So sánh kết quả chuyển phôi nang nguyên bội giữa nhóm bệnh nhân có tuổi mẹ thấp và tuổi mẹ cao tại hệ thống IVF Mỹ Đức

Tạp chí Phụ Sản - Tập 21 Số 4-5 - Trang 121-125 - 2023
Trương Văn Hải1, Nguyễn Thị Thủy Tiên1, Nguyễn Quỳnh Như1, Đỗ Thị Linh1, Nguyễn Cao Trí2
1IVF Mỹ Đức Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột
2Trung tâm nghiên cứu HOPE, Bệnh viện Mỹ Đức

Tóm tắt

Mục tiêu: So sánh kết quả chuyển đơn phôi nang nguyên bội giữa nhóm bệnh nhân có tuổi mẹ thấp (< 35 tuổi) và tuổi mẹ cao (≥ 35 tuổi) tại hệ thống IVF Mỹ Đức. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu thực hiện trên 208 bệnh nhân thỏa mãn điều kiện: có chỉ định thực hiện PGT-A, chuyển đơn phôi nang nguyên bội, và nội mạc tử cung > 7 mm vào ngày chuyển phôi, chia làm 2 nhóm: (i) nhóm tuổi mẹ < 35 tuổi (N =128) và nhóm tuổi mẹ ≥ 35 tuổi (N = 80). Nghiên cứu đánh giá tỷ lệ thụ tinh, phát triển phôi và kết quả chuyển phôi nang nguyên bội giữa 2 nhóm tuổi. Kết quả: Số lượng noãn thu nhận sau chọc hút, số hợp tử thụ tinh, hiệu quả phát triển phôi nang và số lượng phôi nang tốt ở nhóm bệnh nhân < 35 tuổi cao hơn so với nhóm ≥ 35 tuổi. Kết quả lâm sàng sau khi chuyển phôi giữa 2 nhóm bệnh nhân có tuổi mẹ < 35 tuổi và ≥ 35 tuổi không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê. So sánh lần lượt ở nhóm tuổi mẹ < 35 và nhóm ≥ 35: tỷ lệ beta hCG dương là 77,6% so với 78,4% (p = 0,95); tỷ lệ thai lâm sàng 67,8% so với 72,7% (p = 0,509); tỷ lệ trẻ sinh sống 42,8% so với 43,2% (p = 0,624); tỷ lệ sảy thai là 8% so với 7,95% (p = 0,95). Kết luận: Kết quả chuyển đơn phôi nguyên bội thông qua tỷ lệ Beta HCG dương, thai lâm sàng và thai diễn tiến không có khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm, với độ tin cậy 95%.

Từ khóa

#tuổi mẹ cao #xét nghiệm di truyền tiền làm tổ xác định thể lệch bội (PGT-A)