Tạp chí điện tử Khoa học và Công nghệ Giao thông
2734-9942
Việt Nam
Cơ quản chủ quản: N/A
Lĩnh vực:
Các bài báo tiêu biểu
Phát triển mô hình học máy cây quyết định và cây quyết đinh xen kẽ thành lập bản đồ dự báo không gian sạt lở đất tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, Việt Nam
- Trang 36-56 - 2022
Bản đồ dự báo không gian sạt lở đất (Bản đồ nhạy cảm sạt lở đất) là một công cụ hữu ích để quản lý hiệu quả sạt lở đất của một khu vực. Trong nghiên cứu này, chúng tôi áp dụng phương pháp tiếp cận máy học dựa trên hai thuật toán cây quyết định xen kẽ (ADT) và cây quyết định (DT) để lập bản đồ dự báo không gian sạt lở lở đất tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Trong nghiên cứu này, 159 vị trí sạt lở đã được xác định và 12 yếu tố ảnh hưởng bao gồm: góc mái dốc, hướng mái dốc, hình dáng bề mặt địa hình, độ cao địa hình, khoảng cách đứt gãy, bao phủ thực vật (NDVI), tích lũy dòng chảy, độ ẩm địa hình (TWI), sức mạnh dòng chảy (SPI), địa chất, khoảng cách đến sông suối, khoảng cách đến đường giao thông đã được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng cho các mô hình sạt lở đất. Việc đánh giá và so sánh độ chính xác của các mô hình được thực hiện sử dụng các chỉ số thống kê bao gồm đường cong ROC/AUC. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các mô hình cây quyết định ADT và DT có độ chính xác cao trong xây dựng bản đồ dự báo không gian sạt lở đất, trong đó mô hình ADT (AUCtrain = 0.928, AUCtest = 0.887) có độ chính xác cao hơn so với mô hình DT (AUCtrain = 0.915, AUCtest = 0.800). Bản đồ dự báo không gian sạt lở đất huyện Mường Nhé được xây dựng có thể được sử dụng trong quy hoạch sử dụng đất nhằm quản lý tốt hơn thiên tai sạt lở đất tại khu vực nghiên cứu.
#Sạt lở đất #cây quyết định #Cây quyết định xem kẽ #Điện Biên #Việt Nam #Bản đồ dự báo không gian sạt lở đất
Phát triển bền vững logistics Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Trang 35-46 - 2022
Ngành logistics đã bước vào thời kỳ bùng nổ trên toàn thế giới, nhưng ở Việt Nam, ngành này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, mặc dù nước ta đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển ngành dịch vụ này trong thời gian gần đây. Một số tồn tại trong việc phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam bao gồm việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường trong nước; các điều kiện cơ sở hạ tầng để phát triển dịch vụ này ở Việt Nam còn rất hạn chế; thiếu các hành lang pháp lý cụ thể; các vấn đề về tài chính và hải quan liên quan đến dịch vụ logistics còn nhiều bất cập; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các ngành công nghiệp trong xã hội phải chuyển mình theo hướng thông minh hơn để đáp ứng với nhu cầu của xã hội. Với vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, logistics cũng phải bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp này. Bài viết này tập trung nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động logistics tại Việt Nam, đặc biệt là dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đề xuất một số giải pháp giúp phát triển bền vững ngành logistics.
Ứng dụng giải thuật Backstepping điều khiển ổn định hệ thống Pendubot: Mô phỏng và thực nghiệm
- Trang 27-37 - 2023
Trong bài báo này, giải thuật điều khiển phi tuyến backstepping có tên tiếng Việt là bộ điều khiển cuốn chiếu được đề xuất để điều khiển hệ thống phi tuyến Pendubot. Pendubot là hệ thống cánh tay robot thiếu dẫn động hai bậc tự do (2-DOF underactuated system) với một ngõ và nhiều ngõ ra (single input – multiple outputs), có độ phi tuyến cao và mô hình cơ khí không phức tạp. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất giải thuật điều backstepping để điều khiển hệ Pendubot tại vị trí TOP bằng mô phỏng và thực nghiệm. Ngoài ra, việc phân tích ổn định cho toàn hệ thống bằng phương pháp Lyapunov cũng được trình bày chi tiết trong bài viết này. Sau khi hoàn tất việc xây dựng bộ điều khiển (BĐK) và phân tích ổn định, các kết quả mô phỏng bằng phần mềm MATLAB/Simulink và thực nghiệm trên hệ thống thực được nhóm tác giả trình bày để đánh giá chất lượng BĐK. Kết quả khi ứng dụng BĐK vào mô phỏng và hệ thống thực nghiệm cho thấy sự ổn định trong quá trình Pendubot hoạt động với nhiều tác vụ khác nhau bao gồm ổn định tại vị trí cân bằng và bám quỹ đạo cho trước.
#Pendubot #backstepping #phương pháp Lyapunov #cánh tay robot thiếu dẫn động #mô phỏng #thực nghiệm.
Nghiên cứu cơ sở khoa học tiếp cận theo CDIO áp dụng xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành kỹ thuật an toàn giao thông đường bộ
- Trang 42-49 - 2022
An toàn giao thông (ATGT) là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu tại các quốc gia trên toàn thế giới. Việc phát triển đội ngũ về nhân lực về ATGT cũng cần phải được chú trọng. Do vậy, việc xây dựng một Chương trình đào tạo (CTĐT) cho chuyên ngành kỹ thuật an toàn giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam là điều hết sức cần thiết. Bài báo này trình bày và phân tích các cơ sở khoa học tiếp cận theo CDIO phục vụ xây dựng CTĐT nhân lực chuyên ngành kỹ thuật an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, vận dụng CDIO để xây dựng khung CTĐT chi tiết cho chuyên ngành Kỹ thuật an toàn giao thông đường bộ.
#Kỹ thuật an toàn giao thông #CDIO #nguồn nhân lực #chương trình đào tạo.
Ứng dụng các mô hình học máy dựa trên thuật toán cây để giải bài toán dự báo sức kháng cắt của dầm BTCT không cốt đai
- Trang 1-12 - 2021
Mô hình Ensemble Learning (ELB) và mô hình rừng ngẫu nhiên (RF) để dự đoán sức kháng cắt của dầm bê tông cốt thép không có cốt đai được đề xuất trong nghiên cứu này. Bộ cơ sở dữ liệu gồm 1849 kết quả thí nghiệm dầm thu thập được từ các tài liệu có sẵn đã được sử dụng cho quá trình huấn luyện và kiểm chứng các mô hình học máy đề xuất, với 12 thông số đầu vào, miêu tả các đặc tính hình học, vật liệu của dầm, các điều kiện gia tải. Việc đánh giá các mô hình được tiến hành và so sánh bằng cách sử dụng các phép đo thống kê nổi tiếng, cụ thể là hệ số xác định (R2), căn của sai số toàn phương trung bình (RMSE) và sai số tuyệt đối trung bình (MAE). Kết quả của nghiên cứu cho thấy cả hai mô hình học máy có khả năng thực hiện tốt việc dự đoán sức kháng cắt của dầm BTCT không có cốt đai, với R2 = 0.917, RMSE = 43.32, MAE = 20.82 tương ứng với mô hình ELB và R2 = 0.913, RMSE = 46.4, MAE = 22.43 tương ứng với mô hình RF. Điều này thể hiện cả hai mô hình học máy được đề xuất là một công cụ dự đoán chính xác và hữu ích cho các kỹ sư trong giai đoạn tiền thiết kế.
#học máy #ensemble learning #rừng ngẫu nhiên #sức kháng cắt #dầm btct không cốt đai
Ứng dụng mô hình học sâu thích ứng trong bài toán phát hiện phương tiện giao thông
- Trang 38-46 - 2023
Phân tích hình ảnh để phát hiện phương tiện giao thông là một bài toán trong lĩnh vực thị giác máy tính. Bài toán này có nhiều ứng dụng hữu ích trong các hệ thống xe tự hành, quản lý giao thông và đo lưu lượng xe tại các địa điểm, các tuyến đường quan trọng. Có nhiều cách tiếp cận để giải quyết bài toán này như biểu diễn đường viền, trích chọn đặc trưng, học máy, mạng học sâu. Trong bài báo này, tác giả đề xuất giải pháp sử dụng mô hình học thích ứng trên nền mạng học sâu để giải quyết bài toán. Để đánh giá hiệu quả của giải pháp, tác giả đã xây dựng hệ thống thử nghiệm dựa trên mạng học sâu YOLO3. Hệ thống được thử nghiệm trên bộ dữ liệu chuẩn và bộ dữ liệu tự thu thập. Kết quả cho thấy, hệ thống đạt được độ chính xác cao và khả thi khi áp dụng vào các ứng dụng thực tế.
#Phát hiện phương tiện giao thông #mạng học sâu #học thích ứng #thị giác máy tính
Đề xuất lựa chọn tổ hợp phụ gia chống ăn mòn cho bê tông trong môi trường xâm thực
- Trang 57-65 - 2022
Việt Nam với đặc điểm có đường bờ biển trải dài hơn 3000 km nên rất nhiều công trình xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép nằm trong môi trường xâm thực cao. Việc sửa chữa, bảo trì các kết cấu này là rất khó khăn, tốn kém, thậm chí không làm tăng được tải trọng khai thác đáp ứng theo các tiêu chuẩn hiện hành. Do vậy khi xây dựng các công trình mới cũng như công tác bảo trì công trình sau này, đặc biệt là các công trình dọc ven biển (trong vùng khí hậu biển) đặt ra yêu cầu phải có được độ bền chống xâm thực của môi trường. Để chống lại tác động ăn mòn này cần tạo được lớp bê tông bảo vệ đặc chắc và chống ăn mòn cao. Trong phạm vi nghiên cứu, bài báo bước đầu đưa ra việc lựa chọn phụ gia phù hợp để cải thiện độ bền cho bê tông giúp cho công trình được bảo vệ an toàn hơn.
#tro bay #silica fume #xỉ lò cao #bê tông #chống ăn mòn
Giải pháp kết cấu cầu dầm T kép bê tông dự ứng lực thi công đổ tại chỗ
- Trang 10-19 - 2022
Các kết cấu cầu dầm bê tông đổ tại chỗ có ưu điểm tính toàn khối cao, có thể áp dụng công nghệ đổ tại chỗ trên đà giáo cố định hoặc đà giáo di động (MSS). Nghiên cứu áp dụng các kết cấu cầu tải trọng bản thân nhẹ là cần thiết phù hợp loại hình công nghệ này. Hiện nay các cầu thi công đổ tại chỗ trên đà giáo cố định và đà giáo di động thường có các mặt cắt dạng hình hộp hoặc bản rỗng. Việc bố trí các ván khuôn trong khiến việc thi công kéo dài và phức tạp hơn. Bài báo này trình bày một giải pháp kết cấu cầu dầm mặt cắt chữ T kép đặc, không lõi, thi công đổ tại chỗ, hình dạng lai giữa T và hộp, dễ thi công. Nghiên cứu này tập trung phân tích và so sánh giữa dầm T kép với các loại dầm tương đương đang được sử dụng tại Việt Nam. Kết luận cho thấy kết cấu này có trọng lượng bản thân nhỏ, ổn định có thể áp dụng tại các vị trí cầu cạn, cầu vượt, các nút giao với đà giáo cố định hoặc cũng có thể áp dụng cho các cầu qua sông theo công nghệ đà giáo di động.
#Dầm bê tông dự ứng lực #Dầm T kép #Dầm đổ tại chỗ #Dầm nhẹ
Nghiên cứu các giải pháp khắc phục các dạng hao mòn vô hình khác nhau của công trình bến cảng biển tường cừ một neo
- Trang 38-49 - 2023
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu giải pháp để đáp ứng yêu cầu tăng độ sâu trước bến, hoặc tăng tải trọng khai thác, hoặc tăng đồng thời độ sâu trước bến và tải trọng khai thác của các công trình bến cảng biển dạng tường cừ một neo do hao mòn vô hình hoặc thay đổi công năng của công trình gây ra. Các tác giả đã phân tích chọn giải pháp kết cấu và đề xuất phương pháp tính toán công trình bến tường cừ một neo xét đến các phương án hao mòn vô hình khác nhau và lập chương trình tính toán TC-AHMVH.
Các nghiên cứu đã đưa đến kết quả cơ bản đối với các phương án xét hao mòn vô hình khác nhau của công trình:
- Nếu chỉ yêu cầu tăng độ sâu trước bến một lượng ΔHtY = 1,25 m thì chiều dày đá hộc thay thế đất yếu trước tường tối thiểu là hdmin = 3,3 m (0,33Ht, với Ht là chiều cao công trình);
- Nếu chỉ đòi hỏi tăng tải trọng khai thác trên bến một lượng ΔqY = 15 kPa thì chiều dày đá hộc thay thế đất yếu tối thiểu là hdmin = 2,59 m;
- Khi yêu cầu tăng đồng thời độ sâu trước bến và tải trọng khai thác trên bến, đã thiết lập được các biểu đồ quan hệ giữa độ sâu tăng thêm ΔHt và tải trọng khai thác có thể tăng thêm giới hạn Δqgh đối với các chiều dày lớp đá hộc hd thay thế đất yếu khác nhau. Trên cơ sở đó với một giá trị độ sâu yêu cầu tăng thêm ΔHtY có thể xác định tải trọng khai thác có thể tăng thêm giới hạn Δqgh và ngược lại. Ví dụ, với hd = 3,5 m, nếu độ sâu yêu cầu tăng thêm ΔHtY = 1,1 m thì tải trọng khai thác chỉ có thể tăng thêm tối đa Δqmax = 7,4 kPa. Còn trong trường hợp hd = 3,0 m, nếu tải trọng khai thác yêu cầu tăng thêm ΔqY = 6,0 kPa thì độ sâu trước bến chỉ có thể tăng thêm tối đa ΔHtmax = 0,80 m.
Các kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng trong thực tế để khắc phục các hao mòn vô hình của công trình, cũng như cải tạo nâng cấp các công trình bến cảng dạng tường cừ một neo.
#Công trình bến tường cừ một neo #các giải pháp khắc phục #hao mòn vô hình #tăng độ sâu #tăng tải trọng khai thác #lớp đá thay thế đất yếu.
Tác động của cấu trúc kiểm soát nội bộ đến hiệu quả tài chính tại các doanh nghiệp ngành xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
- Trang 30-41 - 2022
Bài báo trình bày sự ảnh hưởng của cấu trúc kiểm soát nội bộ đến hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp ngành xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện trên dữ liệu sơ cấp thu thập bằng bảng câu hỏi và dữ liệu thứ cấp thu thập từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được lấy mẫu. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy doanh nghiệp xây dựng có môi trường kiểm soát lành mạnh, việc đánh giá rủi ro được thực hiện tốt, việc thực thi đúng và đủ các quy trình được thiết kế phù hợp, việc truyền thông hiệu quả, việc giám sát tốt thì doanh nghiệp thường có hiệu quả tài chính tốt.
#kiểm soát nội bộ #hiệu quả tài chính #doanh nghiệp xây dựng niêm yết.