Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam

Công bố khoa học tiêu biểu

* Dữ liệu chỉ mang tính chất tham khảo

Sắp xếp:  
Thực trạng nguồn nhân lực và khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của người bệnh tại trạm y tế xã, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng năm 2022.
Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam - Tập 49 Số 2 - Trang 45-49 - 2023
Trần Quang Minh, Trần Thị Minh Tâm, Nông Duy Đông
Mục tiêu: Mô tả thực trạng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trạm y tế xã, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng năm 2022. Mô tả thực trạng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của người bệnh tại trạm y tế xã, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng năm 2022. Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Nghiên cứu được tiến hành trên 350 người đến khám và điều trị tại trạm y tế xã huyện Thạch An tỉnh Cao Bằng và 14 lãnh đạo trạm y tế và 14 cán bộ phụ trách phòng YHCT. Nghiên cứu thực hiện từ tháng 5/2022 đến tháng 10/2022. Kết quả: Nguồn nhân lực tại trạm y tế (TYT), bác sĩ đa khoa chiếm tỷ lệ  21,31%, không có bác sĩ chuyên khoa YHCT (0%), y sĩ đa khoa chiếm số lượng lớn tại các trạm y tế (32,79%). Về vật tư, trang thiết bị y tế tối thiểu tương đối đầy đủ, trang thiết bị y tế về y dược cổ truyền: 100% TYT có máy điện châm và đèn hồng ngoại,…  Người bệnh đến khám tại trạm y tế điều trị bằng YHCT kết hợp YHHĐ chiếm tỷ lệ 42,15%, điều trị bằng YHHĐ chiếm 57,85%. Nhóm bệnh hệ cơ xương khớp và mô liên kết chiếm tỷ lệ đa số (35,71%). Người bệnh mong muốn được sử dụng nhiều hơn các dịch vụ KCB bằng YHCT tại TYT trong tương lai với tỷ lệ 92%. Kết luận: Nguồn nhân lực tại các TYT chưa đảm bảo về số lượng. Chất lượng nguồn nhân lực chuyên khoa YHCT chưa cao. Trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế khá đầy đủ. Trang thiết bị YHCT còn thiếu thốn. Phần lớn người bệnh được khảo sát có nhu cầu và mong muốn được sử dụng nhiều hơn các dịch vụ KCB bằng YHCT tại TYT trong tương lai.
#Thực trạng nguồn lực #khám chữa bệnh y học cổ truyền
Nghiên cứu độc tính cấp và bán trường diễn của cao lỏng Actiso trên thực nghiệm
Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam - Tập 37 Số 4 - Trang 4-10 - 2021
Nguyễn Duy Thuần, Trần Quang Minh, Vũ Việt Hằng, Phạm Văn Tú, Đinh Thị Thu Hằng, Phạm Thị Vân Anh
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá độc tính bán trường diễn của cao lỏng Actiso theo đường uống trên động vật thực nghiệm. Nghiên cứu độc tính bán trường diễn theo hướng dẫn của WHO, chuột cống được uống liên tục cao lỏng Actiso với mức liều 0,2 g/kg/ngày và 1,0 g/kg/ngày trong vòng 4 tuần liên tục. Kết quả cho thấy cao lỏng Actiso khi dùng đường uống liều 0,2 g/kg/ngày và 1,0 g/kg/ngày liên tục trong 4 tuần không ảnh hưởng đến tình trạng chung, thể trọng, các chỉ số huyết học, chức năng gan, thận và mô bệnh học gan, thận trên chuột cống trắng. Như vậy cao lỏng Actiso không gây độc tính bán trường diễn trên động vật thực nghiệm.
#Actiso #bán trường diễn #động vật thực nghiệm.
Nghiên cứu ảnh hưởng của viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha lên chức năng gan, thận chuột cống thực nghiệm
Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam - Tập 36 Số 3 - Trang 23-29 - 2021
Phạm Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Thương, Lê Minh Sắt, Đinh Thị Thu Hằng, Nguyễn Duy Thuần
Mục tiêu: Đánh giá ảnh hưởng của viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha theo đường uống lên chức năng gan, thận chuột cống thực nghiệm. Phương pháp nghiên cứu: Chuột cống trắng được uống liên tục viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha với mức liều 0,39 g/kg/ngày và 1,16 g/kg/ngày trong vòng 4 tuần. Trước lúc uống thuốc, sau 2 tuần và 4 tuần uống thuốc, chuột được đánh giá chức năng gan và chức năng thận. Giải phẫu bệnh gan, thận được đánh giá khi kết thúc nghiên cứu ở tuần thứ 4. Kết quả và bàn luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha liều 0,39 g/kg/ ngày và 1,16 g/kg/ngày dùng đường uống liên tục trong 4 tuần không ảnh hưởng đến hoạt độ AST, hoạt độ ALT, nồng độ bilirubin toàn phần, cholesterol toàn phần, albumin, creatinin trong máu và hình ảnh mô bệnh học gan, thận trên chuột cống trắng ở cả 2 mức liều.
#Viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha #chức năng gan #chức năng thận #chuột cống.
Đánh giá tác dụng của viên nang cứng HCR1 trong điều trị hội chfíng ruột kích thích
Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam - Tập 1 Số đặc biệt 20/11 - Trang 104-108 - 2021
Vũ Nam, Nguyễn Thị Thu Hà, Vũ Thị Thanh
Mục tiêu: Đánh giá tác dụng điều trị của viên nang cứng HCR1 trên bệnh nhân hội chứng ruột kích thích. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp tiến cứu, can thiệp lâm sàng mở, so sánh trước và sau điều trị, chọn mẫu thuận tiện trên 70 bệnh nhân (BN) hội chứng ruột kích thích được điều trị bằng viên nang cứng HCR1 từ tháng 7/2019 đến hết tháng 7/2020 tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an. Các kết quả được đánh giá tại ba thời điểm: ngay sau phẫu thuật, thời điểm ra viện và sau phẫu thuật 3 tháng. Số liệu sau thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0. Kết quả: Tỷ lệ đạt hiệu quả tốt và khá sau điều trị là 88,6%; cải thiện các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, đại tiện phân lỏng nát, đầy chướng bụng, rối loạn tống phân khi đi đại tiện; 92,9% không còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; 82,2% không còn hoặc rối loạn mức độ nhẹ chức năng đại tràng. Viên nang HCR1 có tác dụng cải thiện các chứng trạng Y học cổ truyền, tỷ lệ bệnh nhân đạt kết quả tốt và khá ở thể can khí uất kết cao hơn (91,4%) thể can uất tỳ hư (85,7%).
#Hội chứng ruột kích thích #viên nang cứng HCR1.
Sàng lọc in silico các hợp chất Xanthone có tác dụng ức chế enzym α-glucosidase định hướng điều trị đái tháo đường type 2
Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam - Tập 46 Số 5 - Trang 38-45 - 2022
Lê Thị Hường, Tạ Thị Thu Hằng, Bùi Thanh Tùng, Nguyễn Thị Trà, Trần Hoàng Mai
Xanthone có nhiều tác dụng sinh học khác nhau, bao gồm các đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, gây độc tế bào và ức chế ung thư. α-glucosidase là enzym đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa carbohydrate thành glucose, gây tăng đường huyết trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành đánh giá khả năng ức chế enzym α-glucosidase của 133 hợp chất xanthone định hướng điều trị đái tháo đường bằng phương pháp docking phân tử. Kết quả thu được 4 hợp chất có tiềm năng nhất là mangostanol, isonormangostin, cudraxanthone B và isojacareubin. Vì vậy, đây là các hợp chất có tiềm năng trở thành thuốc điều trị đái tháo đường trong tương lai và cần được nghiên cứu sâu hơn.
#Xanthone #α-glucosidase #đái tháo đường type 2 #docking phân tử #mangostanol #isonormangostin #cudraxanthone B #isojacareubin.
Kiểm nghiệm một số chỉ tiêu chất lượng của viên nén Arterakine lưu hành tại một số tỉnh của Việt Nam
Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam - Tập 34 Số 1 - Trang 19-29 - 2021
Lê Thị Hường Hoa, Nguyễn Thị Minh Thu
Nghiên cứu được tiến hành tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương từ tháng 3 - 11 năm 2019. Tổng số 35 mẫu Arterakine đã được thu thập tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân ở 3 tỉnh của Việt Nam gồm Thanh Hóa, Quảng Trị và Bình Phước. Các mẫu đã được định tính và xác định giới hạn hàm lượng hoạt chất bằng sắc ký lớp mỏng (TLC) theo phương pháp Rechard W.O. Jahnke và định lượng các thành phần hoạt tính bằng phương pháp sắc ký lỏng cao áp (HPLC) theo tiêu chí của nhà sản xuất. Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu đều đạt chỉ tiêu TLC, với vết sắc ký DHA và PQP của mẫu thử và mẫu chuẩn tương đồng nhau về hình dạng, kích thước, cường độ màu sắc và khoảng cách từ tâm vết chấm đến tâm vết sắc đồ. Các giá trị RfDHA (ở khoảng 0,70 ± 0,2) và RfPQP (0,55 ± 0,2) của mẫu thử và mẫu chuẩn tương đương nhau, với sai số ERf của mẫu thử và chuẩn ≤ 5%. Các mẫu đều đạt chỉ tiêu định lượng bằng HPLC với hàm lượng thành phần hoạt tính đều nằm trong giới hạn 90,0-110,0%; cụ thể hàm lượng DHA từ 36,2 - 39,5 mg/viên (tương ứng 90,5 - 98,8%) và PQP từ 300,7 - 319,0 mg/viên (tương ứng 94,0 - 99,7%).
#Arterakine #dihydroartemisinin (DHA) #piperaquin phosphat (PQP) #sắc ký lớp mỏng (TLC) #sắc ký lỏng cao áp (HPLC) #định tính #định lượng.
Đặc điểm lâm sàng y học cổ truyền của đối tượng nhiễm Covid 19 điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang
Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam - Tập 40 Số 7 - Trang 41-45 - 2021
Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Thị Lan
Covid 19 là tên gọi của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) gây ra. Dịch bệnh Covid 19 gây suy giảm nền kinh tế và ảnh hưởng lớn đến đời sống của con người. Y học cổ truyền từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát phòng và điều trị bệnh truyền nhiễm. Do đó, nghiên cứu của chúng tôi tiến hành nhằm đánh giá đặc điểm lâm sàng theo Y học cổ truyền của đối tượng mắc Covid 19, từ đó phân thể bệnh là tiền đề cho việc xây dựng pháp điều trị Y học cổ truyền phù hợp. Tiến hành khảo sát trên 126 đối tượng nghiên tại Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Bắc Giang cho thấy tuổi trung bình là 30 tuổi (nữ cao gấp 3 lần nam); chủ yếu là công nhân đến từ nhiều vùng miền, đều có tiền sử sống trong vùng có dịch; các chứng trạng hay gặp là sốt (54,17%), mệt mỏi (87,96%), ho khan (81,02%), họng khô (51,85%), họng đau (55,56%), miệng khô (54,29%), miệng khát (58,80%), đau đầu (53,79%), rêu lưỡi trắng mỏng (69,91%); thể bệnh hay gặp là “tà tại phế vệ” (93,06%), phần lớn thuộc biểu thực (biểu thực nhiệt 50,46%, biểu thực hàn 45,83%).
#Covid 19 #Y học cổ truyền.
Kết quả chăm sóc người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh năm 2021
Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam - Tập 43 Số 2 - Trang 29-34 - 2022
Nguyễn Thị Anh, Vương Thị Hòa
Mục tiêu: Đánh giá kết quả chăm sóc người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng tại bệnh viện Tuệ Tĩnh năm 2021. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến cứu trên 217 người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng đến khám và điều trị nội trú tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh từ tháng 10 năm 2020 đến hết tháng 9 năm 2021. Người bệnh (NB) tham gia nghiên cứu được thu thập thông tin đặc điểm chung, theo dõi, điều trị và chăm chăm sóc tại bệnh viện. Kết quả chăm sóc được đánh giá dựa theo các tiêu chí: Điểm đau VAS, (Visual Analog Scale), tầm vận động cúi (gấp), tầm vận động ngửa (ưỡn), điểm tàn tật Oswestry (ODI), kết quả chăm sóc. Số liệu sau thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0. Kết quả: Kết quả chăm sóc chung trong nghiên cứu là 70% tốt, 20% khá, 10% trung bình. Sau chăm sóc các nhóm bệnh lý đều có kết quả tốt, gồm: đau lưng cấp 100%; đau lưng mạn 60,4%; đau thắt lưng hông to 70,0% và hội chứng thắt lưng hông có 67,2%. Tỷ lệ không đau đạt 34% và đau nhẹ còn 66,0%. Tầm vận động cúi, ngửa, nghiêng, xoay cột sống thắt lưng có sự cải thiện đáng kể sau chăm sóc tương ứng với 87,0%; 81,3%; 73,3% và 84,0%. Thang điểm ODI có sự cải thiện tốt sau chăm sóc với 76,7% người bệnh trở về bình thường và chỉ còn 23,4% người bệnh có hạn chế vận động nhẹ. Kết luận: Chăm sóc người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng (CSTL) là một yếu tố quan trọng làm giảm các triệu chứng lâm sàng và tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng.
#Thoái hóa cột sống thắt lưng #chăm sóc.
Tổng số: 217   
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 10