Thu nhập và sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh trong đại dịch Covid-19: Nghiên cứu cắt ngang

Đặng Minh Xuân1, Phạm Văn Hậu2, Trần Thị Diệu1, Nguyễn Minh Ngọc1
1Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh_Cơ sở 2

Tóm tắt

Mục tiêu: Khảo sát ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với thu nhập và sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế tại bệnh viện Nhi Đồng 2, Tp. Hồ Chí Minh. Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang bằng bộ câu hỏi có cấu trúc khảo sát online vào tháng 02/2022. Kết quả: Nghiên cứu khảo sát 506 NVYT đang công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong đó có 76,48% nữ giới và 23,52% nam giới. 45,85% NVYT có thu nhập trung bình hàng tháng giảm từ 20 – 40%, 43,28% NVYT có thu nhập trung bình hàng tháng giảm từ 40 – 60%, 6,52% NVYT có thu nhập trung bình hàng tháng giảm 60 – 80%, 2,96% NVYT có thu nhập trung bình hàng tháng giảm < 20%, 0,79% NVYT có thu nhập trung bình hàng tháng giảm ≥ 80% và 0,59% NVYT thu nhập trung bình hàng tháng không thay đổi. Tỷ lệ giảm thu nhập của NVTY trong thời gian Tp. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội bị ảnh hưởng bởi trình độ chuyên môn, học vị và tình trạng nhà/khu phố NVYT đang sống có bị phong tỏa hay không. Tỷ lệ NVYT có tình trạng sức khỏe tâm thần bất thường chung là 17,19%, trong đó 9,88% NVYT trầm cảm, 14,23% NVYT có tình trạng lo âu và 4,55% NVYT có tình trạng stress. NVYT đang mắc bệnh hoặc cảm thấy bị kỳ thị về nghề nghiệp của mình có xác suất có các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn những NVYT khác. Kết luận: Hầu hết nhân viên y tế có thu nhập trung bình hàng tháng giảm từ 20% trở lên so với trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, trong đó thu nhập trung bình hàng tháng của NVYT giảm từ 20 – 40% chiếm 45,85%, thu nhập giảm từ 40 – 60% chiếm 43,28% NVYT. Tỷ lệ NVYT có tình trạng sức khỏe tâm thần bất thường chung là 17,19%, Trong đó 9,88% NVYT trầm cảm, 14,23% NVYT có tình trạng lo âu, 4,55% NVYT có tình trạng stress.

Từ khóa

#Tác động thu nhập #tác động sức khỏe tâm thần #đại dịch COVID-19