Tạp chí Y - Dược học quân sự
Công bố khoa học tiêu biểu
* Dữ liệu chỉ mang tính chất tham khảo
Sắp xếp:
NGHIÊN CỨU TẠO GEL HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU TỪ MÁU ĐỘNG MẠCH DÂY RỐN NGƯỜI
Tạp chí Y - Dược học quân sự - Tập 48 Số 5 - 2023
Mục tiêu: Nghiên cứu điều chế gel huyết tương giàu tiểu cầu (platelet-rich plasma - PRP) từ máu động mạch dây rốn người. Phương pháp nghiên cứu: PRP được thu nhận từ máu động mạch dây rốn và được kích hoạt bằng hỗn dịch kích hoạt tiểu cầu CaCl2 (10%)/Thrombin tỷ lệ ½ (mL) với tỷ lệ thích hợp. Gel PRP sau điều chế được đánh giá chất lượng theo bảng phân loại DEPA của Magalon J. Kết quả: PRP thu được có số lượng tiểu cầu trung bình là 6,5 ± 1,5 × 109 tiểu cầu/mL, cao gấp 8 lần so với máu toàn phần. Tỷ lệ thu hồi tiểu cầu và độ tinh khiết đạt mức chất lượng cao theo bảng phân loại DEPA. Quá trình hoạt hoá đạt chất lượng gần như lý tưởng. Tỷ lệ PRP/CaCl2.(10%)/Thrombin tối ưu là 1/2/5. Kết luận: Điều chế thành công gel PRP từ máu cuống rốn với nồng độ tiểu cầu cao gấp 8 lần máu toàn phần, màu vàng nhạt và có độ tinh khiết 3,9+.
#PRP #Hỗn dịch kích hoạt tiểu cầu #Máu dây rốn
BÀO CHẾ VÀ ĐÁNH GIÁ HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA CAO KHÔ VỎ QUẢ MĂNG CỤT (GARCINIA MANGOSTANA L.) TẠI VIỆT NAM
Mục tiêu: Xây dựng quy trình bào chế cao vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.) (vỏ quả măng cụt - VMC) chứa hàm lượng polyphenol cao, đánh giá tác dụng kháng oxy hóa, ức chế enzyme α-glucosidase và khả năng kháng khuẩn gây mụn Propionibacterium acnes (P.acnes) của cao VMC. Phương pháp nghiên cứu: Vỏ quả măng cụt được làm sạch, phơi khô, xay nhỏ và chiết có hỗ trợ siêu âm với các thông số khảo sát: Dung môi, nhiệt độ, thời gian, tỷ lệ dược liệu/dung môi. Hoạt tính kháng oxy hóa được đánh giá bằng phương pháp bắt gốc tự do DPPH. Hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase được đánh giá bằng phương pháp sử dụng cơ chất pNPG (phương pháp tạo màu). Hoạt tính kháng khuẩn được đánh giá bằng phương pháp vi pha loãng nước dùng với chỉ thị resazurin (chất chỉ thị màu). Kết quả: Xây dựng được quy trình bào chế cao VMC giàu polyphenol (195,05 ± 4,01mg GAE/g) bằng phương pháp siêu âm với dung môi ethanol 80%, nhiệt độ 70°C, thời gian 150 phút, tỷ lệ dược liệu/dung môi 1/15 g/mL. Cao VMC có khả năng kháng oxy hóa và ức chế α-glucosidase với IC50 lần lượt là 35 µg/mL và 269,07 µg/mL. Thử nghiệm kháng khuẩn trên dòng P. acnes của cao VMC cho kết quả độ ức chế tối thiểu (Minimum inhibitory concentration: MIC) = 7,81 µg/mL và độ diệt khuẩn tối thiểu (Minimum bactericidal concentration: MBC) = 31,2 µg/mL. Kết luận: Nghiên cứu đã xây dựng quy trình bào chế cao VMC với hàm lượng polyphenol cao, đồng thời đánh giá tác dụng kháng oxy hóa, ức chế α-glucosidase và kháng khuẩn trên dòng P. acnes.
#Vỏ măng cụt #Garcinia mangostana L. #Polyphenol #Kháng oxy hóa #α-glucosidase #Propionibacterium acnes
NGHIÊN CỨU TỔNG HỢP MOLNUPIRAVIR TỪ CYTIDIN
Tạp chí Y - Dược học quân sự - - 2023
Mục tiêu: Tổng hợp molnupiravir từ cytidin ở quy mô phòng thí nghiệm bằng phương pháp đơn giản, không sử dụng sắc ký cột để tinh chế. Phương pháp nghiên cứu: Tổng hợp molnupiravir từ nguyên liệu ban đầu cytidin thông qua 4 giai đoạn phản ứng: Acetonid hóa cytidin tạo chất C1; Acyl hóa C1 tạo C2; Hydroxylamin hóa C2 tạo C3; Cuối cùng thủy phân C3 tạo molnupiravir. Tinh chế sản phẩm được thực hiện bằng các kỹ thuật cơ bản: Chiết phân bố, kết tinh, kết tủa, lọc, rửa. Cấu trúc các chất được khẳng định bằng các phương pháp phân tích phổ IR, MS và NMR. Kết quả: Hiệu suất các giai đoạn tổng hợp thu được như sau: 96,0% chất C1 từ cytidin; 90,6% chất C2 từ C1; 59,0% chất C3 từ C2; 44,6% sản phẩm cuối molnupiravir từ C3. Hiệu suất toàn quy trình là 22,9%, trong đó đã sử dụng phương pháp tinh chế các chất không sử dụng sắc ký cột, đạt tinh khiết theo sắc ký lớp mỏng và nhiệt độ nóng chảy. Cấu trúc các chất được khẳng định đầy đủ bằng các dữ liệu phổ. Kết luận: Trong nghiên cứu này chúng tôi đã tổng hợp thành công molnupiravir từ cytidin ở quy mô phòng thí nghiệm với quy trình tổng hợp đơn giản, an toàn và có tiềm năng áp dụng ở Việt Nam.
#COVID-19 #Cytidin #Molnupiravir #SARS-CoV-2
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ, LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ BỆNH SỐT RÉT TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN CẤP 1 VIỆT NAM TẠI PHÁI BỘ UNISFA (ABYEI)
Mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và kết quả điều trị bệnh sốt rét tại Bệnh viện Dã chiến cấp 1 Việt Nam thuộc phái bộ UNISFA (Abyei), đề xuất một số biện pháp nâng cao hiệu quả dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét tại Abyei. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 66 bệnh nhân (BN) được chẩn đoán sốt rét điều trị tại Bệnh viện Dã chiến cấp 1 Việt Nam từ tháng 5/2022 - 6/2023. Kết quả: BN là nam giới chiếm đa số (90,9%), nhóm 20 - 35 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (53,0%). Có 56 BN (84,8%) không uống thuốc dự phòng sốt rét. Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) không phải nhân viên y tế có tỷ lệ mắc sốt rét cao nhất với 45 BN (68,2%). Mùa dịch sốt rét diễn ra vào từ tháng 4 - 10 trong năm, đỉnh dịch vào tháng 6 với 28 BN (42,4%). Cơn sốt rét điển hình gặp ở 34 BN (51,5%). Xét nghiệm nhanh phát hiện ký sinh trùng sốt rét: 52 BN (78,8%) dương tính với Plasmodium falciparum, 14 BN (21,2%) dương tính với Plasmodium vivax. Kết quả điều trị: có 59 BN ổn định, 07 ca chuyển tuyến trên. Kết luận: Chẩn đoán sốt rét tại Abyei dựa vào tiền sử, dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm nhanh. Phần lớn các ca bệnh đáp ứng tốt với điều trị. Cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng sốt rét tại đơn vị, đồng thời trang bị đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị sốt rét và dự phòng sốt rét đối với Bệnh viện Dã chiến cấp 1 Việt Nam.
#Sốt rét #Abyei #Đội Công binh số 1 Việt Nam #Bệnh viện Dã chiến cấp 1
THE ASSOCIATION BETWEEN THE RISK OF FALLS AND CHARACTERISTICS OF GERIATRIC OSTEOPOROTIC PATIENTS
Tạp chí Y - Dược học quân sự - Tập 48 Số 4 - 2023
Objectives: To assess the association between the risk of falls and characteristics of geriatric osteoporotic patients at the National Geriatric Hospital. Subjects and methods: A cross-sectional descriptive study on 141 osteoporotic patients treated at the National Geriatric Hospital from August to October 2022. Results: Based on the FRI-21 questionnaire, more than half of patients (50,4%) had a high risk of falls, and 49.6% of those had a low risk of falls. The results showed that patients with impairment in activities of daily living (ADLs) and instrumental activities of daily living (IADLs) had a higher risk of falls than normal ones (p < 0.05). It also revealed the statistically significant difference between depression, the number of medications, and the risk of falls in older osteoporosis patients (p < 0.05). However, nutritional status, back pain, and level of pain had no statistically significant association with the risk of falls (p > 0.05). The use of multivariable regression showed factors associated with the risk of falls in older patients with osteoporosis such as heart failure (OR = 0.901. 95% CI: 0.835 - 0.973, p < 0.01), ADL and IADLs (OR = 4.510. p < 0.01), depression (OR = 3,537, p < 0.01), and the number of medications (OR = 2.931, p < 0.01). Conclusion: The risk of falls in older patients with osteoporosis following FRI-21 was 50.4%. Our study showed that the associated factors of the risk of falls in older patients with osteoporosis were heart failure, ADL and IADLs, depression, and the number of medications. Therefore, measures should be applied to prevent falls in these patients.
NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG BẢO VỆ TIM MẠCH CỦA S-PROPARGYL-CYSTEINE TRÊN CHUỘT CỐNG TRẮNG GÂY NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP
Mục tiêu: Đánh giá tác dụng bảo vệ tế bào cơ tim của S-propargyl-cysteine (SPRC) trên chuột cống trắng gây nhồi máu cơ tim cấp (NMCT). Phương pháp nghiên cứu: Chuột cống trắng được gây mô hình NMCT cấp bằng phương pháp thắt động mạch vành nhánh xuống trước bên trái. Tác dụng bảo vệ tim mạch của SPRC được đánh giá bằng phương pháp nhuộm màu TTC và các chỉ số CK, LDH. Cơ chế chống oxy hóa của SPRC được đánh giá thông qua các chỉ số SOD, CAT và MDA. Kết quả: Điều trị dự phòng bằng SPRC giúp làm giảm diện tích nhồi máu, giảm mức độ tổn thương cơ tim. Đồng thời SPRC làm tăng nồng độ SOD, CAT và giảm nồng độ MDA. Kết luận: SPRC chứng minh tác dụng bảo vệ tim mạch thông qua cơ chế chống oxy hóa trên mô hình NMCT cấp, tác dụng bảo vệ tim mạch của SPRC tương đương Captoril.
#S-propargyl-cysteine #Bảo vệ tim mạch #Nhồi máu cơ tim
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG Ở BỆNH NHÂN NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP CÓ ST CHÊNH LÊN NHẬP VIỆN MUỘN
Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân (BN) nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp có ST chênh lên nhập viện muộn. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu mô tả, cắt ngang, có đối chứng trên 44 BN NMCT cấp có ST chênh lên nhập viện muộn được chẩn đoán xác định và can thiệp động mạch vành (ĐMV) qua da tại Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 10/2019 - 7/2020. Kết quả: Tuổi trung bình 64,6 ± 12,6, tỷ lệ nam giới 79,5%, BN được vận chuyển bằng xe cứu thương 40,9%. Các yếu tố nguy cơ của NMCT như hút thuốc (68,2%), tăng huyết áp (36,4%). Triệu chứng đau ngực 100%; trong đó, 25,0% đau ngực không điển hình. Tổn thương thường gặp trên điện tâm đồ là NMCT thành trước 52,3% và sau dưới 43,2%. Tỷ lệ BN được vận chuyển bằng xe cứu thương thấp hơn so với nhóm nhập viện sớm (40,9%, 95,7%, p < 0,05). BN đau thắt ngực không điển hình nhiều hơn (25,0%; 2,1% p < 0,05); nồng độ Troponins và NT-proBNP cao hơn (p < 0,05). Kết luận: Các BN đều có yếu tố nguy cơ, đặc biệt là hút thuốc, tăng huyết áp; 40,9% BN được vận chuyển bằng xe cứu thương. Tất cả BN khởi phát có đau ngực, trong đó, 25,0% đau ngực không điển hình, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở hình thức vận chuyển, đau thắt ngực không điển hình, nồng độ Troponins và NT-proBNP cao hơn.
#NMCT cấp có ST chênh lên #Nhồi máu cơ tim nhập viện muộn #Hội chứng mạch vành cấp
ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ TIÊN LƯỢNG TỬ VONG CỦA THANG ĐIỂM SIC Ở BỆNH NHÂN SỐC NHIỄM KHUẨN
Mục tiêu: Đánh giá giá trị tiên lượng tử vong của thang điểm SIC (sepsis-induced coagulation) trong 7 ngày đầu ở bệnh nhân (BN) sốc nhiễm khuẩn (SNK). Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả trên 108 BN được chẩn đoán SNK, điều trị tại Bộ môn - Trung tâm Hồi sức cấp cứu, chống độc, Bệnh viện Quân y 103 từ tháng 4/2021 - 3/2023. Kết quả: Tỷ lệ BN có tình trạng SIC tăng từ 63,0% lên 78,6% trong 3 ngày đầu, rồi giảm dần, thấp nhất ở ngày thứ 7 (56,3%). Có tổng cộng 84,3% BN có tình trạng SIC. Tại ngày thứ 1, 3, 5 và 7, điểm SIC ở nhóm tử vong cao hơn nhóm sống (p < 0,05), đồng thời, điểm SIC có giá trị tiên lượng tử vong lần lượt ở mức yếu, khá tốt và tốt với AUC: 0,620; 0,710; 0,751 và 0,826; p < 0,01. Nhóm có tình trạng SIC có nguy cơ tử vong cao hơn nhóm không có SIC, với OR = 5,99 (95%CI: 1,8 - 19,9, p < 0,01). Kết luận: Tại ngày thứ 1, 3, 5 và 7, điểm SIC ở nhóm tử vong cao hơn so với nhóm sống, đồng thời, điểm SIC có giá trị tiên lượng tử vong lần lượt ở mức yếu, khá tốt và tốt. Tình trạng SIC là yếu tố có giá trị tiên lượng tử vong ở BN SNK.
#Rối loạn đông máu #Điểm SIC #Sốc nhiễm khuẩn
ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM, LONG ĐỜM CỦA BÀI THUỐC BỔ PHẾ ĐỊNH SUYỄN TRÊN MÔ HÌNH THỰC NGHIỆM
Mục tiêu: Đánh giá tác dụng chống viêm trên chuột cống trắng chủng Wistar và tác dụng long đờm trên chuột nhắt trắng chủng Swiss của bài thuốc Bổ phế định suyễn (BPĐS). Phương pháp nghiên cứu: Tác dụng chống viêm được đánh giá theo phương pháp của Winter và CS (1968), tác dụng long đờm được đánh giá theo Engler và Szelenyi (1984), liều dùng tính theo gram dược liệu khô. Kết quả: Ở liều thử nghiệm 18,2 g/kg/ngày và 36,4 g/kg/ngày, BPĐS thể hiện tác dụng chống viêm cấp tính trong mô hình phù chân chuột Wistar do Carrageenin gây ra, làm giảm phù chân. Ở liều 31,2 g/kg/ngày và 62,4 g/kg/ngày, BPĐS đã chứng minh tác dụng long đờm ở chuột nhắt trắng chủng Swiss được tiêm đỏ phenol vào màng bụng, làm tăng nồng độ đỏ phenol trong dịch rửa khí quản. Kết luận: Bài thuốc BPĐS có tác dụng chống viêm và tác dụng long đờm tốt trên động vật thực nghiệm.
#Bổ phế định suyễn #Tác dụng chống viêm #Tác dụng long đờm
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SỚM PHẪU THUẬT UNG THƯ BIỂU MÔ XOANG HÀM GIAI ĐOẠN I, II TẠI KHOA NGOẠI TAI MŨI HỌNG, BỆNH VIỆN K
Mục tiêu: Đánh giá kết quả sớm phẫu thuật ung thư biểu mô xoang hàm giai đoạn I, II. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả từng trường hợp, có can thiệp trên 31 bệnh nhân (BN) ung thư biểu mô xoang hàm giai đoạn I, II được phẫu thuật tại Khoa Ngoại Tai Mũi Họng, Bệnh viện K từ tháng 6/2021 - 6/2024. Kết quả: Tức nặng mặt chiếm 64,52%. Ung thư biểu mô vảy gặp chủ yếu (83,87%). Trong 2 ca mổ nội soi kết hợp mở cạnh mũi tổn thương ống lệ, 100% không cần đặt sonde ăn hay mở khí quản. Đối với 17 ca mổ đường Caldwell-Luc, 47,06% tổn thương ống lệ, 29,41% mở khí quản và đặt ống thông ăn kèm theo tạo hình, gồm 11,76% tạo hình trong mổ, 17,65% có vật liệu thay thế. Trong 12 ca mổ đường Weber Ferguson, 83,33% tổn thương ống lệ, 41,67% mở khí quản và đặt ống thông ăn, 75% tạo hình (50% thì 1; 8,33% thì 2; 16,67% dùng vật liệu thay thế). Biến chứng sau phẫu thuật nội soi là ngạt mũi, 2 đường mổ mở còn lại là ngạt/chảy mũi, ăn sặc, biến dạng mặt, tê bì mặt/môi. Kết luận: Ung thư biểu mô xoang hàm thường gặp nhất là ung thư biểu mô vảy với triệu chứng không đặc hiệu. Phẫu thuật trong giai đoạn sớm mang lại kết quả tốt, ít biến chứng và ít ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của BN.
#U xoang hàm #Ung thư biểu mô xoang hàm #Cắt xương hàm trên
Tổng số: 440
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 10