ẢNH HƯỞNG CỦA BÓN ĐẠM, LÂN, KALI KẾT HỢP BÃ BÙN MÍA LÊN SINH TRƯỞNG, ĐỘ BRIX VÀ NĂNG SUẤT CỦA CÂY MÍA ĐƯỜNG TRÊN ĐẤT PHÙ SA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Tóm tắt
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định ảnh hưởng của bón NPK và bón bã bùn mía (BBM) lên sinh trưởng, độ Brix, năng suất và hiệu quả nông học của cây mía trên đất phù sa. Thí nghiệm 1 gồm các nghiệm thức NPK, NP, NK và PK kết hợp với 10 tấn/ha bã bùn mía, và thí nghiệm 2 gồm 2 nghiệm thức NPK-BBM và NPK-KBBM được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên trên đất phù sa ở Cù Lao Dung ? Sóc Trăng và Long Mỹ - Hậu Giang. Kết quả thí nghiệm cho thấy bón đạm giúp gia tăng chiều cao cây mía và đường kính thân cây mía. Hiệu quả nông học của N, P, K được ghi nhận là đạm > lân > kali. Trên đất phù sa Sóc Trăng, hiệu quả nông học đạt được là 227 kg mía/kgN; 186 kg mía/kg P2O5 và 78 kg mía/kg K2O. Trong khi hiệu quả nông học trên đất phù sa ở Long Mỹ là 160 kg mía/kgN, 107 kg mía/kg P2O5 và 48 kg mía/kg K2O. Bón NPK có kết hợp bón bã bùn mía đưa đến năng suất mía đạt 159 - 179 tấn/ha, với mức tăng năng suất mía đường của dưỡng chất của N, P và K được ghi nhận theo thứ tự là 48,14-68,22; 13,42-23,31 và 9,75-15,70 tấn mía/ha. Hiệu quả của bón bã bùn mía giúp gia tăng chiều cao cây mía và năng suất mía trên đất phù sa ở hai địa điểm nhưng chỉ tăng đường kính cây ở Cù Lao Dung và tăng độ brix mía đường ở Long Mỹ.