Tạp chí Nghiên cứu Khoa học và phát triển Trường Đại học Thành Đô
Công bố khoa học tiêu biểu
* Dữ liệu chỉ mang tính chất tham khảo
Sắp xếp:
CHẾ TẠO VÀ XÁC ĐỊNH CÁC ĐẶC TRƯNG CỦA VẬT LIỆU TỔ HỢP COLLAGEN TỪ VẢY CÁ MANG DƯỢC CHẤT ALLOPURINOL
Collagen từ vảy cá được chú trọng nghiên cứu nhờ những đặc tính tuyệt vời như độ hấp thụ cao, an toàn, ít béo, tương hợp sinh học tốt. Là collagen loại I với cấu trúc dạng sợi được hình thành bởi các axit amin, đặc biệt là glycine, proline và hydroxyproine. Vảy cá, một sản phẩm phế thải từ cá, chứa collagen loại I. Việc chiết xuất collagen từ vảy cá góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong nghiên cứu này, collagen được chiết xuất từ vảy cá nước ngọt đã được sử dụng như một chất mang trong hệ thống polyme mang thuốc. Allopurinol có tác dụng giảm nồng độ axit uric trong máu và được sử dụng làm thuốc trong hệ thống mang thuốc bởi collagen. Các nhóm chức trong tổ hợp collagen/allopurinol cũng như hình thái học của nó được đánh giá bằng quang phổ hồng ngoại (IR) và kính hiển vi điện tử quét (SEM). Hàm lượng allopurinol giải phóng từ tổ hợp collagen/allopurinol được xác định dựa trên độ hấp thụ quang học trên phổ tử ngoại – khả kiến (UV-Vis) của thuốc trong dịch mô phỏng cơ thể. Kết quả phân tích phổ IR của các mẫu nghiên cứu cho thấy tổ hợp collagen/allopurinol chứa các liên kết N-H, C-H, OH trong collagen và các liên kết C=O, C=N, N-H trong allopurinol. Hình ảnh SEM cho thấy hình thái của tổ hợp collagen/allopurinol khác với hình thái của allopurinol. Allopurinol có thể giải phóng từ tổ hợp collagen/allopurinol trong dịch mô phỏng cơ thể (pH 2 và pH 7,4) theo hai giai đoạn: giai đoạn giải phóng nhanh trong 1 giờ đầu tiên và giai đoạn giải phóng chậm trong những giờ tiếp theo. Tại cùng một thời điểm thử nghiệm, hàm lượng allopurinol được giải phóng từ tổ hợp collagen/allopurinol cao hơn so với allopurinol tin khiết (allopurinol không được mang bởi collagen).
#Collagen từ vảy cá #Allopurinol #Đặc trưng #Giải phóng dược chất
TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẾN CÔNG TÁC QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TẠI VÙNG ĐÔNG NAM BỘ
Hiện nay, nền kinh tế kỹ thuật số đã và đang tác động mạnh mẽ đến tốc độ tăng trường của các doanh nghiệp kinh doanh ở nhiều quốc gia thông qua các giao dịch thương mại điện tử cũng như các quy trình sản xuất, quản lý, tương tác với các đối tác, đặc biệt là với khách hàng. Ảnh hưởng của nền kinh tế kỹ thuật số không chỉ giới hạn trong hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ mà còn mở rộng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, thông qua lược khảo tài liệu làm rõ khái niệm về chuyển đổi số và tác động của nó đến công tác quản trị nguồn nhân lực tại khu vực Đông Nam Bộ. Từ đó xác định chi tiết các điều kiện cần và đủ của công tác quản trị nguồn nhân lực trong thời đại chuyển đổi số. Đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp cho công tác quản trị nguồn nhân lực để thích ứng với quá trình chuyển dịch của nền kinh tế kỹ thuật số tại Đông Nam Bộ.
#Đông Nam Bộ #Chuyển đổi số #Quản trị nguồn nhân lực #Tác động của chuyển đổi số
LIÊN KẾT GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ DOANH NGHIỆP TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (NGHIÊN CỨU TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÀNH ĐÔ)
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, đòi hỏi chương trình đào tạo của ngành này phải được cập nhật và đổi mới thường xuyên. Trong thời gian qua, chương trình đào tạo kỹ sư Công nghệ thông tin tại trường Đại học Thành Đô được thiết kế theo định hướng ứng dụng, thực hành giúp người học được tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập, từ đó giúp người học có được định hướng nghề nghiệp và tiếp cận với công nghệ - kỹ thuật mới từ sớm; doanh nghiệp được tiếp cận và định hướng nguồn nhân lực theo đúng nhu cầu tuyển dụng; đơn vị đào tạo giảm được chi phí đầu tư, tăng chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu nhân lực thực tế của ngành và xã hội.
Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng liên kết giữa trường Đại học Thành Đô với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nhân lực ngành Công nghệ thông tin (thuộc trường Đại học Thành Đô) trên các phương diện: Mức độ hài lòng của sinh viên, mức độ hài lòng của doanh nghiệp và tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn khi tham gia chương trình đào tạo thông qua các phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, tại trường Đại học Thành Đô trong giai đoạn hiện nay.
#Liên kết đào tạo #Trường Đại học và doanh nghiệp #Nguồn nhân lực #Công nghệ thông tin #Trường Đại học Thành Đô
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ QUẢN LÝ KINH TẾ ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÀNH ĐÔ
Từ năm học 2019-2020, Trường Đại học Thành Đô đã tiến hành mở mã ngành và tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ quản lý kinh tế định hướng ứng dụng. Để thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo Nhà trường đã luôn quan tâm đầu tư và có nhiều chỉ đạo thiết thực, hiệu quả về việc nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ quản lý kinh tế. Đến nay, sau 3 khóa tổ chức triển khai thực hiện, Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ quản lý kinh tế tại Trường Đại học Thành Đô đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng, được cơ quan quản lý đánh giá cao và được những cơ quan, tổ chức sử dụng lao động thừa nhận. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ quản lý kinh tế là một nhiệm vụ mới nên còn tồn tại bất cập, hạn chế là điều khó tránh khỏi. Bài viết phân tích thực trạng đào tạo trình độ thạc sỹ quản lý kinh tế định hướng ứng dụng tại trường Đại học Thành Đô; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ này trong thời gian tới.
#Chất lượng đào tạo #Đào tạo sau đại học #Nguồn nhân lực #Quản lý kinh tế #Trường Đại học Thành Đô
QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH GIÁO DỤC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ KHU VỰC TÂY NGUYÊN
Bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất. Bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất và tinh thần, các kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, kinh nghiệm ứng xử, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, ẩm thực, trang phục…của các dân tộc thiểu số được lưu truyền, tồn tích, vận hành kết nối giữa các thế hệ. Giáo dục giúp cho học sinh hiểu biết về bản sắc văn hóa truyền thống, tôn trọng, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tôn trọng giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em khác. Bài báo phân tích thực trạng giáo dục bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở các trường phổ thông dân tộc nội trú khu vực Tây Nguyên từ đó đề xuất hệ thống các giải pháp quản lý phát triển mô hình giáo dục bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở các trường phổ thông dân tộc nội trú khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay.
#Quản lý phát triển mô hình #Giáo dục bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống #Các dân tộc thiểu số tại chỗ #Các trường phổ thông dân tộc nội trú #Khu vực Tây Nguyên
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2030
Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây cũng là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia lớn của nước ta ở giai đoạn 2021-2030.Để thực hiện chương trình này, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ được triển khai với nội dung, hình thức, quy mô và phạm vi thực hiện khác nhau. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng, đánh giá kết quả đạt được của khoa học và công nghệ trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ phục vụ thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2030.
#Khoa học và công nghệ #Chương trình mục tiêu quốc gia #Giảm nghèo bền vững #Giai đoạn 2021-2030
THI NÓI CHUẨN ĐẦU RA VSTEP CHO SINH VIÊN KHÔNG CHUYÊN TIẾNG ANH: KHÓ KHĂN VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Vượt qua kỳ thi VSTEP là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên không chuyên tiếng Anh tại các trường đại học ở Việt Nam để đủ điều kiện tốt nghiệp. Tuy nhiên, sinh viên gặp rất nhiều khó khăn khi làm bài thi VSTEP, đặc biệt là phần thi nói. Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu những khó khăn mà sinh viên không chuyên tiếng Anh gặp phải khi làm bài thi nói VSTEP, nguyên nhân sâu xa của những khó khăn này và đề xuất một số giải pháp khả thi giúp các em đạt được kết quả tốt. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách phát phiếu câu hỏi cho 188 sinh viên không chuyên tiếng Anh đến từ Khoa Công nghệ Thông tin, Khoa Điện – Điện tử, Khoa Cơ khí và Khoa Công nghệ May và Thiết kế Thời trang, phỏng vấn 4 thầy cô giáo tại Khoa Ngoại ngữ trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (UTEHY). Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên gặp nhiều khó khăn khi tự học nói như thiếu tài liệu luyện tập, chưa quen với dạng bài thi nói VSTEP. Dựa vào những kết quả nghiên cứu, một số giải pháp như sinh viên cần chăm chỉ học từ mới, luyện phát âm, bình tĩnh, tự tin khi bước vào phòng thi v.v đã được đưa ra nhằm giúp sinh viên vượt qua bài kiểm tra nói của mình dễ dàng hơn.
#Sinh viên không chuyên ngữ #Thi kỹ năng nói theo chuẩn VSTEP #Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC, THÚC ĐẨY TINH THẦN KHỞI NGHIỆP CỦA SINH VIÊN
Văn hóa đổi mới sáng tạo trong trường đại học là sự thay đổi chính sách, hành vi ứng xử và đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo cho phù hợp với nhu cầu học tập và hướng nghiệp của sinh viên, có sự tiến bộ về chất và đem lại giá trị, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam. Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong trường đại học để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên chính là việc xây dựng nền tảng hệ giá trị nhằm thúc đẩy sự đam mê, thôi thúc khát vọng, động lực học tập, sự tự tin, mạnh mẽ, giúp sinh viên vượt qua khó khăn, rào cản để học tập và gây dựng cho việc bắt đầu một sự nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc trường đại học cần phải làm là phát triển tư duy mới, xây dựng môi trường học tập mới, nền tảng mới làm điểm tựa vững chắc cho năng lực khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì thế, việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong trường đại học để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp bách.
#Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp #Học tập và rèn luyện #Chính sách và hành vi #Trường đại học và sinh viên #Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo
ĐỐI THOẠI GIỮA PHÂN TÂM HỌC VÀ NHÂN HỌC TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HÓA QUA TRƯỜNG HỢP SIGMUND FREUD VÀ BRONISLAW MALINOWSKI
Bài viết chỉ ra khuynh hướng liên ngành trong nghiên cứu văn hóa, dựa trên trường hợp nghiên cứu là cuộc tranh luận khoa học nổi tiếng thế kỷ XX giữa hai nhà khoa học lỗi lạc là nhà phân tâm học Áo Sigmund Freud và nhà nhân học người Anh gốc Ba Lan Bronislaw Malinowski, thông qua xem xét hai công trình kinh điển của họ. Cả hai, mặc dù đại diện cho hai chuyên ngành khác nhau, xuất phát từ những luận điểm trái ngược nhau về nguồn gốc của văn hóa, mối liên hệ giữa phức cảm tâm lý và văn hóa, họ đã tạo nên những đối thoại liên ngành hữu ích, mang lại nhiều đóng góp quan trọng cũng như sinh ra cách tiếp cận mới mang tên “văn hóa và nhân cách” trong nghiên cứu văn hóa. Từ đó để thấy rằng, các chuyên ngành khoa học xã hội không nhất thiết phủ định lẫn nhau, trái lại, có thể từ sự khác biệt hướng đến những kết quả nghiên cứu mới.
#Bronislaw Malinowski #Nghiên cứu văn hóa #Nhân học #Phân tâm học #Sigmund Freud
TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN CƠ CẤU CÂY TRỒNG Ở TỈNH TUYÊN QUANG
Hiện nay biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, các tác động của biến đổi khí hậu mang lại những hậu quả nặng nề. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của sự biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Việt Nam là nước nông nghiệp, nên tác động của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng rất lớn tới cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói chung, cơ cấu cây trồng nói riêng, tác động nghiêm trọng tới năng suất, chất lượng của cây trồng. Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, tình hình kinh tế nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Bài viết này đề cập đến tác động của biến đổi khí hậu đến cơ cấu cây trồng ở tỉnh Tuyên Quang, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
#Biến đổi khí hậu #Cơ cấu cây trồng #Tác động của biến đổi khí hậu #Kinh tế nông nghiệp
Tổng số: 100
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 10