Tạp chí điện tử Khoa học và Công nghệ Giao thông
Công bố khoa học tiêu biểu
* Dữ liệu chỉ mang tính chất tham khảo
Sắp xếp:
Ứng dụng mô hình học sâu thích ứng trong bài toán phát hiện phương tiện giao thông
Phân tích hình ảnh để phát hiện phương tiện giao thông là một bài toán trong lĩnh vực thị giác máy tính. Bài toán này có nhiều ứng dụng hữu ích trong các hệ thống xe tự hành, quản lý giao thông và đo lưu lượng xe tại các địa điểm, các tuyến đường quan trọng. Có nhiều cách tiếp cận để giải quyết bài toán này như biểu diễn đường viền, trích chọn đặc trưng, học máy, mạng học sâu. Trong bài báo này, tác giả đề xuất giải pháp sử dụng mô hình học thích ứng trên nền mạng học sâu để giải quyết bài toán. Để đánh giá hiệu quả của giải pháp, tác giả đã xây dựng hệ thống thử nghiệm dựa trên mạng học sâu YOLO3. Hệ thống được thử nghiệm trên bộ dữ liệu chuẩn và bộ dữ liệu tự thu thập. Kết quả cho thấy, hệ thống đạt được độ chính xác cao và khả thi khi áp dụng vào các ứng dụng thực tế.
#Phát hiện phương tiện giao thông #mạng học sâu #học thích ứng #thị giác máy tính
Giải pháp nhằm huy động nguồn vốn phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, việc đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) giao thông đô thị trở thành thách thức đáng kể đổi với các siêu đô thị đang phát triển. Nhiều dự án quan trọng đã được lên kế hoạch để hiện thực mục tiêu hạ tầng giao thông nhưng để làm được điều này thì từ nay đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phải cần khoảng 44 tỉ USD. Trong khi đó, vốn ngân sách của TP.HCM dành cho phát triển hạ tầng hàng năm không đáp ứng đủ. Đơn cử giai đoạn 2021 – 2025 TP.HCM chỉ bố trí được cho lĩnh vực giao thông chỉ đạt 19,8% nhu cầu. Bài báo đề xuất một số giải pháp nhằm giúp TP.HCM có thể huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển CSHT giao thông đô thị trong thời gian tới, tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn và tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển tương xứng với tiềm năng như hiện nay.
#huy động vốn; cơ sở hạ tầng; giao thông đô thị; TP.HCM
Ứng dụng các mô hình học máy dựa trên thuật toán cây để giải bài toán dự báo sức kháng cắt của dầm BTCT không cốt đai
Mô hình Ensemble Learning (ELB) và mô hình rừng ngẫu nhiên (RF) để dự đoán sức kháng cắt của dầm bê tông cốt thép không có cốt đai được đề xuất trong nghiên cứu này. Bộ cơ sở dữ liệu gồm 1849 kết quả thí nghiệm dầm thu thập được từ các tài liệu có sẵn đã được sử dụng cho quá trình huấn luyện và kiểm chứng các mô hình học máy đề xuất, với 12 thông số đầu vào, miêu tả các đặc tính hình học, vật liệu của dầm, các điều kiện gia tải. Việc đánh giá các mô hình được tiến hành và so sánh bằng cách sử dụng các phép đo thống kê nổi tiếng, cụ thể là hệ số xác định (R2), căn của sai số toàn phương trung bình (RMSE) và sai số tuyệt đối trung bình (MAE). Kết quả của nghiên cứu cho thấy cả hai mô hình học máy có khả năng thực hiện tốt việc dự đoán sức kháng cắt của dầm BTCT không có cốt đai, với R2 = 0.917, RMSE = 43.32, MAE = 20.82 tương ứng với mô hình ELB và R2 = 0.913, RMSE = 46.4, MAE = 22.43 tương ứng với mô hình RF. Điều này thể hiện cả hai mô hình học máy được đề xuất là một công cụ dự đoán chính xác và hữu ích cho các kỹ sư trong giai đoạn tiền thiết kế.
#học máy #ensemble learning #rừng ngẫu nhiên #sức kháng cắt #dầm btct không cốt đai
Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy CNC phay mạch in phục vụ công tác đào tạo
Hiện nay, các máy móc thiết bị đều không thể thiếu mạch điện tử bên trong để điều khiển thiết bị hoạt động theo ý muốn. Các sinh viên học ngành kỹ thuật đều được đào tạo về quy trình thiết kế mạch điện tử trên máy tính và chế tạo ra mạch in thực tế. Đối với công đoạn chế tạo mạch sau khi đã có file thiết kế thì hầu hết sinh viên đều sử dụng phương pháp làm thủ công, thực hiện thao tác ăn mòn bằng hóa chất. Điều này dẫn đến mạch sau khi chế tạo không đảm bảo được độ chính xác như file thiết kế vì khi ăn mòn bằng hóa chất có thể dẫn đến trường hợp: ăn mòn không hết, ăn mòn quá nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của mạch in sau khi chế tạo, và mạch có thể không hoạt động được ổn định đúng chức năng. Nếu sử dụng máy CNC (Computer Numerical Control) để thực hiện công đoạn phay đường mạch và khoan chân linh kiện thì sẽ đảm bảo được độ chính xác và chất lượng đường mạch được tốt hơn. Nội dung bài nghiên cứu này, tác giả thực hiện việc nghiên cứu, chế tạo máy phay mạch CNC phục vụ công tác đào tạo cho sinh viên trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.
#phay mạch in #máy CNC
Nghiên cứu giảm phát thải cho động cơ diesel lắp trên xe tải cỡ nhỏ bằng bộ lọc DPF
Hiện nay, một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm phát thải cho động cơ diesel là sử dụng các bộ xử lý khí thải nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khí thải đang ngày càng được thắt chặt. Bài báo trình bày các kết quả nghiên cứu, đánh giá khả năng giảm phát thải của bộ lọc DPF khi được lắp trên đường thải động cơ diesel trang bị trên các phương tiện vận tải đang lưu hành bằng phần mềm mô phỏng AVL-Boost. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả giảm phát thải đáng kể của bộ lọc DPF đồng thời không ảnh hưởng đáng kể đến tính năng kỹ thuật-kinh tế của động cơ. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và thử nghiệm hiệu quả giảm phát thải của bộ lọc DPF trên động cơ diesel lắp trên các phương tiện vận tải đang lưu hành tại Việt Nam.
#Bộ lọc DPF #xe tải cỡ nhỏ #động cơ diesel ISUZU 4BD1T #phát thải #phần mềm AVL-Boost
Nghiên cứu các giải pháp khắc phục các dạng hao mòn vô hình khác nhau của công trình bến cảng biển tường cừ một neo
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu giải pháp để đáp ứng yêu cầu tăng độ sâu trước bến, hoặc tăng tải trọng khai thác, hoặc tăng đồng thời độ sâu trước bến và tải trọng khai thác của các công trình bến cảng biển dạng tường cừ một neo do hao mòn vô hình hoặc thay đổi công năng của công trình gây ra. Các tác giả đã phân tích chọn giải pháp kết cấu và đề xuất phương pháp tính toán công trình bến tường cừ một neo xét đến các phương án hao mòn vô hình khác nhau và lập chương trình tính toán TC-AHMVH.
Các nghiên cứu đã đưa đến kết quả cơ bản đối với các phương án xét hao mòn vô hình khác nhau của công trình:
- Nếu chỉ yêu cầu tăng độ sâu trước bến một lượng ΔHtY = 1,25 m thì chiều dày đá hộc thay thế đất yếu trước tường tối thiểu là hdmin = 3,3 m (0,33Ht, với Ht là chiều cao công trình);
- Nếu chỉ đòi hỏi tăng tải trọng khai thác trên bến một lượng ΔqY = 15 kPa thì chiều dày đá hộc thay thế đất yếu tối thiểu là hdmin = 2,59 m;
- Khi yêu cầu tăng đồng thời độ sâu trước bến và tải trọng khai thác trên bến, đã thiết lập được các biểu đồ quan hệ giữa độ sâu tăng thêm ΔHt và tải trọng khai thác có thể tăng thêm giới hạn Δqgh đối với các chiều dày lớp đá hộc hd thay thế đất yếu khác nhau. Trên cơ sở đó với một giá trị độ sâu yêu cầu tăng thêm ΔHtY có thể xác định tải trọng khai thác có thể tăng thêm giới hạn Δqgh và ngược lại. Ví dụ, với hd = 3,5 m, nếu độ sâu yêu cầu tăng thêm ΔHtY = 1,1 m thì tải trọng khai thác chỉ có thể tăng thêm tối đa Δqmax = 7,4 kPa. Còn trong trường hợp hd = 3,0 m, nếu tải trọng khai thác yêu cầu tăng thêm ΔqY = 6,0 kPa thì độ sâu trước bến chỉ có thể tăng thêm tối đa ΔHtmax = 0,80 m.
Các kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng trong thực tế để khắc phục các hao mòn vô hình của công trình, cũng như cải tạo nâng cấp các công trình bến cảng dạng tường cừ một neo.
#Công trình bến tường cừ một neo #các giải pháp khắc phục #hao mòn vô hình #tăng độ sâu #tăng tải trọng khai thác #lớp đá thay thế đất yếu.
Phân tích ảnh hưởng của độ cứng nền móng đến ứng xử động lực học của trụ cầu
Đánh giá trạng thái làm việc của trụ cầu là công việc quan trọng, công việc này giúp sớm phát hiện ra những bất thường của trụ cũng như hệ thống các kết cấu liên kết với trụ từ đó đề xuất các giải pháp kịp thời. Trong quá trình đánh giá, việc lựa chọn các tham số nhạy với các thay đổi trong kết cấu là rất quan trọng. Trong bài báo này tập trung đi phân tích ảnh hưởng của độ cứng nền móng đến ứng xử động lực học của trụ cầu. Thông qua mô phỏng bằng phương pháp phần tử hữu hạn (PTHH) bài báo cũng chỉ ra được những thay đổi rõ rệt của tần số dao động thân trụ khi độ cứng nền móng cầu thay đổi. Kết quả này giúp ích cho việc chẩn đoán nền móng cầu và trụ cầu sau này.
#Trụ cầu #Ứng xử động lực học #Độ cứng nền móng #Phương pháp PTHH
Ứng dụng giải thuật Backstepping điều khiển ổn định hệ thống Pendubot: Mô phỏng và thực nghiệm
Trong bài báo này, giải thuật điều khiển phi tuyến backstepping có tên tiếng Việt là bộ điều khiển cuốn chiếu được đề xuất để điều khiển hệ thống phi tuyến Pendubot. Pendubot là hệ thống cánh tay robot thiếu dẫn động hai bậc tự do (2-DOF underactuated system) với một ngõ và nhiều ngõ ra (single input – multiple outputs), có độ phi tuyến cao và mô hình cơ khí không phức tạp. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất giải thuật điều backstepping để điều khiển hệ Pendubot tại vị trí TOP bằng mô phỏng và thực nghiệm. Ngoài ra, việc phân tích ổn định cho toàn hệ thống bằng phương pháp Lyapunov cũng được trình bày chi tiết trong bài viết này. Sau khi hoàn tất việc xây dựng bộ điều khiển (BĐK) và phân tích ổn định, các kết quả mô phỏng bằng phần mềm MATLAB/Simulink và thực nghiệm trên hệ thống thực được nhóm tác giả trình bày để đánh giá chất lượng BĐK. Kết quả khi ứng dụng BĐK vào mô phỏng và hệ thống thực nghiệm cho thấy sự ổn định trong quá trình Pendubot hoạt động với nhiều tác vụ khác nhau bao gồm ổn định tại vị trí cân bằng và bám quỹ đạo cho trước.
#Pendubot #backstepping #phương pháp Lyapunov #cánh tay robot thiếu dẫn động #mô phỏng #thực nghiệm.
Phân tích ứng xử của khối đá xung quanh hầm và bê tông phun theo các tiêu chuẩn phá hỏng Mohr-Coulomb và Hoek-Brown
Trong các tiêu chuẩn xây dựng công trình ngầm trên thế giới và ở Việt nam có nhiều hệ thống phân loại đất đá, từ đó có các mô hình đất đá khác nhau được sử dụng để tính toán, phân tích hệ thống chống đỡ trong công trình ngầm. Cách đánh giá và nhận định về kết quả áp dụng các mô hình cũng khác nhau. Trong bài báo này các Tác giả thực hiện phân tích đánh giá 2 tiêu chuẩn chính được áp dụng nhiều hơn cả là Mohr – Coulomb và Hoek-Brown được áp dụng cho hầm đường bộ Đèo Cả trong giai đoạn thi công theo công nghệ NATM.
#tiêu chuẩn phá hỏng #khối đá #bê tông phun #ứng xử của khối đá
Phát triển bền vững logistics Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Ngành logistics đã bước vào thời kỳ bùng nổ trên toàn thế giới, nhưng ở Việt Nam, ngành này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, mặc dù nước ta đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển ngành dịch vụ này trong thời gian gần đây. Một số tồn tại trong việc phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam bao gồm việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường trong nước; các điều kiện cơ sở hạ tầng để phát triển dịch vụ này ở Việt Nam còn rất hạn chế; thiếu các hành lang pháp lý cụ thể; các vấn đề về tài chính và hải quan liên quan đến dịch vụ logistics còn nhiều bất cập; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các ngành công nghiệp trong xã hội phải chuyển mình theo hướng thông minh hơn để đáp ứng với nhu cầu của xã hội. Với vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, logistics cũng phải bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp này. Bài viết này tập trung nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động logistics tại Việt Nam, đặc biệt là dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đề xuất một số giải pháp giúp phát triển bền vững ngành logistics.
Tổng số: 75
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 8