Tạp chí Nghiên cứu Y học

  2354-080X

 

  Việt Nam

Cơ quản chủ quản:  N/A

Lĩnh vực:

Các bài báo tiêu biểu

Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của sinh viên Y1 Trường Đại học Y Hà Nội
- 2021
Nghiên cứu trên 374 sinh viên Y1 trường Đại học Y Hà Nội năm 2020 mô tả tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của sinh viên. Trong 374 trường hợp nghiên cứu, nam : 31,5%, nữ: 68,5%. Nhóm tuổi 18 chiếm 97,3% và nhóm trên 18 tuổi chiếm 2,7%. Tình trạng dinh dưỡng đo lường thông qua chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index- BMI). Mô hình hồi quy logistic sử dụng để đánh giá mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố. Kết quả cho thấy 6,7 % sinh viên thừa cân-béo phì: 16,1% ở nam; 2,3% ở nữ. Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn là 31,0% :19,5% ở nam và 36,3% ở nữ, chủ yếu là thiếu năng lượng trường diễn độ 1 (68,9%). Nghiên cứu cho thấy yếu tố giới, hoạt động thể lực và yếu tố tự đánh giá tình trạng dinh dưỡng bản thân của sinh viên và tình trạng dinh dưỡng liên quan đến nhau. Cần có biện pháp can thiệp nhằm dự phòng xu hướng thừa cân-béo phì, cải thiện tình trạng thiếu năng lượng trường diễn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của sinh viên.            
#tình trạng dinh dưỡng #yếu tố liên quan #sinh viên
Tác động của đại dịch Covid-19 đến sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế tại một số Bệnh viện tuyến Trung ương năm 2020
- 2021
Nghiên cứu mô tả cắt ngang sử dụng bộ câu hỏi phỏng vấn online và thang đo tác động quy mô sự kiên - IES-R trên 1764 đối tượng là cán bộ y tế thuộc các bệnh viên tuyến Trung ương tham gia chống đại dịch COVID-19 năm 2020. Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 lên vấn đề sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 9,6% đối tượng có vấn đề sức khỏe tâm thần cần quan tâm, 8,8% có sức khỏe tâm thần ảnh hưởng lâu dài trong nhiều năm và 2,8% được chẩn đoán có tình trạng căng thẳng. Điểm trung bình của “Sự ám ảnh” về COVID 19 là cao nhất (7,1 ± 7,3), tiếp theo là “Sự lảng tránh” (4,8 ± 6,9) và “Phản ứng thái quá” (3,2 ± 4,8). Các nhân viên y tế là điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế tại các khoa hành chính, sống độc thân và có tuổi đời, tuổi nghề cao thì có nguy cơ cao bị các vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn các đối tượng khác.
#tác động sức khỏe tâm thần #nhân viên y tế #COVID-19 #tuyến Trung ương.
Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của người bệnh đái tháo đường type 2 điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2020
- 2021
Nghiên cứu cắt ngang trên 255 người bệnh đái tháo đường type 2 từ 20 - 70 tuổi điều trị tại Khoa Dinh dưỡng lâm sàng & tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Kết quả cho thấy tình trạng dinh dưỡng bình thường theo BMI là 62,0%; thừa cân, béo phì (TC, BP) là 33,3%; thiếu năng lượng trường diễn là 4,7%. Một số yếu tố liên quan tới tình trạng thừa cân, béo phì có ý nghĩa thống kê (p < 0,05): nhóm tập thể dục không đạt so với khuyến nghị có nguy cơ thừa cân, béo phì cao gấp 2,46 (95%CI: 1,4 - 4,2) lần so với nhóm tập thể dục đạt; nhóm có tốc độ ăn chậm có nguy cơ bị thừa cân, béo phì chỉ bằng 0,12 (95%CI: 0,2 - 0,9) lần so với nhóm ăn nhanh; nhóm có mức độ ăn hơi đói có nguy cơ thừa cân, béo phì chỉ bằng 0,32 (95%CI: 0,1 - 0,7) lần so với nhóm có mức độ ăn no; Khẩu phần dư thừa năng lượng; Tỷ lệ protein khẩu phần > 20%;  tỷ lệ lipid trong khẩu phần > 30% và lượng cholesterol khẩu phần ≥ 300 mg là yếu tố nguy cơ dẫn đến thừa cân, béo phì.
#yếu tố liên quan #tình trạng dinh dưỡng #đái tháo đường #Bệnh viện Nội tiết Trung ương
26. Thực trạng nhân lực y tế tuyến xã tham gia phòng chống Covid-19 tại một số tỉnh trọng điểm trong năm 2021, 2022
- 2023
Nghiên cứu nhằm mô tả thực trạng nhân lực y tế liên quan đến tập huấn kiến thức, trang thiết bị phòng hộ, nhiệm vụ, các vấn đề tâm lý và mắc bệnh khi tham gia phòng chống COVID-19 của nhân viên y tế tuyến xã tại một số tỉnh trọng điểm trong năm 2021, 2022. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, năm 2021, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã được tập huấn về kiến thức, chẩn đoán, phân loại, xử trí, điều trị bệnh COVID-19 và dự phòng, phòng hộ cá nhân trước khi tham gia chống dịch chiếm tỷ lệ cao; Năm 2022, tỷ lệ đối tượng nghiên cứu được tập huấn lại chiếm tỷ lệ khá thấp. Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã tham gia chống dịch được hỗ trợ của địa phương về trang thiết bị y tế chiếm tỷ lệ cao từ (75% - 100%) trong khi đó sự hỗ trợ về đồ ăn và nước uống, phương tiện di chuyển chiếm tỷ lệ thấp. Tỷ lệ lo lắng bị nhiễm COVID-19 giảm dần từ 78% xuống 22,2% qua các lần tham gia chống dịch; tỷ lệ lo lắng thiếu khẩu trang giảm dần từ 49,5% đến không còn lo lắng. Đa số nhân viên y tế tuyến xã đã được chẩn đoán mắc COVID-19 (99,4%), 96,3% nhân viên y tế mắc COVID-19 có triệu chứng, 35,8% có triệu chứng COVID-19 kéo dài, đa số nhân viên y tế đã được tiêm phòng vắc xin COVID-19 (56,7% đã được tiêm 02 mũi vắc xin).
#Nhân viên y tế #COVID-19 #tuyến xã
Thực trạng stress của sinh viên điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng năm 2020
- 2021
Stress là một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến. Nghiên cứu được thực hiện tại Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng năm 2020 với mục tiêu mô tả thực trạng stress của sinh viên điều dưỡng. Nghiên cứu áp dụng thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 300 sinh viên sử dụng thang Depression Anxiety Stress Scale – 21 (DASS - 21) và thang Stressors in Nursing Students (SINS). Kết quả nghiên cứu cho thấy có 47,3% sinh viên mắc stress, trong đó các mức độ stress nhẹ, vừa, nặng, rất nặng lần lượt là 15,3%, 19%, 8,7% và 4,3%. Sinh viên điều dưỡng năm thứ hai có tỉ lệ mắc stress cao nhất (51%), sau đó là sinh viên năm thứ ba (47%) và thấp nhất là sinh viên năm thứ nhất (44%). Sinh viên cảm nhận stress nhiều nhất là do vấn đề tài chính, tiếp theo là vấn đề học tập, môi trường thực tập lâm sàng và vấn đề cá nhân. Nhà trường, gia đình và xã hội nên có các biện pháp giúp giảm tình trạng stress ở sinh viên điều dưỡng.
#DASS - 21 #SINS #stress #sinh viên điều dưỡng
Cơ cấu bệnh tật tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội năm 2019
- 2021
Nghiên cứu mô tả cắt ngang nhằm mô tả mô hình bệnh tật và phân bố thời gian của bệnh nhân được khám và điều trị tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội năm 2019. Trong số 22.385 bệnh nhân được cấp cứu năm 2019 có 50,98% là nữ, 56,4% ở nhóm tuổi lao động (từ 18 đến 50 tuổi). Ba nhóm bệnh thường gặp nhất là tiêu hóa: 34,69%; nhiễm khuẩn: 12,76% và chấn thương: 11,84%. Cơ cấu bệnh tật tại Khoa Cấp cứu cho thấy tỷ lệ bệnh truyền nhiễm còn cao, tiếp đến là bệnh không lây nhiễm và chấn thương. Nghiên cứu cho thấy số lượng bệnh nhân đa dạng quanh năm với số lượng bệnh nhân cao nhất trong quý III, cao hơn nhiều so với quý I năm 2019. Cơ cấu bệnh tật cho thấy tính chất đa dạng của bệnh cấp cứu. Phân bố các nhóm bệnh khá cân bằng, trong đó nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và bệnh chấn thương là bệnh phổ biến nhất.
#Mô hình bệnh tật #Cấp cứu #Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tình trạng dinh dưỡng và đặc điểm khẩu phần của người bệnh đái tháo đường type 2 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn năm 2019 - 2020
- 2021
Nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến hành trên 232 người bệnh đái tháo đường type 2 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với mục tiêu mô tả tình trạng dinh dưỡng và đặc điểm khẩu phần ăn. Kết quả cho thấy chỉ số BMI trung bình 22,3 ± 3,1 kg/m2, tỷ lệ người bệnh gầy là 8,6%, thừa cân béo phì là 19,4%, tỷ lệ nữ có chu vi vòng eo cao (63,9%) cao hơn ở nam, có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Tỷ lệ người bệnh có tỷ số VE/VM cao là 95,3%. Năng lượng trung bình của nam là 1894,7 ± 811,4 kcal/ngày và của nữ là 1461 ± 477,6 kcal/ngày. Tỷ lệ các chất sinh năng lượng Protein: Lipid: Glucid tương ứng của nam và nữ lần lượt là 18,8: 27,3: 53,6 và 17,5: 25,1: 56,6 khá cân đối với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị. Canxi còn thiếu so với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người trưởng thành năm 2016.
#tình trạng dinh dưỡng #đái tháo đường #khẩu phần #Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
Một số yếu tố liên quan tới tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 24 tháng tuổi đến khám tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang 2020
- 2021
Một nghiên cứu mô tả cắt ngang được tiến hành trên 200 trẻ em dưới 24 tháng tuổi đến khám tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá một số yếu tố liên quan tới tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 24 tháng tuổi đến khám tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang năm 2020. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy: Tỷ lệ Suy dinh dưỡng của trẻ dưới 24 tháng tuổi cao ở cả 3 chỉ số, trong đó suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 10,5% (cân nặng/tuổi), thể thấp còi 22,5% (chiều cao/tuổi) và thể gầy còm 6,5% (cân nặng/chiều cao). Thời gian cai sữa của bà mẹ là yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê đến tình trạng dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ.
#Tình trạng dinh dưỡng #trẻ dưới 24 tháng tuổi #Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang #năm 2020
Giá trị của trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (mmse) trong sàng lọc sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại cộng đồng
- 2022
Nghiên cứu nhằm đánh giá giá trị của trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (MMSE) bản Tiếng Việt trong sàng lọc sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại cộng đồng. Nghiên cứu cắt ngang trên 111 người cao tuổi được chọn ngẫu nhiên tại 3 xã thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Đối tượng nghiên cứu được phỏng vấn bằng trắc nghiệm MMSE và sau đó được đánh giá lại bằng bộ câu hỏi thần kinh tâm lý đầy đủ theo tiêu chuẩn chẩn đoán DSM - 5. Kết quả cho thấy diện tích dưới đường cong ROC của trắc nghiệm MMSE là 0,89 (95% CI: 0,78 - 1). Điểm cắt tối ưu để chẩn đoán sa sút trí tuệ dựa vào trắc nghiệm MMSE là 19/20 với độ nhạy 0,75 và độ đặc hiệu 0,93. Tại điểm cắt 23/24, trắc nghiệm MMSE có độ nhạy, và độ đặc hiệu lần lượt là 0,88 và 0,72, với 32,4% người cao tuổi có khả năng mắc sa sút trí tuệ. Tỷ lệ hiện mắc sa sút trí tuệ theo tiêu chuẩn DSM - 5 là 7,2%. MMSE có giá trị cao trong sàng lọc sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại cộng đồng ở Việt Nam với ngưỡng điểm 23/24.
#sa sút trí tuệ (SSTT) #trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (MMSE) #diện tích dưới đường cong ROC #sàng lọc #người cao tuổi #cộng đồng
Tình trạng dinh dưỡng của người bệnh đái tháo đường type 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Hà Nội năm 2020
- 2021
Nghiên cứu mô tả cắt ngang được tiến hành trên 440 người bệnh đái tháo đường type 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh năm 2020. Kết quả cho thấy, tỷ lệ người bệnh có tình trạng thừa cân là 15,7%, béo phì là 0,9% theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo phân loại của văn phòng tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương (WPRO) tỷ lệ người bệnh có tình trạng thừa cân, béo phì lần lượt là 28,4% và 16,6%. Chỉ số khối cơ thể (BMI) trung bình là 22,7 ± 2,6. Tỷ lệ vòng eo/vòng mông cao là 87,7%. Tỷ lệ người bệnh đái tháo đường type 2 kiểm soát đạt các chỉ số về glucose máu lúc đói, HbA1c, LDL - C, HDL - C, triglyerid, cholesterol máu lần lượt là 55,7%; 62,5%; 59,1%; 69,1%; 41,1% và 65,2%.
#Tình trạng dinh dưỡng #đái tháo đường type 2 #điều trị ngoại trú.