Kiến thức về sử dụng kháng sinh và sự đề kháng kháng sinh của người dân phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

Tóm tắt

Mục tiêu: Khảo sát kiến thức về sử dụng kháng sinh và sự đề kháng kháng sinh của người dân tại phường Hòa Hải, Thành phố Đà Nẵng. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả, cắt ngang trên 400 người dân phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng từ tháng 10/2020 - 5/2021. Kết quả: Phần lớn người dân cho rằng bệnh lý được điều trị bằng kháng sinh là cảm cúm, sổ mũi (76,8%), ho (52,5%) và bệnh nhiễm trùng (35,5%). 99% hiểu đúng cho rằng nước lọc được dùng để uống thuốc kháng sinh. Kiến thức của người dân hiểu đúng về đợt điều trị kháng sinh từ 3 ngày - ít hơn 5 ngày chiếm 50,4%; từ 7 - 10 ngày chiếm 3,1%. Về cách xử lý khi quên uống thuốc, 88,3% hiểu đúng cho rằng vẫn giữ nguyên liều. Tỷ lệ người dân đi khám bác sĩ khi dùng thuốc không hiệu quả tương đối cao (74,9%). Việc thiếu hiểu biết về đề kháng kháng sinh chủ yếu gây tốn kém chi phí điều trị (70,4%). 78% người dân lựa chọn biện pháp hạn chế đề kháng kháng sinh là mua thuốc kháng sinh phải có đơn bác sĩ. Kết luận: Người dân phường Hòa Hải có kiến thức đúng về loại nước dùng để uống thuốc kháng sinh và cách xử lý khi quên uống thuốc. Người dân lựa chọn biện pháp hạn chế đề kháng kháng sinh đúng đắn là mua thuốc kháng sinh phải có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa có kiến thức đúng về bệnh lý điều trị và thời gian đợt điều trị kháng sinh.

Từ khóa

#Kháng sinh #Sử dụng Kháng sinh #Đề kháng kháng sinh