Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy Sản, Trường Đại học Nha Trang
1859-2252
Cơ quản chủ quản: N/A
Lĩnh vực:
Các bài báo tiêu biểu
Ảnh hưởng của độ mặn và thức ăn lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu lụa (<i>Paphia undulata</i> Born, 1778) giai đoạn trôi nổi tại Khánh Hòa
- 2019
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của độ mặn (23‰, 27‰, 31‰, 35‰) và các loại thức ăn (tảo tươi, tảo tươi kết hợp thứ c ăn tổng hợp, tảo khô) lên sinh trưởng, tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu lụa giai đoạn veliger từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2018 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở độ mặn 31‰, ấu trùng có tốc độ sinh trưởng (24,89 ± 0,87 μm/ngày) và tỷ lệ sống (5,09 ± 0,96%) cao hơn có ý nghĩa so với cá c độ mặn 23‰ và 35‰ nhưng không có sự sai khác thống kê so với độ mặn 27‰. Về ảnh hưởng của thức ăn, nghiệm thức tảo tươi cho kết quả ương ấu trùng về tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống là tốt nhất (21,01 ± 2,72 μm/ngày và 5,1 ± 1,67%), cao hơn có ý nghĩa thống kê so với hai nghiệm thức còn lại (p<0,05).
Từ khóa: độ mặn, nghêu lụa, thức ăn, tỷ lệ sống, sinh trưởng.
#độ mặn #nghêu lụa #thức ăn #tỷ lệ sống #sinh trưởng
Ảnh hưởng kết hợp giữa mật độ với chất đáy lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu lụa (<i>Paphia undulata</i> Born, 1780) giai đoạn sống đáy tại Khánh Hòa
- 2021
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng kết hợp giữa mật độ ương (2, 4, 6 và 8 con/cm2) với chất đáy (cát, cát bùn và không chất đáy) lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu lụa giai đoạn sống đáy tới nghêu giống tại Nha Trang, Khánh Hòa. Nghêu thí nghiệm (chiều dài trung bình 0,21 ± 0,012 mm) được ương trong các thùng xốp và cho ăn các loại tảo tươi Nannochloropsis oculata, Chlorella sp., Isochrysis galbana, thời gian thí nghiệm kéo dài 25 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy có ảnh hưởng đồng thời của hai yếu tố mật độ và chất đáy lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của nghêu lụa (p<0,05). Tốc độ sinh trưởng tuyệt đối của nghêu đạt cao nhất (0,0832 ± 0,013 mm/ngày) ở nghiệm thức kết hợp giữa mật độ ương 2 con/cm2 với không chất đáy và tỷ lệ sống cao nhất (86,63 ± 2,06 %) ở nghiệm thức kết hợp giữa mật độ ương 4 con/cm2 với đáy cát bùn. Ở nghiệm thức kết hợp giữa mật độ ương cao (6 và 8 con/cm2) với đáy cát thì sinh trưởng và tỷ sống của nghêu lụa là thấp nhất.
Từ khóa: chất đáy, mật độ, nghêu lụa, tỷ lệ sống, sinh trưởng
#chất đáy #mật độ #nghêu lụa #tỷ lệ sống #sinh trưởng
Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng thủy phân cơ thịt đỏ cá ngừ sọc dưa (<i>Sarda orientalis</i>) với xúc tác NaOH nhằm thu dịch protein thủy phân
- 2018
Mục đích của nghiên cứu này sử dụng cơ thịt đỏ cá ngừ sọc dưa (Sarda Orientalis) để sản xuất protein thủy phân bằng phản ứng thủy phân với xúc tác NaOH. Cơ thịt đỏ cá ngừ sọc dưa là nguyên liệu thích hợp để sản xuất protein thủy phân khi hàm lượng protein (22,42 ± 0,26%) cao hơn so với các nguyên liệu và phụ phẩm thủy sản khác. Điều kiện phản ứng thủy phân tối ưu tương ứng với từng yếu tố ảnh hưởng được xác định: Nồng độ xúc tác NaOH 0,45 M; tỉ lệ cơ chất:thể tích xúc tác NaOH 1:18 (w:v); thời gian phản ứng 50 phút và nhiệt độ phản ứng 30°C. Hiệu suất thu hồi protein đạt giá trị cực đại 73,32 ± 1,29% ở điều kiện phản ứng thủy phân tối ưu. Nghiên cứu đã cung cấp những thông tin quan trọng cho ứng dụng xúc tác NaOH để thủy phân nguyên liệu và phụ phẩm thủy sản nhằm thu dịch protein thủy phân.
Từ khóa: Cơ thịt đỏ cá ngừ sọc dưa, phản ứng thủy phân, xúc tác NaOH, hiệu suất thu hồi protein
#Cơ thịt đỏ cá ngừ sọc dưa #phản ứng thủy phân #hiệu suất thu hồi protein #xúc tác NaOH
Thu nhận và xác định tính chất của hydroxyapatit kích thước nano từ xương cá: (2) Sử dụng enzym cho quá trình tiền xử lý
- 2018
Hydroxyapatit (HA) là thành phần chính trong xương và răng của con người. Trong nghiên cứu này, HA được tách từ xương cá chẽm (Lates calcarifer), cá diêu hồng (Oreochoromis sp.) và cá rô phi (Oreochoromis niloticus) bằng phương pháp sử dụng enzym cho quá trình tiền xử lý phế liệu cá trước khi tiến hành xử lý nhiệt. Kết quả cho thấy, các mẫu được xử lý bằng enzym sẽ rút ngắn được thời gian xử lý nhiệt để thu hồi sản phẩm HA. Dữ liệu phân tích TEM và XPS cho thấy, mẫu HA thu được từ xương cá diêu hồng sau khi xử lý phế liệu cá với enzym Alcalase ở 70ºC trong 10 giờ và nung xương thô ở 700ºC trong 60 phút có độ kết tinh và độ xốp cao với kích thước hạt trong khoảng 30 – 50 nm. Phương pháp này có thể được áp dụng để thu nhận đồng thời xương cá thô phù hợp để điều chế HA cùng với dịch thủy phân protein và lipid từ phế liệu cá tiến tới một qui trình sản xuất không chất thải. Đây cũng là qui trình có tiềm năng và có thể triển khai sản xuất ở qui mô lớn.
Từ khóa: Nanohydroxyapatite, xương cá, phương pháp xử lý enzym, phế liệu thủy sản
#Nanohydroxyapatite #xương cá #phương pháp xử lý enzym #phế liệu thủy sản
Ảnh hưởng của liều lượng LHRHa đến kết quả sinh sản trên cá rô đầu vuông (Anabas testudineus)
Số 04 - Trang 024-034 - 2022
Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của liều lượng tiêm LHRHa đến thời gian hiệu ứng thuốc (TGHƯ), tỷ lệ đẻ (TLĐ), sức sinh sản hữu hiệu (SSS), tỷ lệ thụ tinh (TLTT), tỷ lệ nở (TLN), tỷ lệ sống (TLS) cá bột cá rô đầu vuông (Anabas testudineus). Cá cái thành thục (377,8 - 391,3 g/con) được tiêm LHRHa với 5 liều, lần lượt là 40, 60, 80, 100, 120 µgLHRHa (kết hợp với 5mg DOM-domperidon)/kg), tương ứng với 5 nghiệm thức (NT): NT40, NT60, NT80, NT100 và NT120. Cá đực tiêm ½ so với liều cho cá cái. Ngoài ra, 1 NT tiêm NaCl (0,9%) được sử dụng để làm NT đối chứng (ĐC). Kết quả cho thấy cá ở ĐC không sinh sản sau 24 giờ. Liều tiêm LHRHa ảnh hưởng đến TGHƯ, TLĐ, SSS, TLTT, TLN, TLS của cá bột mới nở (TLS) (P<0,05). Nghiệm thức NT80 và NT100 cho tỷ lệ đẻ 100%, cao hơn các nghiệm thức còn lại. TGHƯ ở NT40 (7,4±0,5 giờ) và NT60 (7,2±0,5 giờ) dài hơn các nghiệm thức khác. SSS lớn nhất là ở NT120 (616,8±54,1 trứng/g cá cái). Tuy nhiên, TLTT, TLN, TLS của ấu trùng 1 ngày tuổi ở NT120 là thấp nhất. NT80 và NT100 không sai khác có ý nghĩa thống kê về các chỉ tiêu sinh sản nói trên. Do đó, trong thực tế sản xuất, chỉ cần tiêm 80 µgLHRHa cho cá rô đầu vuông cái tại Khánh Hòa.
#Cá rô đầu vuông #LHRHa #hormone #sức sinh sản
Nghiên cứu sản xuất chả cá diêu hồng không sử dụng phụ gia
Số 04 - Trang 051-057 - 2020
Chả cá là sản phẩm được nhiều người ưa thích ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay phần lớn các sản phẩm chả cá sử dụng chất phụ gia bổ sung vào làm tăng cường độ gel, điều đó ảnh hưởng đến người sử dụng. Nghiên cứu này nhằm tạo ra sản phẩm chả cá có cường độ gel hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo an toàn sức khỏe cho tiêu dùng. Đề tài đã khảo sát ảnh hưởng thời gian, nhiệt độ xay nhuyễn thịt cá, thời gian quết đến cường độ gel chả cá diêu hồng. Kết quả thấy rằng xay với thời gian 4 phút, ở nhiệt độ 10 ± 1ºC, sau đó quết 6 phút cho kết quả tốt nhất, cường độ gel chả cá đạt 310,84 ± 0,66 (g.cm).
Từ khoá: Chả cá, cá diêu hồng, phụ gia, cường độ gel
#Chả cá #cá diêu hồng #phụ gia #cường độ gel