Ảnh hưởng của hạt cốt liệu nhẹ tái chế từ phế thải phá dỡ công trình xây dựng đến một số tính chất cơ lý của bê tông nhẹ

Nguyễn Công Thắng1, Nguyễn Hùng Phong2, Nguyễn Văn Tuấn1, Phan Huy Tùng3, Lê Ngọc Lan4
1Khoa Vật liệu Xây dựng, Đại học Xây dựng, số 55 đường Giải Phóng, Hà Nội, Việt Nam
2Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Đại học Xây dựng, số 55 đường Giải Phóng, Hà Nội, Việt Nam
3Cục Quản lý Xây dựng và Doanh trại, Bộ Công An, 47 đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, Việt Nam
4Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Km 10, đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, Việt Nam

Tóm tắt

Trong những năm gần đây ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân đó là do phế thải xây dựng từ các công trình. Việc tái sử dụng phế thải phá dỡ công trình xây dựng là một xu hướng tất yếu, xu hướng phát triển bền vững mà các quốc gia đang hướng đến. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu thực nghiệm về việc chế tạo bê tông nhẹ sử dụng hạt cốt liệu nhẹ chế tạo từ phế thải phá dỡ công trình xây dựng với thành phần gạch và vữa xây, sau đó đánh giá đặc trưng cơ lý quan trọng của loại bê tông này là cường độ chịu nén. Kết quả thực nghiệm cho thấy từ các hạt cốt liệu nhẹ chế tạo từ phế thải khối vữa xây (gồm gạch và vữa) có thể tạo ra được loại bê tông nhẹ có khối lượng thể tích nhỏ hơn 1800 kg/m3 với cường độ chịu nén có thể đạt tới 20 MPa ở tuổi 28 ngày và đạt trên 25 MPa ở tuổi 90 ngày. Loại bê tông này có thể sử dụng làm bê tông nhẹ chịu lực cho công trình xây dựng, đem lại lợi ích cho công trình đồng thời giúp giải quyết những vấn đề do PTXD sinh ra, lại giúp giảm bớt việc sử dụng quá tải các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Từ khóa: bê tông nhẹ; phế thải phá dỡ công trình xây dựng; hạt cốt liệu nhẹ; khối lượng thể tích; cường độ chịu nén; hệ số phẩm chất.

Từ khóa


Tài liệu tham khảo