Can thiệp Tim bẩm sinh tại Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai: kết quả sau 2 năm nhìn lại 2015-2016
Tóm tắt
Giới thiệu: Số lượng bệnh nhân mắc tim bẩm sinh được can thiệp bằng đường ống thông ngày càng tăng ở Việt Nam.
Mục tiêu: Nghiên cứu chúng tôi nhằm báo cáo kết quả, hiệu quả và biến chứng can thiệp bằng ống thông cho bệnh nhân tim bẩm sinh tại Viện Tim mạch Việt Nam 2015-2016.
Phương pháp: Chúng tôi tuyển chọn 1265 bệnh nhân (tuổi trung bình: 25,8 ± 17.0; nhỏ nhất 6 tháng tuổi, cao nhất 76 tuổi) có bệnh tim bẩm sinh mà được thực hiện can thiệp qua da từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2016. Toàn bộ dữ liệu lâm sàng được thu thập hồi cứu dựa trên dữ liệu bệnh viện và bệnh án bệnh nhân.
Kết quả: Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận gồm 1265 ca can thiệp TBS/22.416 ca nhập viện nội trú (5,64%), trong đó chủ yếu là thông liên nhĩ (TLN), thông liên thất (TLT) và ống động mạch (ÔĐM), cụ thể như sau: 499 ca TLN (39,6%), 158 ca TLT (12,5%), 251 ca CODM (19.8%), 52 ca hẹp van động mạch phổi và 7 ca nong van ĐMC.
Thủ thuật can thiệp thành công trên 1194/1265 ca (94,4%). Biến chứng sớm chính xảy ra ở 71 ca (5,6%), trong đó bao gồm 52 ca rối loạn nhịp, 10 ca đái máu, 1 ca ép tim do tràn máu màng ngoài tim cấp và 2 ca di lệch dụng cụ (1 TLT, 1 TLN). Biến chứng khác là shunt tồn lưu nhỏ ở 6 ca TLT, TLN. Thời gian theo dõi sau can thiệp là 3 ngày. Chúng tôi không ghi nhận tắc mạch não, nhồi máu cơ tim, và tử vong trong quá trình can thiệp cũng như thời gian theo dõi.
Kết luận: Phương pháp can thiệp bằng ống thông theo đường dưới da cho bệnh nhân tim bẩm sinh là hiệu quả và an toàn trong đại đa số các ca. Tỷ lệ biến chứng sớm sau can thiệp là 5,6%.
Từ khóa: Bệnh tim bẩm sinh, biến chứng sớm sau can thiệp, can thiệp tim bẩm sinh.