100%, cũng như biến thể giải phẫu trước mổ để đảm bảo ghép thận an toàn và thành công.
#Động mạch thận #Tĩnh mạch thận #Biến thể #Cắt lớp vi tính đa dãy
BÁO CÁO CA BỆNH: THẢI GHÉP CẤP QUA TRUNG GIAN TẾ BÀO SAU GHÉP TIM
Tạp chí Y Dược học Quân sự - Tập 49 Số si1 - Trang 186-194 - 2024
Ngô Đình Trung, Ngô Thị Minh Hạnh, Nguyễn Tài Thu, Lê Nam Khánh, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Thị Thu, Đào Trọng Chính, Hồ Nam, Đỗ Văn Nam
Thải ghép cấp là một biến chứng thường gặp và là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra rối loạn chức năng mảnh ghép sau ghép tim. Triệu chứng của thải ghép cấp thường không đặc hiệu. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, cần có xét nghiệm mô bệnh học sinh thiết cơ tim để xác định chẩn đoán và định hướng điều trị. Số ca ghép tim được thực hiện tại Việt Nam chưa nhiều, do đó chưa có bài báo nào báo cáo về tình trạng thải ghép cấp trên nhóm bệnh nhân (BN) này. Báo cáo này trình bày một ca lâm sàng cặp ghép tim cùng nhóm máu ABO tại Bệnh viện Trung ương Quân đội (BVTWQĐ) 108. Thời điểm hậu phẫu ngày thứ 7 BN có triệu chứng phù và khó thở. Theo dõi trên siêu âm tim có hình ảnh thất trái dày lên, dịch màng ngoài tim tăng lên. Kết quả sinh thiết xác định chẩn đoán thải ghép cấp qua trung gian tế bào mức độ nhẹ. BN sau đó được điều trị bằng liệu pháp corticosteroid liều cao trong 3 ngày đồng thời tăng liều các thuốc chống thải ghép. Sau thời gian 2 tuần điều trị BN hết các triệu chứng khó thở và phù. Đồng thời siêu âm tim cũng cho thấy dày thành thất trái, dịch màng ngoài tim giảm dần và hết sau 2 tuần điều trị. Quá trình điều trị đợt thải ghép cấp không có biến chứng nào được ghi nhận.
#Thải ghép cấp #Ghép tim
GIÁ TRỊ TIÊN LƯỢNG BIẾN CHỨNG NHIỄM TRÙNG, CHẬM LIỀN VẾT MỔ VÀ THẢI GHÉP CẤP SAU GHÉP THẬN CỦA NỒNG ĐỘ GLUCOSE MÁU NGAY SAU GHÉP
Tạp chí Y Dược học Quân sự - Tập 49 Số si1 - Trang 64-74 - 2024
Đỗ Văn Nam, Bùi Văn Mạnh, Nguyễn Chí Tuệ, Nguyễn Thanh Nga, Ngô Đình Trung
Mục tiêu: Xác định giá trị tiên lượng biến chứng nhiễm trùng, chậm liền vết mổ và thải ghép cấp trong 14 ngày đầu sau ghép thận của nồng độ glucose máu ngay sau ghép. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả, không đối chứng trên 153 bệnh nhân (BN) ghép thận từ người hiến sống, sau ghép được theo dõi, điều trị tại Khoa Ghép, hồi sức, điều trị sau ghép, Bệnh viện Quân y 103. Kết quả: Tỷ lệ BN tăng glucose máu ngay sau ghép thận là 92,8%, tỷ lệ BN có nồng độ glucose máu tăng cao (≥ 11,1 mmol/L) ngay sau ghép là 47,1%. Nồng độ glucose máu ngay sau ghép có giá trị tiên lượng các biến chứng nhiễm trùng, chậm liền vết mổ, thải ghép cấp trong 14 ngày đầu sau ghép thận với diện tích dưới đường cong (AUC) lần lượt là 0,824; 0,803 và 0,811; ngưỡng tối ưu của nồng độ glucose máu ngay sau ghép trong tiên đoán lần lượt là 11,6 mmol/L; 11,3 mmol/L và 11,4 mmol/L, với p < 0,05. Kết luận: Bước đầu nhận thấy nồng độ glucose máu ngay sau ghép thận có khả năng tiên đoán tốt biến chứng nhiễm trùng, chậm liền vết mổ, thải ghép cấp trong 14 ngày đầu sau ghép thận.
#Ghép thận #Glucose máu sau ghép #Thải ghép cấp
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GHÉP THẬN TỪ NGƯỜI HIẾN THẬN SỐNG TRONG NĂM ĐẦU SAU GHÉP TẠI BỆNH VIỆN CHỢ RẪY
Tạp chí Y Dược học Quân sự - Tập 49 Số si1 - Trang 102-112 - 2024
Trương Hồ Trọng Tấn, Hoàng Khắc Chuẩn, Thái Kinh Luân, Vũ Đức Huy, Nguyễn Duy Điền, Nguyễn Trọng Hiền, Quách Đô La, Lê Hữu Thuận, Đinh Lê Quý Văn, Phạm Đình Thi Phong, Bùi Đức Cẩm Hồng, Nguyễn Thị Băng Châu, Mai Thị Đức Hạnh, Thái Minh Sâm
Mục tiêu: Đánh giá diễn tiến chức năng thận ở giai đoạn sớm sau ghép và xác định tỷ lệ các biến chứng xảy ra sau ghép thận từ người hiến sống tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu, mô tả trên 608 trường hợp (TH) được ghép thận từ người hiến sống tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 01/01/2016 - 31/12/2022. Các biến số được ghi nhận gồm đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của người hiến, người nhận thận, chức năng thận và biến chứng sau ghép. Kết quả: Nghiên cứu trên 608 TH cho thấy chức năng thận sau ghép có hiện tượng giảm trong 3 tháng đầu, sau đó tăng dần có ý nghĩa ở thời điểm 12 tháng. Các biến chứng sau ghép xảy ra nhiều trong 3 tháng đầu. Thải ghép chiếm 5,76%, chủ yếu trong 3 tháng đầu. Biến chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu và viêm phổi là thường gặp nhất, với tỷ lệ lần lượt là 7,4% và 8,06%. Không có TH nào trì hoãn chức năng thận ghép. Sau ghép 1 năm, sống còn của bệnh nhân (BN) và thận ghép lần lượt là 99,2% và 98,6%. Kết luận: Kết quả ghép thận trong năm đầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy khá khả quan với chức năng thận sau ghép diễn tiến thuận lợi, sống còn của BN và thận ghép cao.
#Ghép thận #Người hiến thận sống #Chức năng thận ghép #Biến chứng sau ghép #Sống còn của bệnh nhân #Sống còn của thận ghép
CƯỜNG CẬN GIÁP SAU GHÉP THẬN: GIẢI PHÁP VÀ CHIẾN LƯỢC HIỆN NAY
Tạp chí Y Dược học Quân sự - Tập 49 Số si1 - Trang 145-153 - 2024
Lê Thị Tiến, Đặng Anh Đào, Nguyễn Ngọc Quý, Phạm Thị Hạnh Đoan, Phạm Ngọc Sơn, Hồ Tô Duy Đức
Trong các phương pháp điều trị thay thế thận ở bệnh nhân (BN) mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối (End Stage Renal Disease - ESRD) thì ghép thận (Kidney Transplantation - KT) là lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại sau KT, BN luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ như thải ghép, nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh lý khoáng xương sau KT (Chronic Kidney Disease-Bone and Mineral Disorder - CKD-BMD). Trong đó, những BN KT thành công sau 1 năm ghi nhận tỷ lệ 30 - 60% có cường cận giáp thứ phát (Secondary Hyperparathyroidism - SHPT) và tình trạng này có thể dẫn đến rối loạn chức năng thận ghép. Ngoài điều trị nội khoa cường cận giáp thứ phát sau ghép, thời điểm phẫu thuật cắt tuyến cận giáp phụ thuộc vào thời điểm, tình trạng BN, mức độ cường cận giáp, cũng như tùy từng phác đồ của các trung tâm ghép tạng, do những tác động của phẫu thuật tuyến cận giáp lên kết cục thận ghép vẫn còn nhiều tranh cãi.
#Cường cận giáp #Cường cận giáp thứ phát #Cường cận giáp sau ghép thận #Phẫu thuật tuyến cận giáp
KẾT QUẢ GHÉP THẬN SAU 6 THÁNG ĐẦU TIÊN TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG QUÂN ĐỘI 103 LÀO
Tạp chí Y Dược học Quân sự - Tập 49 Số si1 - Trang 75-83 - 2024
Keovithoun Vibounmy, Savengxay Dalasat, Khonevilay Khinthavong , Pan Philavong, Phimmasone Phommavongsa, Buasing Inthavong, Vũ Nhất Định, Nguyễn Văn Nam
Mục tiêu: Đánh giá kết quả 13 ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả, theo dõi dọc từ tháng 12/2022 - 6/2024 trên 13 bệnh nhân (BN) bệnh thận mạn (BTM) giai đoạn cuối được ghép thận từ người cho sống. Kết quả: Tại thời điểm 6 tháng sau ghép, ghi nhận 01 BN có biến chứng rò niệu quản - bàng quang thận ghép, sau đó theo dõi bảo tồn và hồi phục hoàn toàn; chức năng thận ổn định dần trong 6 tháng đầu sau ghép thể hiện qua các chỉ số ure, creatinine máu và mức lọc cầu thận ước tính; mức lọc cầu thận trung bình tại thời điểm tháng thứ 6 là 78,2 ± 18,6 mL/phút; nồng độ thuốc C0 của Tacrolimus dần ổn định về ngưỡng khuyến cáo; sau ghép cải thiện tình trạng tăng huyết áp và thiếu máu. Kết luận: Sau ghép 6 tháng, 13 BN chức năng thận ổn định dần.
#Ghép thận #Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào
BIẾN ĐỔI NỒNG ĐỘ TESTOSTERONE HUYẾT TƯƠNG Ở BỆNH NHÂN NAM SAU GHÉP THẬN TẠI BỆNH VIỆN QUÂN Y 103
Tạp chí Y Dược học Quân sự - Tập 49 Số si1 - Trang 113-122 - 2024
Đinh Trọng Hà, Phan Bá Nghĩa, Lê Việt Thắng
Mục tiêu: Đánh giá biển đổi nồng độ testosterone huyết tương ở người bệnh sau ghép thận từ người hiến sống tại Bệnh viện Quân y 103. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang 2 thời điểm trên 45 bệnh nhân (BN) nam giới được ghép thận thành công từ tháng 3/2023 - 5/2024. Kết quả: Nồng độ testosterone huyết tương ở nam giới sau ghép thận là 13,64 (11,4 - 15,99) nmol/L, cải thiện có ý nghĩa thống kê so với trước ghép là 12,09 (10,09 - 15,0) nmol/L, p = 0,04; có 13,33% (6/45 BN) giảm testosterone, trong đó, có 8,89% mới xuất hiện sau ghép thận. Nồng độ testosterone có tương quan thuận mức độ vừa với điểm IIEF-5 (đánh giá tình trạng cương), r = 0,32, p = 0,031. Phân tích hồi quy logistic cho thấy nồng độ đáy C0 Tacrolimus là yếu tố độc lập liên quan xuất hiện giảm testosterone huyết tương ở BN nam sau ghép thận, OR = 1,933 (95%CI 1,008 - 3,707). Kết luận: Nồng độ testosterone huyết tương ở BN nam sau ghép thận 6 tháng có cải thiện so với trước ghép, tuy nhiên, còn ở mức thấp, liên quan với tình trạng rối loạn cương và nồng độ đáy C0 của Tacrolimus.
#Ghép thận #Testosterone #Thang điểm IIEF-5
Tổng số: 22   
  • 1
  • 2
  • 3