MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA ĐƯỜNG KÍNH TĨNH MẠCH CHỦ DƯỚI TRÊN SIÊU ÂM VÀ ÁP LỰC TĨNH MẠCH TRUNG TÂM Ở BỆNH NHÂN SỐC
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Sốc là tình trạng rối loạn huyết động nghiêm trọng thường gặp ở bệnh nhân nguy kịch, đòi hỏi các biện pháp đánh giá dịch nhanh để hướng dẫn điều trị. Bên cạnh áp lực tĩnh mạch trung tâm, đường kính tĩnh mạch chủ dưới trên siêu âm là một phương pháp đánh giá tình trạng dịch không xâm lấn, có ích trên bệnh nhân sốc. Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát các chỉ số đường kính tĩnh mạch chủ dưới siêu âm và áp lực tĩnh mạch trung tâm ở bệnh nhân sốc, đồng thời khảo sát mối tương quan giữa đường kính tĩnh mạch chủ dưới trên siêu âm và áp lực tĩnh mạch trung tâm. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 53 bệnh nhân sốc từ tháng 3/2020-3/2021 tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ. Kết quả: Có 84,9% bệnh nhân thở máy. 49,1% bệnh nhân có CVP lớn hơn 12cmH2O, 15,1% dưới 8cmH2O Áp lực tĩnh mạch trung tâm trung bình =13,6±6,21cmH2O. Trung bình đường kính tĩnh mạch chủ dưới lớn nhất là 17,0±3,92mm, nhỏ nhất 13,8±4,70mm. Chỉ số xẹp tĩnh mạch chủ dưới trung bình CI-IVCD% là 20,2±15,73%. Các chỉ số đường kính tĩnh mạch chủ dưới lớn nhất, nhỏ nhất và trung bình đều có mối tương quan thuận với CVP, p<0,001. Chỉ số xẹp tĩnh mạch chủ dưới CI-IVCD% có mối tương quan nghịch với CVP, p=0,008. Chỉ số xẹp tĩnh mạch chủ dưới có giá trị tốt nhất để dự đoán mức CVP dưới 8 cmH2O trong số các chỉ số đo trên siêu âm tĩnh mạch chủ dưới, với AUC=0,836; p<0,003. Kết luận: đường kính tĩnh mạch chủ dưới đo bằng siêu âm có mối tương quan tốt với CVP, trong đó chỉ số xẹp tĩnh mạch chủ dưới có giá trị tốt nhất để dự đoán tình trạng thiếu dịch.