Phân tích khía cạnh kỹ thuật và hiệu quả tài chính của mô hình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với cua biển (Scylla paramamosain) ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau
Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 8-12/2014, thông qua phỏng vấn trực tiếp 40 hộ nuôi tôm sú kết hợp với cua biển ở huyện Năm Căn,tỉnh Cà Mau.Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả tài chính của mô hình nuôi và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của mô hình.Kết quả cho thấy, diện tích trung bình của các hộ nuôi 1,5 ha/ao, mương bao chiếm 28,6%, độ sâu mực nước ở mương 1,1 m và trảng là 0,5 m.Số lần thả tôm giống và cua trong năm lần lượt là 5,8 và 4,6 lần;tương ứng với mật độ tôm là 19,0 con/m2 và cua là 0,5 con/m2. Năng suất trung bình của tôm sú,cua, tôm tự nhiên và cá lần lượt là: 365; 76,9; 109 và 40,3 kg/ha/năm. Trung bình tổng chi phí của mô hình nuôi 26,6 triệu đồng/ha/năm; tổng thu nhập bình quân 118,8 triệu đồng/ha/năm; lợi nhuận đạt 91,3 triệu đồng/ha/năm và tỷ suất lợi nhuận tương ứng là 3,7. Có 3 yếu tố tác động làm tăng hiệu quả của mô hình nuôi gồm: (i) sử dụng chế phẩm sinh học; (ii) thả tôm không vượt quá 8 lần/năm và (iii) thả cua không nhiều hơn 3 lần/năm. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở cho việc khuyến cáo các hộ nuôi tôm sú kết hợp với cua biển ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.