Tạp chí Khoa học Tây Nguyên
Công bố khoa học tiêu biểu
* Dữ liệu chỉ mang tính chất tham khảo
Sắp xếp:
NGHIÊN CỨU CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC LỰA CHỌN ĐẮK LẮK LÀM ĐIỂM ĐẾN CỦA KHÁCH DU LỊCH NỘI ĐỊA
Tạp chí Khoa học Tây Nguyên - - 2021
Bài nghiên cứu này nhằm mục đích xác định và đo lường các yếu tố tác động đến việc lựa chọn Đắk Lắk làm điểm đến của du khách nội địa. Dựa trên lý thuyết hành vi lựa chọn điểm đến Du lịch của Crompton (1979, 1991) và Um (1990), nhóm tác giả đề xuất mô hình 06 thành phần bao gồm Cơ sở hạ tầng, An toàn điểm đến, Môi trường cảnh quan, Lịch sử văn hóa, Giá cả, và Truyền thông điểm đến. Thông qua nghiên cứu sơ bộ bằng phương pháp định tính và chính thức bằng phương pháp định lượng với 200 du khách, kết quả cho thấy 06 yếu tố của mô hình đề xuất đều tác động đến việc lựa chọn điểm đến Đắk Lắk của du khách. Trong đó yếu tố An toàn điểm đến ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định chọn Đắk Lắk của du khách, tiếp theo là yếu tố Cơ sở hạ tầng, Giá cả, Truyền thông, Môi trường cảnh quan và cuối cùng là yếu tố Văn hóa lịch sử. Bài viết này là có thể làm tài liệu tham khảo cần thiết cho các công ty phục vụ du lịch trong việc hoạch định các chính sách marketing thu hút du khách đến với Đắk Lắk ngày một nhiều hơn.
#lựa chọn điểm đến #Đắk Lắk #các yếu tố tác động
Nâng cao vai trò của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
Tạp chí Khoa học Tây Nguyên - - 2023
Dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, kết hợp cùng các phương pháp nghiên cứu của các khoa học liên ngành. Bài viết đề cập đến vấn đề nâng cao vai trò của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên - một vấn đề có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên trong tình hình hiện nay. Dựa trên việc phân tích vai trò quan trọng hàng đầu của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và làm rõ nội dung phương thức biểu hiện giá trị văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên trong giữ gìn, phát huy văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên. Trên cơ sở đó nhóm tác giả đề ra một số giải pháp nhằm phát huy vai trò tích cực của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên đối với việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên trong điều kiện hiện nay.
#văn hóa #ứng xử #môi trường tự nhiên #giá trị #Tây Nguyên #culture #behavior #natural environment #values #Central Highlands
VI NHÂN GIỐNG CÂY TRẠNG NGUYÊN (Euphorbia pulcherrima Willd.)
Tạp chí Khoa học Tây Nguyên - - 2021
Cây Trạng Nguyên (Euphorbia pulcherrima Willd.) rất được ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt Trạng Nguyên lá đỏ, lùn trồng chậu. Trạng Nguyên được sản xuất chủ yếu bằng phương pháp gieo hạt hoặc giâm cành. Phương pháp này tốn thời gian, hệ số nhân không cao và có hiện tượng thoái hóa giống. Nghiên cứu này trình bày kết quả vi nhân giống cây Trạng Nguyên. Đốt thân mang chồi ngủ, không lá, dài khoảng 2 cm được khử trùng với dung dịch javel : nước (V/V) tỉ lệ 1:2 trong 15 phút thu được 53,37% mẫu không nhiễm, sống. Môi trường khoáng đa lượng, vi lượng MS, vitamin Morel có bổ sung BA 1 mg/L, 30 g/L saccharose thích hợp để bật chồi, số chồi phát sinh đạt 4,55 chồi/cụm, 7,20 lá/ chồi với tỉ lệ bật chồi 100% sau 4 tuần nuôi cấy, chiều cao cây 3,20 cm. Rễ được tạo thành sau 12 ngày nuôi cấy từ những chồi thu nhận trên môi trường khoáng đa lượng, vi lượng MS, vitamin Morel có bổ sung 1 mg/L IAA, 30 g/L saccharose. Sau 4 tuần nuôi cấy, tỉ lệ tạo rễ đạt 100%, số rễ trung bình đạt 6,70 rễ/chồi và chiều dài rễ 3,19 cm. Ngoài vườn ươm, tỉ lệ cây mô Trạng Nguyên sống 74,63%, cây tăng trưởng tốt, tạo rễ mới, lóng kéo dài, cây phân nhánh khi được trồng trên giá thể có tỉ lệ 2 đất: 1 trấu hun : 2 xơ dừa sau 12 tuần.
#bật chồi #cây Trạng Nguyên #tạo rễ #vi nhân giống
CƠ SỞ LÝ THUYẾT CÁC MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU TRÊN THẾ GIỚI VỀ HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP
Tạp chí Khoa học Tây Nguyên - Tập 15 Số 51 - Trang - 2021
Cách tiếp cận hệ sinh thái khởi nghiệp trong phát triển kinh tế của một vùng, lãnh thổ được nhiều nhiều tác giả nghiên cứu và đề xuất cũng như ứng dụng trong nghiên cứu thực tiễn ở các địa bàn khác nhau từ quy mô vùng đến quy mô quốc gia. Bài viết này tổng hợp các lý thuyết các mô hình nghiên cứu về hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới. Hạt nhân cấu thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp là chính sách, tài chính, văn hóa, hỗ trợ Chính phủ, vốn con người và thị trường và mối quan hệ tương tác giữa các thành tố này song do sự thay đổi nhanh về công nghệ, sự toàn cầu hóa nên khá nhiều các thành tố mới được các nhà nghiên cứu đưa vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Bài viết này cũng nhằm tổng kết hóa những phương pháp đo lường hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới.
#hệ sinh thái #khởi nghiệp #cách tiếp cận
HÌNH TƯỢNG THIÊN NHIÊN TÂY NGUYÊN TRONG SÁNG TÁC CỦA TRUNG TRUNG ĐỈNH
Tạp chí Khoa học Tây Nguyên - - 2021
Trung Trung Đỉnh là gương mặt quen thuộc trên văn đàn văn học Việt Nam đương đại, ông thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học thời kì đổi mới. Nói đến đóng góp của Trung Trung Đỉnh, không thể không nói đến những đặc sắc về đề tài Tây Nguyên trong sáng tác của ông. Tây Nguyên là mảnh đất mà nhà văn đã gắn bó máu thịt suốt những năm tháng chiến tranh khi còn là một người lính. Với Trung Trung Đỉnh có thể xem ông là người viết khá thành công về thiên nhiên Tây nguyên, qua những tác phẩm của ông người đọc có thể khám phá được những điều mới lạ và chân thực nhất ở mảnh đất này.
#hình tượng #thiên nhiên #Trung Trung Đỉnh
Ảnh hưởng của phân bón sinh học Ami Ami α đến cộng đồng vi sinh vật, tuyến trùng và độ phì của đất trồng hồ tiêu (Piper nigrum L.)
Tạp chí Khoa học Tây Nguyên - - 2022
Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón sinh học AMI AMI α được thực hiện trên cây hồ tiêu giống Vĩnh Linh tại tỉnh Đắk Lắk từ năm 2017 - 2020. AMI AMI α được sử dụng với liều từ 100 - 120% theo lượng N của quy trình khuyến cáo, có bổ sung P và K, Mg và một số vi lượng khác. Sau 4 năm nghiên cứu, kết quả cho thấy ở các công thức bón 4,68 lít AMI-AMI α, bổ sung 0,1kg KCl/trụ (CT3) và bón 4,68 lít AMI-AMI α, bổ sung 0,1kg KCl/trụ kết hợp phun 0,5% MgSO4 (CT4) có mật độ vi sinh vật tổng số tăng 39,3%, vi sinh vật cố định đạm tăng 38%, vi sinh vật phân giải phosphat khó tan tăng tới 153%, mật độ vi sinh vật phân huỷ cellulose tăng 48,4%; trong khi đó mật độ Fusarium spp. trung bình giảm 35%; Phytophthora spp. giảm 52%; tuyến trùng trong rễ giảm 49,3% và tuyến trùng trong đất giảm 56% so với công thức đối chứng cùng thời điểm. So với thời điểm trước bón phân (2017), mật độ vi sinh vật tổng số, vi sinh vật cố định N, phân giải P và Cellulose tăng 10 - 15%, mật độ nấm Fusarium spp. Trong đất giảm 14,44%; Phytophthora spp. giảm 14,53%; tuyến trùng trong rễ giảm 24% và tuyến trùng trong đất giảm 18,39%. Trong khi đó, ở công thức đối chứng chủ yếu sử dụng phân hóa học có mật độ vi sinh vật tổng số và nhóm vi sinh vật có lợi là cố định N, phân giải phosphat khó tan và phân giải cellulose đều giảm 22%; trong khi đó mật độ Fusarium spp. tăng 24,6%, Phytophthora spp. tăng 218% và mật số tuyến trùng tổng số trong đất tăng 72,8%. Các kết quả cho thấy phân bón sinh học AMI AMI α làm gia tăng vi sinh vật tổng số, nhóm vi sinh vật có lợi và hạn chế sự phát triển của nhóm nấm bệnh và tuyến trùng. Phân bón sinh học AMI AMI α có tiềm năng sử dụng cho canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ và bền vững môi trường.
#AMI AMI α #cộng đồng vi sinh vật #hồ tiêu #Fusarium #Phytophthora #tuyến trùng #biofertilizer #black pepper #microbial community #nematode
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Tạp chí Khoa học Tây Nguyên - Tập 18 Số 01 - Trang - 2024
Đắk Lắk là một tỉnh trung tâm của khu vực Tây Nguyên, tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh ước có 12.246 doanh nghiệp đang hoạt động. Những năm gần đây, Đắk Lắk đã có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận các nhà đầu tư, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng cũng như tiềm năng của tỉnh. Bên cạnh đó, nhận thấy thu hút đầu tư có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 230 doanh nghiệp tại tỉnh. Với kết quả phương pháp phân tích hồi quy cho thấy có 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sắp xếp theo thứ tự quan trọng như sau: Thương hiệu địa phương, Chế độ chính sách, Chất lượng dịch vụ công, Lợi thế ngành và Chi phí đầu vào. Từ kết quả này, nhóm tác giả cũng đề ra một số hàm ý chính sách nhằm tăng sự hài lòng của nhà đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Thực trạng lập kế hoạch giáo dục của sinh viên ngành Giáo dục mầm non, Trường Đại học Tây Nguyên
Tạp chí Khoa học Tây Nguyên - Tập 17 Số 63 - Trang - 2023
Lập kế hoạch giáo dục (KHGD) ở trường mầm non là việc lập kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Việc lập KHGD ở trường mầm non có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người giáo viên mầm non. Với mong muốn nâng cao hiệu quả lập KHGD cho sinh viên chuyên ngành GDMN, Trường Đại học Tây Nguyên, chúng tôi đã khảo sát 221 sinh viên (SV) thuộc chuyên ngành GDMN và 55 giáo viên ở các trường mầm non tham gia hướng dẫn sinh viên thực hiện kiến tập sư phạm và thực tập sư phạm để đánh giá thực trạng lập KHGD của sinh viên. Bài viết đã đánh giá được thực trạng việc lập KHGD của SV, những khó khăn SV gặp phải khi thực hiện lập KHGD cho trẻ cũng như phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến việc lập KHGD của SV. Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng lập KHGD cho SV ngành GDMN tại Trường Đại học Tây Nguyên.
#Lập kế hoạch giáo dục #giáo dục mầm non
SỬ DỤNG ẢNH VIỄN THÁM, GIS ĐỂ LẬP BẢN ĐỒ BIẾN ĐỘNG SỬ DỤNG ĐẤT, THAY ĐỔI THẢM PHỦ Ở HUYỆN CƯ M’GAR, TỈNH ĐẮK LẮK
Tạp chí Khoa học Tây Nguyên - Tập 15 Số 50 - Trang - 2021
Cư M’gar là một huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk, tiếp giáp với thành phố Buôn Ma Thuột, là nơi có nền kinh tế phát triển và quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, thực trạng này đã kéo theo biến động đáng kể trong sử dụng đất ở địa phương. Để quản lý hiệu quả quỹ đất, việc nắm được xu hướng biến động sử dụng đất/thảm phủ (Land Use/Land Cover – LULC) theo không gian và thời gian là vấn đề cần thiết. Nghiên cứu đã sử dụng nguồn ảnh viễn thám Landsat 5 năm 2010, Landsat 8 năm 2020, tích hợp phần mềm mã nguồn mở R và công nghệ GIS (Geographic Information System) nhằm xây dựng bản đồ biến động LULC tại huyện Cư M’gar. Kết quả đã thể hiện được hiện trạng và biến động LULC của địa bàn nghiên cứu giai đoạn 2010 – 2020. Kết quả phân loại ảnh đạt độ chính xác tổng thể trên 90% và hệ số Kappa trên 0,87. Huyện Cư M’gar có tổng diện tích tự nhiên 82.601,09 ha, giai đoạn 2010 - 2020 đã có sự gia tăng nhanh về diện tích đất nông nghiệp (+3.098,28 ha), đất xây dựng (+719,35 ha) và sự suy giảm mạnh về diện tích đất rừng (-4.828,66 ha). Đây là xu thế biến động tất yếu từ thực trạng di dân, quá trình đô thị hóa, sự mở rộng sản xuất nông nghiệp và nạn phá rừng còn xảy ra khá phổ biến ở địa phương.
#GIS #Viễn thám #Biến động LULC #Phần mềm mã nguồn mở R #Cư M’gar
Đánh giá tỷ lệ nhiễm vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm trên một số sản phẩm từ tinh bột thu thập tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột
Tạp chí Khoa học Tây Nguyên - Tập 16 Số 56 - Trang - 2022
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích đánh giá tỷ lệ nhiễm một số vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm gồm tổng số vi khuẩn hiếu khí (TSVKHK), Coliforms, Escherichia coli, Staphyloccus aureus, Clostridium perfringens và tổng số nấm men, nấm mốc trong một số sản phẩm nguồn gốc từ tinh bột tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột. Từ 105 mẫu thu thập và tiến hành kiểm tra, kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm TSVKHK, Coliforms, S. aureus, tổng nấm men, nấm mốc chiếm lần lượt là 89,52%, 20,95%, 20%, và 72,38% vượt so với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế (quyết định số 46/2007/QĐ-BYT). Trong các mẫu thu thập, tỷ lệ nhiễm TSVKHK (100%) và Coliforms (34,29%) cao nhất ở mẫu mỳ quảng, tỷ lệ nhiễm S. aureus (28,57%) và tổng nấm men, nấm mốc (80%) cao nhất ở mẫu bánh canh. Đặc biệt, 100% mẫu nghiên cứu không phát hiện thấy E. coli và Cl. perfringens. Kết quả thu nhận vừa góp phần phản ánh về tình trạng nhiễm vi sinh vật của một số mẫu thực phẩm có nguồn gốc từ tinh bột vừa là cơ sở để các cấp quản lý quan tâm, kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
#Coliforms #nấm men #nấm mốc #Staphyloccus aureus #tinh bột #tổng số vi khuẩn hiếu khí #molds #yeasts #total aerobic bacteria #starch #Staphylococcus aureus
Tổng số: 114
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 10