Tạp chí Khoa học Tây Nguyên

  3030-4717

 

 

Cơ quản chủ quản:  N/A

Lĩnh vực:

Các bài báo tiêu biểu

Tình hình nhiễm giun xoăn dạ múi khế ở bò tại huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk
Tập 16 Số 52 - Trang - 2022
Anh Nguyễn Thị Vân, Đỉnh Nguyễn Ngọc
Giun xoăn dạ múi khế thuộc họ Trichostrongyloidea gồm nhiều giống, ký sinh chủ yếu trên động vật ăn cỏ. Trâu bò nhiễm giun xoăn dạ múi khế bị giảm khả năng giữ chất chứa trong dạ cỏ và dạ múi khế, tiêu chảy, chậm lớn, thậm chí tử vong. Nghiên cứu cắt ngang thực hiện tại xã Cư Né, Cư Kbô và Ea Ngai thuộc huyện Krông Búk nhằm khảo sát tình hình nhiễm giun xoăn dạ múi khế trên đàn bò nuôi. Qua xét nghiệm mẫu phân từ 302 bò bằng phương pháp phù nổi, kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm giun xoăn dạ múi khế ở bò tương đối cao với 49,3% [khoảng tin cậy (KTC) 95%: 43,6 - 55,1%]. Bò nuôi tại huyện Krông Búk nhiễm các loài Haemonchus spp., Trychostrongylus spp., Cooperia spp. và Ostertagia spp. với tỷ lệ lần lượt là 27,2%, 13,2%, 2,32% và 1,66%. Bằng phương pháp phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy bò không được tẩy giun có tỷ số odds nhiễm giun xoăn cao hơn 1,82 (KTC 95%: 1,07 - 3,11) lần so với bò được tẩy giun; bò nuôi tại xã Cư Né có tỷ số odds nhiễm giun xoăn thấp hơn so với xã Cư Kbô 0,45 (KTC 95%: 0,25 - 0,81) lần; quy mô đàn từ 4 - 10 bò/hộ có tỷ số odds nhiễm cao hơn so với quy mô đàn < 4 con/hộ là 2,35 (KTC 95%: 1,34 - 4,11) lần. Nghiên cứu này cung cấp thông tin hữu ích cho việc làm giảm tỷ lệ lưu hành của giun xoăn dạ múi khế ở đàn bò trên địa bàn huyện Krông Búk.
#bò #Krông Búk #tỷ lệ #giun xoăn dạ múi khế
Hiệu quả tiệt trừ Helicobacter Pylori của phác đồ 4 thuốc có Bismuth 10 ngày ở bệnh nhân viêm dạ dày tại Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên
Tập 17 Số 60 - Trang - 2023
NGUYỄN LỆ, Thanh Hồng Đỗ, Nguyễn Bình Tống, Thị Thu Hường Vũ
Viêm dạ dày do Helicobacter Pylori (H.Pylori) là bệnh lý thường gặp hiện nay. Việc điều trị tiệt trừ H.Pylori luôn là vấn đề được thảo luận liên tục. Do vấn đề kháng thuốc tại nhiều vùng nên phác đồ 4 thuốc có Bismuth trở thành phác đồ đầu tay tại nhiều nơi. Vì có nhiều tác dụng phụ và phải dùng nhiều lần trong ngày nên ảnh hưởng tới sự tuân thủ khi dùng thuốc điều trị mặc dù đã được tư vấn kỹ lưỡng nên chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Hiệu quả tiệt trừ H.Pylori của phác đồ 4 thuốc có Bismuth 10 ngày ở bệnh nhân viêm dạ dày tại Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên” nhằm xác định tỷ lệ tiệt trừ H.Pylori, các tác dụng phụ thường gặp của phác đồ này. Đây là một nghiên cứu cắt ngang mô tả trên 156 người bệnh sử dụng phác đồ 4 thuốc có Bismuth gồm Omeprazol-Bismuth-Metronidazol-Tetracyclin (OBMT) trong 10 ngày. Kết quả cho thấy, tỷ lệ tiệt trừ H.Pylori là 87,8%. Các tác dụng phụ hay gặp nhất là mệt mỏi (56,4%), chán ăn (37,8%), buồn nôn, nôn (32,7%), đau đầu 22,4%, trong miệng có vị kim loại 17,9%, táo bón 10,3%, tiêu chảy 6,4%. Các triệu chứng lâm sàng cải thiện đáng kể sau 10 ngày điều trị. Đau thượng vị từ 84,6% xuống 26,3%, ợ hơi ợ chua từ 68,6% còn 28,8%, đầy bụng khó tiêu từ 61,5% còn 30,1%, buồn nôn và nôn từ 46,8% xuống 14,7% và nóng rát thượng vị 44,9% còn 13,5%. Tóm lại, phác đồ 4 thuốc có Bismuth 10 ngày hiệu quả trong điều trị tiệt trừ H.Pylori.
#Helicobacter Pylori #Phác đồ 4 thuốc #Bismuth #viêm dạ dày #quadruple therapy #gastritis
Đặc điểm sinh học một số loài nấm có giá trị thực phẩm và dược liệu được thu thập tại tiểu khu 501, 502, 503 thuộc Vườn Quốc Gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk
Tập 17 Số 63 - Trang - 2023
Hữu Kiên Nguyễn, Thị Kim Thi Trần, Nguyên Nguyễn Phương Đại, Anh Tuấn Trần
Trong bài báo này, nhóm tác giả mô tả chi tiết các đặc điểm sinh học của một số loài nấm có giá trị thực phẩm và dược liệu thu thập tại tiểu khu 501, 502, 503 thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn, Tỉnh Đắk Lắk. Bước đầu, dựa vào đặc điểm hình thái và giải trình tự DNA, nhóm tác giả ghi nhận 03 loài nấm có giá trị thực phẩm gồm: Auricularia auricula, Amanita caesarea, Lentinus sajor-caju; và 03 loài nấm có giá trị dược liệu gồm: Ganoderma lucidum, Ganoderma calidophilum, Trametes cinnabarina. Trong 6 loài nấm trên có 2 loài: Ganoderma calidophilum, Trametes cinnabarina được ghi nhận mới cho Tây Nguyên (so với Nấm lớn Tây Nguyên của tác giả Lê Bá Dũng, 2003, Nấm Linh chi ở Tây Nguyên của tác giả Nguyễn Phương Đại Nguyên, 2013).
#Nấm thực phẩm #Nấm dược liệu #Vườn quốc gia Yok Đôn
Tối ưu hóa môi trường nuôi cấy chủng vi khuẩn vùng rễ Priestia aryabhattai RB.HP54 để tăng khả năng sinh tổng hợp IAA
Tập 18 Số 5 - Trang 28-36 - 2024
Thị Huyền Trang Trịnh, Trần Thị Phương Hạnh
Nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu tìm ra giá trị tối ưu của các yếu tố môi trường nuôi cấy tác động trực tiếp đến sinh tổng hợp IAA của chủng vi khuẩn vùng rễ Priestia aryabhattai RB.HP54 làm tiền đề tạo chế phẩm sinh học ứng dụng trong sản xuất. Kết quả khảo sát các đơn yếu tố của môi trường cho thấy, chủng RB.HP54 sinh trưởng và tổng hợp IAA tốt trong môi trường có thành phần glucose 5g/L, pepton 7,5 g/L và L- tryptophan 1 g/L, pH 6,5 -7. Ba yếu tố có tác động lớn nhất đến hàm lượng IAA (glucose, pepton và L-tryptophan) được tối ưu hóa bằng phương pháp đáp ứng bề mặt (RSM) và sử dụng thiết kế Box – Behnken. Kết quả phân tích cho thấy, phương trình hồi quy đa biến có dạng IAA (mg/L) = 66,98 -1,81A +3,09B + 4,17C +3,46AB – 1,27AC – 0,4625BC – 6,06A2 – 1,39B2 – 5,74C2. Mô hình dự đoán hàm lượng IAA tối đa đạt 68,955 mg/L và thực tế thí nghiệm thu được IAA có hàm lượng 71,417 mg/L khi chủng RB.HP54 được nuôi cấy trong môi trường có thành phần glucose 4,97 g/L, pepton 8,97 g/L và L-tryptophan 1,07 g/L.
#IAA #môi trường nuôi cấy #Priestia aryabhattai #vi khuẩn vùng rễ
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Tập 18 Số 01 - Trang - 2024
Thị Thu Vân Đặng, Vy Phạm Thảo, Vương Vũ Trinh
Đắk Lắk là một tỉnh trung tâm của khu vực Tây Nguyên, tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh ước có 12.246 doanh nghiệp đang hoạt động. Những năm gần đây, Đắk Lắk đã có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận các nhà đầu tư, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng cũng như tiềm năng của tỉnh. Bên cạnh đó, nhận thấy thu hút đầu tư có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 230 doanh nghiệp tại tỉnh. Với kết quả phương pháp phân tích hồi quy cho thấy có 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sắp xếp theo thứ tự quan trọng như sau: Thương hiệu địa phương, Chế độ chính sách, Chất lượng dịch vụ công, Lợi thế ngành và Chi phí đầu vào. Từ kết quả này, nhóm tác giả cũng đề ra một số hàm ý chính sách nhằm tăng sự hài lòng của nhà đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Utilization of soybean residue by product for bioproduction of 1-Hydroxyphenazine - a potential fungicidal compound
Tập 18 Số 4 - Trang 10-16 - 2024
Bốn Nguyễn Văn
1-Hydroxyphenazine (HP) is a heterocyclic nitrogenous compound which reported various potential bioactivities. The current work aimed to utilize soybean residue by-product (SRBP) as a C/N source for the biosynthesis of HP via fermentation and investigated its potent inhibition against some plant pathogen fungi. The novel medium for effective HP production by P. aeruginosa TUN03 was investigated comprising 1.75% C/N source (SRBP/Tryptic Soy Broth (TSB) ratio of 8/2), 0.05% FeSO4, and 0.05% K2HPO4 to obtain a high yield of HP at 19.23 μg/mL in a small flask. HP was pathogen using a 14 L-bioreactor and achieved higher productivity (32.01 μg/mL) in a shorter fermentation time (10 h) compared to its fermenting at a small scale in flask. In anti-fungal tests, this compound showed potential inhibition against Fusarium oxysporum F10 with a high inhibitory value of 65% and moderate effect against Gongronella butleri F07 (35%) and Fusarium incarnatum F13 (30%). HP was further evaluated for its effect against spore germination of F. oxysporum F10 and showed high inhibition value of 75%. The result of this work suggested that SRBP is a suitable C/N source for the production of HP with potential use a fungicidal agent.
#soybean residue by- product #1-Hydroxyphenazine #bioreactor #anti-fungal activity
Thành phần dinh dưỡng cơ bản của một số loài nấm san hô ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin
Tập 16 Số 54 - Trang - 2022
Thi Trần Thị Kim, Hiền Trần Thị Thu, Kiên Nguyễn Hữu, Nguyên Nguyễn Phương Đại
Trong nghiên cứu này, tiến hành phân tích các thành phần dinh dưỡng cơ bản như: hàm lượng protein tổng số, hàm lượng lipid, hàm lượng khoáng, hàm lượng cellulose, hàm lượng cacborhydrate và hàm lượng nước của 4 loài nấm san hô được thu thập tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin bao gồm Ramaria flavobrunnescens var. aromatica, Ramaria conjunctipes var. tsugensis, Ramaria botrytis, Ramariarubripermanens. Kết quả nghiên cứu cho thấy nấm san hô có giá trị dinh dưỡng cao, thể hiện qua hàm lượng carbonhydrat (50,44 - 55,43%), hàm lượng protein (21,06 - 26,84%), hàm lượng cellulose (15,31% - 17,65%), ngược lại hàm lượng lipid tương đối thấp (0,97% - 2,92%). Trong đó loài Ramaria rubripermanens có hàm lượng cellulose, hàm lượng cacborhydrate và hàm lượng nước là cao nhất thểhiện lần lượt là (17,65%; 55,43%; 91,16%). Ngược lại loài Ramaria conjunctipes var.tsugensis có hàm lượng lipid, hàm lượng cellulose, hàm lượng cacborhydrate và hàm lượng nước thấp nhất lần lượt là (0,97% ; 15,31% ; 50,44 %; 84,98%). 
#thành phần dinh dưỡng #nấm san hô #vườn quốc gia Chư Yang Sin #nutritional composition #coral mushrooms #Chu Yang Sin National Park
Chất lượng giấc ngủ và một số yếu tố liên quan ở sinh viên Y khoa, trường Đại học Tây Nguyên
Tập 18 Số 01 - Trang - 2024
Hùng Đinh, Hiếu Kiên Huỳnh, Tấn Nam Đỗ, Tâm Nguyện Huỳnh, Thục Nghi Trần, Thị Thùy Dung Lê, Anh Đức Nguyễn
Chất lượng giấc ngủ (CLGN) kém ở sinh viên Y khoa rất phổ biến, dẫn đến giảm tỉnh táo, thiếu tập trung, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và làm giảm chất lượng cuộc sống. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định tỉ lệ CLGN kém và các yếu tố liên quan theo thang điểm Pittsburgh. Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 464 sinh viên y khoa, Trường Đại học Tây Nguyên từ tháng 1/2022 đến thàng 12/2022. Dữ liệu được thu thập bằng cách phỏng vấn dựa vào bảng câu hỏi và số liệu được xử lí bằng phần mềm STATA 15.0. Chỉ số chất lượng giấc ngủ Pittsburgh (PSQI) đã được sử dụng để đánh giá chất lượng giấc ngủ (chất lượng giấc ngủ kém khi PSQI > 5). Trong 464 sinh viên tham gia nghiên cứu, tỉ lệ sinh viên có chất lượng giấc ngủ kém là 53,9%. Các yếu tố liên quan có ý nghĩa với sự gia tăng tỉ lệ CLGN kém là nhóm tuổi < 21, dân tộc Kinh, thời gian sử dụng thiết bị điện tử > 5h/ngày, ít hoạt động thể lực, áp lực kỳ thi, áp lực gia đình, áp lực về mối quan hệ xã hội, áp lực từ sự cô đơn và tình trạng sức khỏe hiện tại không tốt. Vì vậy, chất lượng giấc ngủ của sinh viên Y khoa, Trường Đại học Tây Nguyên là một vấn đề quan trọng và cần có các giải pháp thích hợp để cải thiện tình trạng sức khỏe này.
#chất lượng giấc ngủ #sinh viên Y khoa #yếu tố #mối liên quan
Kỹ năng giải quyết khó khăn tâm lý của sinh viên trường đại học Tây Nguyên trong hoạt động kiến tập & thực tập Sư phạm
Tập 18 Số 5 - Trang 84-89 - 2024
Thị Vân Vũ, Đinh Thị Trang
Nội dung bài báo đề cập đến thực trạng mức độ khó khăn tâm lý (KKTL) và kỹ năng (KN) giải quyết (GQ) KKTL của 330 SV (sinh viên) trường Đại học Tây Nguyên trong hoạt động KT&TTSP (kiến tập và thực tập sư phạm). Kết quả cho thấy SV tham gia khảo sát đã hình thành kỹ năng giải quyết KKTL nhưng chỉ ở mức khá và trung bình. Đa số SV có ý thức, trách nhiệm về việc cần giải quyết những KKTL, các em có sự tích cực, chủ động trong việc tìm ra các biện pháp giải quyết KKTL gặp phải. Tuy nhiên, vẫn còn có một số ít SV khi gặp khó khăn các em chưa thực sự tích cực, chủ động để giải quyết KKTL của bản thân, thậm chí buông xuôi và phó mặc… Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do SV còn e ngại khi phải nhờ đến sự trợ giúp từ giảng viên và giáo viên hướng dẫn, giảng dạy. Đặc biệt, SV chưa thực sự cố gắng nỗ lực để luyện tập thường xuyên trong hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, KT&TTSP… Việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng kỹ năng giải quyết KKTL của SV trường Đại học Tây Nguyên trong hoạt động KT&TTSP là điều cần thiết và khoa học.
#kỹ năng giải quyết #khó khăn tâm lý #kiến tập và thực tập sư phạm
Thực trạng chăn nuôi gà bản địa của đồng bào tại chỗ tỉnh Đắk Lắk
Tập 18 Số 01 - Trang - 2024
Quang Hạnh Trần, Thị Kim Chi Ngô, Đức Điện Nguyễn, Thị Như Linh Bùi, Thị Xoan Mai, Thị Thu Nguyễn, Tấn Khanh Trương, Thế` Huệ Phạm
Nghiên cứu được thực hiện trên 120 nông hộ tại 7 buôn/5 xã/5 huyện của tỉnh Đắk Lắk được lựa chọn ngẫu nhiên để khảo sát thực trạng chăn nuôi gà bản địa. Sử dụng câu hỏi bán cấu trúc để thu thập thông tin về phương thức, quy mô, nguồn con giống, thức ăn, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ gà bản địa của đồng bào tại chỗ tỉnh Đắk Lắk. Kết quả cho thấy chăn nuôi gà bản địa trong nông hộ đồng bào tại chỗ tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là nuôi chăn thả 80,83%, nuôi bán chăn thả 15,83% và nuôi nhốt 3,33%. Quy mô nuôi gà bản địa có số lượng nhỏ 18,8 con/hộ. Nguồn giống gà bản địa tự sản xuất (có sẵn trong nông hộ) 75,83%, trao đổi trong cùng buôn 17,5% và 6,66% mua từ buôn khác. Thức ăn dùng cho gà bản địa là các loại hạt sẵn có 96,67%, tỷ lệ sử dụng thức ăn hỗn hợp (thức ăn công nghiệp) rất thấp 3,33%. Gà bản địa được tiêm phòng rất thấp 17,5%, gà không được tiêm phòng bệnh 82,5%. Gà bản địa dễ bán và bán được giá cao, giá bán trung bình 98.958 đồng/kg. Dịch bệnh, kỹ thuật chăn nuôi và thiếu con giống chất lượng cao là những khó khăn chính gặp phải trong quá trình chăn nuôi giống gà bản địa của người dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Lắk. Phát triển các cơ sở sản xuất gà bản địa, xây dựng các công thức phối trộn từ nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, phòng chống dịch bệnh là cần thiết để năng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, duy trì nguồn sinh kế cho người dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Lắk.
#Gà bản địa #quy mô chăn nuôi #phương thức chăn nuôi #chăn thả #bán chăn thả