Nghiên cứu chiết xuất cao ớt từ quả ớt (CAPSICUM FRUTESCENS L.) trồng tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp

Tô Hoàng Thít1, Nguyễn Thị Kim Ngọc1
1Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp

Tóm tắt

Mặt dù có nhiều tiềm năng sử dụng trong điều trị giảm đau, nhưng sản phẩm từ quả ớt ở Đồng Tháp vẫn chưa được chú trọng nghiên cứu chiết xuất để phục vụ cho điều chế các dạng thuốc dùng tại chỗ. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định một số thông số trong quy trình chiết xuất cao ớt và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của cao ớt được chiết xuất từ quả ớt. Bột ớt có nguồn gốc từ quả ớt được trồng tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp được sử dụng để chiết xuất cao ớt. Bột ớt được tiến hành chiết xuất theo mô hình thực nghiệm D-Optimal, được thiết kế bởi phần mềm Design-Expert. Dịch chiết từ mô hình thực nghiệm được tiến hành kiểm nghiệm về hàm lượng capsaicin. Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng capsaicin là dữ liệu đầu vào cho quá trình phân tích liên quan nhân quả và tối ưu hóa bởi phần mềm Modde 5.0. Nghiên cứu đã cho kết quả phương pháp chiết xuất cao ớt như sau: Chiết xuất theo phương pháp ngấm kiệt, nhiệt độ phòng, kích thước bột ớt là 1 mm, dung môi là ethanol 90%, tỷ lệ ethanol 90%/bột ớt là 6:1 (mL/ g), thời gian chiết là 6 giờ. Nghiên cứu cũng xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của cao ớt bao gồm các chỉ tiêu cảm quan, độ mất khối lượng do làm khô, độ tro toàn phần, định tính, định lượng, giới hạn nhiễm khuẩn. Cao ớt đạt tiêu chuẩn cơ sở là nguồn nguyên liệu tiềm năng để nghiên cứu điều chế các sản phẩm chứa capsaicin có tác dụng giảm đau.

Từ khóa

#cao ớt #capsaicin #chiết xuất #tiêu chuẩn cơ sở