Tạp chí Truyền nhiễm Việt Nam
0866-7829
Việt Nam
Cơ quản chủ quản: N/A
Lĩnh vực:
Các bài báo tiêu biểu
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG BỆNH NHÂN VIÊM PHỔI DO COVID-19 ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG
Tập 3 Số 35 - Trang 89-93 - 2021
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh nhân viêm phổi do COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Đối tượng và phương pháp: Mô tả cắt ngang 173 bệnh nhân viêm phổi do COVID-19.
Kết quả: Lâm sàng có các triệu chứng thường gặp của viêm phổi do COVID-19 gồm: ho (88,4%), sốt (78,0%), khạc đờm (24,9%) và mệt mỏi (41,0%), khó thở (27,2%), đau họng (37%), tiêu chảy (24,3%). Trong viêm phổi nặng do COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân có sốt, khó thở, mệt mỏi cao hơn có ý nghĩa so với viêm phổi nhẹ do COVID-19 (p < 0,05). Về cận lâm sàng: số lượng tế bào CD4, tế bào hồng cầu và tỷ lệ bạch cầu lympho thấp hơn có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) trong các trường hợp viêm phổi nặng do COVID- 19; ngược lại enzym AST, CRP, LDH, Ferritin, D - dimer lại tăng cao có ý nghĩa ở các bệnh nhân viêm phổi nhẹ do COVID-19. Đa số tổn thương CT phổi gặp ở nhiều thùy phổi (81,5%) tập trung chủ yếu thùy dưới phổi hai bên với hình ảnh hay gặp là kính mờ (68,2%) và tổn thương mô kẽ (41%). Trong đó, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về số lượng thùy phổi bị tổn thương giữa hai nhóm bệnh nhân.
#COVID-19 #viêm phổi
THỰC TRẠNG KHÁNG KHÁNG SINH CỦA KLEBSIELLA PNEUMONIAE PHÂN LẬP TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG NĂM 2022
Tập 3 Số 43 - Trang 32-38 - 2023
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm kháng kháng sinh của Klebsiella pneumoniae và phân loại carbapenemase củaKlebsiella pneumoniae kháng carbapenem tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang 259 mẫu bệnh phẩm phân lập được Klebsiellapneumoniae tại Khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chungtừ tháng 01/2022 đến hết tháng 12/2022.Kết quả: Tuổi trung bình của bệnh nhân là 60 ± 19,5 tuổi, bệnh nhân nam chiếm 62,8%. Tỷ lệ phân lập K. pneumoniae nhiều nhất tại Khoa Hồi sức tích cực là 47,1% và Khoa Cấp cứu là 38,2%, mẫu bệnh phẩm chủ yếu từ các dịch hô hấp chiếm 72%. Các chủng kháng hầu hết với các nhóm kháng sinh, trong đó nhóm carbapenem là 69,9% - 75,3%, tỷ lệ K. pneumoniae đề kháng thấp hơn với gentamycin, fosfomycin, amikacin lần lượt là 47,5%, 40,2%, 31,7%, kháng colistin là 38%. So sánh tỷ lệ kháng các nhóm kháng sinh của nhóm CRKP cao hơn CSKP có ý nghĩa thống kê. Có 134/135 (99,2%) chủng K. pneumoniae kháng carbapenem theo cơ chế sinh enzym carbapenemase, trong đó có 88 (65,6%) chủng sinh enzym thủy phân carbapenem thuộc loại serine carbapenemase, và 46 (34,4%) chủng là Metallo-Beta-Lactamase.Kết luận: Tỷ lệ K. pneumoniae kháng carbapenem là 75,3%, kháng colistin là 38%. Có 99,2% chủng kháng carbapenem theo cơ chế sinh enzym carbapenemase. Trong đó, tỷ lệ vi khuẩn sinh enzym loại serine carbapenemase chiếm đa số.
#Carbapenemase #đề kháng kháng sinh #Klebsiella pneumoniae
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG Ở BỆNH NHÂN VIÊM GAN VI RÚT B MẠNTIẾN TRIỂN UNG THƯ GAN NGUYÊN PHÁT TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG
Tập 1 Số 33 - Trang 12-16 - 2021
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của ung thư gan nguyên phát (HCC) ở bệnh nhân viêm gan vi rút B mạn nhận được điều trị thuốc kháng vi rút.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả hồi cứu 39 bệnh nhân xuất hiện HCC trong quá trình điều trị thuốc kháng vi rúttại khoa khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương từ 01/2013-12/2019.
Kết quả: 74,4% bệnh nhân nam. Độ tuổi trung bình là 58,0±10,0.Chủ yếu các bệnh nhân sống ở vùng nông thôn (66,7%). Bệnh lý nền thường gặp là đái tháo đường (10,3%). 59% bệnh nhân có sử dụng nhiều rượu.Hầu hết các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc TDF (71,8%).Phần lớn các bệnh nhân khi bắt đầu điều trị thuốc kháng vi rút khi đã có dấu hiệu xơ gan (82,0%) trong đó có 33,3% có dấu hiệu xơ gan mất bù. Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là mệt mỏi và chán ăn (82,1%). Các bệnh nhân có xét nghiệm tiểu cầu thấp hơn so với giá trị bình thường (131,1±85,5). Chỉ số xơ hóa gan trên Fibroscan cao (26,7±22,9). Giá trị thang điểm dự đoán HCC: CU- HCC ở mức nguy cơ cao (16,8±15,1).
Kết luận: Các bệnh nhân xuất hiện HCC trong quá trình điều trị thuốc kháng vi rút có đặc điểm: tuổi cao, giới nam, sống ở nông thôn, có thói quen sử dụng rượu, điều trị thuốc kháng vi rút muộn khi đã có xơ gan và xơ gan mất bù. Cận lâm sàng liên quan chủ yếu đến biểu hiện của xơ gan.
#Viêm gan vi rút B mạn tính #ung thư gan nguyên phát
TỶ LỆ NHIỄM VÀ TÍNH KHÁNG KHÁNG SINH CỦA VI KHUẨN GÂY NHIỄM KHUẨN TIẾT NIỆU Ở BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN NĂM 2020
Tập 2 Số 34 - Trang 58-64 - 2021
Mục tiêu: Nghiên cứu này nhằm xác định tỷ lệ nhiễm và tính kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn phân lập được từ bệnh phẩm nước tiểu của bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An năm 2020.
Đối tượng và phương pháp: Các chủng vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN) phân lập được tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An từ 1/2020 đến 12/2020. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
Kết quả: Trong 462 chủng vi khuẩn gây NKTN, E. coli chiếm tỷ lệ cao nhất (40,26%), đứng thứ hai: P. aeruginosa (15,15%), tiếp theo: K. pneumoniae (12,99%) và Enterococcus sp (10,39%). E. coli đã kháng cephalosporine có tỷ lệ: 57,53 – 65,05%, quinolone (58,06 – 60,75%) nhưng vẫn còn nhạy cảm cao với carbapenem, fosfomycin (87,63 – 90,86%). Một nửa chủng E. coli sinh ESBL (Extended spectrum beta-lactamase). K. pneumoniae kháng nhóm cephalosporin, quinolone dao động từ 66,67% - 75%, kháng carbapenem (45 –50%). P. aeruginosa kháng các kháng sinh thử nghiệm từ 47,14% - 62,86%. Enterococcus sp. kháng các kháng sinh nhóm quinolone với tỷ lệ: 70,83%, kháng vancomycin: 8,33%. Chưa ghi nhận chủng Enterococcus kháng linezolid.
Kết luận: Các vi khuẩn gây NKTN thường gặp là E. coli, K. Pneumoniae, P. aeruginosa, Enterococcus sp. Các vi khuẩn phân lập được đã kháng các kháng sinh thường dùng với các mức độ khác nhau. Đặc biệt, các chủng vi khuẩn Gram âm kháng carbapenem, Gram dương kháng vancomycin.
#Nhiễm khuẩn tiết niệu #E. coli #P. aeruginosa #Enterococcus sp #Klebsiella
CĂN NGUYÊN NHIỄM KHUẨN HUYẾT VÀ MỨC ĐỘ KHÁNG KHÁNG SINH TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN NĂM 2020-2021
Tập 1 Số 41 - Trang 59-66 - 2023
Kháng kháng sinh hiện đang là vấn đề toàn cầu, đang gia tăng do tình trạng sử dụng kháng sinh không phù hợp trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp và y học.
Mục tiêu : Xác định các loại vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn huyết và khảo sát sự đề kháng kháng sinh của các vi khuẩn này tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên năm 2020-2021.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, hồi cứu trên 113 bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết có cấy máu mọc vi khuẩn.
Kết quả: Căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp nhất là Escherichia coli chiếm 33,6%, tiếp đó là Staphylococus aureus (23,8%), Klebsiella pneumonia (12,4%), Acinetobacter Baumanni (10,6%). 40-50% các chủng E.coli đã kháng hoặc kém nhạy với cephalosporin thế hệ 3, Ciprofloxacin, tỉ lệ kháng với Colistin, kháng sinh nhóm Carbapenem thấp (lần lượt là 3,4% và dưới 6%), 77,7% các chủng còn nhạy với Amikacin. 52,2% các chủng S.aureus đề kháng với Oxacillin.63,6% các chủng K.pneumoniae đề kháng với Fosfomycin, tỉ lệ đề kháng với kháng sinh nhóm Carbapenem, Aminosid thấp dưới 8%. Các chủng A.baumanni đề kháng thấp (dưới 10%) với các kháng sinh nhóm Carbapenem, Aminosid, Quinolon, chỉ có 8,3% nhạy với Ceftriaxone.
Kết luận: Tại BV Trung ương Thái Nguyên, đa số các vi khuẩn gram âm còn nhạy với kháng sinh nhóm Carbapenem, Aminosid.
#Căn nguyên nhiễm khuẩn huyết #kháng kháng sinh #Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
TÌNH TRẠNG KHÁNG KHÁNG SINH CỦA MỘT SỐ CĂN NGUYÊN VI KHUẨN GÂY NHIỄM KHUẨN HUYẾT TẠI TRUNG TÂM BỆNH NHIỆT ĐỚI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
Tập 3 Số 39 - Trang 86-92 - 2022
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ và tính kháng kháng sinh của một số vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu quan sát 229 bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An từ tháng 01/2020 đến tháng 04/2022 với chẩn đoán xác định nhiễm khuẩn huyết.
Kết quả: Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 61,2 ± 14,7 tuổi với 58,9% bệnh nhân nam và 41,1 % bệnh nhân nữ. Tỷ lệ phân lập được vi khuẩn gram âm là 76,4% và vi khuẩn gram dương là 23,6%; các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp nhất là E. coli (42,8%), S. aureus (15,3%), B.pseudomonas (15,3%), K. pneumoniae (13,1%). E. coli đề kháng cao với cephalosprin 50,5% - 64,5%, flouroquinolone 36,8 – 38,4%, đề kháng thấp với amikacin 2,1%, chưa đề kháng carbapenem. B. pseudomallei nhạy 100% với doxycyclin, ceftazidim, meropenem và nhạy 67,7% với trimethoprim-sulfamethoxazole. K. pneumoniae nhạy trên 70% với cephalosporin thế hệ 3, trên 80% với quinolone, aminoglycoside và trên 90% với carbapenem. S. aureus kháng erythromycin 73,9%, clindamycin 69,7%, fluoroquinolone 14,7 – 17,7%, chưa ghi nhận đề kháng vancomycin, linezolide.
Kết luận: Các vi khuẩn thường gặp đề kháng cao hoặc kháng một phần với các kháng sinh cephalosprin, quinolone và nhạy cảm cao với carbapenem (vi khuẩn gram âm) và vancomycin, linezoliede (vi khuẩn gram dương)
#nhiễm khuẩn huyết #đề kháng kháng sinh #E. coli #S.aureus #K.pneumoniae
KẾT QỦA BƯỚC ĐẦU ÁP DỤNG ECMO - VV ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN SUY HÔ HẤP CẤP NẶNG TẠI KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG
Tập 2 Số 30 - Trang 13-18 - 2020
Mục tiêu: Nhận xét kết quả bước đầu áp dụng ECMO (Extra Corporeal Membrane Oxygenation) - VV trong điều trị bệnh nhân (BN) suy hô hấp cấp (ARDS) nặng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (ICU - NHTD).
Đối tượng và phương pháp: 16 bệnh nhân ARDS nặng được can thiệp điều trị kỹ thuật ECMO - VV tại ICU - NHTD. Nghiên cứu mô tả loạt ca bệnh.
Kết quả: 16 bệnh nhân, nam giới chiếm 10/16 BN, tuổi trung bình là 48 ± 17 tuổi. Trước khi can thiệp ECMO - VV, điểm SOFA trung bình của BN là 9 ± 5, 100% BN có điểm Murray > 3,75 điểm. 100% các BN được đặt cannunla ECMO - VV qua da theo phương pháp Seldinger vị trí tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch cảnh trong phải. Thời gian can thiệp ECMO trung bình là 18 ngày. Biến chứng gặp phổ biến nhất là chảy máu: 13 BN (81%). Kết quả điều trị 8 BN (50%) ổn định ra viện. BN ARDS do nhiễm cúm có tỷ lệ sống cao hơn hẳn do các căn nguyên khác (80% so với 40%).
Kết luận: ECMO - VV là kỹ thuật có hiệu quả cao để điều trị BN ARDS nặng. Đặc biệt, với BN ARDS do nhiễm cúm.
#Viêm phổi nặng #Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) #ECMO - VV
ĐIỀU TRỊ SỐC SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE KÉO DÀI, BIẾN CHỨNG NẶNG TẠI KHOA CẤP CỨU - HỒI SỨC, BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (01/2017 - 12/2017)
Tập 3 Số 31 - Trang 32-37 - 2020
Mục tiêu: mô tả các can thiệp điều trị ở trẻ sốc sốt xuất huyết dengue (SXHD) kéo dài điều trị tại khoa Cấp cứu - Hồi sức, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2017.
Phương pháp: mô tả hàng loạt trường hợp.
Kết quả: 76 trường hợp sốc SXHD kéo dài, sốc (78,9%), sốc nặng (21,1%), biểu hiện lâm sàng nặng với sốc 100%, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) 18,4%, suy gan 23,7%, xuất huyết tiêu hóa 67,1%, suy đa cơ quan (MODS) 22,4%. Điều trị bao gồm bù dịch tổng lượng trung bình 217,4ml/kg trong thời gian trung bình 37,2 giờ, trong đó lượng đại phân tử trung bình là 164,5ml/kg, dưới sự hướng dẫn của đo áp lực tĩnh mạch trung ương 80,2%, huyết áp động mạch xâm lấn 100%, hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục CPAP 100%, thở máy không xâm lấn 46,1%, thở máy xâm lấn 13,2%, chọc dẫn lưu dịch màng bụng 40,8% dưới sự hỗ trợ của đo áp lực bàng quang 75%; điều trị xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu như hồng cầu lắng 72,4% với lượng trung bình là 16,4ml/kg, huyết tương tươi đông lạnh 61,8% với lượng trung bình 20,6ml/kg, kết tủa lạnh 57,9% với lượng trung bình 1,5đv/6kg, tiểu cầu đậm đặc 31,6% với lượng trung bình 1,7đv/10kg. Thời gian điều trị trung bình tại khoa Hồi sức là 6,4 ngày, có 2 (2,6%) trường hợp tử vong.
Kết luận: cần trang bị cho các bệnh viện tỉnh các phương tiện hồi sức, chuyển giao các kỹ thuật nâng cao như thở máy, lọc máu, đo áp lực bàng quang, huyết áp xâm lấn... để cứu sống nhiều hơn nữa các trường hợp sốc SXHD nặng.
#Hội chứng sốc dengue (DSS)
KHẢO SÁT THAY ĐỔI HUYẾT ĐỘNG, ĐIỆN GIẢI, KIỀM TOAN VÀ RỐI LOẠN ĐÔNG MÁU Ở BỆNH NHÂN SỐC SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ DUNG DỊCH HYDROXYETHYL STARCH 130 6%
Tập 2 Số 38 - Trang 65-71 - 2022
Mục tiêu: khảo sát thay đổi huyết động, điện giải, kiềm toan và rối loạn đông máu ở bệnh nhân sốc sốt xuất huyết dengue được điều trị dung dịch hydroxyethyl starch 130 6% nhập viện nhi đồng Thành phố từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021
Phương pháp: Hồi cứu, mô tả hàng loạt trường hợp.
Kết quả: Qua nghiên cứu 60 trường hợp sốc sốt xuất huyết dengue được truyền dung dịch HES 130 6%, tuổi trung bình 5.4 tuổi, nhỏ nhất là 14 tháng, lớn nhất là 14 tuổi. Khảo sát huyết động học trong vòng 24 giờ sau truyền dung dịch HES cho thấy cải thiện tình trạng sốc với trị số nhịp mạch trung bình giảm có ý nghĩa sau 4 giờ (121,3 vs.101,6), cải thiện hiệu áp sau một giờ điều trị, trong khi huyết áp tâm thu, tâm trương, trung bình ổn định ở mức 92,5 – 108,4 mmHg, 73,2-66,2 mmHg, 78,6-82,7 mmHg. Dung tích hồng cầu trung bình (Hct) sau truyền HES 130 6% một giờ là 38,6% cải thiện có ý nghĩa so với ban đầu là 43.4% và ổn định sau đó ở mức 37,5-38,4%. Không có sự thay đổi bất thường đáng kể về điện giải, kiềm toan, đông máu. Lượng dung dịch HES 130 6% được sử dụng trung bình là 133,8 ± 15,3 ml/kg trong thời gian trung bình là 25,3 ± 2,6 giờ. Biến chứng có thể do truyền dung dịch HES 130 6% bao gồm suy hô hấp (56,7%) do tràn dịch màng phổi, màng bụng; xuất huyết tiêu hóa (8.3%). Không ghi nhận run tiêm truyền hay sốc phản vệ khi truyền dung dịch HES 130 6%. Tỉ lệ thất bại với dung dịch HES 130 6%, phải đổi sang HES 200 6% hoặc dextran 40 10% là 38,3%. Kết quả điều trị không có tử vong.
Kết luận: Nghiên cứu giúp các bác sĩ lâm sàng có thêm một chọn lựa dung dịch HES 130 6% trong điều trị sốc sốt xuất huyết dengue khi mà nguồn dung dịch cao phân tử khan hiếm như HES 200 6%, dextran 40 10%. Tuy nhiên, việc áp dụng dung dịch HES 130 6% chỉ dành cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết dengue, không dành cho sốc sốt xuất huyết dengue nặng và lưu ý vấn đề suy hô hấp xảy ra ở trẻ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
#Sốc sốt xuất huyết Dengue #HES 130 6%.
ĐẶC ĐIỂM DỊCH TẾ, LÂM SÀNG, TỔN THƯƠNG TRÊN XQ VÀ CT NGỰC Ở BỆNH NHÂN COVID-19 TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG (26/1/2020 – 26/4/2020)
Tập 2 Số 30 - Trang 24-32 - 2020
Mục tiêu: Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và tổn thương trên phim XQ và CT scanner (CT) ngực ở bệnh nhân COVID-19. Phương pháp: mô tả tiến cứu 145 bệnh nhân COVID-19, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ 26/01/2020 - 26/4/2020. Kết quả: Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam (nam/nữ = 2/3), ở mọi lứa tuổi, trung bình 38,57 ± 15,42 tuổi; 55,9% bệnh nhân từ nước ngoài về Việt Nam. Biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu: ho (54,5%), đau họng (26,9%), sốt (22,1%). Các triệu chứng ít gặp hơn là đau mỏi người (13,1%), tức ngực (8,3%), khó thở (6,2%), đau đầu (7,2%), tiêu chảy (2,8%), sổ mũi (2,1%) và mất khứu giác (1,4%). 46,2% bệnh nhân được phát hiện bất thường trên phim XQ ngực, biểu hiện: kính mờ (36,6%), nốt mờ (17,9%), dày mô kẽ (27,6%), dày thành phế quản (17,2%). 69,7% bệnh nhân có tổn thương trên phim CT ngực: kính mờ (66,2%), nốt mờ (41,4%), dày mô kẽ (10,3), sưng hạch (9,6%) và tràn dịch màng phổi (6,1%); đa số tổn thương ở vùng ngoại vi, thùy dưới (62,1%) và ở 2 bên phổi (46,2%).
Kết luận: Bệnh nhân trong nghiên cứu gặp ở các lứa tuổi, nữ nhiều hơn nam, phần lớn bệnh nhân từ nước ngoài về. Đa số bệnh nhân không sốt, không khó thở, có thể gặp ho khan và, hoặc đau họng. Phim XQ và CT ngực có giá trị chẩn đoán mức độ tổn thương phổi và theo dõi tiến triển bệnh. Phim CT ngực có khả năng phát hiện tổn thương cao hơn và sớm hơn phim XQ ngực, các tổn thương hay gặp là kính mờ, nốt mờ và dày mô kẽ ở vùng ngoại vi, thùy dưới của 2 phổi.
#Coronavirus disease-2019 #COVID-19 #SARS-CoV-2