Nghiên cứu sử dụng nước thải biogas trồng bắp (Zea mays L.)
Tóm tắt
“Nghiên cứu sử dụng nước thải biogas trồng bắp (Zea mays L.)” được thực hiện nhằm tận dụng dinh dưỡng của nước thải biogas như phân hữu cơ dạng lỏng thay thế phân hóa học góp phần giảm lượng nước tưới, hạn chế lượng nước thải biogas xả trực tiếp ra thủy vực tiếp nhận và giảm chi phí trong canh tác bắp. Thí nghiệm trong chậu gồm 4 nghiệm thức: phân hóa học, nước thải biogas tỷ lệ 100%, 75% và 50% nhằm chọn tỷ lệ nước thải biogas hợp lý cho thí nghiệm ngoài đồng. Thí nghiệm ngoài đồng được bố trí với 3 nghiệm thức: phân hóa học (đối chứng), nước thải biogas hàm lượng đạm 75%, và nước thải biogas hàm lượng đạm 50%. Kết quả cho thấy chiều cao cây, chiều dài trái bắp, đường kính trái bắp, khối lượng trái, số hàng trên trái, số hạt trên trái và năng suất cây bắp ở nghiệm thức nước thải biogas hàm lượng đạm 75% khác biệt không có ý nghĩa so với nghiệm thức đối chứng. Sử dụng nước thải biogas trồng bắp giúp giảm 35 L/m2 nước thải biogas với hàm lượng đạm 75% thải ra môi trường, tận dụng 18,7 g/m2 đạm, 4,47 g/m2 lân và 6,42 g/m2 kali, giảm chi phí phân bón hóa học 1.147 VNĐ/m2 và chi phí thuốc bảo vệ thực vật 500 VNĐ/m2. Đề tài khuyến khích nông hộ có mô hình khí sinh học sử dụng nước thải biogas thay thế phân hóa học canh tác cây bắp.