Tạp chí Y Dược học Cần Thơ

  2354-1210

 

  Việt Nam

Cơ quản chủ quản:  Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Lĩnh vực:

Các bài báo tiêu biểu

TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở NGƯỜI TĂNG HUYẾT ÁP TẠI QUẬN BÌNH THỦY, CẦN THƠ NĂM 2021
- 2022
Trần Song Hậu, Thạch Thị Cha Ro Da, Nguyễn Tấn Đạt , Nguyễn Viễn Thông, Nguyễn Thị Kiều Lan, Thạch Ngọc Nữ Thu
Đặt vấn đề: Tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính phổ biến và gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới bản thân và là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Người bệnh tăng huyết áp tuân thủ trong điều trị dùng thuốc và tuân thủ thay đổi lối sống tốt sẽ góp phần giảm gánh nặng bệnh tật do tăng huyết áp gây nên. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ tuân thủ điều trị tăng huyết áp và một số yếu tố liên quan đến không tuân thủ điều trị ở người bệnh tăng huyết áp tại quận Bình Thủy, Cần Thơ 2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích trên 300 đối tượng từ 30 tuổi trở lên có bệnh tăng huyết áp. Kết quả: Tỷ lệ tuân thủ điều trị không dùng thuốc theo Morisky chiếm 70,3%, tuân thủ dùng thuốc chiếm 74% và tuân thủ chung chiếm 55,3%. Qua phân tích hồi quy logistic đa biến nhân thấy nhóm tuổi từ 50-69 (OR=2,17), trình độ học vấn từ cấp 2 trở lên (OR=2,14), nam giới (OR=4,90), dân tộc khác (OR=4,04), mối quan hệ không tốt với thầy thuốc (OR=2,37) và tự chi trả chi phí điều trị (OR=1,95) có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tuân thủ điều trị chung. Kết luận: Tuân thủ điều trị dùng thuốc ở mức độ trung bình và kém chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ này bị ảnh hưởng bởi tuổi, trình độ học vấn và mối quan hệ bệnh nhân với thầy thuốc. Vì vậy cần nâng cao hơn mối quan hệ bệnh nhân với thầy thuốc để cải thiện tình trạng tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
#tăng huyết áp #tuân thủ điều trị #các yếu tố liên quan #Cần Thơ
KẾT QUẢ CHĂM SÓC, ĐIỀU TRỊ BỆNH NHI TIÊU CHẢY CẤP DƯỚI 5 TUỔI VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI KHOA NỘI TIÊU HÓA BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG CẦN THƠ NĂM 2020 - 2021
- 2022
Đặt vấn đề: Tiêu chảy cấp là một bệnh quan trọng ở trẻ em, vì nó có tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong cao. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh nhi tiêu chảy cấp dưới 5 tuổi, phân tích kết quả chăm sóc trẻ bệnh và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến cứu có phân tích trên 200 bệnh nhi dưới 5 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Kết quả: Ngày đầu nhập viện tỷ lệ trẻ có sốt là 88,5%, có 36,5% có tình trạng mất nước, 69% đau bụng và 66,5% nôn ói. Lượng bạch cầu trung bình là 12,1x109 tăng cao, hồng cầu ở mức bình thường và Hct là 0,38. Tác nhân E.Coli gây bệnh tiêu chảy cấp nhiều nhất với 80%. Sau thời gian chăm sóc, điều trị có 99,5% trẻ hết mất nước, 66,5% trẻ hết tiêu lỏng, 96,5% trẻ hết sốt, 89,5% trẻ hết nôn ói,98,5% trẻ hết hăm tã và 92,5% trẻ hết chán ăn. Có mối liên quan giữa: nhóm không suy dinh dưỡng thì có tỷ lệ chăm sóc tốt chiếm 57,5%, cha/mẹ có kiến thức và thực hành tốt có kết quả chăm sóc tốt là 76%, nghề nghiệp lao động trí óc và trình độ học vấn từ cấp 3 trở lên có tỉ lệ chăm sóc tốt cao hơn lần lượt là (85,7%), (80,6%). Kết luận: Kết quả chăm sóc tốt cao,100% bệnh nhi được xuất viện, tuy nhiên do tác động của nhiều yếu tố khách quan, cần tăng cường biện pháp truyền thông phù hợp nhằm cải thiện kết quả chăm sóc được cao hơn.
#Tiêu chảy cấp #trẻ dưới 5 tuổi
NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, X QUANG SAI KHỚP CẮN LOẠI I ANGLE VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIA TỐC DI CHUYỂN RĂNG NANH HÀM TRÊN CÓ KẾT HỢP HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU TẠI BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ NĂM 2019 – 2021
Số 37 - 2023
Lê Nguyên Lâm, Trương Thị Bích Ngân
Đặt vấn đề: Hiện nay, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu dưới niêm mạc là liệu pháp ít xâm lấn làm tăng tốc độ di chuyển răng và giảm thời gian điều trị chỉnh hình. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam vẫn còn khá ít. Mục tiêu nghiên cứu: 1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, X quang sai khớp cắn loại I Angle. 2. Đánh giá kết quả gia tốc di chuyển răng nanh hàm trên của huyết tương giàu tiểu cầu trong giai đoạn di xa răng nanh. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên với thiết kế nửa miệng trên 31 bệnh nhân chỉnh hình tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2019-2021, bệnh nhân có nhổ hai răng cối nhỏ thứ nhất hàm trên ghi nhận đặc điểm lâm sàng, số đo trên phim đo sọ nghiêng và đánh giá gia tốc di xa răng nanh hàm trên của nhóm PRP so với nhóm chứng trong 12 tuần. Kết quả nghiên cứu: Tỷ lệ mặt thẳng cân xứng (96,8%), mặt nghiêng lồi (64,5%). Phim đo sọ nghiêng: ANB 4,6±2,12(o), SNB 79,0±3,36(o), SN–GoGn 32,8±6,38(o) (p<0,005), U1–NA 7,0±2,84(mm) (p<0,001), L1–NB 8,8±2,8(mm), 32,9±7,01(o) (p<0,05). Tốc độ di chuyển răng nanh ở nhóm PRP nhanh hơn so với nhóm chứng gấp 1,51 lần. Kết luận: Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) có khả năng làm tăng tốc độ di chuyển răng nanh và có thể áp dụng điều trị cho các trường hợp răng khó di chuyển như răng ngầm, đóng khoảng răng cối và các trường hợp khác trên lâm sàng.
#huyết tương giàu tiểu cầu #chỉnh hình răng mặt #di xa răng nanh #gia tốc di chuyển răng #sai khớp cắn
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐIỀU TRỊ DỊ HÌNH VÁCH NGĂN CÓ ĐIỂM TIẾP XÚC TẠI BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG CẦN THƠ
- 2022
Nguyễn Văn Tư, Dương Hữu Nghị , Trương Thanh Hiền
Đặt vấn đề: Đánh giá kết quả của phẫu thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn có điểm tiếp xúc là rất cần thiết cho các Bác sĩ lâm sàng Tai Mũi Họng. Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi điều trị dị hình vách ngăn có điểm tiếp xúc. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 73 bệnh nhân ≥18 tuổi, nghẹt mũi trên 3 tháng do dị hình vách ngăn có điểm tiếp xúc được phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ từ tháng 6/2020-4/2022. Nghiên cứu tiến cứu có can thiệp. Kết quả: Trung bình tổng điểm NOSE trước phẫu thuật (48,36), cải thiện sau phẫu thuật có ý nghĩa thống kê (p<0,001) tại thời điểm 1 tháng (8,90), 2 tháng (2,05) và 3 tháng (0,55). Sau phẫu thuật 3 tháng, 89% bệnh nhân không còn triệu chứng nghẹt mũi. Các triệu chứng nhức đầu, chảy mũi, hắt hơi và chảy máu mũi cải thiện rõ rệt. Rách niêm mạc vách ngăn 1 bên trong phẫu thuật chiếm 37% và có 1 trường hợp (1,4%) rách niêm mạc vách ngăn 2 bên. Không ghi nhận trường hợp nào có biến chứng sau phẫu thuật như thủng vách ngăn, dính cuốn mũi hay mất khứu giác. Sau phẫu thuật 3 tháng, kết quả điều trị tốt đạt tỷ lệ 80,8%. Kết luận: Phẫu thuật nội soi điều trị dị hình vách ngăn có điểm tiếp xúc chủ yếu nhằm cải thiện thông khí và dẫn lưu mũi xoang. Phẫu thuật cho kết quả điều trị tốt và an toàn. Tuy nhiên, cần lưu ý thì bóc tách niêm mạc vách ngăn tại điểm tiếp xúc.  
#Dị hình vách ngăn #điểm tiếp xúc #phẫu thuật nội soi
NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ HÌNH ẢNH CỘNG HƯỞNG TỪ TRONG THOÁI HÓA CỘT SỐNG THẮT LƯNG CÓ CHÈN ÉP THẦN KINH TẠI BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ NĂM 2020-2021
- 2022
Nguyễn Vũ Đằng , Trần Phước Thái
  Đặt vấn đề: Bệnh lý thoái hóa cột sống thắt lưng (THCSTL) là bệnh lý mạn tính gây đau, hạn chế vận động hoặc biến dạng cột sống thắt lưng. Trong đó chèn ép thần kinh là một hậu quả của thoái hóa cột sống phối hợp với thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống. Cộng hưởng từ (MRI) là phương tiện có giá trị trong chẩn đoán chèn ép thần kinh, từ đó có hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cộng hưởng từ và mối liên hệ trong thoái hóa cột sống thắt lưng có chèn ép thần kinh tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2020-2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Tiến cứu mô tả cắt ngang trên 102 bệnh nhân được chẩn đoán xác định trên MRI là THCSTL có chèn ép thần kinh. Kết quả: Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất và cũng là lý do vào viện của bệnh nhân là đau lưng chiếm 95%; teo cơ chiếm 5,9%; dấu hiệu Lasègue dương tính gặp với tỉ lệ là 53,9%. Hình ảnh cộng hưởng từ ghi nhận thoái hóa cột sống theo phân loại Modic: Modic 1 (20,6%), Modic 2 (70,6%) Modic 3 (8,8%); thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân chủ yếu gây chèn ép thần kinh chiếm 81,4%%; rễ thần kinh L5 bị chèn ép nhiều nhất chiếm 90%. Mối liên hệ giữa mức độ chèn ép rễ thần kinh trên lâm sàng và MRI: Hệ số tương quan Spearman r=0,57 (p<0,001). Kết luận: Có mối liên hệ giữa mức độ chèn ép rễ thần kinh trên lâm sàng và mức độ chèn ép rễ thần kinh trên MRI.
#Thoái hóa cột sống thắt lưng #chèn ép thần kinh #cộng hưởng từ
TÌNH HÌNH VIÊM ÂM ĐẠO VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở PHỤ NỮ ĐẾN KHÁM PHỤ KHOA TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG CẦN THƠ
Số 39 - 2023
Ngũ Quốc Vĩ, Trần Khánh Nga , Lâm Đức Tâm
Đặt vấn đề: Viêm âm đạo là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và là nguyên nhân hàng đầu làm cho bệnh nhân đến khám phụ khoa. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định tỷ lệ viêm âm đạo do 3 tác nhân thường gặp và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ từ 15- 79 tuổi đến tại phòng khám phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang trên 511 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đến khám phụ khoa tại phòng khám phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ từ 01/10/2016 -01/08/2017 bằng cách phỏng vấn để tìm các yếu tố liên quan, khám lâm sàng, thử pH dịch âm đạo, làm thử nghiệm Whiff và soi tươi để chẩn đoán 3 tác nhân gây viêm âm đạo thường gặp. Kết quả: Qua 511 phụ nữ tham gia nghiên cứu, tỷ lệ viêm âm đạo do 3 tác nhân là 33,7%, trong đó, nhiễm khuẩn âm đạo là 26,0%, viêm âm đạo do nấm Candida là 9,6% và viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis là 2,5%. Các yếu tố liên quan đến viêm âm đạo gồm: không rửa vệ sinh sau giao hợp: p=0,031; PR = 1,78; thói quen dung nước sông, kênh, rạch để sinh hoạt: p=0,004; PR (nước máy/nước giếng) = 1,41; PR (nước máy/nguồn nước sông) = 2,30; dùng băng vệ sinh hằng ngày: p=0,005; PR= 1,89; không sử dụng quần cotton: p=0,013; PR= 1,68 và lau bằng giấy sau khi đi tiêu: p=0,005; PR=  2,04. Kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ viêm âm đạo ở phụ nữ còn cao, nhất là nhiễm khuẩn âm đạo. Vì vậy, nên sử dụng tiêu chuẩn Amsel và soi tươi khí hư trong chẩn đoán viêm âm đạo do các tác nhân thường gặp, để tránh bỏ sót, hay điều trị quá mức bệnh lý này.  
#viêm âm đạo #nhiễm khuẩn âm đạo #viêm âm đạo do nấm #viêm âm đạo do Trichomonas
MÔ TẢ ĐẶC ĐIỂM VI KHUẨN VÀ TÌNH HÌNH ĐỀ KHÁNG KHÁNG SINH CỦA VI KHUẨN TRÊN BỆNH NHÂN VIÊM PHỔI BỆNH VIỆN TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA THÀNH PHỐ CẦN THƠ
- 2022
Nguyễn Thành Nghiêm, Phạm Thành Suôl
  Đặt vấn đề: Viêm phổi bệnh viện là bệnh lý rất nặng, thường gặp nhất trong các nhiễm khuẩn bệnh viện, tỉ lệ điều trị thất bại cao do tình hình đề kháng kháng sinh của vi khuẩn ngày càng tăng. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm vi khuẩn gây bệnh và xác định tỷ lệ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn được phân lập trên bệnh nhân viêm phổi bệnh viện. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, thực hiện trên bệnh án của bệnh nhân viêm phổi bệnh viện được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ năm 2021-2022. Kết quả: Trong số 102 bệnh án được thu nhận vào nghiên cứu, các vi khuẩn gây bệnh phổ biến là Klebsiella pneumoniae 44%, Acinetobacter bauminni 27%, Escherichia coli 12% và Pseudomonas aeruginosa 7%. Các vi khuẩn gram âm đề kháng cao với các nhóm: cephalosporin, carbapenem, fluoroquinolon. K. pneumonia còn nhạy cảm amikacin  (52%), A. baumannii đề kháng với hầu hết các loại kháng sinh trừ colistin (nhạy 100%), P.  aeruginosa nhạy với colistin 100%, E. coli còn nhạy với amikacin 100%, carbapenem trên 60%, piperacillin/tazobactam 60%. Kết luận: Vi khuẩn gram âm là tác nhân chủ yếu gây viêm phổi bệnh viện và hầu hết các vi khuẩn này hiện đã đề kháng rất cao với cephalosporin, carbapenem, fluoroquinolon.
#Viêm phổi bệnh viện #vi khuẩn #đề kháng kháng sinh
KHẢO SÁT TÌNH TRẠNG THỪA CÂN, BÉO PHÌ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TRÊN SINH VIÊN KHOA Y TẾ CÔNG CỘNG, TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ NĂM 2021
Số 61 - Trang 246-252 - 2023
Thạch Minh Tiên Tuyết, Đỗ Nguyễn Thanh Thanh, Trần Ngọc Tú, Nguyễn Lê Ánh Hồng, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Thị Hiền, Hà Trương Nhật Uyên
Đặt vấn đề: Béo phì được coi là một yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh chuyển hóa tim mạch, bệnh hô hấp mãn tính, viêm xương khớp và một số bệnh ung thư. Tỷ lệ sinh viên thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng lên rõ rệt, cụ thể theo một số nghiên cứu tỷ lệ sinh viên Trường Đại học Thăng Long, tỷ lệ thừa cân-béo phì đã tăng từ 13,1% năm 2012 lên đến 19,4% năm 2014; trường Đại học Cần Thơ (2016) 4,51%. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định tỷ lệ thừa cân, béo phì và một số yếu tố liên quan đến thừa cân, béo phì trên sinh viên khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang có phân tích được tiến hành trên 440 sinh viên khoa Y tế công cộng năm 2021 tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Kết quả: Tỷ lệ thừa cân béo phì ở sinh viên chiếm 20% trong đó thừa cân là 11,1%; béo phì 8,9%. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở sinh viên nam (61,4%) cao hơn sinh viên nữ (38,6%). Các yếu tố liên quan đến thừa cân béo phì của sinh viên: giới tính, thức ăn giàu protein, thói quen ăn đồ ngọt, sử dụng rượu bia, thời gian ngủ, thời gian hoạt động thể lực trong ngày. Kết luận: Tỷ lệ sinh viên thừa cân, béo phì trong quần thể nghiên cứu tương đối cao. Cần chú ý đến được một số yếu tố liên quan: Thói quen, tần suất sử dụng thực phẩm và hoạt động thể lực, kiến thức chung về thừa cân, béo phì.
#thừa cân #béo phì #sinh viên
TỶ LỆ VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ NHIỄM HELICOBACTER PYLORI Ở BỆNH NHÂN VIÊM LOÉT DẠ DÀY-TÁ TRÁNG KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÓC TRĂNG
Số 40 - 2023
Phạm Thị Tâm, Hứa Phước Trường
Đặt vấn đề: Nhiễm Helicobacter Pylori (H.pylori) là một trong những nhiễm khuẩn mạn tính thường gặp nhất ở người viêm loét dạ dày - tá tràng. Nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ H.pylori dương tính qua nội soi làm Phản ứng Urease nhanh (Clotest) là 24,6%. Điều trị H.pylori giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày từ 30% đến 40%. Những nghiên cứu gần đây cho thấy phác đồ điều trị cổ điểm phối hợp 3 thuốc (OAC) có hiệu quả thấp. Phác đồ 4 thuốc không Bismuth chưa được đánh giá kết quả đầy đủ. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định tỷ lệ nhiễm H.pylori ở bệnh nhân được làm xét nghiệm Clotest qua nội soi dạ dày tá tràng và đánh giá kết quả điều trị tiệt trừ H.pylori bằng phác đồ 4 thuốc không có Bismuth. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả tiến cứu với 380 bệnh nhân viêm loét dạ dày - tá tràng điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng từ tháng 06/2020 đến tháng 05/2021. Kết quả: Trên tổng số 380 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận: Tỷ lệ nhiễm H.pylori qua nội soi làm xét nghiệm Clotest là 22,4%; tỷ lệ điều trị tiệt trừ thành công là 88,24%. Kết luận: Tỷ lệ nhiễm H.pylori qua nội soi ở bệnh nhân ngoại trú tương đối cao, phù hợp với các báo cáo dịch tễ và tỷ lệ điều trị thành công bằng phác đồ 4 thuốc không Bismuth còn hiệu lực tốt tại Sóc Trăng. 
#H.pylori #xét nghiệm Clotest #phác đồ 4 thuốc không có Bismuth
NGHIÊN CỨU VIỆC TUÂN THỦ DÙNG THUỐC CỦA NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 TẠI KHOA NỘI TỔNG HỢP BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ
Số 62 - Trang 44-48 - 2023
Trần Thị Như Ngọc, Đặng Minh Tiến, Bùi Xuân Trà, Nguyễn Ngọc Thơ
Đặt vấn đề: Tuân thủ điều trị là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, đặc biệt quan trọng đối với điều trị bệnh lý mạn tính trong đó có đái tháo đường típ 2. Nếu không được điều trị và quản lý tốt, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Tỷ lệ tuân thủ điều trị ở người bệnh tại các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam hiện nay còn thấp, theo thống kê trung bình hiện dưới 50%. Mục tiêu nghiên cứu: 1) Xác định tỷ lệ tuân thủ dùng thuốc của người bệnh đái tháo đường típ 2. 2) Xác định một số yếu tố liên quan đến việc tuân thủ dùng thuốc của người bệnh đái tháo đường típ 2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: người bệnh đái tháo đường típ 2 đang điều trị nội trú tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Đối tượng nghiên cứu được chọn theo cách chọn mẫu thuận tiện. Kết quả: Bệnh nhân có tỷ lệ quên thuốc viên cao (90,7%). Lý do quên thuốc thường gặp nhất là do bận (76,2%). Xử lý quên thuốc đa số là uống bù vào lần uống sau (71,5%). 75% người bệnh có thời gian mắc bệnh ≤5 năm thỉnh thoảng quên hoặc bỏ thuốc, người bệnh tuân thủ điều trị với việc uống thuốc đều đặn đa số thuộc nhóm được kê đơn dùng thuốc từ 1-2 lần trong ngày (96,2%). Kết luận: Tỷ lệ tuân thủ thuốc cao. Thuốc thường quên là thuốc dạng viên. Xử trí chủ yếu khi là uống bù lần sau. Thời gian mắc bệnh dài, số lần dùng thuốc từ 3 trở lên, thời gian điều trị 1-5 năm là những yếu tố làm giảm tỷ lệ tuân trị.  
#Đái tháo đường típ 2 #tuân thủ dùng thuốc #bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ