TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP
Công bố khoa học tiêu biểu
* Dữ liệu chỉ mang tính chất tham khảo
Sắp xếp:
NGHIÊN CỨU KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP GHÉP LOÀI GIỔI ĂN HẠT (Michelia tonkinensis A.Chev.)
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP - - 2021
Bài báo này trình bày tóm tắt những kết quả về chọn cây trội và thử nghiệm nhân giống bằng phương pháp ghép loài cây Giổi ăn hạt. Nghiên cứu đã tuyển chọn được 30 cây trội Giổi ăn hạt tại hai huyện Lạc Sơn và Kim Bôi tỉnh Hòa Bình làm nguồn cung cấp vật liệu cành ghép phục vụ nhân giống; đã thử nghiệm hai phương pháp ghép là ghép áp cạnh và ghép nêm; thử nghiệm hai loại cành để ghép là cành non và cành bánh tẻ; thử nghiệm loại gốc ghép ở hai độ tuổi là 12 tháng và 18 tháng tuổi; thử nghiệm các thời vụ ghép là vụ Đông, vụ Xuân, vụ Hè và vụ Thu. Mỗi công thức thí nghiệm gồm 50 cây, các công thức được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ và được lặp lại 3 lần. Các chỉ tiêu theo dõi, đánh giá gồm: Tỷ lệ sống (được thu thập ở các thời điểm sau khi ghép 30 ngày, 60 ngày, 90 ngày, và 120 ngày); sinh trưởng chiều cao chồi ghép (thu thập tại thời điểm sau ghép 30 ngày và 120 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng phương pháp ghép nêm, loại cành ghép là cành bánh tẻ, loại gốc ghép 12 tháng tuổi và ghép vào vụ Đông và vụ Xuân cho tỷ lệ cây sống sau ghép 120 ngày (cành ghép đã ổn định) cao nhất với tỷ lệ hom sống đạt 60,7 – 74,7%, chiều cao chồi ghép đạt 28,27 – 31,6 cm.
#cành ghép #cây trội #Giổi ăn hạt #gốc ghép #phương pháp ghép
THỰC VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA LOÀI GỤ MẬT (Sindora siamensis Teysm. ex Miq.) Ở RỪNG PHÒNG HỘ LÊ HỒNG PHONG, TỈNH BÌNH THUẬN
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP - Số 1 - Trang 010-016 - 2022
Rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, tỉnh Bình Thuận với diện tích 15.247 ha với hệ sinh thái chủ yếu là Kiểu rú kín lá cứng hơi khô nhiệt đới. Hệ thực vật ở đây khá đa dạng, kết quả nghiên cứu về các loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm tại khu rừng phòng hộ đã ghi nhận 34 loài trong đó có Gụ mật (Sindora siamensis Teysm. ex Miq.), họ Vang (Caesalpiniaceae). Gụ mật phân bố tự nhiên ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tại khu vực rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, tỉnh Bình Thuận thường gặp loài Gụ mật ở Kiểu rú kín lá cứng hơi khô nhiệt đới trong các sinh cảnh Rừng lùn trên cát và Ưu hợp cây họ Dầu trên cát. Gụ mật không phân bố ở sinh cảnh Đụn cát di động ven biển và sinh cảnh ven hồ nước ngọt. Chỉ gặp cây Gụ mật có kích thước nhỏ, cao dưới 6 m, đường kính dưới 30 cm. Cây có khả năng tái sinh chồi tốt sau khai thác, mùa hoa tháng 5 - 7 muộn hơn so với các nơi khác. Bài báo này giới thiệu kết quả nghiên cứu về một số đặc điểm sinh vật học và phân bố của loài làm cơ sở để bảo tồn và phát triển nguồn gen thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của rừng phòng hộ.
#bị đe dọa #đặc điểm sinh thái #Gụ mật #rừng phòng hộ Lê Hồng Phong
NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG HÀNG RAU QUẢ Ở VIỆT NAM
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP - Số 4 - Trang 124-132 - 2016
Cạnh tranh gay gắt khi chính thức tham gia TPP buộc Việt Nam phải có những thay đổi tích cực để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành rau quả nói riêng có được chỗ đứng. Những cải cách này phải bắt nguồn từ khâu cung ứng (cải cách phương thức sản xuất, công nghệ, bảo quản, tăng chất lượng) đến khâu xuất khẩu (phương thức tiếp thị, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng cường sản phẩm mới, tăng cường thương hiệu…) nhằm phát triển thị trường một cách bền vững và gia tăng giá trị cho các sản phẩm giúp ngành rau quả Việt Nam thoát khỏi hình ảnh “nông nghiệp giá rẻ”. Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển dồi dào và sự nỗ lực không ngừng của ngành rau quả, nhưng việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm rau quả Việt Nam hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Việc xây dựng và định hướng giải pháp nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm này sẽ là bước đi quan trọng góp phần đẩy nhanh hoạt động và trình độ tham gia sâu vào các thị trường quan trọng như FTA, TPP…
#Giá trị gia tăng #nông nghiệp #rau quả #TPP #xuất khẩu
NGHIÊN CỨU NHÂN GIỐNG CÂY HOÀN NGỌC TRẮNG (Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk.) BẰNG KĨ THUẬT NUÔI CẤY IN VITRO
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP - Số 2 - Trang 010-016 - 2023
Hoàn ngọc trắng (Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk.) là cây thuốc được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Kết quả nghiên cứu nhân giống cây hoàn ngọc trắng bằng kĩ thuật nuôi cấy in vitro cho thấy: khử trùng mẫu chồi bánh tẻ bằng dung dịch HgCl2 0,1% trong thời gian 9 phút, nuôi trên môi trường MS bổ sung 0,3 mg/l BAP, 20 g/l sucrose, 6,5 g/l agar cho tỉ lệ mẫu sạch tái sinh chồi là 86,67% sau 4 tuần nuôi cấy khởi động. Kích thích tạo đa chồi trên môi trường MS bổ sung 0,7 mg/l BAP, 0,3 mg/l kinetin, 30 g/l sucrose, 6,5 g/l agar cho hệ số nhân chồi đạt 5,33 lần/chu kỳ nhân (4 tuần), tỉ lệ chồi hữu hiệu đạt 96,3%. Môi trường MS bổ sung 0,5 mg/l NAA, 20 g/l sucrose và 6 g/l agar cho tỉ lệ chồi ra rễ đạt 98,89%, số rễ trung bình đạt 5,72 rễ/cây và chiều dài rễ trung bình đạt 4,07 cm. Cây hoàn ngọc trắng nuôi cấy in vitro hoàn chỉnh được huấn luyện 10 ngày trong nhà lưới cho thích nghi dần với điều kiện tự nhiên, cây được trồng trên giá thể 50% cát vàng - 50% đất tầng B đạt tỉ lệ sống 98,89%, chiều cao cây trung bình đạt 4,27 cm sau 4 tuần.
#đa chồi #hoàn ngọc trắng #in vitro #môi trường MS #Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk
Thiết lập quy trình cảm ứng tạo rễ tơ in vitro và chuyển gen ở Bạch đàn lai
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP - Tập 12 Số 4 - Trang 011-019 - 2023
Hiện nay, hệ thống cảm ứng tạo rễ tơ đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu về chức năng cũng như biểu hiện gen và chỉnh sửa hệ gen ở thực vật. Trong nghiên cứu này đã thiết lập được một quy trình hiệu quả cho cảm ứng tạo rễ tơ in vitro và chuyển gen ở giống bạch đàn lai UP54 sử dụng vi khuẩn Agrobacterium rhizogenes. Ảnh hưởng của một số yếu tố bao gồm môi trường nền, điều kiện chiếu sáng, chủng vi khuẩn, loại vật liệu, mật độ vi khuẩn, thời gian lây nhiễm và thời gian đồng nuôi cấy tới hiệu quả tạo rễ tơ và chuyển gen đã được đánh giá. Kết quả thu được cho thấy, hiệu quả cảm ứng tạo rễ tơ cao nhất được ghi nhận khi các đoạn thân được lây nhiễm với dịch huyền phù của chủng vi khuẩn ATCC 15834 ở mật độ OD600nm là 0,3 trong thời gian 20 phút, đồng nuôi cấy trong 3 ngày trước khi chuyển sang môi trường MS với ½ thành phần muối đa lượng và đặt trong điều kiện tối. Tỉ lệ chuyển gen thông qua rễ tơ đạt giá trị cao nhất là 26,67%. Các dòng rễ tơ chuyển gen được kiểm chứng thông qua phương pháp nhuộm X-Gluc và PCR với cặp mồi đặc hiệu của gen gus intron và rolD. Kết quả này là tiền đề cho việc kiểm tra nhanh chóng hiệu quả hoạt động của cấu trúc chuyển gen và chỉnh sửa gen ở bạch đàn trong các nghiên cứu tiếp theo.
#Agrobacterium rhizogenes #bạch đàn lai UP #chuyển gen #gus #rễ tơ
Kết quả đăng ký biến động đất đai tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2021
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP - Tập 12 Số 4 - Trang 157-167 - 2023
Kết quả nghiên cứu cho thấy giai đoạn 2019-2021 tại thành phố Biên Hòa có tổng số biến động là 131.067 hồ sơ. Trong đó số hồ sơ biến động thế chấp, xóa thế chấp là nhiều nhất với tổng số 66.641 hồ sơ, tiếp đến là biến động do thực hiện chuyển quyền sử dụng đất (với 33.823 hồ sơ) và một số biến động khác như biến động do chuyển mục đích sử dụng đất, biến động do Nhà nước thu hồi đất để phục vụ cho việc xây dựng các dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương… Quá trình thực hiện đăng ký biến động tại thành phố Biên Hòa được đánh giá thông qua ý kiến của người sử dụng đất đến thực hiện các thủ tục đăng ký biến động có sự khác nhau giữa các chỉ tiêu. Về thủ tục hành chính được đánh giá chủ yếu là bình thường (trên 50%). Về các văn bản pháp luật liên quan được người sử dụng đất đánh giá là biết 1 phần (chiếm 55%) và hầu hết nguồn thông tin đều được tra cứu trên mạng (chiếm 45%) hoặc tại Văn phòng Đăng ký đất đai (35%). Về cơ sở hạ tầng được đánh giá tốt (chiếm 70) còn phí và lệ phí được đánh giá là cao và bình thường (với tỷ lệ bằng nhau 40%). Ngoài ra, đánh giá về cán bộ chuyên môn được người sử dụng đất đánh giá không có trường hợp nào là kém. Hơn nữa, quá trình thực hiện đăng ký biến động còn tồn tại một số những hạn chế cần khắc phục để hoàn thiện công tác đăng kí biến động đất đai trên địa bàn thành phố Biên Hòa.
#biến động sử dụng đất #đăng kí biến động #hồ sơ #thành phố Biên Hòa
ỨNG DỤNG KỸ THUẬT NUÔI CẤY IN VITRO TRONG NHÂN GIỐNG CÂY GỪNG GIÓ (Zingiber zerumbet)
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP - Số 6 - Trang 010-016 - 2018
Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy in vitro trong nhân giống loài Gừng gió (Zingiber zerumbet) đã được nghiên cứu thành công. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sát khuẩn bề mặt chồi bằng cồn 70% trong 1 phút, khử trùng bằng dung dịch HgCl2 0,1% trong 9 phút và nuôi mẫu trên môi dinh dưỡng MS bổ sung 0,2 mg/l BAP và 30 g/l sucrose, cho tỷ lệ mẫu sạch 76,98%, tái sinh chồi 75,64%, chồi vươn cao, thân và lá xanh đậm. Cảm ứng tạo đa chồi trên môi trường khoáng MS bổ sung 1,2 mg/l BAP; 0,5 mg/l Kinetin; 0,2 mg/l NAA và 30 g/l sucrose, cho tỷ lệ mẫu tạo cụm chồi 100% với hệ số nhân đạt 4,08 lần/chu kỳ, sau 5 tuần nuôi cấy. Chồi ra rễ 100%, số rễ trung bình 5,7 rễ/cây và chiều dài rễ trung bình 5,05 cm khi nuôi trên môi trường khoáng MS bổ sung 0,2 mg/l NAA và 30 g/l sucrose sau 5 tuần nuôi cấy. Cây con hoàn chỉnh được huấn luyện và chuyển ra trồng trên giá thể 50% đất, 25% trấu hun và 25% bột xơ dừa, cho tỷ lệ sống đạt 95,78%. Quy trình vi nhân giống này có thể áp dụng để sản xuất hàng loạt cây giống Gừng gió chất lượṇg tốt, đáp ứng nhu cầu nguồn giống cho thị trường.
#Cây Gừng gió #cụm chồi #nhân nhanh #nuôi cấy mô #vi nhân giống #Zingiber zerumbet
HOÀN THIỆN QUY TRÌNH NHÂN GIỐNG CÂY KHÔI TÍA (Ardisia sylvestris Pitard) BẰNG KỸ THUẬT NUÔI CẤY IN VITRO
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP - Số 1 - Trang 025-031 - 2019
Khôi tía (Ardisia sylvestris Pitard) là loài cây dược liệu có giá trị dược lý cao hiện đang bị khai thác quá mức dẫn đến nguồn gen bị cạn kiệt. Hoàn thiện quy trình nhân giống cây Khôi tía bằng phương pháp nuôi cấy in vitro đã được nghiên cứu thành công. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sát khuẩn bề mặt chồi non bằng ethanol 70% trong 1 phút, khử trùng bằng dung dịch HgCl2 0,1% trong 8 phút và nuôi cấy trên môi trường dinh dưỡng cơ bản MS (Murashige and Skoog, 1962) bổ sung 0,2 mg/l BAP, cho tỷ lệ mẫu sạch là 80,92%, cảm ứng tạo đa chồi trên môi trường MS bổ sung 1 mg/l BAP, 0,3 mg/l Kinetin, 0,1 mg/l NAA, 30 g/l sucrose và 7 g/l agar cho tỷ lệ mẫu tạo cụm chồi 99,31% với chiều cao chồi trung bình 3,7 cm và hệ số nhân đạt 9,13 lần/chu kỳ nhân giống sau 4 tuần nuôi cấy. Tỷ lệ chồi ra rễ 97,63%, số rễ trung bình đạt 4,45 rễ/cây và chiều dài rễ trung bình 3,25 cm khi nuôi trên môi trường MS bổ sung 0,5 m/l NAA, 20 g/l sucrose và 7 gr/l agar sau 4 tuần nuôi cấy. Quy trình nhân giống thành công có ý nghĩa lớn trong bảo tồn và phát triển loài cây dược liệu quý, đồng thời có thể áp dụng vào thực tiễn phục vụ sản xuất cây giống Khôi tía chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn cây giống hiện nay.
#Ardisia sylvestris #cảm ứng tạo đa chồi #cây Khôi tía #nuôi cấy in vitro
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM LÂM HỌC CỦA LOÀI VÙ HƯƠNG (Cinnamomum balansae Lecomte) TẠI VƯỜN QUỐC GIA BẾN EN
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP - - 2016
Vù hương (Cinnamomum balansae Lecomte ) là cây gỗ lớn thường xanh, thuộc họ Long não (Lauraceae) có phạm vi phân bố hẹp, đã tìm thấy ở Ba Vì, Cúc Phương và Bến En. Kết quả điều tra tại Vườn quốc gia Bến En – Thanh Hóa cho thấy, Vù hương phân bố rải rác ở khu vực núi đất từ độ cao 50 m trở xuống, địa hình tương đối bằng phẳng, không có sự chia cắt lớn, độ dốc từ 100 - 250, thuộc loại đất Feralit màu nâu vàng phát triển trên nhóm thạch sét, độ dầy tầng đất lớn, thành phần cơ giới chủ yếu là thịt nặng và sét, trong các trạng thái rừng IIb, IIIa1, IIIa2 tại khu vực Xuân Bái, Sông Chàng, Đồng Thổ (TK 616, 619 và 634A) có diện tích 2.781,62 ha. Thành phần loài ở các trạng thái rừng có Vù hương phân bố rất đa dạng nhưng số lượng cá thể Vù hương không nhiều nên hệ số tổ thành không cao, không có vai trò kiến tạo hoàn cảnh rừng. Trong tất cả các trạng thái rừng được điều tra không thấy xuất hiện cây Vù hương tái sinh tự nhiên cho thấy Vù hương là loài đang đối diện với nguy cơ bị đe dọa cao, vì vậy cần phải có ngay những công trình nghiên cứu và giải pháp để bảo tồn, phát triển loài Vù hương tại vùng phân bố của chúng.
#Bến En #cấu trúc #phân bố #tổ thành #Vù hương
ĐÁNH GIÁ ĐA DẠNG DI TRUYỀN MỘT SỐ MẪU GIỐNG LÚA BẰNG CHỈ THỊ MICROSATELLITE
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP - Số 4 - Trang 003-009 - 2018
Chỉ thị phân tử là công cụ hữu ích để đánh giá đa dạng di truyền, xác định và nhận diện giống cây trồng. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá đa dạng di truyền của 85 mẫu giống lúa được thu thập bởi Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gen cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam bằng 20 chỉ thị phân tử SSR. Kết quả cho thấy, 18 chỉ thị cho các băng DNA đa hình tại 18 locus, thu được 80 allele khác nhau, số allele dao động từ 2 - 6 allele/locus, số allele trung bình đạt 4,44 allele/locus. Tỉ lệ dị hợp của các mẫu nghiên cứu dao động từ 3,3 - 60%. Phân tích số liệu thu được cũng cho thấy sự đa dạng lớn trong tập đoàn nguồn gen đã thu thập, với hệ số tương đồng di truyền từ 0,65 đến 0,95. Ở mức tương đồng di truyền 0,65 tập đoàn giống lúa nghiên cứu phân thành 2 nhóm chính với khoảng cách di truyền giữa 2 nhóm là 35%. Các số liệu thu được trong nghiên cứu này cung cấp những thông tin quan trọng cho công tác chọn tạo giống lúa mới.
#Đa dạng di truyền #lúa #SSR #tỉ lệ dị hợp
Tổng số: 13
- 1
- 2