Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

Công bố khoa học tiêu biểu

* Dữ liệu chỉ mang tính chất tham khảo

Sắp xếp:  
NHÂN VẬT NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN – TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI
Ta Thi Thuy
Mạc Ngôn được xem là một trong những “hiện tượng” của văn học Trung Quốc và văn học thế giới, ông đã xây dựng trong tiểu thuyết của mình một thế giới nhân vật liên văn hóa độc đáo, mới lạ. Trong thế giới nhân vật đa tầng ấy, không thể không nhắc đến nhân vật người phụ nữ - kiểu nhân vật được nhà văn gửi gắm nhiều tâm huyết. Nhân vật người phụ nữ rải hầu khắp các tác phẩm của Mạc Ngôn và tạo được ấn tượng mạnh mẽ với sức hút lâu bền. Sức hút ấy được tạo ra chính bởi sự kết hợp hài hòa, uyển chuyển giữa các yếu tố văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Ở đó, nhân vật vừa ảnh hưởng văn hóa truyền thống Trung Hoa nhưng cũng rất hiện đại về tư duy, tân kỳ về suy nghĩ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi vào tìm hiểu sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại ở nhân vật người phụ nữ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, từ đó thấy được sự độc đáo trong xây dựng nhân vật của nhà văn.
#Mo Yan; novel; tradition; modernity; women.
NHẬN DIỆN MẠNG LƯỚI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN VÙNG TÂY NGUYÊN HIỆN NAY
Tran Thi Mai An
Tây Nguyên là địa bàn cư trú của 49/54 tộc người của Việt Nam, trong đó có 12 tộc người thiểu số tại chỗ có sắc thái văn hóa riêng/đặc sắc. Trong bối cảnh hội nhập, chia sẻ thông tin như hiện nay, việc thiết lập một mạng lưới các nhà khoa học xã hội nghiên cứu về Tây Nguyên có tính tương tác là nhu cầu rất cần thiết nhằm hướng đến sự hiệu quả hơn trong nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu mang tính ứng dụng. Bằng phương pháp tổng hợp và phân tích từ các công trình nghiên cứu về Tây Nguyên, bài viết này chia sẻ cách nhìn về việc cần thiết thành lập một mạng lưới nghiên cứu xã hội về Tây Nguyên, cũng như chỉ ra một số cơ sở hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển hoạt động của mạng lưới tương tác này trong bối cảnh hiện nay.
#Central Highlands; social sciences; network; development; researcher
THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 VÀ SỰ TIẾP NỐI CỦA CÁI TÔI TRỮ TÌNH TỪ “GÓC SÂN" ĐẾN "KHOẢNG TRỜI"
Ho Thi Thu Thanh
Trần Đăng Khoa là một hiện tượng của thơ ca đương đại Việt Nam. Trước 1975, Trần Đăng Khoa được biết đến như một thần đồng. Sau 1975, Trần Đăng Khoa trở thành người lính làm thơ. Có thể nhận ra trong thơ Trần Đăng Khoa một cái tôi trữ tình tiếp tục mạch thơ từ “góc sân” đến “khoảng trời”. Đó là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển từ cái tôi trẻ thơ sang cái tôi trưởng thành nhưng vẫn là một sự nhất quán, liền mạch ở những đặc điểm tiêu biểu nhất: Một cái tôi chân chất, đằm sâu, dung dị, biết không để cho mình lặp lại chính mình nhưng cũng không đánh mất mình. Cái tôi ấy chỉ có một nơi để ra đi và để trở về - ấy là quê hương và mẹ, nơi bao bọc tuổi thơ và chắp cánh ước mơ vươn đến những khoảng trời cao rộng. Đi qua thời gian, chứng kiến những đổi thay, biến động, cái tôi ấy vẫn dạt dào tình đất nước, vẫn bay bổng cảm hứng sử thi khi nghĩ về Tổ quốc. Tất cả đã làm nên sức hẫp dẫn và vẻ đẹp của thơ Trần Đăng Khoa trong giai đoạn sau 1975.
#Tran Dang Khoa #child prodigy
NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ YẾU TỐ ĐẾN QUÁ TRÌNH ĐIỀU CHẾ SIO2 TỪ VỎ TRẤU
Nguyen Van Binh, Le Tu Hai
Ảnh hưởng của một số yếu tố đến quá trình điều chế SiO2 từ tro trấu, thu được sau khi đốt vỏ trấu ở 800oC, đã được nghiên cứu như ảnh hưởng của nồng độ NaOH, tỉ lệ rắn/lỏng, nhiệt độ và thời gian phản ứng. Điều kiện tối ưu để điều chế silic đioxit từ tro trấu là nồng độ NaOH  5,0 M; tỉ lệ rắn/lỏng: 1 gam tro trấu/20 ml dung dịch NaOH 5,0 M; nhiệt độ 1000C; thời gian phản ứng 4 giờ. Cấu trúc tế vi, dạng tinh thể, diện tích bề mặt của SiO2 được khảo sát bằng phương pháp phổ hồng ngoại, ảnh hiển vi điện tử quét, phổ nhiễu xạ tia X và đo hấp phụ BET. Kết quả đo phổ hồng ngoại cho thấy xuất hiện liên kết của nhóm silanol tự do (Si-O-H) và nhóm siloxan (Si-O-Si). Phổ nhiễu xạ tia X và hấp phụ BET cho thấy SiO2 điều chế từ vỏ trấu có cấu trúc vô định hình và diện tích bề mặt 108,96 m2/g.
#Rice husk #rice husk ash #silica #absorption #environment
YẾU TỐ TỰ TRUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT “HOA BƯƠM BƯỚM” VÀ “NGƯỜI VỀ ĐẦU NON” CỦA VÕ HỒNG
Nguyen Van Tong
Võ Hồng là một trong những gương mặt khá quen thuộc của văn học đô thị miền Nam từ 1954 - 1975. Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, hình ảnh quê hương xứ sở, nơi ông sinh ra luôn là một trong những yếu tố không thể thiếu để hình thành nên cái nhìn rất riêng của Võ Hồng. Đặc biệt, có những tác phẩm nhà văn đã lấy chất liệu từ chính đời thực của mình để hư cấu thành thế giới nghệ thuật tiểu thuyết. Trong số đó phải kể đến Hoa bươm bướm và Người về đầu non. Đây là hai tiểu thuyết mang đậm yếu tố tự truyện được ông viết ra ở đô thị miền Nam giữa những ngày tháng chiến tranh tàn phá. Dẫu không quá thành công như thể loại truyện ngắn, nhưng những trang tiểu thuyết có yếu tố tự truyện của ông cũng có sức quyến rũ riêng, mang đậm dấu ấn Võ Hồng, một con người suốt cuộc đời nặng nợ với văn chương.
#novel; autobiography; autobiographical charateristic; Vo Hong; The butterfly flower; Back to the mountain.
TỪ CUỘC VIỄN CHINH XÂM LƯỢC ĐẾN VIỆC THÀNH LẬP NHƯỢNG ĐỊA ĐÀ NẴNG CỦA THỰC DÂN PHÁP
Duong Thanh Mung
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên việc tiếp cận các nguồn tư liệu là các thư tín, tài liệu lưu trữ, các công trình chuyên khảo kể từ thời điểm liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam đến khi ký kết sắc lệnh ngày 1/10/1888. Kết quả chỉ ra rằng, từ năm 1858, với các âm mưu thôn tính và thiết lập thuộc địa ở Việt Nam, thực dân Pháp đã liên minh với Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Sau khi đã khuất phục được triều đình nhà Nguyễn, thực dân Pháp nhanh chóng tổ chức quy hoạch và thiết lập nhượng địa tại các khu vực Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đà Nẵng từ một đơn vị hành chính cấp tỉnh dưới triều Nguyễn đã trở thành một khu vực nhượng địa với hệ thống pháp luật, hành chính và quy chế quản lý riêng của chính quyền thực dân Pháp. Với các nội dung đã nêu, bài viết sẽ góp phần làm rõ hơn những khó khăn, thách thức của thực dân Pháp trong buổi đầu xâm lược Việt Nam; đồng thời, chỉ ra những toan tính của thực dân Pháp trong việc ép buộc triều đình nhà Nguyễn ký kết các hiệp ước để từ đó biến Đà Nẵng trở thành vùng đất nhượng địa.
#concessions; aggression; Da Nang; French colonial empire; Vietnam.
MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG NGỮ NGHĨA CỦA TỪ HÁN VIỆT TRONG TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI
Hoang Hoai Thuong
Do hoàn cảnh địa lí và điều kiện lịch sử, từ gốc Hán nói chung và từ Hán Việt nói riêng được du nhập vào nước ta bằng những con đường khác nhau, trong những thời kì khác nhau, phong phú về số lượng, góp phần tạo nên tính đa dạng của vốn từ tiếng Việt. Từ Hán Việt đã tham gia vào quá trình đồng hoá ngữ nghĩa theo hướng: giữ nguyên nghĩa gốc, thu hẹp nghĩa, mở rộng nghĩa và thay đổi nghĩa hoàn toàn so với nghĩa gốc. Theo thống kê của các nhà ngôn ngữ học, từ Hán Việt chiếm hơn 60% trong vốn từ tiếng Việt và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong từ vựng tiếng Việt. Mặc dù người học được trang bị vốn kiến thức về từ Hán Việt qua các cấp học nhưng trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu chúng tôi vẫn nhận thấy đối với người Việt nói chung và các em sinh viên nói riêng, từ Hán Việt vẫn là rào cản không nhỏ. Vì vậy, nghiên cứu đặc điểm ngữ nghĩa từ Hán Việt sẽ có ý nghĩa tích cực đối với việc dạy học và nghiên cứu từ Hán Việt.
#hiện tượng ngữ nghĩa; từ hán Việt; giữ nguyên nghĩa; mở rộng nghĩa; thay đổi nghĩa.
TỪ LÍ THUYẾT GIAO TIẾP CỦA JACOVSON BÀN VỀ QUY CHIẾU VĂN HOÁ TRONG TIẾP CẬN VĂN BẢN NGHỆ THUẬT
Bui Trong Ngoan
Trong xu hướng ứng dụng các lí thuyết ngôn ngữ học vào hoạt động phân tích diễn ngôn, bài viết hướng đến mục tiêu vận dụng mô hình giao tiếp của Roman Jacovson để phân tích về vai trò của hoàn cảnh văn hoá, lịch sử, xã hội đối với các tín hiệu ngôn ngữ, tín hiệu thẩm mĩ trong quá trình tiếp cận văn bản nghệ thuật. Về phương diện ngữ dụng, hành vi tạo ngôn và hành vi thụ ngôn bao giờ cũng diễn ra thao tác quy chiếu giữa bối cảnh giao tiếp với các yếu tố ngôn ngữ và với nội dung của phát ngôn. Quá trình tiếp cận văn bản nghệ thuật cũng không nằm ngoài quy luật này. Trên cơ sở mô hình giao tiếp được R. Jacovson đề xuất, tác giả bài viết đã xây dựng một quan niệm về việc quy chiếu hoàn cảnh văn hoá, lịch sử, xã hội trong quá trình tiếp nhận văn bản nghệ thuật. Cụ thể hoá quan niệm đó, trong bài viết, người viết đã phân tích khả năng quy chiếu hoàn cảnh văn hoá, lịch sử, xã hội đối với các yếu tố tín hiệu ngôn ngữ, các tín hiệu thẩm mĩ, các nhan đề, các ngữ liệu văn học và đối với hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Ở mỗi mục như vậy, thông qua các ví dụ cụ thể, người viết đã đề xuất cách nhận diện về các giác độ quy chiếu này.
#communicative theory; Jacobson; cultural references; approach; literary texts
NGHIÊN CỨU PHƯƠNG THỨC PHẢN ÁNH SỰ KIỆN LỄ HỘI MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN CỦA BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ VNEXPRESS NHẰM PHỤC VỤ VIỆC QUẢNG BÁ DU LỊCH KHU VỰC
Tran Thi Hoa
Miền Trung - Tây Nguyên (MTTN) là khu vực có hệ thống lễ hội phong phú và độc đáo. Sự phản ánh của báo chí về những sự kiện lễ hội này sẽ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch trong khu vực. Nghiên cứu này tìm hiểu phương thức mà VnExpress - báo mạng điện tử hàng đầu Việt Nam - phản ánh về sự kiện lễ hội MTTN. Nghiên cứu cho thấy VnExpress tuy là báo mạng được người Việt trên khắp năm châu tìm đọc nhưng chưa chú tâm đúng mức đến vùng đất vốn chiếm gần một nửa lãnh thổ Việt Nam và đang sở hữu nhiều di sản thế giới. MTTN được thể hiện trên báo VnExpress như một “miền Trung thiên tai” hơn là một “miền Trung lễ hội”. Các vấn đề về kinh tế, quốc phòng của MTTN  thu hút sự chú ý của VnExpress hơn là những di sản văn hóa.  Kết quả này gợi ý cần phải có những chiến lược PR phù hợp để thúc đẩy sự quảng bá tích cực hơn nữa các sự kiện lễ hội MTTN trên báo chí trong thời gian tới. Nghiên cứu cũng đề xuất mô hình phản ánh của báo chí về sự kiện lễ hội gồm 3 giai đoạn: tiền sự kiện, trong sự kiện và hậu sự kiện.
#Vietnamexpress #Central Region and Highlands #Festival
XÂY DỰNG THANG ĐO ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT CHO HỌC SINH NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ
Ho Tran Ngoc Oanh
Bài báo này trình bày khái niệm năng lực (NL) ngữ pháp tiếng Việt, từ đó xác định quy trình thiết kế thang đo NL ngữ pháp tiếng Việt dành cho học sinh người dân tộc thiểu số (HS DTTS). Việc xác định được chuẩn đánh giá NL ngữ pháp sẽ giúp cho giáo viên (GV) thuận lợi hơn khi truyền thụ kiến thức cho học sinh (HS) và có những phương pháp dạy học phù hợp để có thể phát triển NL người học. Căn cứ tình hình thực tế của việc dạy học tiếng Việt như là ngôn ngữ (NN) thứ 2, chuẩn đánh giá NL ngữ pháp tiếng Việt được chúng tôi mô tả cụ thể thành 6 bậc. NL ngữ pháp được cấu thành từ 3 thành tố: NL nhận diện và phân tích và sử dụng các cấu trúc ngữ pháp; NL nhận diện và phân tích bình diện ngữ nghĩa và ngữ dụng của cấu trúc ngữ pháp; NL vận dụng các cấu trúc ngữ pháp trong những bối cảnh giao tiếp cụ thể,... Mỗi thành tố được cụ thể hoá thành những chỉ số hành vi và bộ các tiêu chí biểu hiện đáp ứng các chỉ số hành vi đó. Thang đo sau khi thiết kế được sử dụng làm căn cứ để xây dựng các công cụ đánh giá NL ngữ pháp của HS DTTS trong dạy học Tiếng Việt.
#Competence; grammar competence; ethnic minority students; teaching second language; scale.
Tổng số: 821   
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 10