Đặc điểm lâm sàng, độ nhạy kháng sinh và kết quả điều trị bệnh Whitmore ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương Việt Nam

Lê Thị Yên1, Nguyễn Văn Lâm1, Hoàng Thị Bích Ngọc1, Trần Minh Vương1, Đào Hữu Nam1, Nguyễn Sỹ Đức2

Tóm tắt

Bệnh Whitmore, còn được gọi là bệnh Melioidosis, là một nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkhoderia pseudomallei (B. pseudomallei) gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi vùng miền trên toàn quốc. Hiện tại, ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu đầy đủ về tình hình bệnh Whitmore ở trẻ em. Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, độ nhạy kháng sinh và kết quả điều trị của bệnh nhân Whitmore. Đối tượng và phương pháp: Một nghiên cứu hồi cứu, mô tả chuỗi ca bệnh, chọn tất cả các bệnh nhân nhi từ 1 tháng đến 15 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ 1/2016 đến 01/2021. Kết quả: 39 trẻ Whitmore đã được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong 5 năm. Trong đó, trẻ ≤ 5 tuổi có 25 bệnh nhân (64,1%), trên 5 ≤ 10 tuổi có 11 bệnh nhân (28,2%); trên 10 tuổi có 3 bệnh nhân (7,7%). Áp xe góc hàm là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất (64,1%); tiếp theo là nhiễm trùng huyết (20,5%); Viêm da, viêm màng não, viêm phế quản và viêm xương tủy xương. Mẫu bệnh phẩm dương tính với B. pseudomallei chủ yếu là áp xe mủ trong 24/29 bệnh nhân. Tỷ lệ độ nhạy của vi khuẩn đối với một số kháng sinh thông dụng là ceftazidime (74%), imipenem (100%) và meropenem (100%), amoxicillin/clavulanic (65,7%), trimethoprim (54,5%). Số bệnh nhân tử vong là 5/39 (12,8%). Kết luận: Bệnh Whitmore có tổn thương khu trú hoặc lan tỏa, biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là áp xe góc hàm, 100% nhạy cảm với meropennem, imipenem và chỉ 74,2% nhạy cảm với ceftazidime.

Từ khóa

#Whitmore #áp xe hạch góc hàm #B. pseudomallei