Nghiên cứu xây dựng danh mục tương tác thuốc trong điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ năm 2020

Tóm tắt

Mục tiêu: Xây dựng danh mục tương tác thuốc có ý nghĩa lâm sàng trong đơn thuốc điều trị ngoại trú và tìm hiểu các yếu tố liên quan đến tương tác thuốc. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả, cắt ngang trên 1.210 đơn thuốc của 1.210 bệnh nhân (BN) điều trị ngoại trú từ 01/6 - 01/12/2020. Kết quả: Đặc điểm tình hình sử dụng thuốc: Số lượt thuốc được kê đơn là 3.424, số thuốc trung bình trong một đơn thuốc là 3,28 ± 0,851 (dao động từ 2 - 6 thuốc); số đơn thuốc có 2 - 3 thuốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 731 đơn (60,4%,), 474 đơn thuốc (39,2%) có 4 - 5 thuốc, ≥ 6 thuốc chiếm tỷ lệ thấp nhất (5 đơn, 0,4%); nhóm thuốc được kê đơn nhiều nhất là nhóm thuốc kháng histamine (32%), nhóm kháng sinh (21,3%), nhóm corticoid (18,1%), nhóm thuốc tiêu hóa (11,2%). Ghi nhận 13 cặp tương tác thuốc được đồng thuận bởi 3 cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu. Tỷ lệ đơn thuốc xuất hiện các tương tác thuốc là 16,28%; số đơn có 1 tương tác thuốc chiếm tỷ lệ cao nhất (95,94%) và chỉ có 1 đơn thuốc (0,5%) có 5 tương tác; cặp tương tác thuốc xuất hiện với tần suất nhiều nhất là kháng sinh nhóm cephalosporin và thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng H2 (11,82%); tiếp theo là tương tác giữa kháng sinh nhóm quinolone và corticoid (1,98%); kháng nấm itraconazole và corticoid (0,99%); số cặp tương tác theo cơ chế dược lực học (8 cặp, 53,3%), nhiều hơn số cặp tương tác theo cơ chế dược động học (7 cặp, 46,7%). Tương tác dược lực học và dược động học chiếm lần lượt 21,43% và 78,57% tổng số lượt tương tác thuốc. Không có mối liên quan về giới tính, tuổi của BN và khả năng xảy ra tương tác thuốc (p > 0,05), nhưng có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa số lượng thuốc sử dụng trong đơn thuốc và khả năng xảy ra tương tác thuốc (p < 0,05). Kết luận: Góp phần nâng cao tính an toàn, hợp lý trong sử dụng thuốc, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến cố bất lợi do tương tác thuốc trên BN tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ. * Từ khóa: Danh mục tương tác thuốc; Ngoại trú.