
Tạp chí Nghiên cứu Khoa học và phát triển Trường Đại học Thành Đô
2815-570X
Việt Nam
Cơ quản chủ quản: Trường Đại học Thành Đô
Lĩnh vực:
Các bài báo tiêu biểu
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 VÀ PHÂN TÍCH CƠ SỞ TÁC DỤNG CỦA VACCINE PHÒNG VIRUS SARS‐COV-2 Ở TRẺ DƯỚI 18 TUỔI
- Trang 54-67 - 2022
Dịch bệnh Covid-19 là một đại dịch truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS‐CoV-2, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Vaccine phòng bệnh Covid-19 đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc làm chậm lại quy mô và tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2, giảm tỉ lệ ca bệnh chuyển nặng và tỉ lệ tử vong trên nhóm đối tượng người trưởng thành. Tuy nhiên, hiệu quả và tính an toàn của vaccine Covid-19 trên nhóm đối tượng trẻ dưới 18 tuổi vẫn còn là vấn đề chưa được nghiên cứu, đánh giá chi tiết. Thông qua tổng hợp, sàng lọc các báo cáo đánh giá trên các cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước, bài viết phân tích, so sánh hiệu quả và mức độ an toàn của các vaccine Covid-19 đã được cấp phép và đang thử nghiệm lâm sàng đối với trẻ dưới 18 tuổi. Theo đó, hầu hết các phản ứng sau tiêm đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, chỉ một số ít trường hợp xảy ra phản ứng nghiêm trọng. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: đau tại chỗ tiêm, sốt, nhức đầu, ho, mệt mỏi và đau cơ. Các vaccine RNA thông tin (mRNA) đã được nghiên cứu cho hiệu quả từ 90,7-100% trong việc ngăn ngừa Covid-19 và đảm bảo tính an toàn đối với đối tượng trẻ dưới 18 tuổi. Do vậy, cần có kế hoạch phát triển nghiên cứu vaccine và triển khai tiêm chủng kịp thời đối với trẻ em dưới 18 tuổi để đảm bảo nhóm đối tượng này được bảo vệ khỏi các tác động do virus SAR-CoV-2.
#Đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 #Tác dụng của vaccine phòng chống virus SAR-CoV-2 #Trẻ dưới 18 tuổi
QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH GIÁO DỤC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ KHU VỰC TÂY NGUYÊN
- Trang 18-25 - 2022
Bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất. Bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất và tinh thần, các kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, kinh nghiệm ứng xử, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, ẩm thực, trang phục…của các dân tộc thiểu số được lưu truyền, tồn tích, vận hành kết nối giữa các thế hệ. Giáo dục giúp cho học sinh hiểu biết về bản sắc văn hóa truyền thống, tôn trọng, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tôn trọng giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em khác. Bài báo phân tích thực trạng giáo dục bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở các trường phổ thông dân tộc nội trú khu vực Tây Nguyên từ đó đề xuất hệ thống các giải pháp quản lý phát triển mô hình giáo dục bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở các trường phổ thông dân tộc nội trú khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay.
#Quản lý phát triển mô hình #Giáo dục bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống #Các dân tộc thiểu số tại chỗ #Các trường phổ thông dân tộc nội trú #Khu vực Tây Nguyên
THÍCH ỨNG VỚI NƯỚC BIỂN DÂNG: GÓC NHÌN TỪ PHÂN TÍCH CHI PHÍ – NGHIÊN CỨU TẠI KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
- Trang 45-53 - 2022
Nghiên cứu thực hiện so sánh chi phí của hai giải pháp thích ứng với hiện tượng nước biển dâng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm tái định cư và xây dựng đê biển, theo các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu khác nhau của thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong thế kỉ 21, độ cao của phần lớn diện tích đồng bằng sông Cửu Long có thể thấp hơn mực nước biển nếu không thể tìm ra giải pháp thích ứng phù hợp. Khoảng 10 triệu người sinh sống tại khu vực này có thể chịu tác động của hiện tượng nước biển dâng vào cuối thế kỉ 21. Kết quả phân tích chi phí cho thấy, chi phí xây dựng đê biển và trồng rừng ngập mặn bảo vệ khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thế kỉ 21 có thể lên tới 26.8 tỉ USD, thấp hơn 2.5 lần so với chi phí tái định cư. Trong đó, phần lớn chi phí được phân bổ cho các hoạt động trồng và bảo tồn hệ thống rừng ngập mặn ven biển.
#Biến đổi khí hậu #Đồng bằng sông Cửu Long #Nước biển dâng #Phân tích chi phí
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHI TIÊU CHO GIÁO DỤC: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP CÁC HỘ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
- Trang 52-62 - 2024
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích các nhân tố tác động đến chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Dương với cách kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu thực hiện khảo sát 325 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Dương thông qua bảng khảo sát đã được sự đồng thuận cao của các chuyên gia. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, có 8 biến trong tổng số 11 biến đưa vào mô hình có ý nghĩa thống kê, trong đó 7 biến tác động thuận chiều và 1 biến tác động nghịch chiều đến chi tiêu của hộ gia đình cho giáo dục. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra: Trình độ học vấn của chủ hộ, tổng chi tiêu, chính sách của địa phương và thu nhập của hộ là 4 biến tác động mạnh nhất đến chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình ở tỉnh Bình Dương. Dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết đưa ra một số ý kiến bàn luận về vấn đề thúc đẩy hộ gia đình tăng cường đầu tư cho giáo dục.
#Chi tiêu cho giáo dục #Hộ gia đình #Tỉnh Bình Dương
PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC DỊCH VỤ LỮ HÀNH VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG
- Trang 51-57 - 2022
Du lịch được đánh giá như một ngành kinh tế quan trọng đối với các vùng hoặc địa phương có lợi thế về tài nguyên du lịch. Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu thực trạng phát triển du lịch, cụ thể là lĩnh vực dịch vụ lữ hành tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung dựa vào dữ liệu thứ cấp trong giai đoạn 2015-2020. Kết quả phân tích cho thấy mặc dù vùng có nhiều địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch điển hình như Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận, nhưng lĩnh vực dịch vụ lữ hành của vùng đóng góp còn khiêm tốn so với cả nước, chiếm chưa đến 10% trong giai đoạn 2015-2020. Bài viết phân tích sự phát triển của dịch vụ lữ hành của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung gắn liền với việc khai thác những lợi thế về tài nguyên du lịch như biển, đảo, vị trí địa lý và yếu tố văn hóa. Trên cơ sở đó đưa ra một số hàm ý chính sách phát triển du lịch và dịch vụ lữ hành nói riêng dựa trên thúc đẩy liên kết điểm đến du lịch trong vùng và phát triển sản phẩm du lịch gắn với yếu tố văn hóa của cư dân địa phương.
#Du lịch #Dịch vụ lữ hành #Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NGUỒN NHÂN LỰC CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
- Trang 29-35 - 2022
Ngành công nghiệp ô tô là một ngành quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nhiều quốc gia. Đối với Việt Nam, trong những năm qua, ngành công nghiệp ô tô luôn được coi là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển và đã có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Sự phát triển công nghiệp ô tô với tỷ lệ nội địa hoá cao sẽ mang lại giá trị cho nền kinh tế, như tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật, phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là cơ khí, điện tử, hóa chất, giảm nhập siêu. Tuy nhiên để ngành công nghiệp ô tô thực sự phát triển, Việt Nam cần chú trọng đầu tư các nguồn lực, trong đó cần đặc biệt chú trọng đầu tư nguồn nhân lực trình độ cao có khả năng chuyên môn hóa có thể cập nhật và theo kịp xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung.
#Ngành công nghiệp ô tô #Nguồn nhân lực #Nhu cầu nguồn nhân lực
ĐÁNH GIÁ GIÁO TRÌNH NEW ENGLISH FILE DƯỚI QUAN ĐIỂM CỦA HỌC VIÊN VÀ GIẢNG VIÊN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÀNH ĐÔ
- Trang 26-34 - 2022
Bài báo được viết với mục đích nhằm chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của giáo trình New English file - Pre-Intermediate do các tác giả Clive Oxenden, Christina Latham- Koenig và Paul Seligson viết được xuất bản bởi nhà xuất bản đại học Oxford sau hai năm được đưa vào để giảng dạy cho các học viên cao học khối không chuyên ngữ tại trường Đại học Thành Đô. Bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu được thu thập từ kết quả khảo sát của ba giảng viên và mười sáu học viên cao học cũng như kết quả phỏng vấn bán cấu trúc được thu thập từ các giảng viên giảng dạy. Dựa vào kết quả dữ liệu thu được, các tác giả đã thực hiện một phân tích kỹ lưỡng và đưa ra các khuyến nghị để việc dạy và học được tốt hơn khi sử dụng cuốn sách này.
#Giáo trình #New English file #Đánh giá giáo trình #Dạy và học tiếng Anh
MÔ HÌNH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC SỐ - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TƯ THỤC CỦA VIỆT NAM, TRONG GIAI ĐOAN HIỆN NAY
- Trang 1-10 - 2024
Xây dựng mô hình giáo dục đại học số là xu thế phát triển tất yếu của các trường đại học tư thục của Việt Nam. Phát triển mô hình giáo dục đại học số cũng là bước chuyển mình để các trường đại học tư thục của Việt Nam tiệm cận với giáo dục đại học trên thế giới. Xây dựng mô hình đại học số sẽ giúp các trường đại học tư thục của Việt Nam chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Trong bài báo này, tác giả khái quát và hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình giáo dục đại học số ở các trường đại học tư thục của Việt Nam trong giai đoạn quốc gia chuyển đổi số và xây dựng mô hình đại học số hiện nay. Tác giả cũng đã tập trung phân tích sâu sắc các thành tố cơ bản của mô hình giáo dục đại học số, nhu cầu cần xây dựng mô hình giáo dục đại học số tại các trường đại học tư thục của Việt Nam, nhằm giải quyết những thách thức của thời đại về nhân lực số. Mô hình giáo dục đại học số luôn là "ba không và một có". Ba không sẽ là: sẽ không có giảng đường, sẽ không có học liệu bản cứng, sẽ không có giảng viên cơ hữu; còn một có sẽ là: sẽ đạt chất lượng cao nhất với thời gian ít nhất.
#Các trường đại học tư thục #Giáo dục đại học số #Mô hình #Vấn đề lý luận và thực tiễn #Việt Nam
CHẾ TẠO VÀ XÁC ĐỊNH CÁC ĐẶC TRƯNG CỦA VẬT LIỆU TỔ HỢP COLLAGEN TỪ VẢY CÁ MANG DƯỢC CHẤT ALLOPURINOL
- Trang 84-92 - 2023
Collagen từ vảy cá được chú trọng nghiên cứu nhờ những đặc tính tuyệt vời như độ hấp thụ cao, an toàn, ít béo, tương hợp sinh học tốt. Là collagen loại I với cấu trúc dạng sợi được hình thành bởi các axit amin, đặc biệt là glycine, proline và hydroxyproine. Vảy cá, một sản phẩm phế thải từ cá, chứa collagen loại I. Việc chiết xuất collagen từ vảy cá góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong nghiên cứu này, collagen được chiết xuất từ vảy cá nước ngọt đã được sử dụng như một chất mang trong hệ thống polyme mang thuốc. Allopurinol có tác dụng giảm nồng độ axit uric trong máu và được sử dụng làm thuốc trong hệ thống mang thuốc bởi collagen. Các nhóm chức trong tổ hợp collagen/allopurinol cũng như hình thái học của nó được đánh giá bằng quang phổ hồng ngoại (IR) và kính hiển vi điện tử quét (SEM). Hàm lượng allopurinol giải phóng từ tổ hợp collagen/allopurinol được xác định dựa trên độ hấp thụ quang học trên phổ tử ngoại – khả kiến (UV-Vis) của thuốc trong dịch mô phỏng cơ thể. Kết quả phân tích phổ IR của các mẫu nghiên cứu cho thấy tổ hợp collagen/allopurinol chứa các liên kết N-H, C-H, OH trong collagen và các liên kết C=O, C=N, N-H trong allopurinol. Hình ảnh SEM cho thấy hình thái của tổ hợp collagen/allopurinol khác với hình thái của allopurinol. Allopurinol có thể giải phóng từ tổ hợp collagen/allopurinol trong dịch mô phỏng cơ thể (pH 2 và pH 7,4) theo hai giai đoạn: giai đoạn giải phóng nhanh trong 1 giờ đầu tiên và giai đoạn giải phóng chậm trong những giờ tiếp theo. Tại cùng một thời điểm thử nghiệm, hàm lượng allopurinol được giải phóng từ tổ hợp collagen/allopurinol cao hơn so với allopurinol tin khiết (allopurinol không được mang bởi collagen).
#Collagen từ vảy cá #Allopurinol #Đặc trưng #Giải phóng dược chất
QUAN HỆ NGÔN NGỮ Ở VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
- Trang 66-74 - 2022
Trong đời sống xã hội của một quốc gia, các quan hệ ngôn ngữ luôn gắn với và phản ánh sự thực thi quyền con người, quyền bảo vệ ngôn ngữ văn hóa của cư dân tại chỗ, đồng thời liên quan với vấn đề xác định thành phần dân tộc và với quyền văn hóa trong đó có quyền sử dụng ngôn ngữ (và chữ viết) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội (trong giao tiếp xã hội, trong giáo dục, trong truyền thông,...). Ở Việt Nam hiện nay có các loại quan hệ ngôn ngữ: (i) quan hệ giữa tiếng Việt với ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số; (ii) quan hệ giữa ngôn ngữ của dân tộc thiểu số này với ngôn ngữ của dân tộc thiểu số khác; (iii) quan hệ giữa các ngôn ngữ và tiếng địa phương trong nội bộ mỗi dân tộc; (iv) quan hệ giữa các ngôn ngữ xuyên biên giới. Nguyên tắc quan trọng nhất khi giải quyết các quan hệ dân tộc nói chung và quan hệ ngôn ngữ nói riêng ở nước ta hiện nay là: đảm bảo lợi ích chung và sự thống nhất của quốc gia; đảm bảo quyền văn hóa, quyền ngôn ngữ, sự đa dạng và tính riêng biệt của các dân tộc trong quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ.
#Đa ngôn ngữ #Ngôn ngữ dân tộc thiểu số #Ngôn ngữ quốc gia #Quan hệ dân tộc #Quan hệ ngôn ngữ