Khảo sát ảnh hưởng của cát thải từ cát xây tô tại công trường đến độ lưu động và cường độ của vữa xây dựng

Tóm tắt

Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, nguồn cát sông thiên nhiên ngày càng cạn kiệt bên cạnh các tác động bất lợi đến môi trường của việc khai thác cát sông. Trong khi đó, một lượng cát thải (khoảng 4%) từ cát xây tô được loại bỏ trước khi sử dụng cho vữa xây tô và hoàn thiện tại công trường. Việc tái sử dụng cát thải này để thay thế cát sông thiên nhiên vào trong xây dựng góp phần đem lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Do đó, nghiên cứu này tập trung vào việc khảo sát ảnh hưởng của việc thay thế cát xây tô bằng cát thải từ 25, 50, 75 đến 100% đến các tính chất kỹ thuật của vữa xây dựng với tỷ lệ nước/xi măng là 0,5 và tỷ lệ cốt liệu nhỏ/xi măng là 3. Kết quả thực nghiệm đã chỉ ra rằng việc sử dụng cát thải từ 25–100% đã làm giảm độ lưu động của vữa tươi từ 2,94–35,29%, cường độ chịu kéo khi uốn từ 5,94–18,13% và cường độ chịu nén từ 5,17–24,10% của vữa ở độ tuổi 28 ngày. Kết luận rằng, việc thay thế cát xây tô bằng 25% cát thải đem lại hiệu quả trong việc ứng dụng chế tạo và sản xuất vữa xây tô và hoàn thiện vì vẫn đảm bảo độ lưu động và cường độ của vữa theo TCVN 4314:2022.

Từ khóa

#Cát thải #Cường độ chịu nén #Cường độ chịu kéo khi uốn #Độ lưu động #Vữa xây dựng

Tài liệu tham khảo