TẠP CHÍ KHOA HỌC LÂM NGHIỆP

  1859-0373

 

 

Cơ quản chủ quản:  N/A

Lĩnh vực:

Các bài báo tiêu biểu

NGHIÊN CỨU TÁI SINH CÂY KEO LAI (Acacia hybrid) THÔNG QUA MÔ SẸO VÀ PHÁT SINH PHÔI SOMA PHỤC VỤ CHUYỂN GEN
Số 4 - Trang - 2024
Nguyễn Thị Huyền, Trần Thị Thu Hà, Hà Thị Huyền Ngọc, Nguyễn Thị Việt Hà, Lê Thị Thủy, Lê Sơn
Nghiên cứu tái sinh cây keo lai (Acacia hybrid) thông qua sự hình thành mô sẹo và phát sinh phôi soma có ý nghĩa quan trọng, phục vụ cho công tác chuyển gen vào giống cây này. Kết quả nghiên cứu tạo mô sẹo từ đoạn thân và mảnh lá của 3 dòng keo lai BV10, BV16, BV33 có tỷ lệ đạt từ 88,3% đến 93,6% trong môi trường MS bổ sung 1 mg/l 2,4-D và 0,5 mg/l BAP. Với môi trường MS bổ sung 1 mg/l TDZ và 0,25 mg/l IAA, tỷ lệ mô sẹo phát triển tạo phôi soma đạt từ 52,6% đến 59,3%; tỷ lệ phát sinh chồi từphôi soma đạt từ 56,7% đến 58,4% sau 9 tuần nuôi cấy. Môi trường MS bổsung 1,5 mg/l BAP và 0,5 mg/l NAA thích hợp cho quá trình nhân nhanh với số chồi trung bình đạt 6,5 đến 7,2 chồi/cụm. Môi trường ra rễ thích hợp là 1/2MS bổ sung 1,5 mg/l IBA có tỷ lệ ra rễ đạt từ 88,33% đến 90,83%. Hệ thống tái sinh keo lai thông qua mô sẹo và phát sinh phôi soma có thểáp dụng để chuyển gen nhằm tạo được một số giống keo lai mới mang tính trạng mong muốn.
#Keo lai #mô sẹo # #phôi soma #tái sinh
ĐÁNH GIÁ ĐA DẠNG DI TRUYỀN VÀ NHẬN DẠNG NGUỒN GEN CÂY ƯƠI (Scaphium macropodum (Miq) ) BẰNG CHỈ THỊ PHÂN TỬ
Số 3 - Trang - 2024
Trần Thị Thu Hà, Hà Thị Huyền Ngọc, Nguyễn Thị Huyền, Lê Thị Thủy, Nguyễn Thị Việt Hà, Mai Thị Phương Thúy, Lê Sơn, Phạm Đình Sâm, Nguyễn Hữu Thịnh, Hoàng Thị Nhung, Hồ Trung Lương
Cây Ươi (Scaphium macropodum (Miq)) là loài cây đa tác dụng, sinh trưởng nhanh và rất có giá trị ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác cây Ươi bằng hình thức chặt cành đang phổ biến hiện nay khiến cho loài này đứng trước nguy cơ bị đe dọa. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng chỉthị ITS để đánh giá đa dạng di truyền của 25 cây trội Ươi được thu thập từcác tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế. Kết quả cho thấytrình tự nucleotide gen ITS của các mẫu nghiên cứu có sự tương đồng cao từ 94,01% đến 94,46% khi so với mẫu tham chiếu Scaphium lychnophorum AY083663.1. Mức độ tương đồng di truyền về trình tự nucleotide gen ITScủa các mẫu Ươi nghiên cứu rất cao từ 97,96% đến 99,85%. Dựa vào cây quan hệ phát sinh, 25 cây trội Ươi trong nghiên cứu và mẫu tham chiếu được chia làm hai nhóm chính. Kết quả nghiên cứu này cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc khai thác hợp lý đồng thời gắn với việc bảo tồn nguồn gen loài cây bản địa quan trọng này.
#Cây Ươi # #chỉ thị ITS #đa dạng di truyền #nguồn gen
ĐẶC ĐIỂM VÀ VAI TRÒ CỦA VỐN XÃ HỘI TRONG BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG CỘNG ĐỒNG Ở KHU VỰC BẮC TRUNG BỘ
Số 6 - Trang - 2024
Ngô Văn Hồng , Bùi Thế Đồi, Trần Ngọc Hải, Đỗ Anh Tuân
Nghiên cứu này đánh giá đặc điểm và ảnh hưởng của vốn xã hội của các cộng đồng đến hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng khu vực Bắc Trung Bộ. Nghiên cứu được thực hiện tại 6 mô hình quản lý rừng cộng đồng ở 3 tỉnh trong khu vực thông qua việc điều tra đánh giá nông thôn có sự tham gia và phỏng vấn chuyên sâu 181 hộ gia đình về các yếu tố vốn xã hội của cộng đồng và hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy bản chất đa chiều (nhiều khía cạnh khác nhau của vốn xã hội từ mạng lưới đến quan điểm chia sẻ) cũng như sự khác biệt về mức độ vốn xã hội ở các cộng đồng nghiên cứu. Các kết quả phân tích thống kê định lượng đã chứng minh rằng vốn xã hội hiện có của các cộng đồng đã thúc đẩy việc thực thi quản lý và hiệu quả bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng cộng đồng. Nơi có vốn xã hội cao thì tài nguyên cộng đồng được bảo vệ và phát triển tốt hơn. Trong đó, các chỉ số mạng lưới, sự tin tưởng và sự tương hỗ giúp đỡ lẫn nhau có tương quan có ý nghĩa thống kê và đồng biến với hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng. Vì vậy, để thúc đẩy quản lý rừng cộng đồng bền vững, các yếu tố vốn xã hội cần được coi như là nguồn lực quan trọng cần được nhận diện, duy trì và tăng cường nhằm thúc đẩy sự gắn kết, sự tham gia và nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động quản lý rừng cộng đồng
#Bắc Trung Bộ # #rừng cộng đồng #vốn xã hội
ĐỘ BỀN KHÁNG NẤM MỤC TRẮNG CỦA GỖ GIỔI FORD - SỰ PHÁ HUỶ CẤU TRÚC GỖ BỞI CÁC LOẠI NẤM MỤC TRẮNG
- 2024
Hoàng Trung Hiếu , Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Tử Kim, Nguyễn Thị Bích Ngọc
Độ bền tự nhiên của gỗ là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc định hướng mục đích sử dụng gỗ. Dổi ford là cây bản địa có giá trị kinh tế cao, gỗ được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về độ bền tự nhiên của gỗ, đặc biệt là với nấm mục hại gỗ. Bài báo trình bày khả năng chống chịu của gỗ Dổi ford với 6 loại nấm mục trắng hại gỗ. Kết quả nghiên cứu cho thấy gỗ Dổi ford có độ bền tự nhiên ở mức kém bền. Tổn hao khối lượng gỗ Dổi ford sau 2 tháng khảo nghiệm dao động từ 11,18% đến 27,48%. Gỗ bị phá huỷ nhiều bởi loài nấm Phanerochaete sordida (27,48%) và ít bị phá huỷ nhất bởi nấm Dichomitus squalens (11,18%). Nghiên cứu cấu tạo hiển vi cho thấy, sợi nấm phát triển và phân bố toàn bộ cấu trúc bên trong gỗ. Loài nấm mục trắng P. sordidathể hiện rõ phá huỷ cả lignin, xenlulo và hemixenlulo.
#Dổi ford #độ bền tự nhiên #nấm mục trắng # #kính hiển vi quang học #kính hiển vi điện tử qué
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU NHÂN GIỐNG SA NHÂN TÍM (Amomum longiligulare T.L.Wu) TỪ HẠT TẠI TỈNH SƠN LA
Số 5 - Trang - 2024
Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Vũ Giang, Đa Ly Phon Sít Thị Păn Nha
Sa nhân tím (Amomum longiligulare T. L.Wu) là dược liệu quý đang được ưu tiên tập trung phát triển trồng ở quy mô lớn theo Quyết định số1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013, danh mục chỉ định vùng sinh thái trồng tại Sơn La. Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo mã sốB2019 - TTB - 03 tại khu vực Sơn La. Mục đích xác định xử lý hạt, mức độche sáng và thành phần ruột bầu tốt nhất cho cây con Sa nhân tím giai đoạn vườn ươm (đến 9 tháng tuổi). Phương pháp bố trí thí nghiệm theo khối ngẫu nhiên đầy đủ lặp lại 3 lần và xử lý thống kê toán học được áp dụng. Kết quả cho thấy, nhiệt độ xử lý hạt Sa nhân tím tốt nhất là 50oC trong thời gian 12 giờ cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất 89,0% và thời gian 19,1 ngày là hạt nứt nanh toàn bộ. Tỷ lệ che sáng 50% có ảnh hưởng tốt nhất, tỷ lệ sống 82,2%, đường kính gốc trung bình 5,9 mm, chiều cao vút ngọn trung bình 33,3 cm, sinh trưởng giữa các cây khá đồng đều, hệ số biến động về đường kính 13,0%, hệ số biến động về chiều cao là 24,14%. Thành phần ruột bầu chưa thực sự có ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ sống nhưng có ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng đường kính, chiều cao của cây con Sa nhân tím. Thành phần ruột bầu tốt nhất 68% đất mặt + 20% cát mịn + 10% phân chuồng hoai + 2% super lân cho tỷ lệ sống 88,9%, đường kính gốc trung bình 5,9 mm, chiều cao vút ngọn trung bình 35,3 cm, cây sinh trưởng đồng đều cảvề đường kính gốc và chiều cao. Kết quả cũng cho thấy, không nên gieo ươm cây Sa nhân tím trong điều kiện không che sáng và không nên sử dụng ruột bầu đến 88% lớp đất mặt dù có bổ sung 10% phân chuồng, 2% phân lân cây vẫn hay bị bít rễ, vàng lá, sinh trưởng kém và tỷ lệ sống rất thấp.
#Sa nhân tím #nhân giống bằng hạt # #che sáng #thành phần ruột bầu # #tỉnh Sơn La
HIỆN TRẠNG QUẦN THỂ DỪA NƯỚC (Nipa fruticans Wurmb) TẠI XÃ TAM NGHĨA, HUYỆN NÚI THÀNH, TỈNH QUẢNG NAM VÀ MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN
- 2024
Lê Thị Điểm Sương , Võ Văn Minh , Nguyễn Thị Kim Yến
Nghiên cứu tập trung vào phân tích hiện trạng quần thể Dừa nước (Nipa fruticans Wurmb) tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và đề xuất giải pháp phát triển. Diện tích dừa nước còn khoảng 6,3 hecta,tập trung phân bố dọc trên lưu vực sông Trầu và sông Bến Đình. Mật độ dừa nước phân bố tại khu vực sông Bến Đình trung bình là 1,79 cây/m2và tại khu vực sông Trầu là 2,03 cây/m2. Diện tích dừa nước giảm mạnh từ năm 1990 - 2010, giai đoạn 2010 - 2015 diện tích dừa nước có xu hướng tăng nhẹ. Sự suy giảm diện tích rừng Dừa nước ở xã Tam Nghĩa có nguyên nhân chính từ việc phá rừng Dừa nước để lấy diện tích nuôi thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Việc khai thác và quản lý nguồn tài nguyên dừa nước chưa hiệu quả, cần có kế hoạch trồng phục hồi diện tích quần thể dừa nước để phủ xanh diện tích đất bị bỏ hoang tại địa phương; Có định hướng khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi dừa nước, chú trọng đến việc xây dựng mô hình quản lý Dừa nước dựa vào cộng đồng, đồng thời khai thác tiềm năng du lịch sinh thái tại địa phương.
#Hệ sinh thái Dừa nước #rừng ngập mặn #sông Bến Đình #sông Trầu #xã Tam Nghĩa
SINH TRƯỞNG CỦA KEO LÁ TRÀM TRONG CÁC MÔ HÌNH KHẢO NGHIỆM GIỐNG VÀ ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG CUNG CẤP GỖ LỚN TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ
Số 5 - Trang - 2024
Vũ Đức Bình``, Nguyễn Thị Thanh Nga, Phạm Xuân Đỉnh, Lê Thị Như Nguyệt, Trần Thị Tường Vân, Lê Xuân Toàn, Lê Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thảo Trang, Nguyễn Tùng Lâm, Hoàng Văn Tuấn
Bài báo này giới thiệu kết quả nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vềgiống và lâm sinh xây dựng mô hình rừng trồng Keo lá tràm cung cấp gỗlớn tại Quảng Trị do Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ thực hiện từ 2017 - 2021. Sau 50 tháng tuổi, các mô hình thí nghiệm đều có sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều, tỷ lệ sống cao (>90%). Kết quả đánh giá khảo nghiệm các dòng vô tính Keo lá tràm cho thấy có sự sai khác rõ rệt vềsinh trưởng đường kính, chiều cao và các chỉ tiêu chất lượng. Năng suất trung bình toàn khảo nghiệm đạt 20,4 m3/ha/năm, dao động từ 18,7 đến 23,6 m3/ha/năm. Năng suất của 4 dòng gồm Clt26, Clt43, Clt57, Clt7 đều đạt trên 20 m3/ha/năm và đã chứng tỏ có triển vọng về sinh trưởng và chất lượng đối với vùng đất đồi núi tỉnh Quảng Trị. Mô hình Keo lá tràm mô có sinh trưởng tốt hơn so với mô hình Keo lá tràm hom. Tuy nhiên, về chỉ tiêu chất lượng thân cây thì không có sự sai khác rõ rệt giữa hai loại mô hình này. Năng suất trung bình của mô hình Keo lá tràm mô và Keo lá tràm hom đạt tương ứng là 20,7 m3/ha/năm và 19,2 m3/ha/năm
#Gỗ lớn #Keo lá tràm # #kỹ thuật lâm sinh
NGHIÊN CỨU TÁI SINH CÂY BẠCH ĐÀN LAI UP (E. urophylla x E. pellita) THÔNG QUA PHÔI SOMA PHỤC VỤ CHO CHUYỂN GEN
Số 1 - Trang - 2024
Nguyễn Thị Việt Hà, Nguyễn Thị Huyền, Lê Thị Thủy, Trần Thị Thu Hà, Lê Sơn, Trần Đức Vượng , Nguyễn Hữu Sỹ, Nguyễn Đức Kiên, Đào Thị Thùy Trang, Phùng Thị Kim Huệ
Nghiên cứu tái sinh chồi thông qua phôi soma là bước cần thiết để phục vụ cho công tác chuyển gen. Kết quả nghiên cứu tái sinh Bạch đàn lai UP cho thấy với vật liệu ban đầu là đoạn thân và mảnh lá của chồi in vitro được nuôi cấy trên môi trường MS giảm ½ Nitơ tổng số (MS*) bổ sung 3,0 mg/l BAP, 0,5 mg/l NAA, 20g/l Sucrose, 100 ml/l nước dừa và 2,4 g/l Gelrite cho tỷ lệ mẫu tạo mô sẹo đạt 88,3% đối với đoạn thân và 81,7% đối với mảnh lá. Mô sẹo sau đó được kích thích nhân sinh khối và phát triển tạo phôi soma trên môi trường MS* bổ sung 1,0 mg/l BAP, 0,5 mg/l NAA, 20 g/l Sucrose, 100 ml/l nước dừa và 2,4 g/l Gelrite cho tỷ lệ tạo mô sẹo cảm ứng tạo phôi soma là 65,6%. Cụm phôi soma nảy mầm trên môi trường MS* bổ sung 0,5 mg/l BAP, 0,2 mg/l NAA, 20 g/l Sucrose, 100 ml/l nước dừa và 2,4 g/l Gelrite cho tỷ lệ cụm phôi nảy chồi đạt 69,3%, số chồi trung bình đạt 6,1 chồi/cụm phôi. Môi trường MS bổ sung 0,5 mg/l BAP, 0,25 mg/l NAA, 30 g/l Sucrose, 15 mg/l Riboflavin và 6,5 g/l Agar thích hợp cho tạo đa chồi với hệ số nhân chồi đạt 6,5 chồi/cụm. Môi trường ½ MS bổ sung 2,0 mg/l IBA, 1,0 mg/l NAA, 15 g/l Sucrose và 7 g/l Agar cho tỷ lệ chồi ra rễ đạt 90,0%, số rễ TB/chồi 5,9 rễ và chiều dài rễ trung bình là 1,6 cm. Sau khi bình cây được huấn luyện 7 - 10 ngày, cây con được cấy vào cát vàng; sau 2 tuần, cây con được cấy vào bầu với thành phần giá thể là 70% đất đồi, 20% xơ dừa và 10% phân vi sinh cho tỷ lệ sống đạt trên 90%. Hệ thống tái sinh cây Bạch đàn lai UP thông qua tạo phôi soma có thể áp dụng để chuyển gen cải thiện giống bạch đàn này
#Bạch đàn lai UP #in vitro #mô sẹo #phôi soma #tái sinh
TUYỂN CHỌN VÀ NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG SINH TỔNG HỢP MANGANESE PEROXIDASE (MnP) CỦA CHỦNG NẤM LỚN, ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG PHÂN HỦY LIGNIN
Số 4 - Trang 125-131 - 2023
Trịnh Đình Khá, Phạm Như Quỳnh, Nguyễn Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Thúy Hiền, Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Thu Huyền
Manganese peroxidase (MnP) là enzyme có khả năng phân hủy lignin và một số hợp chất hữu cơ độc hại. MnP được sinh tổng hợp bởi nấm, vi khuẩn và xạ khuẩn. Trong nghiên cứu này trình bày kết quả tuyển chọn chủng nấm sinh tổng hợp MnP và nghiên cứu khả sinh tổng hợp MnP của chủng nấm được tuyển chọn. Kết quả nghiên cứu đã tuyển chọn được chủng nấm Pleurotus sp. PL3 có hoạt tính MnP mạnh nhất trong số 8 chủng nấm khảo sát. Hoạt tính sinh tổng hợp MnP của chủng Pleurotus sp. PL3 đạt 2,03 U/mL ở điều kiện môi trường PDA có bổ sung NH4NO3 0,5%, glucose 3%, pH 7,0, nhiệt độ 30°C trong 9 ngày nuôi cấy. Nghiên cứu này là cơ sở để sản xuất enzyme MnP ứng dụng phân hủy lignin trong công nghiệp chế biến gỗ.
#Manganese peroxidase #phân hủy lignin #Pleurotus sp. PL3 #sinh tổng hợp #tuyển chọn
ĐÁNH GIÁ ĐA DẠNG DI TRUYỀN NGUỒN GEN CÂY MÙ U (Calophyllum inophyllum L.) TẠI MỘT SỐ TỈ NH VÙNG NAM BỘ
Số 3 - Trang - 2024
Lê Sơn, Nguyễn Thị Huyền, Trần Thị Thu Hà, Lê Thị Thủy, Nguyễn Thị Việt Hà, Hà Thị Huyền Ngọc, Trần Hữu Biển, Phùng Văn Tỉnh, Nguyễn Trọng Tài
Nghiên cứu đánh giá đa dạng di truyền nguồn gen cây Mù u tại một số tỉnh Nam Bộ là cơ sở để lưu giữ và phát triển, phục vụ cho việc khai thác nguồn gen loài cây này với hiệu quả cao. Kết quả phân tích đa dạng di truyền của 80 mẫu Mù u thu thập tại Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau bằng 5 chỉ thị ISSR đã thu được 43 phân đoạn DNA, trong đó có 27 phân đoạn đa hình chiếm trung bình 63,72%. Các chỉ số đa dạng di truyền trung bình của Mù u thu được lần lượt đạt h = 0,2167, I = 0,329 và PPB = 63,72%. Trong đó, quần thể Mù u tại tỉnh Bến Tre và Trà Vinh có mức đa dạng di truyền cao hơn so với các quần thể được nghiên cứu. Có sự sai khác về di truyền giữa các quần thể Mù u tại 5 tỉnh vùng Nam Bộ với GST = 0,2490 (24,90%) và giá trị Nm = 1,5083. Khoảng cách di truyền giữa 5 quần thể Mù u được nghiên cứu nằm trong khoảng từ 0,069 đến 0,190 và mức độ tương đồng dao động trong khoảng từ 0,827 (82,70%) đến 0,934 (93,40%). Các quần thể Mù u tại tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng có tính đa dạng di truyền cao hơn các quần thể tại tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, do đó cần tập trung nghiên cứu và phát triển nguồn gen của các quẩn thể Mù u này
#Chỉ thị phân tử ISSR #DNA #đa dạng di truyền # #Mù u