HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT CỦA SẢN PHẨM GẠO LỨC NẢY MẦM TRÊN NGƯỜI MẮC HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA 55-70 TUỔI TẠI BẮC NINH

Trương Tuyết Mai1, Cao Thị Thu Hương1, Trần Thị Thu Trang1

Tóm tắt

Mục tiêu: Nghiên cứu tiến hành trên 86 đối tượng mắc hội chứng chuyển hóa 55-70 tuổi tại thành phố Bắc Ninh nhằm đánh giá sự thay đổi các chỉ số đường huyết, HbA1c, chỉ số Insulin và HOMA – Insulin (HOMA – IR) trên bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa sau khi sử dụng gạo lức nảy mầm liên tục trong 12 tuần. Phương pháp: Thử nghiệm lâm sàng có đối chứng. Nhóm can thiệp (sử dụng gạo lức nảy mầm 100 g/bữa và ăn 2 bữa hàng ngày liên tục trong 12 tuần) và nhóm chứng (không sử dụng gạo lức nảy mầm). Đối tượng được lấy máu tĩnh mạch để xác định chỉ số đường huyết, HbA1c, chỉ số Insulin và HOMA – IR trước và sau can thiệp. Kết quả: Sau can thiệp, nồng độ glucose máu của nhóm can thiệp giảm nhiều hơn so với nhóm chứng (0,7 mmol/L so với 0,1 mmol/L; p<0,05). Nồng độ HbA1c và chỉ số HOMA – IR của nhóm can thiệp đã giảm xuống thấp hơn so với ban đầu và so với nhóm chứng (p<0,05). Tỷ lệ đối tượng có glucose máu > 5,6 mmol/L có xu hướng giảm nhiều hơn ở nhóm can thiệp, từ 47,5% xuống còn 30,0% (p> 0,05) và ở nhóm chứng là 45,0% và 40,0% (p>0,05). Tỷ lệ đối tượng có HbA1c ≥ 5,6% cũng đã giảm nhiều hơn ở nhóm can thiệp (từ 42,5% xuống 30,0%) khi so với nhóm chứng. Kết luận: Gạo lức nảy mầm có thể được xem là sản phẩm tiềm năng trong việc hỗ trợ phòng và điều trị các triệu chứng của hội chứng chuyển hóa ở người cao tuổi.

Từ khóa

#Gạo lức nảy mầm #đường huyết #hội chứng chuyển hóa

Tài liệu tham khảo