Vai trò của phẫu thuật nội soi trong điều trị lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng tại Bệnh viện Trung ương Huế

Tạp chí Phụ Sản - Tập 14 Số 3 - Trang 102-105 - 2016
Nguyễn Văn Tuấn1, Trần Minh Thắng2, Hồ Thị Phương Thảo2, Đinh Thị Phương Minh2, Hoàng Trọng Phước2
1Trường Cao đẳng Y Tế Thừa Thiên Huế

Tóm tắt

Mục tiêu: Xác định vai trò của phẫu thuật nội soi trong chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang có theo dõi. Chúng tôi nghiên cứu 132 bệnh nhận được chẩn đoán trước mổ là lạc nội mạc tử cung từ tháng 08/2012 đến 12/2014. Kết quả: Thống kinh chiếm 80,3%, đau vùng chậu 71,2%, đau khi giao hợp 56,1%, vô sinh 46,2%, tử cung dính 64,4%, u buồng trứng 1 bên 92,4%, u buồng trứng 2 bên 7,6%. Nồng độ CA12.5 huyết thanh trung bình 69,2 ± 33,1, kích thước khối u trung bình qua siêu âm 47,7 ± 5,8 mm. Nội soi chẩn đoán có độ nhạy 98,3 %, độ đặc hiệu 68,8 %, giá trị tiên đoán dương tính 95,8 %, giá trị tiên đoán âm tính 84,6 %.Bóc khối u LNMTC bảo tồn buồng trứng 83,2 %, cắt khối u lạc 16,8 %. Thời gian phẫu thuật trung bình 55, 7 ± 13,2 phút. Thời gian hậu phẫu trung bình 5,1 ± 1,1 ngày. Sau phẫu thuật: Giảm thống kinh 96,2 % trường hợp, giảm đau khi giao hợp 79,7 %, có thai tự nhiên sau phẫu thuật 31,8 %. Biến chứng trong và sau phẫu thuật là 3,8 %. Kết luận: Phẫu thuật nội soi trong bệnh lý LNMTC là phương pháp chẩn đoán và điều trị có hiệu quả với tính an toàn cao.  

Từ khóa

#Lạc nội mạc tử cung #phẫu thuật nội soi