
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐIỀU DƯỠNG
2615-9589
2734-9632
Việt Nam
Cơ quản chủ quản: N/A
Lĩnh vực:
Các bài báo tiêu biểu
Thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường type 2 ngoại trú tại bệnh viện tỉnh Quảng Ninh năm 2016
Tập 2 Số 2 - Trang 14-21 - 2019
Mục tiêu: Mô tả thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh ĐTĐ type 2 ngoại trú tại Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh năm 2016.
Phương pháp: nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 198 NB ĐTĐ type 2 ngoại trú tại Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2016.
Kết quả: tỉ lệ người bệnh có kiến thức đạt về bệnh và tuân thủ điều trị chiếm 66,7%, tuy vậy vẫn còn đến 33,3% có kiến thức chưa đạt. Tỷ lệ NB tuân thủ chế độ ăn: 58,1%; hoạt động thể lực: 66,7%; thuốc: 69,2% ; kiểm tra đường huyết tại nhà và tái khám định kì: 26,8%. TTĐT cả 4 yếu tố là 5,1%.
Kết luận: Tỉ lệ tuân thủ điều trị ngoại trú của người bệnh ĐTĐ type 2 tại Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh còn ở mức thấp. Vì vậy cần có những biện pháp để hỗ trợ để người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
#Đái tháo đường type 2; Tuân thủ điều trị
Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ về phòng ngừa chuẩn của sinh viên điều dưỡng Trường Đại học Y khoa Vinh năm 2018.
Tập 1 Số 2 - Trang 84-89 - 2018
Mục tiêu: Mô tả thực trạng kiến thức, thái độ về phòng ngừa chuẩn và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ phòng ngừa chuẩn của sinh viên điều dưỡng Trường Đại học Y khoa Vinh, năm 2018.
Phương pháp: Áp dụng phương pháp nghiên cứu định lượng (mô tả cắt ngang có phân tích) kết hợp định tính trên 337 sinh viên đại học điều dưỡng năm thứ 2 Trường Đại học Y khoa Vinh.
Kết quả: Có 5,9% sinh viên cử nhân điều dưỡng có kiến thức đạt về phòng ngừa chuẩn. Có 65,9% sinh viên có thái độ tích cực về phòng ngừa chuẩn, 33,2% có thái độ trung tính và chỉ có 0,9% có thái độ tiêu cực trong phòng ngừa chuẩn. Các yếu tố ảnh hưởng đến kiến thức, thái độ về PNC. Sinh viên nữ có thái độ tích cực về PNC cao gấp 4,1 lần so với sinh viên nam với CI 95% (1,7 - 7,9). Sinh viên có thái độ tích cực thì có kiến thức về vệ sinh tay cao gấp 2,7 lần (95% CI: 1,3 – 3,5), kiến thức về tiêm an toàn và phòng ngừa tổn thương do vật sắc nhọn cao gấp 4,6 lần, kiến thức về vệ sinh ho và hô hấp cao gấp 3,7 lần so với sinh viên có thái độ chưa tích cực với CI 95% (1,8 – 7,2).
Kết luận: Tỷ lệ sinh viên điều dưỡng có kiến thức đúng và thái độ tích cực về phòng ngừa chuẩn còn thấp. Sinh viên nữ có thái độ tích cực về phòng ngừa chuẩn cao hơn sinh viên nam.
#Phòng ngừa chuẩn #sinh viên điều dưỡng
Đánh giá hoạt động giáo dục sức khỏe của điều dưỡng bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị và một số yếu tố liên quan năm 2018.
Tập 1 Số 3 - Trang 28-34 - 2018
Mục tiêu: Đánh giá hoạt động giáo dụcsức khỏe của điều dưỡng và tìm hiểu một số yếu tố liên quan.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện từ tháng 12/2017 đến tháng 5/2018. Toàn bộ 190 điều dưỡng lâm sàng trực tiếp làm công tác chăm sóc người bệnh được phát phiếu tự đánh giá hoạt động giáo dục sức khỏe cho người bệnh dựa trên các nội dung: làm quen, lắng nghe, quan sát, đặt câu hỏi, sử dụng tài liệu, khuyến khích, động viên khen ngợi và giải thích.
Kết quả: Kiến thức chung của điều dưỡng còn chưa cao với các tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức tốt chiếm 66,8% và vẫn còn 13,2% điều dưỡng có kiến thức kém về giáo dục sức khỏe. Trong nghiên cứu này, tuổi và thâm niên công tác có liên quan đến kiến thức về giáo dục sức khỏe của điều dưỡng (p < 0,05).
Kết luận: Kiến thức giáo dục sức khỏe của điều dưỡng chưa cao, những người độ tuổi và thâm niên công tác lâu năm thực hiện giáo dục sức khỏe tốt hơn. Điều này cho thấy cần tập trung vào đào tạo nâng cao kiến thức GDSK cho điều dưỡng đặc biệt là đối tượng điều dưỡng trẻ tuổi mới vào nghề.
#kiến thức #giáo dục sức khỏe #điều dưỡng #Quảng Trị
Nhận thức của Điều dưỡng về thực hành dựa vào bằng chứng
Tập 3 Số 5 - Trang 148-157 - 2020
Mục tiêu: Mô tả nhận thức của điều dưỡng về thực hành dựa vào bằng chứng (EBP: Evidence-Based Practice), xác định một số yếu tố liên quan đến nhận thức về EBP.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Áp dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang thông qua bộ câu hỏi EBPQ (Evidence-Based Practice Questionnaire). Tổng cộng có 173 điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh tham gia vào nghiên cứu.
Kết quả: Điều dưỡng có kiến thức (ĐTB = 3,66; SD = 0,53) và kỹ năng thực hành EBP (ĐTB = 3,59; SD = 0,80) ở mức độ trung bình và có thái độ tiêu cực về EBP (ĐTB = 3,81; SD = 0,81). Điều dưỡng có kinh nghiệm làm việc >10 năm sẽ có điểm số trung bình cao hơn điều dưỡng có kinh nghiệm làm việc ≤5 năm về cả ba mặt thực hành, thái độ và kiến thức/ kỹ năng EBP. Các rào cản được tìm thấy có ảnh hưởng đến việc áp dụng EBP trong chăm sóc điều dưỡng bao gồm thiếu thời gian, tốn kém chi phí, kiến thức hạn chế/ không đầy đủ và thiếu điều dưỡng có kiến thức nghiên cứu trong môi trường làm việc.
Kết luận: Cần đưa ra những chiến lược phù hợp nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, kỹ năng EBP cho điều dưỡng qua đó khuyến khích họ áp dụng các bằng chứng mới nhất trong chăm sóc người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
#Thực hành dựa vào bằng chứng #điều dưỡng #kiến thức #thái độ #kỹ năng #rào cản.
Thực trạng chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định năm 2020
Tập 3 Số 5 - Trang 191-198 - 2020
Mục tiêu: Mô tả chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định năm 2020.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang trên 102 người bệnh Ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định từ 11/2019 đến 6/2020. Bộ câu hỏi đánh giá chất lượng cuộc sống người bệnh có tất cả 27 câu hỏi trên 4 lĩnh vực : thể chất, quan hệ gia đình và xã hội, tinh thần, khả năng hoạt động. Bộ câu hỏi được đánh giá theo thang điểm Likert từ 0 đến 4.
Kết quả: Điểm chất lượng cuộc sống trung bình trong nghiên cứu là 37,79 ± 13,93, chi tiết điểm chất lượng cuộc sống của từng hoạt động cho kết quả là: thể chất 12,37 ± 3,58, tinh thần 10,13 ± 4,24 quan hệ gia đình/ xã hội 10,9 ± 3,73, trạng thái hoạt động 4,38 ± 5,15. Điểm chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư là rất thấp, nhất là lĩnh vực hoạt động.
Kết luận: Chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định năm 2020 theo bộ câu hỏi FACT-G là 37,79 điểm ± 13,93 đạt mức trung bình so với điểm cao nhất theo FACT-G là 108 điểm. Do đó, trong quá trình điều trị và chăm sóc điều dưỡng cần có các biện pháp chăm sóc can thiệp phù hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh
#Chất lượng cuộc sống #người bệnh ung thư #Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định
Nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của người bệnh ung thư tại trung tâm ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và một số yếu tố liên quan
Tập 5 Số 02 - Trang 31-40 - 2022
Mục tiêu: Mô tả thực trạng và xác định một số yếu tố liên quan đến nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của người bệnhung thư tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên năm 2021.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 190 người bệnh ung thư từ 18 tuổi trở lên và điều trị nội trú từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021.
Kết quả: Tỷ lệ người bệnh có nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ chiếm 66,3%. Trong đó, 3 nhóm nhu cầu có tỷ lệ cần hỗ trợ cao nhất là: nhu cầu hỗ trợ thông tin y tế, nhu cầu hỗ trợ tài chính và phúc lợi xã hội và nhu cầu hỗ trợ thể chất. Có mối liên quan giữanhu cầu chăm sóc giảm nhẹ với giai đoạn bệnh và nghề nghiệp của người bệnh ung thư. Nhóm người bệnh ở giai đoạn III và IV có nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ cao hơn gấp 1,63 lần) so với nhóm người bệnh ở giai đoạn I, II (p < 0,05; 95%CI: 1,15 – 2,32). Người bệnh làm nghề nông có nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ cao hơn gấp 3,17 lần so với người bệnh đã nghỉ hưu (p<0,05; 95%CI: 1,43 – 7,07).
Kết luận: Đa số người bệnh ung thư có nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ. Nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của người bệnh ung thư có mối liên quan đến giai đoạn bệnh và nghề nghiệp của người bệnh.
#Từ khóa: Ung thư #nhu cầu #chăm sóc giảm nhẹ.
Thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường tuýp 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh
Tập 6 Số 02 - Trang 132-140 - 2023
Mục tiêu: mô tả thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường type 2 đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Đối tượng và phương pháp: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện từ tháng 02/2022 đến tháng 12/2022 tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Đối tượng nghiên cứu là 200 người bệnh > 18 tuổi, được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 đang điều trị ngoại trú, có khả năng giao tiếp đủ để trả lời phỏng vấn và đồng ý tham gia nghiên cứu. Sử dụng phương pháp tự điền để thu thập thông nghiên cứu.
Kết quả: Cụ thể, tỷ lệ NB thực hành tuân thủ cả 04 chế độ chỉ chiếm tỷ lệ 29,5%. Trong đó tỷ lệ NB tuân thủ chế độ dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao nhất 64%; có 62,5% NB tuân thủ hoạt động thể lực. Tỷ lệ NB tuân thủ xét nghiệm đường huyết và tái khám định kì chiếm tỷ lệ thấp nhất chỉ có 22,5%.
Kết luận: tỷ lệ người bệnh tuân thủ điều trị còn thấp, do vậy cần nghiên cứu các giải pháp để giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn.
#Tuân thủ điều trị #đái tháo đường #điều trị ngoại trú
Nhận xét đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định năm 2020
Tập 4 Số 2 - Trang 08-14 - 2021
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện từ tháng 04/2019 - 10/2019 trên 77 các bà mẹ và trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi vào nhập viện với chẩn đoán tiêu chảy nhiễm khuẩn tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Nhi Nam Định. Sử dụng phương pháp khai thác hồ sơ bệnh án, khám thực thể, sử dụng kết quả xét nghiệm và phỏng vấn trực tiếp để thu thập thông tin cần thiết.
Kết quả: Dấu hiệu khởi phát: ỉa lỏng 50,6%, biểu hiện lâm sàng: phân nhày chiếm 54,9%, sốt là 66,2%. Lượng bạch cầu tăng là 36,4%, CRP dương tính chiếm tỷ lệ 50,6%, Canxi giảm là 94,9% và bạch cầu trong phân dày đặc: 28,6%.
Kết luận: Dấu hiệu khởi phát hay gặp nhất ở trẻ tiêu chảy nhiễm khuẩn là ỉa lỏng và sốt, phần lớn trẻ tiêu chảy nhiễm khuẩn đi ngoài phân nhầy lẫn máu. Lượng hemoglobin trung bình: 99,2 ± 10,8 g/l, 50,6% có CRP dương tínhvà xét nghiệm phân có bạch cầu trong phân dày đặc: 28,6%, bạch cầu (+++): 36,4%, bạch cầu (++): 33,7%.
#Đặc điểm lâm sàng #cận lâm sàng #tiêu chảy nhiêm khuẩn #trẻ em
Đánh giá kết quả hoạt động quản lý của điều dưỡng trưởng tại các cơ sở y tế tuyến huyện tỉnh Nam Định năm 2019
Tập 2 Số 3(2) - Trang 76-85 - 2019
Mục tiêu: Mô tả thực trạng hoạt động quản lý và tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng tới kết quả hoạt động quản lý của điều dưỡng trưởng tại các cơ sở y tế tuyến huyện tỉnh Nam Định.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính được tiến hành từ tháng 12/2018 đến tháng 6/2019 trên 100 Điều dưỡng trưởng đang công tác tại các bệnh viện/Trung tâm Y tế tuyến huyện tỉnh Nam Định. Các đối tượng tham gia nghiên cứu bằng cách trả lời theo bộ câu hỏi tự điền, đồng thời, lấy ý kiến thêm về công tác quản lý điều dưỡng từ phía lãnh đạo đơn vị và điều dưỡng viên.
Kết quả: Phần lớn điều dưỡng trưởng đạt mức độ hoàn thành nhiệm vụ với tỷ lệ là 73%; còn 27% điều dưỡng trưởng không đạt mức độ hoàn thành nhiệm vụ; Thời gian dành cho công tác quản lý của điều dưỡng trưởng còn hạn chế:77% (> 50%/ngày); 23% (<50%/ngày).
Kết luận: Công tác quản lý điều dưỡng tại các đơn vị tuyến huyện tỉnh Nam Định cũng trong bối cảnh chung của cả nước, các điều dưỡng trưởng còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhưng đa số hoàn thành nhiệm vụ được giao.
#Điều dưỡng trưởng #quản lý điều dưỡng.
Kiến thức, thực hành của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy cấp tại Bệnh viện trẻ em Hải Phòng năm 2017.
Tập 1 Số 2 - Trang 44-50 - 2018
Mục tiêu: Mô tả kiến thức, thực hành của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy cấp tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, chọn mẫu thuận tiện 422 bà mẹ có con dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy cấp đang được điều trị tại khoa Tiêu hóa Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng từ tháng 3 năm 2017 đến tháng 5 năm 2017.
Kết quả: Số bà mẹ có kiến thức đúng về bệnh tiêu chảy cấp là 31,3%, có 70,9% bà mẹ thực hành đúng trong chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp. Kết luận: Hầu hết các bà mẹ thực hành đúng trong chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp, nhưng chưa có kiến thức đúng về bệnh.
#Tiêu chảy cấp #bà mẹ #trẻ dưới5 tuổi.