TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG

Công bố khoa học tiêu biểu

* Dữ liệu chỉ mang tính chất tham khảo

Sắp xếp:  
Đề xuất các mô hình máy học ước tính khối lượng vật tư trong giai đoạn ý tưởng dự án
TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG - Tập 12 Số 05 - 2022
Nguyễn Ngô Luân, Phạm Vũ Hồng Sơn
Chi phí dự án trong giai đoạn ý tưởng có vai trò quan trọng đến sự thành công của một dự án xây dựng. Các mô hình chi phí trong giai đoạn này thường chưa chi tiết hóa các chi phí vật tư, máy móc thiết bị, nhân công. Điều này đã làm các nhà quản lý dự án chưa chủ động dự trù các nguồn lực ngay từ ban đầu. Đặc biệt chi phí vật tư thường chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí xây dựng các dự án dân dụng. Các nghiên cứu về ước tính khối lượng vật tư trước đây chỉ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực : giao thông, dự án năng lượng, … các mô hình ước tính khối lượng trong các dự án dân dụng còn hạn chế và sử dụng các phần mềm tương đối khó tiếp cận cho nhiều người trong ngành xây dựng. Bằng việc sử dụng phần mềm Weka, nghiên cứu này sẽ đề xuất các thuật toán máy học phù hợp để xây dựng mô hình ước tính khối lượng vật tư cho các dự án dân dụng kết cấu bê tông cốt thép. Kết quả dự đoán từ mô hình đề xuất sẽ được xếp hạng nhằm đề xuất các thuật toán phù hợp cho việc khai thác các mô hình bê tông, ván khuôn, cốt thép cho các cấu kiện : móng, cột, dầm và sàn.
#Thuật toán máy học #Weka #Bê tông cốt thép #Ước tính khối lượng vật tư
Đánh giá công nghệ xử lý VOC và mùi trong ngành công nghiệp sơn phủ
TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG - Tập 13 Số 04 - 2023
Lê Thị Song, Chiến Lê Cao, Nguyễn Huy Biển, Trần Thị Phương Thúy, Nguyễn Hồng Quang
Trong quá trình sơn, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) từ dung môi sơn được thải ra khí quyển. Hầu hết lượng khí thải VOC đến từ hoạt động phun sơn thông qua việc sử dụng sơn gốc dung môi. Các VOC bao gồm các hydrocacbon thơm và béo, xeton, este, rượu và glycolethers. Các VOC ưa nước được giữ lại trong nước, và hầu hết các VOC kị nước được thu giữ bởi một hệ thống xử lý. Trong bài viết này, các quy trình công nghệ liên quan đến kiểm soát VOC và mùi trong ngành sơn phủ được đánh giá. Các chủ đề sau được xem xét trong bài viết: tổng quan về phát thải VOC trong ngành sơn, bản chất của VOC, các công nghệ kiểm soát VOC và mùi (hấp phụ, ngưng tụ, công nghệ oxy hóa, công nghệ hấp thụ), đánh giá các công nghệ xử lý và đề xuất công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện kinh tế kỹ thuật của Việt Nam.  
#Phát thải VOC #Kiểm soát mùi #Dung môi sơn #Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi #Hấp thụ
So sánh phương pháp dầm và phương pháp giàn trong tính toán dầm cao bê tông cốt thép
TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG - Tập 12 Số 01 - 2022
Nguyễn Hữu Anh Tuấn, Phùng Quốc Việt
Dầm cao có tỷ lệ giữa chiều cao và chiều dài nhịp lớn hơn nhiều so với các dầm thông thường, chẳng hạn như dầm chuyển chịu tải trọng từ các cột tầng trên. Yêu cầu quan trọng trong thiết kế dầm cao bê tông cốt thép là đảm bảo khả năng chịu cắt. Bên cạnh đó, dầm cao cần được thiết kế kháng uốn và chịu lực cục bộ tại các vùng có lực tập trung. Dầm cao có thể được thiết kế bằng phương pháp giàn ảo, trong đó kết cấu dầm được thay thế bằng các thanh chống chịu nén và thanh giằng chịu kéo liên kết với nhau tại các nút để truyền lực. Thiết kế kháng uốn cho dầm cao còn có thể được thực hiện đơn giản như đối với dầm thông thường với cánh tay đòn mô men được hiệu chỉnh để kể đến sự phân bố phi tuyến của biến dạng dọc trục. Bài báo này khảo sát các dầm cao có tỷ lệ nhịp trên chiều cao thay đổi từ 1 đến 3. Diện tích cốt thép xác định từ các mô hình giàn ảo được so sánh với kết quả tính theo dầm thông thường hoặc theo dầm có cánh tay đòn mô men được hiệu chỉnh. Từ đó, bài báo đánh giá ảnh hưởng của tỷ lệ nhịp trên chiều cao đến kết quả của các phương pháp thiết kế dầm cao.
#Dầm cao #Phá hoại cắt #Giàn ảo #Chống và giằng #Cánh tay đòn
Đánh giá sự thay đổi diện tích bề mặt không thấm của khu vực thành phố Thanh Hóa bằng chỉ số đất xây dựng NDBI
TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG - Số 3 - Trang Trang 67 - Trang 70 - 2021
Tạ Quốc Trung, Lê Kim Thư
Quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong sử dụng đất khu vực đô thị, trong đó có sự mở rộng diện tích bề mặt không thấm. Bài báo này trình bày kết quả đánh giá sự thay đổi diện tích mặt không thấm khu vực thành phố Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2021 từ dữ liệu ảnh vệ tinh Sentinel 2 MSI. 02 cảnh ảnh vệ tinh Sentinel 2 MSI chụp ngày 21-12-2015 và 13-01-2021 được sử dụng để tính chỉ số đất xây dựng NDBI, sau đó phân loại bề mặt không thấm bằng phương pháp phân ngưỡng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, diện tích bề mặt không thấm tại thành phố Thanh Hóa có sự gia tăng nhanh chóng sau 5 năm, từ 1021,89 ha lên 1840,02 ha. Kết quả nhận được trong nghiên cứu cung cấp nguồn thông tin khách quan phục vụ công tác quy hoạch và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai khu vực đô thị.
#mặt không thấm #viễn thám #Sentinel 2 MSI #NDBI #thành phố Thanh Hóa
Nghiên cứu thực nghiệm một số tính chất của bê tông rỗng sử dụng vật liệu nhiễm mặn
TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG - Tập 11 Số 05 - Trang Trang 42 - Trang 48 - 2021
Nguyễn Tuấn Trung, Nguyễn Văn Đồng
Bê tông rỗng có hệ thống lỗ rỗng hở thông nhau, chúng giúp nước dễ dàng thấm qua khi có mưa, đây là loại bê tông được ứng dụng nhiều trong các đô thị nhằm giảm hiện tượng ngập úng cục bộ. Với đặc điểm rỗng chúng cũng có thể được ứng dụng làm các công trình ven biển, hải đảo như đường bao, kết cấu giảm sóng. Tuy nhiên, ở các vùng đó thường rất khó khăn về nguyên liệu chế tạo như cát, nước. Trong bài báo này chúng tôi xin giới thiệu bê tông rỗng được chế tạo từ đá dăm có kích thước hạt từ 5 đến 10 mm, hỗn hợp chất kết dính gồm 60 % xi măng + 10 % silica fume (SF) + 30 % xỉ lò cao nghiền mịn (GBFS), cát biển, nước biển Hải Phòng kết hợp với phụ gia siêu dẻo, với 3 độ rỗng thiết kế là 15 %; 20 % và 25 %, sử dụng cát biển với các hàm lượng 4 %; 7 % và 10 %. Các kết quả đã đánh giá được ảnh hưởng của độ rỗng, hàm lượng cát tới một số tính chất của bê tông rỗng như độ rỗng, khối lượng thể tích, cường độ, hệ số thoát nước.
#Bê tông rỗng #Độ rỗng #Xỉ lò cao nghiền mịn (GBFS) #Silica fume (SF) #Cát biển #Nước biển
MỐI QUAN HỆ GIỮA KHẢ NĂNG BẢO VỆ CHỐNG ĂN MÒN VÀ CHỊU BONG TRÓC CATỐT CỦA MÀNG SƠN EPOXY-PHỐT PHÁT KẼM
TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG - Tập 13 Số 03 - 2023
Vũ Phạm Gia, Thắng Đàm Xuân, Thủy Thái Thu, Trúc Trịnh Anh, Thùy Phạm Thu , Oánh Vũ Kế, Dương Nguyễn Thùy, Linh Phạm Đức
Tóm tắt:Màng sơn epoxy với tỉ lệ phốt phát kẽm [Zn3(PO4)2] thay đổi từ 0, 10, 20 và 30% được chế tạo và nghiên cứu độ bám dính ướt, tính chất bảo vệ chống ăn mòn và khả năng chịu bong tróc catốt. Tính chất bảo vệ chống ăn mòn của màng sơn được khảo sát và đánh giá bằng các phương pháp tổng trở điện hóa và phương pháp thử nghiệm mù muối. Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tỉ lệ phốt phát kẽm 20 và 30% làm gia tăng vai trò chống ăn mòn, gia tăng độ bám dính ướt và chống bong tróc do dòng bảo vệ catốt đối với màng sơn epoxy. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khả năng ức chế chống ăn mòn của phốt phát kẽm có liên quan đến khả năng chống bong tróc catốt do hình thành phức chất làm giảm dòng bảo vệ catốt tại các vị trí khuyết tật của màng sơn.
#Sơn epoxy #Phốt phát kẽm #Bong tróc catot #Chống ăn mòn
Mô hình phần tử hữu hạn của sàn phẳng bê tông cốt thép chịu uốn và xoắn có kể đến tính phi tuyến của vật liệu
TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG - Số 04 - Trang Trang 43 - Trang 47 - 2021
Nguyễn Mai Chí Trung
Bài báo này trình bày kết quả phân tích các mô hình thí nghiệm sàn phẳng bê tông cốt thép chịu uốn và xoắn, các mô hình vật liệu thường dùng trong phân tích phi tuyến, từ đó xây dựng mô hình phần tử hữu hạn để mô phỏng sự làm việc của sàn có kể đến yếu tố phi tuyến vật liệu. Ứng xử của sàn từ lúc sàn chịu tải trọng tác dụng cho đến lúc sàn bị phá hoại được trình bày thông qua quan hệ tải trọng - độ võng, đồng thời độ cứng chống xoắn của sàn cũng được xác định.
#PTHH #Xoắn #Phân tích phi tuyến #Sàn BTCT
Xây dựng quy trình thực hiện dự án Scan to BIM và ứng dụng vào case study
TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG - Tập 13 Số 01 - Trang Trang 95 - Trang 101 - 2023
Trần Đức Học, Vũ Xuân Lâm, Nguyễn Anh Thư
Bên cạnh ứng dụng BIM thì Scan to BIM cũng mang lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực xây dựng. Các quy trình thực hiện Scan to BIM mà các nghiên cứu hiện nay đang hướng tới hiện đang còn ở mức tổng quan hoặc đi sâu vào quy trình sử dụng thiết bị, phần mềm mà chưa đề cập tới khái niệm LOA (level of accuracy – mức độ chính xác), chưa có một quy trình tổng quát cho quá trình thực hiện dự án Scan to BIM. Dự án ở đây đi từ các công tác chuẩn bị, lên kế hoạch, thực hiện tại hiện trường và xử lý dữ liệu, bàn giao cho khách hàng, chủ đầu tư. Qua đó, giúp người đọc hình dung được những khái niệm cơ bản cần phải nắm khi thực hiện một dự án Scan to BIM, cũng như làm tài liệu giúp các tổ chức, doanh nghiệp có thể tham khảo nếu muốn phát triển hay áp dụng Scan to BIM. Từ đó, nghiên cứu ứng dụng thực tiễn quy trình đề xuất cho một dự án nhằm đánh giá tính khả thi và hiệu quả của quy trình.
Một số vấn đề về quy hoạch không gian ngầm cho phát triển đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh
TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG - Tập 13 Số 01 - Trang Trang 108 - Trang 111 - 2023
Trần Quang Phú, Trần Minh Cường
Với sự phát triển của đô thị cùng với tiến bộ của khoa học công nghệ, không gian dưới lòng đất có thể sử dụng với nhiều chức năng và mục đích khác nhau (như thương mại, dịch vụ, công cộng, hạ tầng kỹ thuật…), và các công trình này được liên kết chặt chẽ với nhau và với công trình, cơ sở vật chất bên trên bề mặt đất. Quy hoạch không gian ngầm là tổ chức không gian xây dựng dưới mặt đất để xây dựng các công trình bao gồm: Công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật. Bài báo trình bày một số vấn đề về quy hoạch không gian ngầm cho phát triển đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.
#Quy hoạch không gian ngầm #Không gian ngầm đô thị #Không gian ngầm tại TP.HCM
Ứng xử của dầm bê tông cốt thép tái chế có sử dụng phụ gia tro bay được gia cường bằng CFRP
TẠP CHÍ VẬT LIỆU & XÂY DỰNG - Tập 13 Số 01 - Trang Trang 77 - Trang 81 - 2023
Nguyễn Thanh Hưng, Nguyễn Sỹ Hùng, Lê Phạm Thanh Khương, Vương Hoàng Thạch
Bê tông cốt thép tái chế là giải pháp hữu hiệu và khả thi nhất để giải quyết vấn đề chất thải xây dựng. Hiện nay, đề tài đang được sự quan tâm bởi các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhất là trong trong thời kì cạn kiệt nguồn cốt liệu tự nhiên hiện nay. Các bãi chôn lắp chất thải xây dựng cũng dần thu hẹp. Vì thế, việc tái chế rác thải xây dựng cần phải được nghiên cứu nhiều hơn, tạo tiền đề và cơ sở khoa học cho việc ứng dụng bê tông tái chế. Bài báo thể hiện và phân tích kết quả thí nghiệm thu được từ 4 mẫu dầm BTCT có kích thước 200×300×1800 mm. Trong đó, 03 dầm sử dụng cốt liệu tái chế và 01 dầm sử dụng cốt liệu tự nhiên. Các dầm dùng cốt liệu tái chế tương ứng 30%, 50%, 70% và tro bay 30% cho các dầm. Gia cường dầm bằng tấm CFRP, thực hiện thí nghiệm uốn ba điểm để xác định mối quan hệ giữa tải trọng và độ võng của mẫu thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm cho phép phân tích đánh giá ứng xử uốn của dầm bê tông cốt thép sử dụng cốt liệu bê tông tái chế có phụ gia tro bay được gia cường kháng uốn bằng phương pháp dán tấm sợi CFRP.
#Bê tông tái chế #Tro bay #Dầm bê tông cốt thép #Tấm CFRP #Gia cường
Tổng số: 299   
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 10